Gương sáng Pháp luật

Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Công ty Trầm hương Khánh Hòa: “Trường Sa có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm kinh tế trên biển”

(PLVN) - Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định: “Tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ dân sự, du lịch biển, đảo, phát triển ngư nghiệp để xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước”. Chung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tưởng- Chủ tịch Công ty Trầm hương Khánh Hòa, người đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu vấn đề kinh tế biển dưới góc nhìn của doanh nhân và trong chuyến thăm Trường Sa mới đây, đã được trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo”
Ông Nguyễn Văn Tưởng
Ông Nguyễn Văn Tưởng

PV: Ông đánh giá thế nào về Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, trong đó khẳng định ”xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội của cả nước”?

Ông Nguyễn Văn Tưởng: Đây là một quyết sách lớn, đúng và trúng, thể hiện sự đánh giá cao của Bộ Chính trị đối với vai trò vị trí, tiềm năng to lớn của huyện đảo Trường Sa đối với Khánh Hòa và cả nước.

Ngày 31/3/2022, Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh phải xây dựng Trường Sa thành trung tâm kinh tế biển.

Tôi vừa có chuyến đi Trường Sa cùng đoàn đại biểu của tỉnh Khánh Hòa, tôi cảm nhận được sự vui mừng của người dân và chiến sĩ ở đây về chủ trương lớn này của Đảng và Chính phủ.

Việt Nam có hàng triệu cây số vuông biển và rất nhiều đảo, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có tiềm năng kinh tế vô cùng to lớn để trở thành trung tâm kinh tế trên biển. Từ xưa, cha ông chúng ta đã có nhiều phương thức để khai thác hải sản và khẳng định chủ quyền.

Giờ đây, trong thời đại mới, chúng ta cần có chiến lược phát triển kinh tế biển một cách bài bản, hiệu quả. Muốn vậy, theo tôi, trước hết phải coi trọng khâu quy hoạch. Chúng ta chưa có quy hoạch biển, đặc biệt là những vấn đề quy hoạch quần đảo Trường Sa.

Cần cụ thể hóa từng đảo, phải chỉ ra được từng đảo có đặc điểm gì về mặt kết cấu địa chất, thủy văn, sinh học... Khi thăm quần đảo Trường Sa, tôi chưa thấy chúng ta lập được quy hoạch này.

Chúng ta có chủ trương đưa dân ra quần đảo Trường Sa lập nghiệp, tạo thành một cộng đồng cư dân, phát triển đời sống kinh tế, văn hóa trên biển. Có thể coi Trường Sa như một trung tâm kinh tế mới. Ở góc độ này cần học tập bài học của Tây Nguyên. Sau khi giải phóng Tây Nguyên, chúng ta đã có những binh đoàn và nhiều người dân ở các địa phương khác tình nguyện đến Tây Nguyên khai phá những vùng đất hoang hóa, sản xuất lương thực, thực phẩm, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Nhưng để xây dựng Trường Sa thành trung tâm kinh tế, tôi xin quay lại vấn đề quy hoạch, trước hết phải quy hoạch được không gian sống phù hợp với đời sống của cư dân, thu hút người dân ra với biển đảo.

Quy hoạch còn phải lựa chọn những ngành nghề phù hợp, chỉ có ở đảo mới làm được nghề đó, sản xuất ra những sản phẩm đó. Những cư dân ở đảo cần tinh thông nghề biển. Ra biển không thể mang tâm thế ở đồng bằng, chuẩn bị cho một tinh thần làm kinh tế trên biển, chinh phục biển.

PV: Theo ông, cần đầu tư những gì để xây dựng Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế?

Ông Nguyễn Văn Tưởng: Chúng ta đã quan tâm đầu tư cho biển đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa, nhưng so với đòi hỏi của thực tế thì còn thiếu. Chẳng hạn như các cơ sở hạ tầng về điện. Hiện nay đã có công nghệ đầu tư điện từ điện gió, điện mặt trời và các dòng hải lưu. Chúng ta chọn những nhà đầu tư đủ lực để đưa những công nghệ phù hợp nhất ra đảo sản xuất điện. Làm sao để buổi tối các đảo của chúng ta phải sáng rực lên. Làm sao đủ điện để phục vụ đời sống quân và dân trên đảo.

Bên cạnh đó, chúng ta phải nghiên cứu để đưa những giống vật nuôi, cây trồng phù hợp, phủ xanh các hòn đảo. Mặc dù trên đảo đã có nhiều cây xanh, nhưng đảo không chỉ cần màu xanh, mà cây cần có giá trị dinh dưỡng, giá trị cảnh quan, môi trường. Muốn vậy, phải nghiên cứu chất đất.

Trong đất liền, chúng ta đang đốt đi nhiều rơm rạ, khói bay lên trời gây ô nhiễm không khí. Nhưng rơm rạ ấy nghiền ra, trộn dưỡng chất đưa ra có thể phục vụ cho công tác trồng trọt trên đảo.

Khi đảo được phủ xanh, vừa có bóng mát, chim chóc và các loại động thực vật sẽ phát triển theo thành một hệ sinh thái. Nhà nước cần có chính sách về vấn đề này, người dân và doanh nghiệp chung tay.

Bí thư tỉnh uỷ Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh và Chuẩn Đô đốc Nguyễn Thế Tốt trồng cây trầm hương ở đảo Trường Sa.

Bí thư tỉnh uỷ Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh và Chuẩn Đô đốc Nguyễn Thế Tốt trồng cây trầm hương ở đảo Trường Sa.

PV: Đến với Trường Sa, cảm nhận của ông về tiềm năng của quần đảo này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tưởng: Rất khó có thể miêu tả cảm xúc của tôi khi đến Trường Sa. Tự hào về quần đảo ở giữa biển trời trong xanh, tươi đẹp, tự hào về truyền thống của cha ông mình đã khai mở, gìn giữ để chúng ta có biển đảo hôm nay.

Ở quần đảo Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió, chúng ta mới thấy được tầm nhìn của cha ông-một tầm nhìn dài rộng để lại cho con cháu muôn đời sau một không gian chủ quyền và nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt, vô giá.

Chúng ta nhìn thấy những tiềm năng kinh tế to lớn của quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Trường Sa là nơi giao hòa của hai dòng hải lưu nóng lạnh, nguồn lợi hải sản phong phú, dồi dào.

Về khoáng sản, khu vực Hoàng Sa, Trường Sa trữ lượng phốt phát và dầu khí lớn. Bao quanh vùng biển quần đảo Trường Sa, trên sườn lục địa-chân lục địa, ở độ sâu 2.000m đến 4.000m và đáy biển sâu có tiềm năng về kết hạch sắt-mangan, bùn đa kim. Vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa còn có tiềm năng lớn về tài nguyên “băng cháy”. Đây là nhiên liệu mới, không gây ô nhiễm môi trường, là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần.

Trong tương lai nếu khai thác được các tiềm năng này, đời sống kinh tế trên biển phát triển, sẽ có sự giao thoa giữa biển và đất liền. Người dân trong bờ sẽ ra với biển nhiều, tàu bè thế giới qua lại, tạo thành một xã hội sôi động trên biển. Tiềm năng của Trường Sa còn nằm ở chính vị trí địa lý, trung tâm hàng hải giao thương của khu vực và thế giới.

PV: Thưa ông, với đặc điểm vị trí địa lý và tự nhiên thuận lợi, Trường Sa có thể trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần trên biển không?

Ông Nguyễn Văn Tưởng: Huyện đảo Trường Sa có diện tích khoảng 500 km2 (gồm thị trấn Trường Sa cùng hai xã Song Tử Tây và Sinh Tồn) có vị trí lý tưởng để trở thành trung tâm hậu cần, thúc đẩy giao thương vì lượng tàu bè chở hàng hóa của thế giới đi qua đây vô cùng lớn.

Tôi đã nhìn thấy trung tâm dịch vụ hậu cần tại đảo Đá Tây tổ chức được nhiều đội tàu vận chuyển nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nước ngọt đến các đảo để cung ứng cho ngư dân với giá như ở đất liền. Nhờ thế, việc khai thác nguồn tài nguyên xa bờ tốt hơn, giảm mật độ khai thác gần bờ, tăng sản lượng khai thác hải sản...

Với những hoạt động cung ứng nước ngọt, khám chữa bệnh cho ngư dân, cứu hộ cứu nạn cho tàu thuyền... của quân dân Trường Sa, huyện đảo thật sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm bám biển. Các âu tàu ở Trường Sa có thể tiếp nhận sửa chữa tàu công suất 2.000DWT, đủ sức cho các tàu có trọng tải 1.000-2.000 tấn ra vào, neo đậu, tránh bão và thực hiện công tác hậu cần, kỹ thuật.

Vùng biển Trường Sa rất giàu tiềm năng kinh tế

Vùng biển Trường Sa rất giàu tiềm năng kinh tế

Trong tương lai, chúng ta cần quy hoạch và đầu tư xây dựng để Trường Sa không chỉ trở thành trung tâm hậu cần, mà phải trở thành trung tâm của nhiều ngành nghề khác nữa trên biển.

“Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển; phát triển bền vững, thịnh vượng” - đó là quan điểm xuyên suốt được khẳng định tại Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Muốn trở thành quốc gia biển, chúng ta phải có ngành kinh tế biển từ ngoài khơi. Tôi cho đây là một cơ hội để các doanh nghiệp hướng sự quan tâm của mình ra biển, chuẩn bị ra khơi xa khai thác biển và làm ăn với thế giới. Những doanh nghiệp, doanh nhân có tiềm lực và tâm huyết cần đầu tư ra biển đảo, cộng hưởng với nguồn lực của Nhà nước để phát triển kinh tế biển. Các doanh nghiệp cần tìm ra những mô hình đầu tư, thu hút được tài chính và trí tuệ cho biển đảo, có thể nghiên cứu để chế tạo những ngôi nhà trên biển, những công nghệ biến nước biển thành nước ngọt… Cần đầu tư ngay, không nên chậm trễ, đó là những hoạt động dân sự được thể hiện trong tinh thần Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị.

Có đời sống kinh tế trên biển phát triển, chúng ta sẽ thấy được sự gắn kết giữa biển đảo và đất liền, sức mạnh của khối đoàn kết Việt Nam. Khi chúng ta có thể làm giàu từ biển, mạnh lên từ biển thì chúng ta có nguồn lực to lớn để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Văn Tưởng dành nhiều tâm huyết cho biển đảo và nghiên cứu về kinh tế biển. Ông đã tổ chức lễ dâng trầm đầu tiên ở Việt Nam bên vịnh biển Nha trang, tổ chức Lễ dâng trầm ở nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo nhân dịp 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, hỗ trợ ngư dân đảo Lý Sơn và duyên hải miền Trung 100 tấn gạo trong chương trình “Giúp ngư dân giữ biển”, gửi hàng nghìn khối đất hữu cơ tới Trường Sa... Trong chuyến đi cùng đoàn công tác tỉnh Khánh Hòa ra Trường Sa đầu tháng 5/2022, ông Nguyễn Văn Tưởng được Chuẩn đô đốc Nguyễn Thế Tốt trao tặng kỷ niệm chương: “Vì sự nghiệp Bảo vệ Chủ quyền biển đảo”

Đọc thêm