-Ông có thể chia sẻ về những dấu mốc đáng nhớ trong hành trình phát triển của Công ty CP May Hồ Gươm?
Tiền thân của Công ty CP May Hồ Gươm là Xí nghiệp May thời trang Trương Định được thành lập năm 1992 và đổi thành Công ty May Hồ Gươm năm 1995. Nói về thời điểm phát triển rực rỡ của May Hồ Gươm phải kể đến giai đoạn 1995 - 1999, doanh nghiệp từ 220 lao động, 120 máy may công nghiệp đã tăng lên 750 lao động, và 1.000 thiết bị máy móc.
Năm 1999 - 2000, Công ty CP May Hồ Gươm là 1 trong những doanh nghiệp đầu tiên của ngành dệt may tiến hành cổ phần hóa. Sau cổ phần hóa, để đáp ứng nhu cầu sản xuất và nhân sự ngày càng tăng, Ban lãnh đạo công ty quyết định đầu tư Công ty ra ngoài khu vực Hà Nội, đó là Phố Nối, Hưng Yên.
Năm 1999 - 2000 công ty đã xây dựng nhà máy đầu tiên tại Hưng Yên với diện tích 3.500m2, tuyển 1.000 lao động - là một trong những nhà xưởng rộng rãi, thoáng mát và hiện đại nhất thời bấy giờ. Từ đó, với đà phát triển liên tục, cứ 1 - 2 năm doanh nghiệp lại mở thêm một nhà máy mới.
Từ năm 2002 - 2012, Công ty mở thêm 7 nhà máy, đặt tại các địa bàn Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Tây (cũ), Thanh Hóa, Hà Nam.
-Đánh giá của ông về thị trường may mặc tại Việt Nam hiện nay thế nào?
Ngành may mặc đang có sự phát triển mạnh mẽ đặc biệt trong những năm gần đây. Để thành công, các doanh nghiệp phải liên tục đổi mới công nghệ, và phải đổi mới toàn diện thì mới có thể tồn tại được bởi bản chất ngành may mặc là sự cạnh tranh khốc liệt.
Đặc biệt từ khi các Hiệp định thương mại tự do như FTA, TPP thì sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. Bởi khi đó, doanh nghiệp Việt không những phải cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước mà còn phải cạnh tranh với nước ngoài như: Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore…
Như vậy, bài toán giảm thiểu chi phí sản xuất để có thể cạnh tranh được với các nước có ngành công nghiệp dệt may lâu đời là rất mệt mỏi.
-Để “lấn sân” sang thị trường quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp phải khó khăn, vướng mắc gì?
Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khi tham gia thị trường xuất khẩu luôn gặp phải khó khăn vì sự khác biệt về văn hóa, chính sách cũng như không nắm rõ được phong tục và luật pháp nơi đó.
Đối với hàng dệt may nói riêng, tuy được bãi bỏ hạn ngạch nhưng chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ nhiều phía. Trình độ công nghệ của các xí nghiệp may Việt Nam chưa cao; Các doanh nghiệp may mặc Việt Nam chủ yếu thực hiện gia công cho các hãng nước ngoài vì vậy không tạo lập được thương hiệu và vị trí trên thị trường.
Rất may phần lớn sản phẩm của Công ty CP May Hồ Gươm đều được xuất đi nước ngoài theo đơn đặt hàng của đối tác chuyển sang. Chính vì thế, Công ty không phải lo về thị trường cũng như mẫu mã sản phẩm.
|
-Công ty CP May Hồ Gươm phải làm gì để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thưa ông?
Dưới sức ép cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh toàn cầu hóa và tham gia các Hiệp định FTA, chỉ các doanh nghiệp mạnh, có đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước mới có thể trụ được, còn lại sẽ bị bật khỏi thị trường nếu năng lực cạnh tranh yếu. Đây là cơ hội thanh lọc các doanh nghiệp “ốm yếu”, không có sự chuẩn bị bài bản.
Công ty CP May Hồ Gươm luôn cố gắng xây dựng các chiến lược dài hạn, liên tục tìm kiếm các đơn hàng trực tiếp từ đối tác nước ngoài, nâng cao công nghệ cũng như tay nghề của cán bộ công nhân viên, như vậy mới tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thương trường.
-Theo ông, Nhà nước cần hỗ trợ gì để giúp doanh nghiệp Việt thuận lợi hơn khi xuất khẩu sang thị trường quốc tế?
Mới đây, Quốc hội đã giao cho ngành Công Thương chỉ tiêu của năm 2016 là tăng trưởng xuất khẩu ít nhất 10%. Để làm được như vậy thì phải thực thi tốt các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và tận dụng được những ưu đãi mà Hiệp định này mang lại cho xuất khẩu Việt Nam.
Thứ hai, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và tạo điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp Việt Nam có thể “lấn sân” thị trường quốc tế. Các thủ tục hải quan, cấp phép cần phải thông thoáng và dễ dàng hơn. Từ đó, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí và làm cho hàng hóa Việt Nam có tính cạnh tranh hơn.
Giải pháp thứ ba, chúng ta phải tìm kiếm thêm những thị trường mới bên cạnh thị trường truyền thống. Lâu nay chúng ta vẫn tập trung vào châu Âu, Hoa Kỳ, các nước Đông Bắc … nhưng châu Phi, Liên bang Nga, các nước thuộc khối SNG cũng là những thị trường Việt Nam cần phải coi trọng.
“Công ty CP May Hồ Gươm luôn cố gắng xây dựng các chiến lược dài hạn, liên tục tìm kiếm các đơn hàng trực tiếp từ đối tác nước ngoài, nâng cao công nghệ cũng như tay nghề của cán bộ công nhân viên, như vậy mới tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thương trường.”