Gương sáng Pháp luật

Doanh nhân Vũ Duy Bổng: Người tiên phong phát triển du lịch giữa lòng hồ Hòa Bình

(PLVN) - Mê đắm trước sự hùng vĩ, nguyên sơ của núi rừng, doanh nhân Vũ Duy Bổng đã táo bạo phát triển du lịch trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình với khát vọng tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo vùng Tây Bắc, giúp người dân lòng hồ thoát nghèo, đồng thời lưu giữ, bảo tồn văn hóa - lịch sử bản địa.

Tầm nhìn đi trước đón đầu

Ngót nghét 20 năm gắn bó với Hòa Bình, doanh nhân Vũ Duy Bổng (66 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hòa Bình) được biết đến là người đầu tư khu công nghiệp đầu tiên ở tỉnh cửa ngõ Tây Bắc.

Đến nay khu công nghiệp Lương Sơn là nơi thu hút 67% doanh nghiệp FDI của toàn tỉnh, tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động. Tiếp đó là khu đô thị Cảng Chân Dê, đến nay vẫn là khu đô thị được đánh giá cao cấp với quy hoạch xây dựng hiện đại, kết nối đồng bộ với hạ tầng giao thông TP Hòa Bình.

Doanh nhân Vũ Duy Bổng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hòa Bình

Doanh nhân Vũ Duy Bổng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hòa Bình

Có lẽ vì cảm nhận được sự tâm huyết của ông mà năm 2015, một lãnh đạo tỉnh trăn trở rằng Hòa Bình phát triển du lịch rất sớm, từ những năm 1960 - 1962 đã đón rất nhiều khách trong nước và quốc tế; vậy mà sau bao năm vẫn “dậm chân tại chỗ”, chưa phát triển như mong muốn của tỉnh. Vị lãnh đạo này cũng gợi ý ông Bổng hãy làm mới Công ty CP Du lịch Hòa Bình - cánh chim đầu đàn du lịch Tây Bắc.

“Sau thành công ở Khu công nghiệp Lương Sơn và Khu đô thị Cảng Chân Dê, tôi dự định sẽ rút lui. Tôi lúc đó đã 60 tuổi, vợ con đều ngăn cản không cho làm nữa, muốn tôi dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn”, ông Bổng nhớ lại. Nhưng rồi lời gợi mở khiến doanh nhân trằn trọc nhiều đêm. Ông tự nhủ vùng đất yên bình như tên gọi của nó đã mang đến thành công cho mình nên quyết định sẽ dấn thân vào ngành du lịch Hòa Bình như một lời tri ân.

Năm 2015 ông Bổng nhận chuyển nhượng lại toàn bộ Công ty CP Du lịch Hòa Bình (Công ty Hòa Bình) rồi làm mới ngay bằng cách cho đóng 2 du thuyền tiêu chuẩn 3 sao, xây dựng khách sạn Hòa Bình đạt tiêu chuẩn 3 sao. Chưa kịp “tái thiết” công ty vừa chuyển nhượng, ông Bổng tiếp tục được gợi ý phát triển du lịch ở lòng hồ Hòa Bình, trong quá trình nghiên cứu, khảo sát vị doanh nhân đã phát hiện ra đảo Sung (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc) có nhiều tiềm năng, ưu thế để phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.

Tầm nhìn chiến lược “đi trước đón đầu” cũng là chìa khóa để ông Bổng đầu tư phát triển du lịch ở đảo Sung; tự tin đón bắt cơ hội khi năm 2016 Thủ tướng đồng ý chủ trương lập quy hoạch khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình.

Mài giũa “viên kim cương thô” giữa đại ngàn

Cách trung tâm TP Hòa Bình khoảng 18km đường bộ, tiếp tục lênh đênh trên dòng Đà Giang 15 phút đi thuyền, “Vịnh Hạ Long trên cạn” dần hiện ra với những dãy núi phủ sương được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh và dòng nước xanh ngắt quanh năm khiến ai nấy trầm trồ.

Ông Bổng làm "hướng dẫn viên" đưa khách tham quan đảo Sung.

Ông Bổng làm "hướng dẫn viên" đưa khách tham quan đảo Sung.

Mặc dù bận rộn với công việc nhưng vị doanh nhân vẫn vui vẻ nhận lời làm “hướng dẫn viên” dẫn khách khám phá lòng hồ Hòa Bình và đảo Sung. Chiếc xuồng vừa cập bến ông Bổng đã say sưa tả về vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây. Ông nói rằng bản thân đam mê vùng đất Hòa Bình bởi những giá trị di sản văn hoá Mường đặc sắc và vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ.

Phóng tầm mắt về những hòn đảo giữa hồ nước mênh mông, vị doanh nhân tấm tắc: “Đấy là điều độc nhất vô nhị của dự án du lịch trên đảo Sung, bao bọc xung quanh còn có 8 đảo lớn nhỏ như những viên đá quý được chế tác từ viên kim cương thô Cullinan lớn nhất thế giới. Vì vậy tôi đặt tên dự án là khu nghỉ dưỡng Cullinan Hòa Bình Resort. Cullinan biểu tượng cho sự sang trọng, đẳng cấp, phân khúc khác hẳn các dự án khác trên lòng hồ như khát khao biến nơi đây thành khu nghỉ dưỡng cao cấp của vùng Tây Bắc”.

Phối cảnh dự án Khu nghỉ dưỡng Cullinan Hòa Bình Resort

Phối cảnh dự án Khu nghỉ dưỡng Cullinan Hòa Bình Resort

Quan điểm làm du lịch của doanh nhân Vũ Duy Bổng là hòa mình nhưng phải bảo tồn được thiên nhiên và giữ gìn bản sắc văn hoá lịch sử các dân tộc bản địa. Toàn bộ các loại cây trồng trên đảo đều là những cây đặc trưng vùng Tây Bắc như: đào, ban, sang… Công ty Hòa Bình còn đặt ra nội quy toàn bộ nhân viên phải tôn trọng thiên nhiên, không được săn bắt thú rừng, chặt phá cây cối trên đảo.

Quan điểm hạn chế tác động vào thiên nhiên còn được doanh nhân Vũ Duy Bổng đặt ra trong thiết kế các công trình làm sao hiện đại nhưng vẫn nổi bật nét đặc sắc văn hóa Mường, vừa thân thiện môi trường, vừa gần gũi thiên nhiên. Ví dụ như công trình nhà tiếp đón được kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế theo cảm hứng từ nhà sàn Tây Bắc, mái lợp bằng cây vọt, cột nhà bằng tầm vông…

Điều dễ thấy nữa là kỹ thuật chống cột được sử dụng chủ yếu trong xây dựng nhằm hạn chế việc đào đắp, vừa gợi liên tưởng đến nhà sàn Tây Bắc. Trong quá trình thi công nếu phát hiện cây cổ thụ, tảng đá lớn nào đẹp ông Bổng đều tìm cách giữ lại. Vừa nói ông vừa dẫn chúng tôi tham quan bãi đá cổ hơn 1ha được thiên nhiên kiến tạo nhiều triệu năm “độc nhất vô nhị” được phát lộ trong quá trình san nền xây dựng.

Doanh nhân Vũ Duy Bổng bên bãi đá cổ trên đảo Sung.

Doanh nhân Vũ Duy Bổng bên bãi đá cổ trên đảo Sung.

Phát triển bền vững gắn với trách nhiệm xã hội

Dự án du lịch Cullinan trên đảo Sung do Tập đoàn Banyan Tree quản lý và vận hành, dự kiến quý IV/2022 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác; chậm nhất tới 2024 hoàn tất toàn bộ.

Đứng nhìn “đứa con tinh thần” đang dần hình thành, doanh nhân Vũ Duy Bổng tự tin rằng dự án chắc chắn sẽ thành công bởi những sản phẩm du lịch độc đáo không nơi nào có được như: Nằm ở vùng lõi khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, trong dự án có rừng nguyên sinh, hệ thống hang động cổ xưa; chưa kể những bản du lịch văn hoá cộng đồng các dân tộc.

“Chúng tôi cam kết cùng người dân bảo vệ môi trường để dự án đã xanh càng xanh hơn, đã đẹp càng đẹp hơn, đúng với ý nghĩa nó là viên kim cương càng mài giũa càng tỏa sáng, vững bền theo thời gian”, vị doanh nhân trải lòng.

Theo ông Xa Văn Quyền, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tiền Phong, địa phương thuộc xã đặc biệt khó khăn 135, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng luồng trên rừng, nuôi cá lồng trên hồ thủy điện. Những năm gần đây cuộc sống người dân khấm khá lên nhờ du lịch phát triển. Về dự án du lịch trên đảo Sung, ngay từ khi giải phóng mặt bằng, Công ty Hòa Bình không chỉ đảm bảo quyền lợi cho người dân theo quy định pháp luật mà còn vận dụng các cơ chế hỗ trợ thêm cho người dân nên được địa phương ủng hộ, không hề có đơn thư khiếu kiện.

Cũng theo ông Quyền, hiện gần 300 công nhân là con em địa phương đang tham gia xây dựng khu du lịch. Doanh nghiệp cũng đã cam kết tuyển dụng lao động phổ thông tại chỗ khi dự án đi vào hoạt động. Ngoài ra, địa phương và doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch đào tạo nhân lực có trình độ như đầu bếp, hướng dẫn viên... để phục vụ tại khu du lịch sau khi vận hành.

“Trước đây mỗi hộ dân trồng luồng, khoai sắn trên rừng cả năm chỉ thu được 5-7 triệu, chưa kể mất mùa. Nhưng với 2 lao động phổ thông làm việc ở khu du lịch, lương bình quân 5 triệu/người/tháng thì thu nhập mỗi năm các hộ dân đã tăng hàng chục lần, chưa kể người dân hưởng lợi từ việc bán nông lâm sản cho du khách, phát triển homestay. Ngoài phát triển kinh tế, Công ty Hòa Bình rất quan tâm đến công tác xã hội ở địa phương, thường xuyên trao quà hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo vào những dịp lễ, Tết; hàng năm đều tổ chức Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi ở xã”, ông Quyền cho biết.

Ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hòa Bình cho biết, sau khi công bố quy hoạch khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến nay đã có khoảng 20 dự án nghiên cứu, khảo sát, đầu tư và quỹ đất cho dự án gần như đã kín. Trong đó Cullinan Hòa Bình Resort là dự án đầu tiên triển khai.

Về Công ty Hòa Bình và doanh nhân Vũ Duy Bổng, ông Linh đánh giá đã có nhiều đóng góp trong phát triển du lịch, luôn tâm huyết tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo. Ông Bổng còn tích cực trong công tác xã hội như đóng thuyền chở trẻ em vùng khó khăn đến trường, thường xuyên giúp đỡ các gia đình chính sách, hộ nghèo. “Đặc biệt tôi đánh giá cao việc Công ty hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng, homestay cũng như duy trì đội văn nghệ là những người dân tộc thiểu số; qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc”, ông Linh nói.

Là người thành công với tầm nhìn xa, “đi trước đón đầu” nhưng doanh nhân Vũ Duy Bổng khiêm tốn rằng mình không phải người giỏi, chỉ là người đam mê và tâm huyết: “Doanh nghiệp khi đầu tư dự án bên cạnh yếu tố lợi nhuận cần chú trọng đến trách nhiệm xã hội của mình, đầu tư bằng cả trái tim. Đây không chỉ là văn hóa doanh nghiệp mà còn lan toả tinh thần thượng tôn pháp luật để phát triển bền vững, trường tồn giá trị”.

Với những đóng góp của mình, cựu chiến binh - doanh nhân văn hóa, doanh nhân Việt Nam tiêu biểu Vũ Duy Bổng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Du lịch Hòa Bình; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản An Thịnh Hòa Bình) vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Ngoài ra ông còn nhận được nhiều Bằng khen của các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương như: Bộ Công an, VCCI, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, UBND tỉnh Hòa Bình…

Đọc thêm