Độc đáo ban nhạc rau củ quả đầu tiên trên thế giới

(PLVN) - Cho đến nay, ban nhạc Vienna đã có 300 buổi biểu diễn trên khắp thế giới và điều khiến cho ban nhạc này trở nên đặc biệt đó là nhạc cụ của họ, tất cả chúng đề làm từ “rau củ quả”.
Hình ảnh về Ban nhạc Vienna
Hình ảnh về Ban nhạc Vienna

Trên sân khấu trong khu vườn của một tu viện Benedictine 1.000 năm tuổi ở ngoại ô Cologne, nước Đức, những thành viên trong Ban nhạc Vienna ăn diện gọn gàng trong bộ vest màu đen, từ từ đưa những nhạc cụ bằng cà rốt, dưa chuột, hành tây… lên trên miệng và bắt đầu bản nhạc “Mùa xuân thiêng liêng” của Igor Stravinsky. Đây là 1 trong hơn 300 buổi biểu diễn trong 21 năm qua, tại nhiều địa điểm trên thế giới, với các dòng nhạc khác nhau như jazz, rock, pop. 

Sở dĩ có cái tên là “Ban nhạc Vienna” là do nhóm này đến từ Vienna của Áo, được thành lập từ năm 1998 bởi một nhóm sinh viên có hứng thú khám phá đặc tính của âm thanh của rau, củ, quả. Nhóm này gồm 13 thành viên, trong đó 11 người chơi nhạc, 1 người phụ trách video và 1 người phụ trách âm thanh. Họ là những người tới từ nhiều lĩnh vực khác nhau, có người là nhạc sĩ chuyên nghiệp nhưng cũng có người là nhà thơ, nhà văn, nhà thiết kế, đầu bếp và cả kiến trúc sư. 

Không giống như nhạc cụ truyền thống có thể tồn tại hàng trăm năm, nhạc cụ thể rau, củ, quả chỉ sử dụng được một thời gian rất ngắn rồi, vì vậy Ban nhạc Vienna luôn phải làm nhạc cụ mới cho mỗi lần chơi. 

Rau củ tạo ra âm thanh hay nhất khi chúng còn tươi ngon vì thế các nghệ sĩ chỉ có thể chuẩn bị nhạc cụ ngay trước giờ biểu diễn. Cần khoảng 70kg rau, củ, quả để làm nhạc cụ cho mỗi buổi biểu diễn và mất khoảng 6 tiếng để chế tạo nhạc cụ và kiểm tra âm thanh. Họ sẽ đến những khu chợ địa phương lựa chọn những loại rau, củ, quả cần thiết như: cà dốt, dưa chuột sử dụng làm kèn, sáo; ớt chuông trở hành kèn trombones; cà tím thành dùi trống và bí ngô trở thành trống…

Mỗi buổi biểu diễn đều có nhạc cụ mới, thậm chí các sáng tạo mới. Điều khó nhất khi sử dụng các nguyên liệu này là âm thanh phụ thuộc rất lớn vào chất lượng cũng như kích thước của loại rau, củ, quả, thậm chí âm thanh bị thay đổi ngay trong thời gian biểu diễn trên sân khấu. Các nghệ sĩ cũng cho biết, mỗi nhạc cụ luôn có âm thanh khác nhau, phụ thuộc vào kích cỡ, hình dáng, chất lượng. Môi trường cũng ảnh hưởng tới âm thanh. “Nhạc cụ rau, củ, quả có thời hạn sử dụng. Chúng tôi chỉ có thể chơi khi chúng còn tươi mới. Vì vậy, chúng tôi tạo các nhạc cụ mới trước mỗi buổi hoà nhạc. Nếu chúng bị khô hoặc héo thì cũng đồng nghĩa mất luôn âm thanh”, anh Ernst Reitermaier, một trong số những người sáng lập ban nhạc cho biết. 

Cho tới nay, ban nhạc đã phát minh ra hơn 150 nhạc cụ khác nhau. Thông thường, mỗi nhạc sĩ tạo ra từ 8-25 nhạc cụ cho mỗi buổi biểu diễn, bởi nhiều nhạc cụ dễ vỡ vì thế họ phải làm dư ra phòng trường hợp hỏng giữa chừng. Nhiều các loại nhạc cụ như sáo, mộc cầm có thể tồn tại suốt buổi biểu diễn mà không gặp trục trặc gì. Các nghệ sĩ cũng phải bỏ đi một số nhạc cụ không thể sử dụng trong các buổi biểu diễn tiếp theo. Song cũng có một số nhạc cụ được làm từ những quả phơi khô thuộc họ bầu nên có thể tồn tại trong vài năm. Trong khi đó, các nhạc cụ truyền thống luôn có âm thanh giống nhau. 

Sau khi chơi xong một buổi hòa nhạch, một trong những nghệ sĩ đồng thời là đầu bếp chỉ sử dụng chính những loại rau củ vừa tấu nhạc để nấu súp cho khán giả thưởng thức. 

Trong những năm qua, ngoài chơi những bản nhạc nổi tiếng, những nghệ sĩ này cũng sáng tác những bản nhạc cho riêng mình, sử dụng các loại nhạc cụ đa dạng được chế tạo từ nhiều loại rau củ nhằm tạo nên những âm thanh độc nhất vô nhị. Ban nhạc đã phát hành 3 album và tổ chức 20-30 buổi biểu diễn mỗi năm tại nhiều nơi ở châu Âu, Mỹ, Trung Quốc…Mới đây, họ cũng đã phát hành thành công album nhạc thứ 4 và chứng tỏ cho thế giới thấy rằng, những âm thanh ấn tượng này sẽ làm khán giả có cái nhìn khác về các loại rau, củ, quả quen thuộc thường xuất hiện trên bàn ăn, nó cũng có tác dụng tuyệt vời khác nữa.