Độc đáo kiến trúc nhà ở vùng nông thôn Bắc bộ xưa

(PLO) -Vùng Đồng Bằng Bắc bộ là nơi có vị trí địa lý và khí hậu đặc biệt, cùng với quan niệm và lối sống, tinh thần của cư dân nông nghiệp lúa nước đã tạo nên kiến trúc xây dựng nhà ở độc đáo. Cách sắp xếp, bài trí không gian sống trong ngôi nhà nông thôn Bắc bộ có những nét riêng biệt, hài hòa với thiên nhiên. 
 
Độc đáo kiến trúc nhà ở vùng nông thôn Bắc bộ xưa

Nhà: Nơi chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống

Từ xa xưa, trong tâm thức người Việt, nhà đã có một vị trí quan trọng. Nó không chỉ là nơi che mưa, che nắng mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống.

Kiến trúc nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ xưa khá giống nhau, với lối kiến trúc là những ngôi nhà hai gian hoặc ba gian nhỏ nhắn, giản dị. Người Việt sử dụng kinh nghiệm làm nền móng giúp cho ngôi nhà được bền và vững vàng theo năm tháng.

Người Việt sử dụng vật liệu để dựng nhà chủ yếu là gỗ , tre, nứa, lá, rơm rạ, bùn... Họ sử dụng chất liệu hoàn toàn từ tự nhiên bởi Việt Nam là đất nước nhiệt đới gió mùa, có một môi trường rất thuận lợi để phát triển thực vật. Chính vì vậy thực vật không chỉ được sử dụng phục vụ cho ăn, mặc,... mà nó còn được sử dụng để làm vật liệu dựng nhà. 

Tới các giai đoạn sau, do du nhập nền văn hóa của nước ngoài mà nhà ở của cư dân vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ thay đổi, sử dụng nhiều vật dụng hiện đại như xi măng, sắt, thép... để dựng nhà ở.

Trước kia, nhà ở của cư dân đồng bằng Bắc bộ thường được làm bằng khung xoan, mít hay tre, có kết cấu vững chắc với vì kèo ba bốn cột, liên kết bởi xà ở đầu và bậu ở chân cột. Xoan, mít hay tre sau khi được chọn lựa, để tránh bị mối mọt và tăng độ bền, trước khi dựng nhà người ta thường mang đi ngâm ở các ao, hồ khoảng 1-2 năm. 

Nhà thường được làm với kết cấu ba gian hai trái, đối với những nhà khá giả thì có thể nhiều hơn và nguyên vật liệu làm khung nhà được chọn có thể là những cây gỗ tốt hơn.

Mái của ngôi nhà được thiết kế có độ dốc lớn để thoát nước mưa và tránh dột, tận dụng không gian từ độ dốc lớn làm thành gác, kệ lửng thêm chỗ để kho chứa thóc lúa, ngô khoai... Chất liệu lợp mái tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình mà có thể là ngói hoặc tranh.

Khuôn viên nhà cũng được thiết kế một cách rất thân thiện với tự nhiên, như qua cổng sẽ đến vườn cây, vào đến sân rồi mới đến nhà chính, nhà phụ, nhà bếp, khu vệ sinh, chuồng nuôi gia súc, trâu bò, vườn sau ao trước, hàng rào cây bao quanh, bên ngoài bao bọc bởi lũy tre làng... tạo nên mô hình sinh thái khép kín vườn - ao - chuồng.  

Quá trình xây dựng nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ xưa là sự tích lũy vốn sống ngàn đời nền văn minh nông nghiệp lúa nước, nhà ở của họ khi xây dựng phải phù hợp, hài hòa với môi trường thiên nhiên.

Thời hiện đại lại mong được một nếp nhà xưa

Người Việt rất coi trọng việc chọn địa điểm làm nhà. Dựa trên kinh nghiệm và sự hiểu biết về vùng đất cư ngụ sinh sống, người ta chọn nơi dựng nhà sao cho thuận lợi để tận dụng giá trị của đất. Ông cha ta đã đúc kết nhiều kinh nghiệm quý trong quá trình từ chọn đất, chọn hướng đến xây dựng nhà ở, ví dụ: “Lấy vợ hiền hòa, chọn nhà hướng nam”.

Ngoài ra, cha ông ta cũng còn dựa vào thuyết phong thủy để tìm những thế đất tụ linh, tụ phúc...  phù hợp với vận mạng của từng gia chủ khi đặt móng xây nhà. Người ta mong muốn chọn những mảnh đất xây nhà có hình tròn, đất vuông vắn, tránh những mảnh đất thóp hậu. Bên cạnh đó, người dân còn chọn dựng nhà ở gần sông, suối, ao, hồ... những nơi thuận lợi cho đời sống và sinh hoạt.

Để tạo không gian mát lành cho ngôi nhà, người xưa đã biết sử dụng tán cây, trồng những giàn cây leo quanh nhà như mướp, bầu bí… tạo thành các tấm che nắng tự nhiên, vừa tránh nắng nóng cho người và gia súc, chống chói do phản xạ từ các bức tường quét màu sáng quanh nhà, vừa lấy rau quả làm thức ăn. 

Phần tường bao quanh nhà vừa bảo vệ, ngăn chia không gian, vừa cách nhiệt - nhất là hướng tây, để có những giải pháp trang trí kết hợp với cách nhiệt điều tiết khí hậu như các ô thông, cửa sổ, tường quét vôi màu trắng hoặc để nguyên màu tự nhiên của vật liệu.

Tường gạch không tô trát mà chỉ miết mạch, tạo cảm giác khang trang mát mẻ trên nền cây cối xanh tươi, bớt đi cái oi bức của mái ngói, sân gạch. Đối với tường bằng đất nện thì được làm rất dày tạo sự ấm cúng về mùa đông, mát mẻ về mùa hè.

Ngôi nhà thường chiếm tỉ lệ khá nhỏ so với diện tích khuôn viên. Phần lớn khuôn viên nhà được làm sân vườn trồng rau, hoa màu và cây ăn quả, làm hàng rào… tạo nguồn rau tươi, bóng mát có tác động điều hòa môi trường, che nắng, gió và chắn tầm nhìn vào nhà.

Người Việt ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ còn biết cách điều tiết và giảm bớt sự khắc nghiệt của thiên nhiên.  Kinh nghiệm dân gian cho thấy cách người xưa khi ứng xử với khí hậu thời tiết: trồng cây lá rậm, lá to như cây chuối ở mặt nhà phía bắc để ngăn gió lạnh vào mùa đông, cản bức xạ mặt trời vào mùa hè (lúc này mặt trời ở hướng bắc); trồng cây có thân cao như cây cau ở phía nam của nhà để không ngăn cản gió mát mùa hè cũng như không che ánh nắng chiếu vào nhà về mùa đông (mùa đông, mặt trời ở hướng nam).

Vì vậy các cụ đã đúc kết khi chọn lựa trồng cây cạnh nhà “trước cau sau chuối”. Việc trồng cây quanh nhà, tạo thành vườn, làm hoa viên, ngoài chức năng tạo bóng mát, cải tạo khí hậu, trang trí… người ta còn tính đến việc khai thác giá trị kinh tế. 

Như vậy, cách ứng xử với các yếu tố  thiên nhiên cho thấy khả năng thích ứng và chủ  động của người dân vùng đồng bằng Bắc bộ trong ứng phó và tận dụng thiên nhiên khi xây dựng không gian cư trú, thể hiện sự hòa hợp hoàn toàn với thiên nhiên.

Đây cũng là kinh nghiệm đúc rút qua nhiều năm, nhiều thế hệ của cư dân nơi đây, tạo nên nét kiến trúc độc đáo trong việc xây dựng không gian đời sống văn hóa mà biểu trưng là khuôn viên ngôi nhà gắn với cảnh sắc và thiên tạo nên biểu tượng về văn hóa làng quê Việt.