Khăn tang trắng làng vì những cái chết bất đắc kỳ tử
Tương truyền từ thời Văn Lang, làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội) đã có điện thờ “Bụt đá”. Truyền thuyết kể rằng “Bụt đá” từ lòng đất mọc lên. Để che nắng mưa cho Bụt, dân làng dùng đất đá xây điện thờ gọi tên là “Quang Linh am điện”. Đến thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên đổi thành “Quang Linh am tự”. Dân Làng quen gọi nôm na là chùa Bụt Mọc.
Những vị đá Bụt Mọc ở trong am |
Người dân ở đây khẳng định chùa Bụt Mọc rất linh thiêng. Có rất nhiều câu chuyện “báo ứng” khi dân làng đã vô tình hay hữu ý “mạo phạm” tới chùa. Từ xa xưa, tồn tại luật “bất thành văn” là qua cửa chùa người dân phải “ngả mũ, hạ mã”. Nếu ai mạo phạm sẽ bị quở trách. Chỉ vào bia đá mờ chữ trong chùa, ông Hoàng Lựu- Phó ban di tích thôn Lỗ Khê kể về sự li kỳ của bia đá cũng như những tai ương mà dân làng Lỗ Khê gánh chịu.
Theo đó, năm 1947-1948, thực hiện chủ trương “vườn không, nhà trống”, ngôi chùa bị dỡ bỏ. Vì hoàn cảnh khó khăn, cộng thêm tính “tiếc của” nên có nhiều gia đình mang những phiến đá, tấm bia “tận dụng” chúng làm cầu ao sau nhà mình. Ai cũng vô tư coi đồ của chùa là của riêng, nếu không có những cái chết thảm khốc liên tiếp xảy ra với những người trong làng.
Cách đây hơn chục năm, (khoảng năm 2004 - PV) dân làng Lỗ Khê bị một phen hãi hùng, khi liên tiếp những trai làng đang độ tuổi sung sức lăn đùng ra chết. Đầu tiên là một anh người trong thôn, sinh năm Quý Mão 1963, rất khỏe mạnh. Sau khi đi gặt lúa về, anh này cơm nước xong, rồi lên giường nghỉ ngơi. Nghĩ chồng mình quen lệ nghỉ sớm, người vợ chẳng lăn tăn, một mình lụi cụi làm việc nhà.
Đến 10 giờ đêm, người vợ vào buồng nằm nghỉ. Thấy chồng nằm co quắp trên giường, người vợ liền xoay cho chồng đỡ mỏi thì kinh hoàng phát hiện anh chết cứng từ lúc nào. Người vợ thét lên kêu cứu rồi ngất lịm. Hàng xóm chạy tới và cho rằng, chồng chị bị trúng gió độc.
Thấy chị vợ suy sụp, dân trong thôn xúm tay lo tang lễ cho người chồng xấu số. Đang làm đám tang, làng lại bàng hoàng nghe tin, người đàn ông khác cũng cùng tuổi Quý Mão ngay gần nhà người vừa chết cũng tử vong vì đột quỵ. Chưa kịp hoàn hồn thì vài ngày sau đó, người dân Lỗ Khê lại rụng rời khi nghe tin, làng tiếp tục có tang.
Kỳ lạ thay, người xấu số thứ 3 vẫn là người đàn ông khỏe mạnh và cũng sinh năm Quý Mão. Người này chết vì tai nạn giao thông. Như vậy, liên tiếp chỉ chưa đầy chục ngày mà trong thôn có tới 3 người đàn ông đều sinh năm Quý Mão bị chết bất đắc kỳ tử.
Chùa Bụt Mọc |
Nỗi buồn, sự lo sợ của người dân bỗng chốc bao trùm khắp thôn. Ai cũng lo sợ, ngày nào đó, gia đình mình sẽ có người bị “kéo” đi. Mà nỗi lo sợ ấy không phải không có cơ sở. Vài tuần sau, một người đàn ông trong thôn cũng độ tuổi hơn 40 đột quỵ. Không khí tang tóc lại một lần nữa bao trùm khắp thôn.
Những tai ương bỗng đâu “đổ bộ” vào Lỗ Khê khiến 5 người đàn ông chết liên tiếp trong vòng 1 tháng. Khăn tang phủ trắng làng. Khuôn mặt ai cũng biểu lộ sự sợ hãi khôn cùng. Mọi người đi làm đều muốn về nhà ngay, chứ không la cà đến tối. Cuộc sống yên bình bị đảo lộn. Người dân ở các làng bên cũng ít dám qua lại với làng bị “tai ương”. Họ sợ vạ lây.
Bia đá cổ của tứ trụ triều đình bị vùi trong cống rãnh
Quá hoảng sợ trước những gì diễn ra ở đây, một bà trong làng tên Tĩnh đã đi xem bói. Bà toát mồ hôi hột khi nghe “thầy” phán: “Người dân trong làng của bà đã lấy trộm những phiến đá, tấm bia ở chùa nên bị tai ương. Trong lòng chiếc cống ở ngay đầu xóm có một phiến đá có chữ Nôm. Bà về bảo dân làng trong thôn lấy lên rồi mang trả ngay cho chùa. Nếu không, sẽ còn có những “suất đinh” (đàn ông) trong làng tiếp chết bất đắc kỳ tử!”.
Hoảng hồn, bà Tĩnh đã về kể lại chuyện này. Một cuộc họp khẩn cấp được diễn ra ngay trong đêm. Phiến đá dân làng thường làm cầu ao, sau bao ngày lún sụt, có thể nó bị vùi ở dưới cống rãnh. Và ngay sáng hôm sau, dân làng đã tiến hành moi cống, Chưa đầy 5 phút một phiến đá rộng khoảng chừng 50 cm, dài khoảng 70 cm trồi lên.
Bia đá cổ từng bị vùi dưới cống rãnh |
Chẳng biết phiến đá ấy là gì nhưng người trong làng hò nhau khiêng mang trả cho chùa và không quên sửa lễ tạ tội. Ngỡ đó là phiến đá thường, dân làng để ở ngoài sân chùa Bụt Mọc. Xuất xứ của phiến đá ấy được hé mở vì một chi tiết li kỳ. Số là, dân làng lúc đó đang xây dựng, tu bổ lại chùa.
Ngay từ lúc đầu tiên chở nguyên vật liệu vào tới sân chùa, chiếc công nông bỗng chết máy. Người lái công nông khởi động thế nào máy cũng không nổ. 30 phút, mồ hôi ướt đầm mà xe vẫn không nhúc nhích. Người lái công nông mệt mỏi ngồi xuống lau mồ hôi thì chợt thấy phiến đá gần đó bị sứt một góc vì mình vô ý chạm phải. Anh nhờ mọi người lật ngược và bê phiến đá ấy di dời chỗ khác.
Khi lật ngựợc phiến đá, tất thảy người trong làng đều sững sờ khi thấy có những dòng chữ Nôm lờ mờ. Sư trụ trì, ông Lựu và dân làng liền lấy nắm lá khế sát vào dòng chữ Nôm để đọc cho rõ. Khi dịch chữ Nho, mọi người tá hỏa vì phiến đá bị để ở dưới cống mấy chục năm ấy là một tấm bia cổ của một gia đình họ Trần vào thế kỷ 18. Tấm bia cổ của một vị quan tứ trụ triều đình ở thời đó có tên là Trần Đình Ngọc. Vị quan này cũng có công với việc dựng đình, chùa ở làng.
Sư trụ trì Thích Quảng Thiện đang đưa ra những chứng tích về nguồn gốc Chùa Bụt Mọc |
Sau khi biết được nguồn gốc, dân trong làng kính cẩn làm lễ lớn để dâng bia đá lên chùa và xin được rửa tội để không còn phải gặp những điều xui xẻo nào nữa. Bia đá được đặt trang nghiêm trong chùa lúc nào cũng tỏa khói hương. Kỳ lạ thay, từ khi tìm lại và rước bia đá cổ vào chùa, dân làng không còn phải đưa tiễn những người chết trẻ. Cuộc sống của người dân Lỗ Khê bình an trở lại.
“Chuyện những “suất đinh” bị chết trẻ có thể chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Có điều, những câu chuyện “báo ứng” này cũng giúp mọi người dân ý thức được giá trị vật chất, văn hóa, đặc biệt là giá trị tâm linh của chùa Bụt Mọc. Và rất nhiều năm nay, dân trong làng không ai dám mạo phạm. Vì lẽ đó, ngôi chùa hàng ngàn năm luôn giữ được sự uy nghiêm, cổ kính” - Sư thầy Thích Quảng Thiện, trụ trì Chùa Bụt Mọc lý giải.
Đến thời Lê thế kỷ 15, chùa Bụt Mọc được xây dựng hoàn chỉnh có gác chuông, có nhiều cây cổ thụ như gạo, cọ, sữa và bồ hòn. Khách thăm chùa rất thích thú châm đèn đốt đuốc vào am chiêm ngưỡng Bụt Mọc gồm mười vị ngồi hai hàng thẳng băng, mỗi vị có một khuôn mặt hình dáng tư thái khác nhau, những tác phẩm kỳ diệu của tạo hóa.
Trên nền chùa cũ, hiện nay vẫn bảo tồn nguyên vẹn ba tòa tháp cổ và sáu đế chân tượng đá Bụt Mọc. Trong nhiều đời sư cụ trụ trì, đã có 4 vị sư cụ đắc đạo được tạc tượng lưu truyền hàng trăm năm, cho đến nay vẫn được bảo tồn. Chùa Bụt Mọc là một thắng cảnh nổi tiếng gần xa, khách thập phương đến tham quan lễ cầu nhộn nhịp vào tháng giêng, tháng hai âm lịch hàng năm.