Độc đáo lễ thức “khai bươn” của người Tày

(PLO) - Bao đời nay, những lớp thế hệ đồng bào dân tộc Tày ở tỉnh Cao Bằng ai cũng đều phải trải qua tập tục “khai bươn” khi ra đời tròn một tháng tuổi. Đây là lễ thức đầu tiên trong chu kì vòng đời của con người nên được bà con người Tày chuẩn bị rất chu đáo, công phu. Theo tập quán người Tày, phụ nữ ở cữ trong vòng một tháng không được đi ra khỏi nhà, chỉ ăn cơm nếp nghệ với thịt gà mái tơ rang nghệ, ngoài ra không được phép ăn thêm thứ gì khác. 
Lễ thức cúng đầy tháng của người Tày.
Lễ thức cúng đầy tháng của người Tày.

Theo phong tục, ngày đầy tháng của con cháu, gia đình nào cũng phải mời thầy Tào đến làm lễ và đặt tên cho cháu bé. Khi tiến hành làm lễ, trước cửa nhà có người sinh con thường treo một thanh củi cháy dở để tượng trưng cho bé trai, còn một nhánh cây ráy có nghĩa là bé gái, khách mời đến dựa vào đó có thể nhận biết. Bởi vì các ông bà trước nay cho rằng, việc hỏi thẳng gia chủ sinh con trai hay con gái thường rất tế nhị nên không thể hỏi thẳng và đây là cách tốt nhất cho chủ nhà và khách mời nhận biết và đỡ khó xử.

Lễ vật mang theo khi họ hàng đi dự lễ “khai bươn” đầy tháng gồm: gà mái tơ, gạo nếp thơm, cái võng được làm từ cây tre, cái địu thổ cẩm. Khi thực hiện lễ “khai bươn”, bà ngoại sẽ ẵm cháu bé vào nôi và cất lời ru “ứ nọng nòn, nòn đắc, nòn đí” (cháu hãy ngủ cho say, cho sâu giấc). Quan trọng hơn, gia đình phải chọn được một người có uy tín, học cao và lớn tuổi trong bản để cầm ô che chở đưa cháu ra đường mang theo sách vở để tượng trưng cháu đi học chữ. Đồng thời, lúc này thầy Tào ra ngoài đường, ngõ đi vào nhà chuẩn bị đồ lễ, thắp hương làm lễ “khai bươn” cho bé mới đầy tháng tuổi và trao ấn bùa may mắn, ban áo phúc có những dòng chữ nôm dấu đỏ cho những đứa cháu còn nhỏ tuổi trong gia đình.

Theo cụ Lưu Văn Sú (76 tuổi) ở xóm Bản Khuông, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) cho hay Lễ “khai bươn” của người Tày có ý nghĩa để tạ ơn các ông bà tổ tiên đã che chở, giúp cho mẹ tròn con vuông. Phong tục này đã tồn tại từ ngày xưa, phụ nữ Tày khi mang thai thường phải làm lễ cầu an thai.

Lễ “khai bươn” xuất phát từ nghi thức người mẹ chồng nhét một con chó nhỏ qua giát trải nhà sàn, dưới gầm sàn có một người cầm vợt lưới vớt hứng lấy con chó. Nghi thức này cũng giống như hành động trong lễ “bắc cầu xin hoa” của then. Các cụ quan niệm rằng, những cặp vợ chồng không có con, hoặc có thai rồi nhưng bị sảy là do có con chó đón đường, cướp thai nhi, nên muốn người phụ nữ sinh nở an toàn, mẹ con khỏe mạnh thì phải bắt được con chó đó. Tổ chức lễ đầy tháng, nhất là cho những đứa con, đứa cháu đầu lòng bao giờ cũng công phu, cầu kì. Bởi vậy, gia đình phải chuẩn bị từ khi trong nhà có người sinh con, từ việc chuẩn bị thực phẩm, chọn mời thầy Tào làm lễ, nhờ hàng xóm đến giúp làm mâm cỗ...”.

Cụ Sú cho biết thêm, trong lễ “khai bươn” của người dân tộc Tày không thể thiếu một loại bánh là bánh “coóc mò”, hay còn gọi là bánh sừng bò được làm từ gạo nếp. Theo tục lệ của đồng bào nơi đây, mỗi khách mời đến dự lễ đầy đầy tháng khi ra về đều được gia chủ cho 3 cái bánh sừng bò để làm quà. Gia chủ phải căn cứ vào số khách mời để gói cho đủ bánh, không để thừa thãi gây lãng phí cũng như để thiếu bánh sẽ bị cho là thất lễ với họ hàng.

Trước ngày lễ, các chị em phụ nữ đã ngâm gạo nếp và đem gạo nếp đãi cho sạch rồi gói bánh “coóc mò” bằng lá chuối, người ta tước lá to cỡ ba ngón tay cuộn thành hình phễu và đổ gạo vào gói. Làm bánh “coóc mò” cũng khá công phu, phải gói chặt tay, lạt chẻ thật mỏng. Buộc bánh cũng đòi hỏi phải khéo léo nếu buộc lỏng nước vào làm cho bánh bị nhão, nếu buộc chặt quá bánh sẽ khó chín và bị sượng. Khi bánh chín hương vị gạo nếp thơm, ngon và dẻo.

Theo các cụ cao niên dân tộc Tày cho biết, những người có khả năng ban con cái cho các cặp vợ chồng ở trần gian được gọi là các bà mụ thường hay trú ngụ ở “cửa mụ”. Chính vì vậy, khi thầy Tào vào cửa mụ phải dâng lễ vật của gia đình lên các bà mụ để tạ ơn và xin bà mụ đặt tên cho đứa bé. Trước đây, việc đặt tên cho đứa trẻ đầy tháng là thầy Tào, nhưng bây giờ là do bố mẹ đứa trẻ tự đặt tên cho cho con mình, thầy Tào chỉ xin thẻ âm dương xem bà mụ có đồng ý với tên đó hay không.

Lễ “khai bươn” bắt đầu sau khi đặt tên cho đứa bé. Thầy Tào Nông Văn Hựu ở xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh cho rằng, nghi lễ “khai bươn” là việc địu cháu bé đi “bán dại, mua may”. Trong nghi lễ này ngoài việc địu bé đi còn có các nghi thức nhỏ như mắc võng, họ hàng bên nội, bên ngoại hát ru cháu, mọi người đến dự mang lễ vật mừng cháu bé đầy tháng tuổi. Việc chọn người địu cháu bé để làm lễ của người Tày có sự khác nhau về giới tính, độ tuổi giữa các địa phương cũng như các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, tiêu chuẩn chọn người đều giống nhau là phải chọn người có đức có tài, hiếu thảo và có uy tín trong bản làng.

Đứa bé sau khi đã đặt tên, có người địu đi ra ngõ “bán dại, mua may” sẽ được công nhận là một thành viên mới của gia đình và dòng họ. Bà ngoại lấy chiếc thổ cẩm và địu cháu bé lên lưng, mang theo một túi bánh coóc mò ra ngoài ngõ để “khai eng” (bán cái bé để mua cái lớn). Lúc này, bất kỳ gặp ai bà ngoại cũng bán cho một hoặc hai chiếc bánh “coóc mò”. Người nào nhận bánh sẽ phải rút tiền trả.

Đây là cuộc mua bán giả vờ theo phong tục xa xưa. Sau màn “khai eng”, đứa bé được công nhận là một thành viên chính thức của xóm làng. Khi làm lễ “khai bươn” xong, gia đình và họ hàng quây quần bên mâm cơm đoàn tụ, tổng kết và đánh giá lại quá trình làm lễ. Sau lễ đầy tháng, đứa bé mới được ra ngoài, hay được về ông bà ngoại chơi. Người mẹ cũng chính thức hết thời gian ở cữ và bắt đầu vừa nuôi con vừa lao động sản xuất.

Lễ đầy tháng là một phong tục có từ lâu đời của dân tộc Tày. Đây không chỉ đơn thuần là làm lễ đầy tháng, đặt tên cho đứa trẻ mà còn bao hàm trong đó nhiều giá trị nhân văn cao đẹp, thể hiện phong tục tốt đẹp của cộng đồng dân cư Tày về sự đùm bọc cũng như cộng đồng trách nhiệm của hai bên gia đình, họ hàng trong việc chăm sóc mẹ và trẻ nhỏ. Lễ đầy tháng cũng là dịp để hai bên gia đình nội, ngoại gặp gỡ, giúp tăng thêm tình thân thiết giữa hai gia đình thông gia. Lễ đầy tháng cho trẻ cũng thể hiện sự ảnh hưởng của mẫu hệ vẫn còn khá sâu đậm trong văn hóa truyền thống của người Tày thông qua tục thờ mẫu và thờ bà mụ.