Phong tục lạ trâu bò cũng được làm “lễ đầy tháng”

(PLO) -Trước khi trâu bò sinh, gia chủ sẽ thắp hương cầu khấn gia tiên cho vật nuôi được “mẹ tròn con vuông”. Khi con bê, con nghé chào đời an toàn, gia chủ tiếp tục thắp hương xin cho trâu bò nhiều sữa, đồng thời làm “lễ đầy tháng” cho vật nuôi mới ra đời, mở tiệc chiêu đãi họ hàng, làng xóm. 
Ở một số vùng xứ Nghệ, trâu bò cũng được làm “lễ đầy tháng”
Ở một số vùng xứ Nghệ, trâu bò cũng được làm “lễ đầy tháng”

Phong tục kỳ lạ này đã tồn tại từ nhiều đời nay ở một số vùng quê xứ Nghệ. 

Rộn ràng “lễ đầy tháng” trâu bò

Gọi là “lễ đầy tháng”, thực ra người dân tổ chức liên hoan ngay sau khi trâu bò sinh con, không cần chờ đủ ngày đủ tháng. Lúc trâu hoặc bò đẻ, gia chủ sẽ canh chừng để đợi lấy nhau thai của chúng (thường gọi “hoa”).

Từ sản phẩm đặc biệt này, người dân sẽ chế biến thành những món ăn đặc trưng ngay sau đó. Đối với nhiều người nông dân ở các xã trên địa bàn huyện Nam Đàn, món ăn chế biến từ “hoa” được xem là đặc sản, hiếm khi có được.

Chỉ con bê mới được 5 ngày tuổi của gia đình mình, bà Nguyễn Thị Sen (49 tuổi, ngụ xóm 11, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, Nghệ An) khoe gia đình bà mới tổ chức buổi tiệc “đầy tháng” cho bò. Sau khi con bò “hạ sinh”, vợ chồng bà đã canh chừng lấy được nhau thai. 

Bà Sen vui vẻ kể: “Với phong tục quê bà Sen và các vùng lân cận, đây được xem là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Chúng tôi đã chế biến thành món ăn đặc trưng, rất ngon. Vì lượng khách dự định mời hôm đó của nhà tôi tương đối đông nên gia đình có mua thêm một số thực phẩm khác về nấu nồi cháu, thêm két bia mời hàng xóm, anh em đến chung vui”.

 “Hôm đó gia đình tôi làm 6 mâm cơm mời mọi người. Tốn kém một chút nhưng được cái rất vui, xem như mình chia sẻ lộc với mọi người”, bà Sen nói thêm.

Gia đình bà Sen vừa tổ chức “rượu hoa” mừng bò nhà đẻ con.
Gia đình bà Sen vừa tổ chức “rượu hoa” mừng bò nhà đẻ con.

Người phụ nữ này cho biết thêm, trước đó không lâu, con trâu của gia đình hàng xóm đẻ con, vợ chồng bà cũng được sang uống rượu mừng “đầy tháng” con nghé.

Theo chia sẻ của bà Sen, với nhà nông, con trâu, con bò vẫn được xem là “đầu cơ nghiệp”. Cũng chính vì thế, chúng được gia chủ chăm sóc rất cẩn thận, đặc biệt trong giai đoạn mang thai. Thời gian mang thai của trâu là hơn 10 tháng, với bò là hơn 9 tháng. Trong khoảng thời gian này, con vật sẽ được người nuôi chăm sóc, canh chừng cẩn thận cho đến ngày “vượt cạn”. 

Sau khi trâu bò đẻ, chúng sẽ được người chủ thực hiện một số nghi thức truyền thống theo quan niệm của địa phương. Thường thì người đàn ông trong nhà sẽ thắp lên ban thờ tổ tiên một nén nhang khẩn cầu cho bò mẹ được nhiều sữa, bê con mạnh khỏe. Sau đó, người nhà sẽ dùng khăn mới lau khô cho bê con để nó có thể nhanh chóng đứng dậy bú mẹ, đồng thời bóc lớp vẩy sừng dưới móng chân của chúng để vững vàng về sau.

Việc không thể bỏ qua là gia chủ cố gắng lấy được hoa từ con trâu, con bò mới sinh. Để hoa này đạt yêu cầu chế biến thành món ăn ngon đãi mọi người, gia chủ phải canh chừng rất cẩn thận. Trong quá trình đó, họ phải cầm theo cái thau sạch để hứng hoa rơi xuống sau khi trâu bò đã sinh. Nếu để phần hoa này rơi xuống đất dính bẩn thì đành phải bỏ đi. 

Việc hứng hoa nghe khó, nhưng với những người nông dân từ bao đời gắn bó với con trâu, con bò, đó là việc đơn giản được họ chờ đợi. Đối với trâu bò, người nông dân chuộng sinh con cái hơn con đực, vì con cái còn giúp sinh sôi, nảy nở thêm những con khác.

Từ đó, người dân nơi đây quan niệm, nếu lần đầu trâu bò sinh mà người dân không canh chừng, để trâu bò mẹ ăn mất hoa thì lần sau nó sẽ tiếp đẻ ra con đực hoặc con cái như lần đầu. Người dân phải hứng hoa để trâu bò không sinh con “một bề”, đặc biệt tránh trường hợp đẻ toàn “đực rựa”.

Theo bà Sen, thông thường, trọng lượng của mỗi chiếc hoa trâu bò khoảng 2 – 3kg. Sơ chế hoa bằng cách luộc chín. Nguyên liệu để chế biến món ăn phổ biến là hoa xào sả, gồm sả tươi, tiêu, muối, ớt tươi, lạc rang và một số gia vị cần thiết.

Ngoài món hoa bò xào sả, gia chủ sẽ mua thêm một số thực phẩm chủ yếu là các món nhậu để làm phong phú thực đơn trong bữa tiệc. Nhưng theo phong tục, bắt buộc phải có một nồi cháo thủ lợn. Người được mời đến chỉ việc đến chia vui và ăn cỗ, không cần lo quà cáp.

“Rượu hoa” chia vui

Tại xã Nam Anh (huyện Nam Đàn), gia đình ông Nguyễn Hữu Sơn  (ngụ xóm 4) cũng vừa tổ chức “lễ đầy tháng” cho con nghé. Ông Sơn hồ hởi chia sẻ, không riêng nhà ông, mọi người trong xã đều làm “lễ đầy tháng” cho trâu to như lễ ăn hỏi con cái. 

“Nhà tôi hôm đó cũng liên hoan 10 lít rượu nếp với 8 két bia để mừng con nghé cái chào đời. Tôi thấy những dịp này rất vui, lâu lâu trâu bò mới sinh nên ai có điều kiện cũng cố gắng làm. Không có lý do gì khác là tạo sự gần gũi, đoàn kết tình làng nghĩa xóm và chúc mừng gia chủ gặp nhiều may mắn”, ông Sơn nói.

Bà Sen bên chú bê mới sinh
 Bà Sen bên chú bê mới sinh

Với suy nghĩ đó, người dân tại các vùng quê này không ai dám phá lệ. Cụ Nguyễn Hữu Tư (77 tuổi, ngụ xóm 12, xã Nam Xuân) cho biết, phong tục có từ xa xưa này đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Bao nhiêu thế hệ trải qua, hễ gia đình nào có trâu bò đẻ là lại làm bữa tiệc chiêu đãi họ hàng, làng xóm. 

Tiệc to hay nhỏ, thịnh soạn hay không là tùy tình hình kinh tế mỗi gia đình. Nhưng nói chung, đều có chén rượu, đĩa hoa, nồi cháo thủ lợn... Nếu gia đình nào không lấy được hoa trâu bò thì buổi lễ làm đơn giản hơn, có khi chỉ là bát nước chè, gói kẹo, đĩa trầu. Như vậy cũng khiến mọi người vui vẻ vì được chia sẻ lộc của người hàng xóm. Về phần gia chủ cũng cảm thấy niềm vui được nhân lên khi được mọi người quan tâm.

Cụ Tư cho hay, con bò nhà cụ đã sinh đẻ hàng chục lần, chưa kể nhiều lần còn thay bò cái. Nhưng chưa lần nào bò đẻ mà cụ không làm tiệc. Nhà nào không làm “lễ đầy tháng” cho trâu bò sẽ bị hàng xóm bàn ra nói vào, chê trách cho rằng keo kiệt, rằng được người khác mời mà không mời lại được. 

Vì thế, gia đình nào có trâu bò đẻ mà hoàn cảnh gia chủ già yếu hay neo người không làm được “rượu hoa” cũng được họ hàng, làng xóm đến hỗ trợ làm tiệc mời mọi người. Đời này qua đời khác, những người dân nơi đây vẫn tuân thủ phong tục xưa với niềm phấn khởi vẹn nguyên.

Trao đổi về tục lạ này, ông Nguyễn Ninh Nhật, Phó chủ tịch UBND xã Nam Xuân (huyện Nam Đàn) cho hay, bữa tiệc mừng trâu bò sinh con được nhiều người dân trong xã và các vùng lân cận hay làm được gọi là “rượu hoa”.

Khi gia đình nào có trâu bò sinh sẽ mời hàng xóm, anh em đến uống chén rượu chung vui. Quy mô tổ chức như thế nào tùy thuộc vào kinh tế, mối quan hệ của gia chủ. Đây là phong tục có từ lâu đời, là nét văn hóa riêng của địa phương, việc thực hiện đảm bảo an toàn, lành mạnh là được.

Theo bà Sen, với nhà nông, con trâu, con bò vẫn được xem là “đầu cơ nghiệp”. Chúng được gia chủ chăm sóc rất cẩn thận, đặc biệt trong giai đoạn mang thai. Thời gian mang thai của trâu là hơn 10 tháng, với bò là hơn 9 tháng.

Đến ngày trâu bò “vượt cạn”, người nuôi sẽ túc trực đỡ đẻ để vật nuôi “mẹ tròn con vuông”. Một việc không thể bỏ qua là hứng nhau thai (hoa) của trâu bò. Đây sẽ là món ăn không thể thiếu trong “lễ đầy tháng” trâu bò được tổ chức ngay sau đó, thường gọi là “rượu hoa”.