|
Còn hơn 20 ngày nữa là tới Tết Nguyên đán, tại xưởng gốm Lê Văn Nhật (làng gốm Thanh Hà), các nghệ nhân đang hăng say làm việc với các công đoạn tạo hình, tỉ mỉ từng chi tiết để tạo nên những sản phẩm rồng phục vụ thị trường tết Giáp Thìn 2024.
|
Anh Lê Văn Nhật (35 tuổi) chủ xưởng gốm cho biết, cơ sở của anh được chính quyền phường giao chế tác linh vật để trưng bày ở làng gốm vào dịp Tết, vừa quảng bá sản phẩm của làng gốm cổ này, vừa phục vụ du khách tham quan, "check-in". Để tạo điểm nhấn linh vật rồng cho năm Giáp thìn 2024, anh Nhật đã quyết định làm lùng binh hình rồng. Bởi đây là sản phẩm đặc trưng của làng gốm Thanh Hà, là vật dùng để bỏ tiền tiết kiệm giống như heo đất.
|
Theo anh Nhật, việc chế tạo sản phẩm này phải trải qua nhiều bước, từ hình dung dáng, dựng phôi đến bảo quản, giữ ẩm sao cho sản phẩm đạt chuẩn nhất.
|
“Tạo hình một con vật bình thường đã khó, hình con rồng càng khó hơn vì nó có rất nhiều chi tiết, cần sự tỉ mỉ. Bởi rồng là con vật linh thiêng, nhìn uy phong và có những chi tiết như vảy, râu, đuôi, móng, mắt…, làm sao phải toát lên được vẻ dũng mãnh, sắc sảo của con vật nhóm tứ linh. Để làm cặp linh vật rồng này tôi mất khoảng 20 ngày”, anh Nhật nói.
Cũng theo nghệ nhân trẻ tuổi của làng gốm cổ Thanh Hà, cặp linh vật rồng trên chiếc lùng binh có kích thước cao 68cm, rộng 55cm. Sau khi phơi khô, 5 ngày sau sẽ cho vào lò nung và thành quả tác phẩm cho sẽ cho màu rất đẹp. Khi sản phẩm hoàn thành, anh sẽ giao lại cho chính quyền để trưng bày ở cổng làng hoặc điểm dừng chân ở làng gốm Thanh Hà phục vụ du khách dịp Tết Giáp Thìn.
|
|
Ngoài cặp linh vật trên, anh Nhật cho biết, cơ sở đã bán được hai chiếc lùng binh có linh vật rồng với kích thước 47 x 35cm cho khách với giá 2 triệu đồng mỗi chiếc. Bên cạnh đó, mỗi tháng cơ sở của anh cho ra lò khoảng 1.000 con tò he mang hình dáng 12 con giáp. Các sản phẩm này được anh bán cho các quầy lưu niệm, khách du lịch với giá dao động từ 25.000 – 50.000 đồng/con.
|
Cũng trong làng gốm cổ này, nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng (40 tuổi) đang cùng gia đình nhào nặn linh vật rồng để chuẩn bị trưng bày và bán cho khách du lịch.
|
Năm nay anh mất khoảng 20 ngày để hoàn thiện 2 linh vật hình rồng và sản phẩm này sẽ được trưng bày ở đầu làng gốm Thanh Hà để người dân và du khách có thể đến tham quan, chụp hình lưu niệm.
|
Bên cạnh làm tượng linh vật rồng, anh Hoàng và các thành viên trong gia đình còn tăng năng suất nặn tò he 12 con giáp dịp cận Tết, ước tính sản lượng đạt 6.000 con, cho thu nhập khoảng 18 triệu đồng.
|
Với lịch sử hình thành hơn 500 năm tuổi, làng gốm Thanh Hà là một trong những địa điểm mà du khách không thể bỏ lỡ khi ghé thăm đô thị cổ Hội An. Làng gốm Thanh Hà hiện có hơn 30 cơ sở sản xuất với 68 lao động tham gia trực tiếp và tất cả lao động này đều được nhận lương dựa trên mức độ đóng góp, tham gia vào hoạt động du lịch của làng.
|
Năm 2023, tổng lượng khách mua vé tham quan làng gốm Thanh Hà đạt hơn 550 nghìn lượt (doanh thu hơn 19,2 tỷ đồng), tăng hơn 317% so với cùng kỳ năm 2022, trở thành một trong những mô hình du lịch làng nghề hiệu quả nhất hiện nay ở Quảng Nam và cả nước.