Rồng trong Truyện Kiều - Dấu ấn 'hồn cốt' Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù xuất hiện không nhiều song với 4 chữ “Rồng" trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã khắc hoạ đủ “phần hình" và “phần cốt" của biểu tượng này, góp phần làm giàu ngữ nghĩa, mở rộng sự giàu đẹp của tiếng Việt.

Một trong những điều hay khi nói về Truyện Kiều của Nguyễn Du chính là người đọc có thể nhìn và cảm nhận “hệ sinh thái" đa dạng và nhân văn. “Hệ sinh thái" ấy bao gồm con người, cỏ cây và muông thú. Cụ thể, có khoảng 50 loài động vật được nhắc tới trong Truyện Kiều, từ loài có thật tới không có thật, trong đó con rồng xuất hiện 4 lần và mang nhiều nét nghĩa đặc biệt.

Rồng trong Truyện Kiều - Dấu ấn “hồn cốt" Việt Nam

Xuyên suốt 3254 câu lục bát, chữ rồng xuất hiện 4 lần ở các câu/cặp câu: 1865; 2195 - 2196; 2211- 2212; 2671 - 2672. Dù chỉ 4 lần xuất hiện nhưng Nguyễn Du đã mang tới một hình ảnh đậm “hồn cốt" của văn hoá Việt.

“Hồn Việt" trong hình ảnh rồng được thể hiện ở mặt ngôn ngữ. Khái niệm “rồng” xuất hiện 4 lần đều dưới dạng chữ nôm, chứ không phải chữ Hán. Việc sử dụng chữ nôm kết hợp với thể thơ lục bát biểu đạt sự gần gũi và thân thương nhất, như lời khẳng định tính dân tộc, tính thuần Việt trong suốt tác phẩm.

Ngoài khía cạnh ngôn ngữ, hình ảnh Rồng trong Truyện Kiều còn gắn liền với đời sống tinh thần người Việt, vận dụng linh hoạt điển tích, điển cố của nền văn học Hán Nôm. Ở 4 lần xuất hiện, 2 lần từ Rồng được hiểu theo nghĩa đen, 2 lần hiểu theo nghĩa bóng.

Tại câu số 1865 “Giọt rồng canh đã điểm ba”, từ “rồng” vốn nói tới thời gian, “giọt rồng" chính là dòng thời gian tuyến tính, vận động liên tục không có điểm dừng. “Giọt rồng" còn là cách gọi khác của chiếc đồng hồ khắc hình con rồng chạy bằng nước mà người xưa sử dụng. Tương tự như các từ chỉ thời gian khác như “chén trà", “nén hương" hay “tuần hương".

Đặt trong hoàn cảnh thơ, lúc này Kiều đang gảy đàn hầu vợ chồng Thúc Sinh. Trước vẻ mặt đớn hèn của Thúc Sinh và sự hả hê của Hoạn Thư, tình yêu và lòng tin của nàng Kiều hoàn toàn sụp đổ. “Giọt rồng" điểm bao nhiêu thì nàng đau khổ bấy nhiêu, điều duy nhất còn lại là tiếng đàn văng vẳng trong không gian lạnh lẽo. “Giọt rồng" vừa chỉ thời gian tăng tiến, vừa đại diện cho nỗi giày vò ngày một lớn trong lòng Thuý Kiều.

Chữ “Rồng" nghĩa đen lần thứ hai xuất hiện trong cặp câu 2671 - 2672, lời sư Tam Hợp nói với Giác Duyên, báo trước Kiều sẽ nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn:

“ Giữa dòng nước dẫy sóng dồi

Trước hàm rồng cá gieo mồi thủy tinh”

Rồng cá là loài giao long, một con vật có thực. Theo dân gian, rồng cá biểu thị điềm dữ, sự xui xẻo và tai nạn dưới nước. Đặt trong ngữ cảnh câu thơ, người đọc phần nào dự đoán được lựa chọn của Thuý Kiều, rằng nàng sẽ tìm tới cái chết để giải thoát cho cuộc đời khổ đau và bất lực.

Hai trường hợp chữ “rồng” được hiểu theo nghĩa bóng là mây rồng và cưỡi rồng, nằm ở các câu:

Thưa rằng:“Lượng cả bao dung,

Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.”

“Trai anh hùng, gái thuyền quyên,

Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng

“Mây rồng” tượng trưng cho cơ hội ngàn năm có một: rồng gặp mây, hội mây rồng (long vân khánh hội), ý chỉ người đi thi đậu cao, vua hiền gặp tôi giỏi, người tài phát nghiệp đế vương. Câu nói của Kiều với Từ Hải có cụm từ “mây rồng" thể hiện niềm kính trọng, ngưỡng mộ người tài và cảm thán trước hùng tâm tráng trí của bậc anh hùng.

“Cưỡi rồng”, xuất xứ từ điển tích “thừa long” của Hán văn, chỉ người phụ nữ lấy được chồng cao sang hoặc cao quý. Theo “Sơ học ký”, thái úy Hoàng Yên có hai cô con gái, một cô lấy Hoàng thượng, một cô lấy Lý Nguyên Lễ, cả hai đều làm quan tới chức tư đồ, nên người đời khen rằng cả hai con gái của thái úy đều “cưỡi rồng”.

Một điều dễ thấy 2/4 hình ảnh rồng xuất hiện Nguyễn Du đều gắn với nhân vật Từ Hải. Câu 2195 - 2196 Kiều nói với Từ Hải, câu 2211 - 2212 Nguyễn Du bày tỏ sự ngưỡng mộ với sự đẹp đôi của hai người. Trong số các nhân vật của Đoạn trường tân thanh, Từ Hải là người xứng đáng với hai chữ anh hùng, là rồng giữa biển người, mang tầm vóc và cốt cách chính nghĩa.

Dù xuất hiện không nhiều song với 4 chữ “Rồng" trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã khắc hoạ đủ “phần hình" và “phần cốt" của biểu tượng này. Hơn nữa, rồng trong Truyện Kiều còn góp phần làm giàu ngữ nghĩa, mở rộng sự giàu đẹp của tiếng Việt.

Rồng trong thơ đương đại - Sinh động và “phủ" chất đời

Bên cạnh Nguyễn Du, Rồng cũng là một hình ảnh thường thấy trong thơ cận đại và hiện đại. Khác với biểu tượng Rồng đậm tính “ước lệ", Rồng ở hai thời kỳ này mang đủ sắc thái “hỷ, nộ, ái, ố", vừa là linh vật cao quý - vừa là hình tượng thấm đẫm chất đời.

Trong thơ Tú Mỡ (1900 - 1976), hình ảnh Rồng gắn với chữ “ố" - tức sự bất bình, chán ghét, mỉa mai. Tú Mỡ sử dụng Rồng như một phương tiện ẩn dụ ám chỉ những rối ren, đảo điên của thời cuộc. Đơn cử “rồng xanh” chỉ đồng tiền Đông Dương - đồng tiền của thời kỳ nửa phong kiến, nửa thuộc địa mất đi tự do và bình đẳng. Hay cụm từ “sắc rồng" - mỉa mai lối sống công thần, nửa sính ngoại, nửa quan cách của tầng lớp trưởng giả bấy giờ.

Cùng với đó, mượn hình ảnh rồng, ông cũng phê phán những thói hư tật xấu, lối tư tưởng lạc hậu cố hữu trong tiềm thức người Việt. Trong bài Lỡm cô Ngọc Hồ, Tú Mỡ dùng cách nói lái/nói ngược từ Hồ Xuân Hương:

Tưởng băng trắng muốt, tuyết trong veo - Tuyết lấm, băng nhơ, rõ chán phèo - Tiết sạch coi nhàm, trăng gió nhởn - Hoa tàn vẫn dử bướm ong theo - Hồ tù ngán nỗi con rồng lộn - Ngọc vết thương tình kẻ cố đeo - Nhắn khách Băng Tâm ai đó tá - Mỹ danh hai chữ, nghĩ buồn teo.

“Rồng” ghép với từ và tứ trong bài thơ ngầm đặt cái cao quý cạnh cái tầm thường, từ đó nêu ra một nghịch lý trong xã hội: Con người đôi khi thèm muốn những thứ chẳng ra gì.

Khác với Tú Mỡ, Chế Lan Viên (1920 - 1989) viết về Rồng trữ tình và ít trào phúng hơn. Có thể nói, ông là tác giả sử dụng hình ảnh Rồng nhiều nhất trong các tác phẩm của mình. Dưới ngòi bút Chế Lan Viên, Rồng gắn với hai chữ “Ái” và “Nộ" - tức yêu và hờn. Hai trạng thái trên chi phối mạch cảm xúc trong thơ ông, làm thơ ông vẫn tình, vẫn đời dù theo phong cách suy tưởng và triết lý.

Ôi! Trường Sơn vĩ đại của ta ơi!

Ta tựa vào ngươi, kéo pháo lên đồi

Ta tựa vào Đảng ta, lên tiếng hát

Dưới chân ta, đến đầu hàng Đờ Cát

Rồng năm móng vua quan thành bụi đất

Mỗi trang thơ đều dội tiếng ta cười!

(Bài thơ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?)

“Rồng năm móng" biểu trưng cho quyền lực vua chúa - người đứng đầu nhà nước phong kiến xưa. Ứng trong câu thơ, hình ảnh rồng gợi sự chấm dứt của một chế độ, đồng thời cũng là khởi đầu của một cuộc sống mới, một xã hội mới tốt đẹp và tự do hơn. Như vậy, rồng mang cả hai sắc thái ái và nộ - luyến tiếc nền văn hoá cũ, yêu mến/đón đợi tương lai mới.

Trong bài thơ Người thợ chạm, Chế Lan Viên lặp lại hình ảnh rồng với câu thơ “Nét dao chạm quên mất mặt rồng vua chúa". Ở đây, “rồng vua chúa” đại diện cho sự xa lạ và cảm giác lãng quên.“Mặt rồng vua chúa" là hoa văn không hợp với hiện đại nhưng lại là dấu ấn của một nền văn hoá từng cường thịnh.

Với riêng nghĩa hỷ (vui mừng) ở biểu tượng Rồng, các nhà thơ cận đại, hiện đại sử dụng tương đối nhiều. Đặc biệt, hình ảnh Rồng trong thơ được lồng ghép với các điển tích xa xưa như: con “rồng bướng" của Cao Bá Quát - thơ Xuân Diệu; “thần cưỡi lưng rồng uy nghi” trong truyền thuyết Sơn Tinh Thuỷ Tinh - thơ Nguyễn Nhược Pháp.

Dưới góc độ văn học, hình ảnh Rồng được thể hiện một cách đa dạng và giàu tính biểu tượng. Điểm hay là ở chỗ, con Rồng Việt Nam không chỉ cao quý, mạnh mẽ mà còn ẩn chứa cái chất rất “đời”. Hơn thế, “Rồng trong văn học” là mảnh ghép quan trọng tạo nên sự phong phú của “Rồng trong văn hoá".

Khởi nguồn từ dân gian, xuất hiện xuyên suốt qua từng thời kỳ phát triển của văn học, bức tranh mỹ cảm về Rồng đang ngày một hoàn thiện và “vun bồi" xúc cảm cho nhiều thế hệ. Trước hành trình sáng tạo mới trong năm 2024, xin mượn ý “Giọt rồng" - chỉ thời gian trong thơ Nguyễn Du để “cảm tạ" những khoảnh khắc đã qua và mong chờ những cơ hội mới.

Tài liệu tham khảo:

Tư liệu Truyện Kiều tại Hội thảo TTVH Pháp 2020

Bộ tư liệu sưu tập của Họa sĩ Sơn Kiều

Đào Duy Anh (từ điển truyện Kiều 1974 NXB KHXH)

Phan Ngọc (Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều)