Độc đáo ngôi làng sạch nhất châu Á

(PLO) -Mawlynnong là một ngôi làng nhỏ nằm dọc theo biên giới Ấn Độ- Bangladesh, cách Shillong 90 km. Nơi đây hoàn toàn không giống với hầu hết những ngôi làng khác trên trái đất, bởi ngôi làng được bình chọn là nơi sạch sẽ nhất châu Á.
 
Hình ảnh đẹp đẽ của ngôi làng Mawlynnon.
Hình ảnh đẹp đẽ của ngôi làng Mawlynnon.

Đẹp đẽ và thanh bình

Nằm nép mình ở huyện East Khasi Hills của bang Meghalaya, phía đông Ấn Độ, ngôi làng Mawlynnong đẹp như tranh vẽ, có lối sống hài hòa với thiên nhiên. Đặc biệt khi vào mùa mưa, ngôi làng lại càng trở nên cuốn hút và thanh bình khi cây cối trở nên tươi tốt sau những trận mưa rào với những thác nước nằm thu mình bên những con suối nhỏ.

Chỉ có hơn 90 hộ gia đình với khoảng 600 cư dân, ngôi làng là nơi sinh sống của người Khasi, một xã hội theo chế độ mẫu hệ ở Ấn Độ, tài sản và quyền lực được truyền từ mẹ sang cho gái và phụ nữ là người sở hữu toàn bộ đất đai. 

Nhưng trong vài năm trở lại đây, ngôi làng bắt đầu trở nên nổi tiếng bởi một lý do đặc biệt khác- đó là lối sống sạch sẽ- khác xa với những bụi bẩn và ồn ào nơi đô thị và các thành phố lớn của Ấn Độ.

Mawlynnong từng được tuyên bố là ngôi làng sạch nhất châu Á năm 2003 và sạch nhất Ấn Độ năm 2005, khi một phóng viên của tạp chí du lịch Khám phá Ấn Độ đã viết một bài báo và nói rằng, đây là vùng đất sạch nhất châu Á.

Từ đó, khách du lịch đổ về rất nhiều vì muốn khám phá và trải nghiệm cuộc sống sạch sẽ nơi đây, đỉnh điểm nhất là có những ngày có tới 250 lượt khách ghé thăm, gần bằng một nửa dân số của ngôi làng. 

Sau khi đến thăm nơi đây, Thủ tướng Ấn Độ Shri Narendra cũng đã công nhận Mawlynnong là ngôi làng sạch nhất vùng Meghalaya. Ông đã kêu gọi cả nước học tập theo lối sống sạch sẽ của ngôi làng, đồng thời quyết tâm xây dựng một chương trình quốc gia nhằm giải quyết tình trạng đáng xấu hổ về hình ảnh đất nước Ấn Độ nghèo khổ, nổi tiếng kém vệ sinh nhất trên thế giới vì bụi bẩn, rác rưởi và ô nhiễm môi trường.

Từ đó chương trình “Sứ mệnh làm sạch Ấn Độ” bắt đầu được phát động vào tháng 10/2014 với mục tiêu dọn dẹp triệt để các thành phố chính trước ngày sinh nhật lần thứ 150 của Mahatma Gandhi vào năm 2019. Trong tháng 5/2016, Thủ tướng Shri Narendra nhấn mạnh, đây là “ngôi làng sạch nhất châu Á” tại một buổi lễ tuyên dương những thành tựu của chính phủ.

 “Tôi đã rất ngạc nhiên khi biết được tại một nơi xa xôi hẻo lánh của đất nước như Meghalaya lại có lối sống lành mạnh, trong sạch trong nhiều năm như vậy. Do đó, cả làng cần phải phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp này, học cách điều chỉnh cuộc sống trước lượng du khách ngày càng đông để bảo vệ chính mình và cả nét đẹp của ngôi làng” - Thủ tướng nói. 

Thùng giác được đan bằng tay đặt khắp nơi trong ngôi làng.
Thùng giác được đan bằng tay đặt khắp nơi trong ngôi làng.

Từ một trận dịch tả…

Từ khi nào lề lối giữ gìn vệ sinh này bắt đầu? Không ai biết chắc chắn, nhưng theo người dân trong làng cho hay, giữ gìn vệ sinh bắt đầu được thực hiện ở ngôi làng cách đây khoảng 130 năm khi một đợt dịch tả bùng phát khiến người dân khốn đốn.

“Chúng tôi theo đạo Thiên chúa từ hơn 100 năm nay. Những nhà truyền giáo Kito khi mới đến đây đã nói với tổ tiên của chúng tôi rằng: Muốn bảo vệ mình khỏi bệnh tật, trước hết phải giữ gìn vệ sinh thật tốt từ nhà cửa, vườn tược, thực phẩm… từ cơ thể của mình cho đến giữ gìn vệ sinh chung.

Chúng tôi truyền lại những kỹ năng này, tôi cho con tôi, chúng nó cho con chúng nó” - một người dân trong làng nói. “Ngoài ra, trong làng không có trạm y tế, do đó sạch sẽ là phương châm quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh”. 

Không chỉ vậy, do người dân của làng này cũng thuộc người Khasi, một xã hội theo truyền thống mẫu hệ. Có lẽ, với vai trò chủ đạo của phụ nữ trong xã hội thì việc giữ gìn nhà cửa và môi trường gọn gàng cũng đóng vai trò lớn hơn.

Hay nói một cách khác, đây không phải là thói quen mà là truyền thống lâu đời. Người dân ở đây làm mọi thứ để môi trường luôn sạch sẽ, từ việc làm sử dụng can nhựa dùng để trồng cây, làm chiếc đánh đu bằng cách tận dụng những túi nhựa bỏ đi cho trẻ con chơi… vì họ biết rằng rác bằng nhựa khi đốt có khí độc. 

Sạch sẽ thành… thói quen

Rất nhiều người đã đặt câu hỏi về lý do tại sao ngôi làng này lại có lối sống sạch sẽ đến vậy? Câu hỏi được người dân nơi đây trả lời rất rõ ràng như sau: “Chúng tôi vệ sinh nhà cửa, đường làng mỗi ngày bởi vì ông bà và tổ tiên chúng tôi dạy rằng lối sống sạch sẽ rất tốt cho sức khỏe của con người” - cô gái trẻ của ngôi làng Mawlynnon Baniar Mawroh nói. 

Cô bé Deity Bakordor, 11 tuổi bắt đầu buổi sáng của mình từ lúc 6h30 bằng công việc dọn dẹp nhà cửa và xóm làng cùng với những đứa trẻ khác trước khi đi học. Trên tay là những cây chổi, mọi người cùng nhau quét dọn mọi ngõ ngách trong làng từ lá rụng cho đến rác rưởi.

Những đứa trẻ trong làng cũng chịu trách nhiệm đổ rác (những thùng rác được đan bằng tay hình chiếc nón được đặt xung quanh làng), và phân loại rác hữu cơ với rác đốt được ra. Lá và các rác có thể phân hủy được chôn để thành phân bón; mọi thứ khác được chuyển ra xa làng và đốt.

Ngoài ra, còn có cả những người làm vườn luôn tận tâm chăm sóc cây cối và trồng rất nhiều loại hoa xinh đẹp dọc các con đường nhằm tạo không gian đẹp đẽ, thư thái, khiến cho việc đi bộ vô cùng dễ chịu và thú vị.

Một phụ nữ đang quét rác.
Một phụ nữ đang quét rác.

Khi hỏi Bakordor  rằng cô bé có hạnh phúc không khi sống ở một nơi như thế này, cô bé khẽ gật đầu bẽn lẽn. Còn khi hỏi, nếu một khách tới đây và vứt rác xuống đất, cháu sẽ làm gì, câu trả lời là: Cháu sẽ không nói gì và sẽ nhặt rác lên, bỏ vào giỏ rác.

Bakordor giải thích rằng trong Mawlynnong, vệ sinh xóm làng là công việc rất đỗi bình thường và vào thứ bảy hàng tuần còn có việc làm thêm khi trưởng làng giao “việc xã hội” vì sự tốt đẹp cho thị trấn. Đối với cháu dọn dẹp là công việc tốt và nó giúp cho trường học của cháu trở nên đẹp hơn. Bước vào ngôi nhà mà Bakordor đang sinh sống, mọi thứ vô cùng sạch sẽ và ngăn nắp, sàn nhà được quét dọn thường xuyên, bát đĩa bóng loáng và chăn gối được gấp gọn gàng. 

Tại ngôi làng, thùng rác có mặt ở khắp nơi, người dân thường tự giác quét dọn đường phố đều đặn hàng ngày và không bao giờ vứt rác bừa bãi trong làng. Công việc này trở thành thói quen của cả làng và sự sạch sẽ đã ăn sâu bám rễ vào lối sống ở đây, được toàn bộ người dân tuân thủ nghiêm ngặt, từ trẻ nhỏ cho đến các cụ già móm mém.

Tuy nhiên, chính sự nổi tiếng ấy lại khiến cho ngôi làng gặp phải một số rắc rối. “Bây giờ làng của chúng tôi bị ô nhiễm tiếng ồn. Chúng tôi đã họp bàn và viết thư đề nghị chính phủ xây dựng một bãi đậu xe mới phục vụ nhu cầu của khách du lịch” - ông Said Rishot Khongthohrem, 51 tuổi, chủ một nhà nghỉ trong làng - nói.

Một người dân khác có tên Deepak Laloo cũng nói rằng du lịch phát triển tạo nguồn thu nhập cho ngôi làng nhưng cũng gây ra những tác động không hề nhỏ tới cuộc sống của người dân. “Chúng tôi không có sự riêng tư. Ngay cả một người phụ nữ đang giặt quần áo cũng được du khách chụp ảnh. Điều này trái ngược với lối sống vốn có của làng”…/. 

Đọc thêm