Độc đáo phiên chợ, đi không phải vì... tiền

(PLO) -Ở vùng núi Cao Bằng có nhiều phiên chợ độc đáo vẫn lưu giữ nét cũ hồn xưa, dù nhịp sống hiện đại đã bắt đầu hòa trộn. 
 
Rộn ràng chợ trâu bò vùng cao
Rộn ràng chợ trâu bò vùng cao

Từ lâu, đối với đồng bào vùng cao, mỗi dịp chợ phiên diễn ra là cả một vùng đất nghèo khó lại trở nên rộn rã, vui tươi như có hội. Trong tiềm thức của họ, chợ phiên được xem như ngày tết sau cả tháng cật lực làm việc trên nương, trên rẫy. Để rồi đến ngày chợ họp, người với người dù cách nhau nhiều “con dao quăng”, cách nhau nhiều trái núi cũng cố công tìm về. 

Chợ “xách lợn”

Vùng núi Cao Bằng những ngày cuối năm lạnh buốt bởi những đợt sương giá. Nhưng những ngày họp chợ phiên, khi mặt trời chưa kịp ló rạng, cái rét vẫn ngâm ngẩm tê cóng đôi bàn tay thì trên khắp nẻo đường đâu cũng thấy rộn rã, ầm ì tiếng xe máy leo đèo vượt dốc. 

Ở vùng Trùng Khánh và Quảng Uyên có hai phiên chợ lớn nhất là chợ Thông Huề (họp chính vào các ngày 2, 7, 12, 22, 27 âm lịch) và chợ Quảng Uyên (họp vào ngày mùng 1, 16, 21, 26 âm lịch). Được xem là những chợ “to” nhất vùng, các chợ này có nét độc đáo đặc sắc.

Háo hức đi chợ phiên từ sáng sớm
Háo hức đi chợ phiên từ sáng sớm

Người vùng cao sống ở Cao Bằng thường đổ dồn về chợ phiên Quảng Uyên, gồm đủ mọi thành phần dân tộc từ người Kinh, Tày, Nùng cho đến những thiếu nữ người Dao. Người bán, kẻ mua, chợ Quảng Uyên tấp nập từ khi đồng hồ điểm chưa đầy 7h sáng. 

Các sản phẩm hàng hóa trong chợ đa phần là thành quả lao động do người dân vùng cao chắt chiu, làm lụng mới có được từ cây mía, củ khoai cho đến đơn giản như một bó rau rừng, gánh củi cũng được góp mặt trong chợ. 

Nhưng người ta đi chợ phiên không phải chăm chăm kiếm tiền, không lo âu gánh nặng mưu sinh. Với họ, đi chợ phiên chỉ đơn giản là muốn đến và đến để góp vui, để nhìn thấy nhiều người… Chẳng thế mà trong chợ phiên ngày hôm ấy, có một cậu bé tên Páo, người nhỏ nhắn, đen nhẻm, nhà tận mãi Đàm Thủy cũng lẽo đẽo bám theo cha vượt gần trăm cây số đến chợ chỉ để nhẩn nha ăn một khúc mía. 

Một góc chợ “xách lợn”
Một góc chợ “xách lợn”

Thực tế, so với trước kia, những chợ phiên này ít nhiều có những biến đổi. Nếu trước đây người ta đến chợ phiên chủ yếu là đi bộ, có khi cưỡi ngựa hoặc thồ nhau bằng xe đạp… thì nay, phần lớn họ chuyển sang đi xe máy. Nhịp sống hiện đại từng bước đổi thay, tới mức giờ người Tày, người Nùng… đến chợ cũng ít khi vận lên mình những bộ áo truyền thống.

Vẫn biết đó là sự “thích nghi” tất yếu của một đời sống khấm khá, no ấm nhưng chứng kiến chợ phiên vùng cao thiếu những màu sắc quần áo dân tộc như vậy, không ít du khách vẫn cảm thấy nao nao tiếc nuối.

Rẽ ngang qua dòng người ùn ùn đổ về chợ, tôi ghé vào một góc ồn ã và tập trung đông người nhất, đó là góc “xách lợn”. Những chú lợn trong khu này không được nhốt vào những chiếc lồng sắt như dưới xuôi, trái lại chúng được nhốt vào một chiếc rọ tre nhỏ.

Một góc chợ “xách lợn”
Một góc chợ “xách lợn”

Cứ hai chú ỉn lại được sắp thành một cặp, nhốt vào hai chiếc lồng xinh xắn. Người cần mua chỉ đi qua một lượt, ngắm nghía, nếu thấy ưng bụng thì trả tiền xách về, không kì kèo mặc cả.

“Lợn rẻ mà, mua đi, chỉ có 500 ngàn một đôi thôi, lợn thả quanh nhà đấy, khi nó lớn mình giấu mẹ nó, lựa lúc trời tối bắt con nó thôi. Nó ăn ít nhưng mau lớn lắm, khỏe lắm…”, chị Nông Thị Tình, một người bán lợn mời chào. 

Người vùng cao thật thà bán sao nói vậy, không nói thách, không “hét” giá. Người cần thích thì mua, không ưng không nài ép. 

“Sàn giao dịch” trâu bò 

Nếu như ở chợ Trùng Khánh có khu chợ “xách lợn” thì ở Trà Lĩnh lại có chợ trâu bò. Như một “sàn giao dịch” trâu bò độc nhất vô nhị trong vùng, mỗi dịp ngày chợ (mùng 4, 9, 14, 19, 24 và 29 âm lịch hàng tháng) là cả vùng Trà Lĩnh lại rộn rã.

Chợ Trà Lĩnh bắt đầu họp từ lúc tờ mờ sáng cho đến khi trời chuyển sang quá trưa, có những phiên chợ, số lượng trâu, bò mang ra “giao dịch” tới gần 100 con.

Nụ cười của những thợ hoạn gà
Nụ cười của những thợ hoạn gà

Thương lái  ở khắp các huyện của Cao Bằng tìm đến đây để lựa ra những con trâu, con bò to khỏe về cày kéo. Cũng có khi họ mua trâu bò về thịt hoặc tìm những con trâu tốt để nuôi dưỡng thành trâu chọi. Ở chợ phiên Quảng Uyên cũng có góc chợ dành riêng cho việc trao đổi, mua bán trâu bò, nhưng không lớn bằng chợ Trà Lĩnh. 

Sau một hồi dạo khắp lượt trâu để xem khoang khoáy, chân…. ông Mông Văn Sáu (61 tuổi) nhà mãi tận xã Vĩnh Quang (Bảo Lâm) cũng ưng ý lựa cho mình một chú bò đực lớn, khoảng 2 năm tuổi. Ông Sáu nói: “Bò, trâu đều được thả rông trên núi đến tối mới lùa về chuồng nên cái chân nó cứng, nó khỏe lắm. Mua về để cày thôi, có ít tiền thôi mà”. 

Đàn ông vùng cao đi chợ nhiều người cũng không có ý định mua bán, trao đổi gì, chỉ đơn giản tìm đến chợ để tìm người quen và mời nhau chén rượu. Bên góc chợ, mấy ông lão hành nghề hoạn gà dù ế ẩm nhưng cũng chẳng lấy làm buồn. Nhâm nhi chén rượu ngô nồng nồng, một thợ hoạn gà hóm hỉnh nói: “Phải uống rượu vào thì khi có khách, có gà, mình đưa đường dao mới ngọt, mới chính xác được”.

Trâu, bò xếp hàng chờ người mua
Trâu, bò xếp hàng chờ người mua

Chợ phiên vùng cao bao đời nay vẫn thế, người ta đi chợ chủ yếu là để ngắm nghía, gặp gỡ nhau cho thỏa lòng. Chẳng thế mà, cũng nhờ những buổi chợ ấy không ít người nên đôi thành cặp. 

Sắc màu của những chợ phiên ngày nay ít nhiều có sự pha trộn của nhịp sống hiện đại, thế nhưng nét hồn hậu, chất phác của con người vùng cao vẫn hiển hiện giữa những phiên chợ rộn ràng. Vào dịp tết, chợ phiên sẽ càng đông vui hơn bởi những vị khách “lãng du” từ dưới xuôi tìm đến chợ như thưởng thức một thứ “đặc sản” không tìm thấy được ở nơi phố thị.