Tự thuê người phá hoại hạnh phúc của chính mình
Theo đó, wakaresaseya - dịch nôm na “Kẻ phá đám”, là dịch vụ phá hoại tình cảm chỉ có ở Nhật Bản, hướng đến những khách hàng có mong muốn chấm dứt quan hệ với nửa kia nhưng ngần ngại mở lời. Lúc đó, họ có thể thuê các “chuyên gia phá hoại tình cảm” để quyến rũ đối phương, thúc đẩy quá trình chia tay diễn ra êm thấm.
Vào năm 2010, một người đàn ông có tên Takeshi Kuwabara bị kết án vì tội giết người tình của mình, Rie Isohata. Tuy nhiên, điều khiến dư luận chú ý không phải là vụ giết người đầy bi kịch này mà là thân phận của Kuwabara. Theo đó, Takeshi Kuwabara là một “wakaresaseya”, người được chồng của cô Rie Isohata thuê để quyến rũ cô, nhằm phá hoại cuộc hôn nhân của họ.
Bản thân anh Kuwabara cũng đã có vợ con đàng hoàng, nhưng vẫn nhận lời và coi nó là một công việc. Ban đầu anh dàn dựng một cuộc gặp gỡ với Isohata trong siêu thị. Với vẻ ngoài thư sinh khá trí thức, anh ta tự giới thiệu mình là một chuyên viên công nghệ thông tin còn độc thân. Hai người bắt đầu hẹn hò qua lại, nhưng đến cuối cùng thì họ yêu nhau thật sự.
Trong thời gian đó, một đồng nghiệp của Kuwabara được anh âm thầm ghi lại những khoảnh khắc thân mật của hai người trong một khách sạn, gửi cho người chồng của Isohata. Ông ta đã dùng những bức ảnh này làm bằng chứng để đòi ly hôn.
Lúc này, Rie Isohata mới biết được mình bị lừa dối và cô giận dữ đòi cắt đứt mối quan hệ với Kuwabara. Thế nhưng, nếu như ban đầu làm chỉ với mục đích kiếm tiền, lúc này Kuwabara đã có tình cảm với Isohata. Không chấp nhận được sự thật này, anh ta đã ra tay siết cổ Isohata bằng một đoạn dây. Một năm sau, Kuwabara bị kết án 15 năm tù giam.
Sự vụ này đã khiến ngành dịch vụ wakaresaseya bị ảnh hưởng nặng nề, buộc các công ty trong lĩnh vực này phải thay đổi hình thức hoạt động. Yusuke Mochizuki, thám tử của “cửa hàng giã từ” First Group, nói rằng trong số những hậu quả gồm có việc siết chặt quảng cáo trực tuyến đối với dịch vụ wakaresaseya và tệ hơn cả là sự nghi ngờ từ phía công chúng, khiến các wakaresaseya gặp nhiều khó khăn khi hành nghề.
Ngành dịch vụ có sức hấp dẫn kỳ lạ
Tuy nhiên giờ đây đã 10 năm trôi qua sau sự việc trên, dịch vụ “wakaresaseya” đang có dấu hiệu tái khởi sắc, mặc cho mức phí “cắt cổ” và sự phản đối của dư luận. Hiện nay, loại hình dịch vụ này khá phổ biến ở Nhật Bản và thu hút lượng khách hàng không nhỏ. Một khảo sát cho thấy khoảng 270 công ty wakaresaseya thường xuyên chạy quảng cáo trên mạng, trong đó có nhiều bên tích hợp dịch vụ thám tử tư.
Khi nói về nghề này, điều đầu tiên hấp dẫn các “tiểu tam” chính là mức thù lao cực khủng. Mochizuki-một cựu nhạc sĩ - đã trở thành chuyên gia wakaresaseya sau khi về hưu. Mochizuki thú nhận mỗi lần nhận việc, ông thường đòi thù lao khoảng 400,000 Yên (87 triệu VNĐ) cho những trường hợp tương đối đơn giản. Tùy thuộc vào tình hình và tính cách đối tượng, nhưng nếu đã xác định sử dụng dịch vụ, thì người thuê cũng phải chắc chắn về khoản tiền bạc.
Kinh khủng hơn, mức phí có thể lên tới 20 triệu yên (145.000 bảng Anh) nếu khách hàng là chính trị gia hoặc người nổi tiếng, yêu cầu mức độ bí mật cao. Những wakaresaseya cần thực sự tường tận luật pháp Nhật Bản bao gồm các điều luật liên quan đến hôn nhân, ly hôn và những ranh giới không thể vượt qua như đột nhập vào nhà đối tượng hoặc đe dọa.
Về quá trình làm việc, sau khi nhận được tiền đặt cọc, các wakaresaseya sẽ mở một cuộc điều tra, bắt đầu với những câu hỏi quen thuộc như: “Tại sao chồng bạn không còn nồng nàn, điều gì khiến vợ bạn ngủ với sếp, tại sao bạn lại muốn lừa dối bạn trai?”.
Xa hơn nữa, các cuộc phỏng vấn với hàng xóm và đồng nghiệp, hồ sơ in đính kèm điền thông tin chi tiết về sở thích, phong cách sống và tuyến đường đi làm quen thuộc của mục tiêu. Sau khi xâu chuỗi mọi thứ, các wakaresaseya sẽ nghĩ ra một “kịch bản” để lôi kéo mục tiêu và cuối cùng thuyết phục hoặc gây áp lực buộc đối phương phải chấm dứt mối quan hệ.
Làm “Tuesday” cũng cần nắm chắc luật
Nhưng hầu hết khách hàng của Mochizuki không phải là những người đã kết hôn và muốn được giúp chấm dứt mối quan hệ với vợ/chồng của họ, mà họ muốn phá hoại cuộc tình gian díu của kẻ phản bội. Theo đó, ông Mochizuki đã thông tin về một trong những vụ phức tạp mà cần tới 4 wakaresaseya cùng phối hợp thực hiện. Theo đó, cô Aya tin rằng chồng cô, Bungo, đang ngoại tình. Cô liên hệ với một wakaresaseya tên là Chikahide.
Chikahide bắt đầu bằng việc tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu thông tin, xem xét các tài liệu do cô Aya cung cấp, bám theo các hoạt động đi lại của anh Bungo, rà soát thông tin trên trang cá nhân và tin nhắn trực tuyến của Bungo, đồng thời tìm hiểu cả bạn bè lẫn thói quen của người đàn ông này. Sau một quá trình theo dõi, Chikahide xác định rằng Bungo quả thực đang lừa dối vợ.
Được biết, anh Bungo quê ở Kagoshima và là một người ham mê tập thể hình, do đó Chikahide cử một đồng nghiệp, là thám tử nam có giọng nói vùng Kagoshima tên là Daisuke, tiếp cận Bungo. Daisuke bắt đầu xuất hiện tại phòng tập thể hình mà anh Bungo thường lui tới, kiêm cớ để tình cờ trò chuyện và kết bạn với Bungo.
Do biết rất nhiều chi tiết về Bungo nhờ vào những thông tin nghiên cứu của Chikahide, nên Daisuke có thể dễ dàng tung hứng các chủ đề mà Bungo quan tâm và tạo ấn tượng là hai người rất hợp nhau. Cuối cùng, Daisuke mò ra được thêm thông tin về bạn gái của Bungo, người có tên là Emi.
Lúc này Daisuke tiếp tục nhờ đến sự giúp đỡ của nữ thám tử Fumika. Giống như Daisuke và Bungo, Fumika vun đắp tình bạn với Emi và tìm hiểu rất nhiều về cô, bao gồm cả việc tìm hiểu xem cô thích kiểu đàn ông lý tưởng nào, thích xây dựng mối quan hệ thế nào. Fumika cuối cùng sắp xếp một bữa tối vui vẻ với sự tham dự của một nhóm người, trong đó có Emi và một số thám tử khác. Một trong số này là một nam thám tử tên là Goro.
Goro đã được đọc kỹ tất cả thông tin về những điều Emi thích và không thích, và đóng kịch thành tuýp người có vẻ như rất dễ kết thành tri kỷ với Emi. Goro quyến rũ Emi (mặc dù Mochizuki vẫn cẩn thận lưu ý rằng các thám tử không được ngủ với đối tượng, để tránh vi phạm luật mại dâm). Do yêu người đàn ông khác, cuối cùng Emi đã chia tay với Bungo. Về phần Goro, thám tử này sau đó dần dần tỏ ra phai nhạt tình cảm với Emi và rồi chấm dứt quan hệ mà không bao giờ để lộ ra mình là một thám tử. Vụ việc đến đây được xác định là thành công.
Có thể thấy, với 4 thám tử cần thiết cho việc này và mất khoảng 4 tháng từ đầu cho đến khi xong việc, đó là một hoạt động tốn nhiều công sức. “Công việc này không đơn giản như mọi người nghĩ. Bạn cần phải hiểu rõ luật pháp Nhật Bản và đề cao đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt không tổn hại đến đối tượng. Cụ thể, bạn phải nắm chắc tất cả những điều luật liên quan đến hôn nhân, ly hôn và những ranh giới không thể vượt qua, chẳng hạn như phá cửa, xông vào nhà hoặc tỏ ý hăm dọa", Mochizuki nói.
Cũng chính vì thế, các công ty và cá nhân hoạt động trong ngành wakaresaseya đều phải có giấy phép hoạt động. Cũng có các wakaresaseya hoạt động không có giấy phép hoặc mạo danh, nhưng ông cho rằng, các công ty như vậy thường chỉ làm một vụ duy nhất và sau đó biến mất.
“Tôi thấy đây là công việc thú vị. Nó giúp tôi thấu hiểu hơn về khía cạnh cảm xúc của con người hiện đại: mặt tốt - mặt xấu, mặt trung thực - mặt dối trá”, chuyên gia wakaresaseya Mochizuki bộc bạch.Thế nhưng ngành công nghiệp nào cũng có mặt tối của nó. Theo nữ nhà văn Stephanie Scott, rất khó để có thể đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch vụ này do người Nhật không có xu hướng chia sẻ chúng.“Chẳng ai muốn thừa nhận mình có liên quan đến hoạt động phá hoại tình cảm này, huống chi là nạn nhân của nó”, Scott khẳng định.
Còn theo chia sẻ của chính một wakaresaseya 33 tuổi đẹp trai làm việc tại Tokyo, anh Hiroshi Ito cho biết, “Nếu đây không phải là việc của tôi, với tư cách người bình thường, tôi xin phép nói thẳng rất nhiều điều chúng tôi làm là cực kỳ vô đạo đức”.