Tăng thu mua, mở thêm các điểm bán
Từ nhiều tháng nay, các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương đã chạy đua với việc tiêu thụ nông sản phía Bắc với các kế hoạch như đào tạo giúp nông dân thêm một kênh tiêu thụ (qua các sàn thương mại điện tử), gặp gỡ các hệ thống phân phối hiện đại để nắm bắt tình hình tiêu thụ, xây dựng các kế hoạch để đảm bảo tiêu thụ hết nông sản cho bà con như Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã cam kết.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các thương nhân Trung Quốc không sang Việt Nam để thu mua được (đồng nghĩa với việc khoảng 80-90 nghìn tấn vải thiều trong kế hoạch xuất khẩu (XK) có thể sẽ phải tìm đầu ra khác).
Ngay lập tức, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đưa ra phương án chuyển vải lên cửa khẩu và thương nhân Trung Quốc sẽ nhận vải tại cửa khẩu. Hiện nay, tại cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn, UBND tỉnh Bắc Giang đã có 2 tổ hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, sẵn sàng xử lý tất cả các vấn đề ách tắc trong lưu thông để đảm vải thiều được xuất sang biên giới nhanh nhất.
Cục Xuất nhập khẩu (XNK - Bộ Công Thương) cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi các Phòng Quản lý XNK khu vực đề nghị tạo điều kiện thuận lợi nhất khi cấp C/O cho các mặt hàng nông sản XK.
Cụ thể, Cục XNK đề nghị ưu tiên cấp C/O trong thời gian sớm nhất đối với nông sản XK, đặc biệt là nông sản tại các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như Bắc Giang, Hải Dương và các mặt hàng đang vào vụ, có thời gian thu hoạch ngắn như vải. Các Phòng Quản lý XNK khu vực Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai căn cứ tình hình thực tế, xem xét bố trí làm thêm giờ, kể cả làm việc vào Thứ Bảy, Chủ nhật và ngày nghỉ để xử lý hồ sơ cấp C/O.
Bên cạnh đó, Cục cũng yêu cầu các Phòng Quản lý XNK ở khu vực biên giới phía Bắc theo dõi sát tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới, báo cáo Cục ngay khi có dấu hiệu nông sản XK ùn tắc ở cửa khẩu.
Đáng chú ý, trong thị trường nội địa, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có chỉ thị yêu cầu Vụ Thị trường trong nước hỗ trợ hệ thống phân phối (truyền thống và hiện đại) “tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong hệ thống từ 2 lần trở lên so với năm cao nhất” và đề xuất các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, hạn chế tối đa việc tồn ứ hàng hóa nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng trong khâu lưu thông.
Chỉ thị cũng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, hợp tác xã phân phối mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động (theo đúng quy định của pháp luật) tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư (quận, huyện, phường, xã, thị trấn, thị tứ…) để mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, kịp thời phục vụ người tiêu dùng cả trong điều kiện bình thường hay giãn cách, cách ly xã hội.
Huy động cả quản lý thị trường vào cuộc
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh nhấn mạnh: “Đây là một trong những nhiệm vụ mang yếu tố chính trị cao bởi chỉ trong thời điểm diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay lực lượng QLTT mới được Chính phủ, Bộ Công Thương trực tiếp giao cho trọng trách nằm ngoài quy định trong chức năng, nhiệm vụ được giao” là hỗ trợ tiêu thụ nông sản vùng dịch” nên toàn lực lượng phải thực sự vào cuộc, phải tìm mọi cách tiêu thụ nông sản cho nông dân.
“Chính vì vậy, lực lượng QLTT cần nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, tự giác. Phải suy nghĩ cách làm mới, áp dụng hiệu quả nhằm hướng đến mục tiêu hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ các mặt hàng nông sản theo mùa vụ tại thị trường nội địa” - ông Linh nói.
Ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị trên địa bàn thành phố báo cáo UBND thành phố có ý kiến chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp kết nối cung - cầu với các tỉnh có nông sản mùa vụ để hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong tình hình hiện nay. Người lao động của Cục cũng sẽ chủ động, phối hợp triển khai đến các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống… có kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa vụ; tuyên truyền, vận động tiểu thương (có thể vận động cam kết) hỗ trợ thu mua để tiêu thụ nông sản góp phần hỗ trợ cho bà con nông dân.
Ông Ba cũng đưa ra giải pháp là các Đội QLTT địa bàn sẽ tích cực phối hợp với các phòng, ban, UBND các phường, xã tuyên truyền vận động các Ban quản lý siêu thị, chợ và tiểu thương tích cực hưởng ứng thu mua nông sản mùa vụ để kinh doanh, chung tay giải quyết khó khăn của bà con nông dân.
Đây cũng là ý kiến mà ông Linh đưa ra khi đề nghị các Cục QLTT phải chủ động phối hợp với các đơn vị tại địa phương cùng bàn giải pháp triển khai phù hợp với địa bàn mỗi tỉnh. Giao cho các Đội QLTT đi từng địa bàn tuyên truyền phổ biến vận động các cửa hàng, kho bến bãi cùng chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.