Đốc thúc phòng dịch bệnh cho người dân thiệt hại do lũ ở Hà Nội

(PLO) - Hơn một tuần sau khi cơn lũ ập đến các xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội, đến nay nước cơ bản đã rút, người dân bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, dần ổn định cuộc sống sau mưa lũ. Các cán bộ y tế xã phối hợp với người dân rắc vôi bột trắng xoá hết từng con ngõ, dọn rác, phun thuốc khử trùng, xử lý môi trường ngăn ngừa dịch bệnh. 
Người dân rắc vôi bột khử trùng môi trường sau mưa lũ.

Nỗi lo thiếu nguồn nước uống, dịch bệnh sau lũ

Sau trận lụt lịch sử năm 2008, người dân các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến (Chương Mỹ - Hà Nội) một lần nữa thiệt hại nặng do lũ dâng quá nhanh, không kịp trở tay.

Thiệt hại sau lũ ở Chương Mỹ là khoảng hơn 90 ha lúa, hơn 800 ha hoa màu chưa kịp thu hoạch, diện tích bị ngập là hơn 60ha; gần 60.000 gia súc gia cầm bị chết…

Sau hơn một tuần thiếu lương thực, nước uống và điện, sinh hoạt của người dân vùng lũ gần như bị đảo lộn. Ngập lụt kéo dài nhiều ngày đang kéo theo mối lo ngại về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh bùng phát. Về cơ bản, nước đã rút gần hết, bà con trong làng đã trở về nhà dọn dẹp, khắc phục hậu quả thiên tai, trên địa bàn huyện chỉ còn khoảng vài chục hộ dân vẫn bị ngập trong nước, phải chèo thuyền, lội nước để vào nhà. 

“Nhà tôi nằm sát sông Bùi nên nước lên là nhà ngập ngay. Nước về quá nhanh, gà, lợn mang đi gửi nhưng không kịp nên cũng bị chết nhiều. Giường phải kê cao lên rồi đi ở nhờ nhà anh em. Hôm nay, nước rút nên về dọn dẹp nhà nhưng chưa ở được, từ ngõ vào nhà đều một mùi hôi tanh, phải khử trùng, đợi khô ráo mới về ở được. Khổ hơn cả thời bao cấp cô ạ” - ông Trịnh Văn Doanh  (xã Tân Tiến, Chương Mỹ) chia sẻ.

Nhiều ngày qua, ngôi nhà của bà Ngô Thị Khôi (xóm Vạn tiên, xã Tân Tiến, Chương Mỹ) bị ngâm trong nước lũ. Sinh hoạt bị đảo lộn hoàn toàn, nhưng điều bà  Lan lo lắng hơn cả vẫn là nguồn nước uống. Chiếc giếng nhà bà đều bị nước lũ tràn vào. Đến hiện tại, dù lũ đã rút, nhưng nước sinh hoạt của gia đình bà Lan bị đục ngầu, nặng mùi hôi tanh “Nhà tôi đã dùng hết lượng nước uống dự trữ trong thùng rồi. Khi nước rút gia đình tôi dùng mấy bình nước được chính quyền cấp cho nhưng cũng chẳng thấm vào đâu, nước tắm không có cũng chẳng biết làm thế nào” -  bà Lan bộc bạch.

Không riêng gia đình bà Lan, nỗi lo về nguồn nước uống nhiễm khuẩn trong lũ là nỗi lo chung của tất cả những hộ dân nơi đây. Nhiều gia đình phải đi lấy nhờ nước uống từ những hộ ở nơi cao ráo, không bị ngập nước do lo sợ, nước lũ tràn vào giếng gây ô nhiễm nặng.

Điều khiến nhiều người lo lắng hơn cả là dịch bệnh sau mưa lũ đối với trẻ nhỏ, lứa tuổi dễ mẫn cảm với các bệnh truyền nhiễm. Cô Nguyễn Thị Minh - giáo viên trường mầm non Nam Phương Tiến chia sẻ: “Nước ngập khá lâu, rác chui khắp nơi, phòng lớp ẩm thấp, đồ đạc thì ngấm nước trong khi đó dịch bệnh đau mắt đỏ và tay chân miệng đang vào mùa dịch nên chỉ sợ sau khi vệ sinh lớp xong vẫn chưa đảm bảo an toàn cho các cháu”. 

Rắc vôi bột, phun hóa chất sau lũ

Sau một tuần ngập lụt, người dân bắt tay vào dọn rửa nhà cửa, phun xịt thuốc vệ sinh phòng dịch bệnh. Có những khu vực nước đã rút, có khu vực chưa, nên công tác dọn dẹp phải làm cuốn chiếu. Hầu hết người dân vùng ngập lụt đều có nguy cơ mắc bệnh ngoài da, tiêu hoá và các bệnh về mắt, số lượng người dân tới trạm y tế khám và lấy thuốc ngày một đông thêm.

Ông Phùng Văn Lê - Trạm Trưởng Y tế xã Nam Phương Tiến cho biết, từ lúc có tin lũ, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã cung cấp thuốc để phòng ngừa bệnh dịch. Sau lũ, người dân thường bị các bệnh về da liễu, đau mắt đỏ, viêm giác mạc, cúm, sốt...

Hiện trạm y tế đã có đầy đủ thuốc để phát cho người dân và cán bộ trạm y tế sẽ theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh trên địa bàn xã. 

Sở Y tế Hà Nội mới chỉ đạo Bệnh viện Da liễu Hà Nội hỗ trợ 1.000 lọ thuốc bôi ngoài da cho người dân vùng lũ, chỉ đạo Bệnh viện Mắt Hà Đông hỗ trợ 6.000 lọ thuốc phòng và điều trị bệnh đau mắt đỏ cho người dân. Cả 2 bệnh viện trên cũng đã cử y, bác sĩ trực tiếp xuống địa bàn để hỗ trợ việc tư vấn khám chữa bệnh miễn phí cho người dân vùng lũ lụt.

Sở Y tế cũng yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ, Trạm y tế các xã bị ngập lụt đảm bảo bố trí lực lượng trực 24/24 giờ, chuẩn bị phương tiện, thuốc men để sẵn sàng tiếp nhận và khám cho người dân, đề phòng các trường hợp ốm đau, bệnh tật được cứu chữa kịp thời. Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phối hợp với TTYT huyện Chương Mỹ đẩy mạnh tuyên truyền ngay cho người dân các xã bị ngập lụt biện pháp vệ sinh môi trường, thu dọn rác thải, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đóng gói, phát và hướng dẫn người dân cách sử dụng cloramin B, phèn chua để xử lý nước sinh hoạt hàng ngày.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến cho biết, khi nước có dấu hiệu rút, xã mua 10 tấn vôi bột, thuốc phun cloramin để khử trùng, ngăn chặn dịch bệnh. Cán bộ xã đã phát vôi và thuốc cho từng hộ dân để rắc đường làng, ngõ xóm, cống rãnh, trang trại... tránh xảy ra tình trạng phát sinh dịch bệnh sau lũ. 

Đọc thêm