Bác Hồ quan tâm đặc biệt sự nghiệp trồng cây, trồng người: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” |
Về nghỉ hưu, cho đến tuổi ngoài 90, cụ vẫn tỏ ra hết sức yêu “nghề rừng”, thường kể những câu chuyện về mối quan tâm của Bác Hồ trong việc trồng cây gây rừng, nhất là từ khi Người phát động “Tết trồng cây” (tháng 11/1959). Suốt 10 năm trời, cho đến ngày Bác vĩnh viễn đi xa, cụ thường xuyên được Người gọi lên báo cáo và nhận chỉ thị trong lĩnh vực này.
Một trong những câu chuyện mà cụ kể cho tôi nghe tại nhà riêng của cụ ở phố Lò Đúc, Hà Nội là cuộc gặp Bác vào ngày 27/12/1968 để báo cáo với Người về kết quả trồng cây của cả năm đó.
***
Cụ Nguyễn Tạo thưa với Bác:
- Từ tháng 11/1959, Bác phát động “Tết trồng cây” đến nay, ngành Lâm nghiệp và các cấp Đảng bộ, chính quyền của các tỉnh, huyện, xã đã lấy Tết trồng cây của Bác làm ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt năm và việc trồng cây đã trở thành một mỹ tục của toàn dân. Năm 1959, mới có khoảng 100 hợp tác xã (HTX) chú ý trồng cây, nay đã có 12.000 HTX trồng cây, phần lớn đã thực hiện trồng cây “4 tốt”. Năm 1959, chỉ có 16 vườn ươm của Nhà nước, nay riêng HTX đã có tới 15.000 vườn ươm, có vườn ươm rộng 2-3 ha. Tính đến hết năm 1968, toàn miền Bắc đã trồng được gần 40 vạn ha. Nếu tính trung bình mỗi ha có 2000 cây thì tổng số cây đã trồng được là 800 triệu cây.
Nghe tới đó, Bác Hồ nhìn cụ, hỏi:
- Chú có “khuyếch đại” không đấy? Chắc chú chỉ tổng kết trên báo cáo chứ gì?
- Thưa Bác, theo báo cáo của các địa phương cộng lại thì đã trồng được 60 vạn ha. Cán bộ của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Tổng cục Lâm nghiệp đã đi thống kê số cây trồng các tỉnh và thấy ở HTX cũng như các lâm trường quốc doanh, số cây trồng bị mất nhiều. Phần do không bảo vệ tốt để cây chết, phần do bị chặt phá và phần khác do bom đạn của giặc Mỹ tàn phá. Ở phía nam tỉnh Quảng Bình, các dải rừng chống cát bay hầu như bị bom phá trụi hết. Một số tỉnh như Hòa Bình, trâu bò thả rông, phá nhiều khu rừng trồng. Cho nên cháu chỉ tính còn độ 60% tổng số cây trồng theo báo cáo thôi ạ.
Bác nghe xong, lại hỏi:
- Thế chú có tính cây sú vẹt không?
- Thưa Bác, ngành lâm nghiệp vận động trồng cây sú vẹt chống sóng bảo vệ đê biển nhưng không tính số lượng cây này, vì không đếm xuể ạ.
Bác cười nói:
- Bác xuống Nam Định nghe báo cáo kế hoạch trồng cây. Bác hỏi: “Các chú có tính cả cây sú vẹt vào đó không?”. Chú phụ trách trả lời: “Thưa Bác, có ạ”. Đấy, chú không thường xuyên đi xuống cơ sở thì họ tính cả cây sú vẹt cho chú đấy.
Bác còn hỏi cụ thể tình hình trồng cây ở một số địa phương như HTX Đô Lương (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) và dặn nên lập một xưởng rèn cho HTX. Cuối cùng, Bác dặn cụ Nguyễn Tạo sẽ lên góp ý kiến cho bài báo mới của Bác.
***
Cụ Tạo nói: “Được gặp Bác, báo cáo với Bác hết về công tác trồng cây, tôi thấy phấn khởi vô cùng khi biết Bác lại viết bài báo về Tết trồng cây lần thứ tám. Các báo sẽ đăng, sẽ nói nhiều về trồng cây. Các cấp Đảng bộ và chính quyền sẽ phải hết sức chú trọng tới công tác trồng cây. Đó là một vũ khí sắc bén cho ngành Lâm nghiệp, một sức mạnh lớn lao, thúc đẩy phong trào trồng cây của toàn dân”.
Cụ Nguyễn Tạo nói tiếp: “Nhưng điều phấn khởi nhất đối với tôi là được thấy Bác vẫn vui tươi, sáng suốt, mặc dù sức khỏe có giảm sút, chân trái và tay trái của Bác bị yếu. Tôi nghĩ: Tiếng cười tươi vui của Bác là niềm phấn khởi của cả dân tộc, trí óc sáng suốt của Bác là ánh sáng cho đất nước”.
Sáng ngày 1/2/1969, ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác đã gọi điện mời cụ Nguyễn Tạo lên gặp Bác. Bác bảo ông Kỳ đọc bản thảo bài báo “Tết trồng cây” và nói cụ Tạo góp ý kiến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương và trồng cây lưu niệm tại Khu di tích Phủ Chủ tịch |
Cụ Tạo đề nghị xin Bác ghi: “Tết trồng cây là ngày mở đầu cho việc trồng cây cả năm” vì ở ta đến tháng 3 và tháng 7 mưa nhiều, trồng cây mới chắc sống. Bác đồng ý. “Tôi lại xin Bác ghi: “Tết trồng cây đã thành một “mỹ tục” của toàn dân ta”. Bác đồng ý, nhưng sửa lại “đã thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta”; và Bác dặn: “Tiếng nói, chữ viết của dân tộc ta rất giàu, rất đẹp, nếu thiếu thật mới đi mượn của nước ngoài, các chú cần chú ý””, cụ Tạo kể lại.
Trong cuộc gặp này, Bác hỏi về công sá cho các cụ già trồng cây, về gỗ hoàng đàn và sau cùng Bác hỏi:
- Tết năm nay, chú có định mời Bác đi trồng cây ở đâu không?
- Thưa Bác, hồi năm 1964, Bác đi thăm xã Vinh Quang (Phú Thọ). Buổi trưa nghỉ chân, Bác ăn cơm trên một đám đồi hoang ở xã Chu Mật, huyện Ba Vì, tỉnh Sơn Tây, Bác có nhắc Sơn Tây trồng cây. Nay các cụ ở Vật Lại đã trồng một đồi cây, đặt tên là “Đồi cây đón Bác Hồ” và những quả đồi của các xã xung quanh, cây cũng lên xanh tốt, cháu muốn Bác đi thăm các đồi cây của xã Vật Lại”.
***
Và Tết năm đó, Tết Kỷ Dậu (1969), Bác đã đến thăm và chúc tết nhân dân xã Vật Lại (Ba Vì, Hà Tây cũ). Người cùng nhân dân xã Vật Lại khai xuân trồng cây trên đồi Vật Lại.
Buổi trưa, dưới bóng cây bạch đàn trên đồi Vật Lại, Người thân mật nói chuyện và chúc Tết nhân dân địa phương. Người nói: “Các cụ thì biết chuyện cũ, chuyện mới, nhưng các cháu ngày nay chỉ biết chế độ Dân chủ Cộng hòa. Đất nước bây giờ là của ta cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”.
Sau khi cùng cán bộ, đồng bào địa phương trồng cây, Bác hỏi Chủ tịch và Bí thư Đảng ủy xã.
- Thế bây giờ các chú có mời Bác ăn Tết không ?
Hai người vui vẻ nói:
- Thưa Bác, chúng cháu đã chuẩn bị, xin mời Bác.
Bác cười bảo:
- Nhưng thôi, cảm ơn các chú, Bác không ăn. Chú Kỳ đã lo cơm Tết cho Bác rồi. Bác mời Chủ tịch, Bí thư và cô Phó Chủ tịch cùng ăn cơm với Bác và đồng chí Nguyễn Lương Bằng ở đây. Chú Kỳ và chú Cẩn sẽ đến ăn cơm với xã. Vì sao Bác không ăn cơm của các chú, chú Kỳ sẽ nói.
Trên ngọn đồi mang tên “Đồi cây đón Bác” ở Vật Lại, Bác, ông Nguyễn Lương Bằng và những người được Bác mời đã dự bữa cơm Tết cuối cùng của Người được bày trên chiếc chiếu trải giữa mặt đất, có đủ bánh chưng, giò, thịt mỡ, dưa hành, lại có cả canh nóng.
Ăn xong, Bác ngả lưng xuống chiếc chiếu giữa thảm cỏ, nhường chiếc giường xếp của mình cho ông Bằng và cháu Lộc (là con trai của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ).
Bác Hồ, dưới bút danh Trần Lực, đã viết bài báo nhan đề Tết trồng cây đăng Báo Nhân Dân ngày 28/11/1959.
Bác viết:
“Mấy lâu nay các xí nghiệp, công trường, cơ quan, trường học, đơn vị bộ đội, hợp tác xã nông nghiệp… đang thi đua sôi nổi để lấy thành tích chúc mừng Đảng 30 tuổi.
Đó là một việc rất tốt. Một lần nữa, nó chứng tỏ rằng toàn dân ta yêu kính Đảng, tin cậy Đảng, quyết tâm theo sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
Bên đợt thi đua ấy, chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”. Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”.
Bác nêu lên những việc cụ thể cần làm.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, toàn dân ta đã thực hiện “Tết trồng cây” đầu tiên trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý (1960). Từ đó trở đi, mỗi khi mùa xuân đến, nhân dân ta lại tổ chức Tết trồng cây theo lời Bác. Không ai quên được lời thơ của Bác:
“Mùa xuân là Tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”
Trong bài báo Tết trồng cây viết năm 1969, Bác Hồ lại nêu bật những thành tựu và ý nghĩa to lớn của loại “Tết” đặc biệt này. Bác viết: “Tết trồng cây là ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt cả năm, đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta”. Và kêu gọi: “Năm nay, chúng ta thi đua trồng cây cho thật tốt, phải bảo đảm trồng cây nào tốt cây ấy, tổ chức “một Tết trồng cây quyết thắng giặc Mỹ xâm lược””.
Ngày 2/9/1969, Bác Hồ đi vào cõi vĩnh hằng.
Sau khi nước nhà thống nhất, đồng bào cả nước vẫn giữ vững truyền thống, mỗi khi Tết đến Xuân về lại tổ chức “Tết trồng cây làm theo lời Bác” hay “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác”.