Trong Chiến tranh thế giới lần 2, phe phát xít giành được thế chủ động, mở nhiều cuộc tấn công khiến phe đồng minh liên tiếp thất bại trên các mặt trận. Trên chiến trường châu Âu khốc liệt, liên quân Anh, Pháp bị thiệt hại nặng nề.
Tháng 6/1940, hơn 300.000 binh sỹ liên quân Anh, Pháp gạt nước mắt, bỏ lại gần như toàn bộ trang bị, từ biệt lục địa châu Âu, từ Dunkerque thuộc Pháp vượt biển sang nước Anh. Đại đế quốc Anh lừng lẫy thuở nào từng được mệnh danh là “sư tử biển” phải chịu sự lăng nhục nặng nề, lòng tự hào dân tộc bị thương tổn.
Ra đời trong khói lửa
Nhằm cứu vãn tình thế, vực dậy lòng tin về cuộc chiến đấu của toàn dân chống phát xít, ngày 6/6, Thủ tướng Anh Churchill viết thư cho Chủ tịch Hồi đồng tham mưu trưởng Yzmaer: “Tác chiến phòng ngự cần chấm dứt tại thời điểm này, tôi chờ đợi quân đội Anh sẽ có những đợt tấn công tích cực và liên tục vào bộ khu vực phát xít Đức chiếm đóng”.
Thủ tướng Churchill cho rằng, mục tiêu tấn công tiếp theo của quân Đức chắc chắn sẽ là nước Anh và để ngăn chặn cuộc xâm lược này thì chỉ còn một cách đó phản công vào lực lượng Đức tại châu Âu.
Sau thảm bại tại Dunkerque, quân Anh đã thiệt hại nặng, lực lượng trên chiến trường Trung Đông và châu Phi cũng phải đương đầu với các cuộc tấn công mãnh liệt của quân Đức. Trong tình thế như vậy, quân đội Anh không đủ khả năng để vượt qua eo biển giữa nước Anh và Pháp, tổ chức các cuộc tấn công quy mô lớn vào bờ biển phía Tây nước Pháp, càng không thể tính đến chuyện mở các cuộc tấn công với cự ly dài vươn đến bờ biển phía Bắc nơi tập trung lực lượng Đức từ Đan Mạch cho đến Na Uy.
Giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” ấy, Phụ tá của Tổng tham mưu trưởng quân sự Hoàng gia Anh Gery Dill-Trung tá Drtlai Clark - đề xuất ý tưởng sử dụng những phân đội quy mô nhỏ liên tục tập kích vào trận địa quân Đức từ Narvile ở bờ biển phía Tây Na Uy cho đến bờ biển của Pháp, làm tiêu hao lực lượng quân Đức.
Vào thời điểm đó, đây là biện pháp phản kích duy nhất có thể khiến quân Đức bị tổn thất. Ngày hôm sau, phương án này được đệ trình lên và được Thủ tướng Anh Churchill phê chuẩn. Ngay chiều hôm đó, Bộ tổng tham mưu lục quân cho thành lập ra “Phòng M09” chuyên trách thực hiện kế hoạch này. Trung tá Clark được lệnh nhanh chóng thành lập lực lượng chiến đấu, vượt eo biển Manche, tổ chức các cuộc tấn công quy mô nhỏ, lẻ tẻ vào các trận địa quân Đức.
Tính đến khả năng các cuộc tấn công sắp tới của quân Đức, Thủ tướng Churchill yêu cầu Clark khi xây dựng lực lượng đột kích, không được rút chọn bộ bất cứ đơn vị nào trong lực lượng phòng thủ đất nước; giảm đến mức có thể số vũ khí cần có, quân số của lực lượng này dừng lại ở mức khoảng 10.000 người, lựa chọn quân số từ các đơn vị lục quân và hải quân lục chiến; vũ khí trang bị kỹ thuật là súng máy Thomson và lựu đạn, khi cần có thể sử dụng mô tô và xe bọc thép.
Trong trường hợp quân Đức tấn công vào nước Anh, lực lượng này phải đảm nhiệm đánh trả quân Đức dọc tuyến bờ biển, những nội dung khác thì do Clark quyết định.
Trung tá Clark gấp rút tiến hành công tác tổ chức biên chế. Chưa đầy một tháng sau, ông đã chọn được vài trăm binh sĩ ưu tú, có kinh nghiệm chiến đấu dày dạn, tổ chức họ thành lực lượng chiến đấu kiểu mới tương đối độc lập và chính quy, chuyên thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt.
Biên chế ban đầu gồm 10 chi đội “lực lượng tập kích”, mỗi chi đội gồm hai trung đội, mỗi trung đội có 3 sĩ quan chỉ huy và 47 chiến sĩ. Các thành viên đều có tinh thần hăng hái, thông minh, dũng cảm.
Trang bị của họ được coi là hiện đại so với thời đó gồm súng máy hạng nhẹ Thomson, súng tiểu liên, xe mô tô dã chiến và xe ô tô hạng nhẹ. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, mọi người chưa đặt cho lực lượng này một cái tên tương xứng với xứ mệnh cao cả.
Lo go của đặc nhiệm Commandos |
“Commandos” – cách đánh của người Boer
Sau nhiều ngày trăn trở, cuối cùng Thủ tướng Churchill quyết định đặt tên cho đội này là “Commandos”, có nghĩa là “đội đột kích”. Ý tưởng này xuất phát từ cách sử dụng lực lượng quân sự của người Boer, nhằm chống lại quân Anh từ những năm 1899 đến 1902.
Trong thời kỳ “chiến tranh Boer” nổ ra ở châu Phi từ năm 1899 đến 1902, phía Anh đã cử đến đây 250.000 quân để đàn áp những người Boer. Quân số đội quân của người Boer chỉ bằng 1/5 quân Anh, do vậy rất khó để có thể trực tiếp chống trả các cuộc tấn công của quân Anh. Người Boer vốn kiêu dũng, gan dạ, linh hoạt, thông minh.
Trước tình thế chênh lệch về lực lượng, họ đã sử dụng chiến thuật tác chiến “xé lẻ đội ngũ”, “tập kích, gây rối”. Họ chia nhỏ lực lượng thành lập các tổ chiến đấu nhỏ, dựa vào yếu tố thông thạo địa hình, trong điều kiện thời tiết, địa hình xấu như ban đêm, ở vùng khe vực, rừng rậm, liên tục bất ngờ tấn công quân Anh, sau đó lại biến mất như những bóng ma.
Các cuộc tấn công của họ khiến quân Anh vừa mới đặt chân đến nơi xa lạ đã thất điên bát đảo, run sợ mất tinh thần, đau đầu tìm cách đối phó. Cuối cùng phía Anh đã thua trong cuộc chiến này với cái giá phải trả là gần 100.000 quân bị thương vong. Khi đó người Anh gọi những nhóm người Boer chuyên tiến hành hoạt động đánh du kích quấy nhiễu này là “Commandos” có nghĩa là “đội đột kích”.
Do đâu mà Thủ tướng Churchill tìm được tên gọi đó? Việc này có lẽ xuất phát từ những kỷ niệm không bao giờ quên của ông. Tháng 10/1899, trước khi nổ ra chiến tranh giữa quân Anh và những người Boer, Churchill được phái đến châu Phi với tư cách là phóng viên của báo “Tin điện buổi sớm”.
Trên đường đi từ Capurdun đến vùng Natar, chiếc xe của ông ta bị rơi vào ổ phục kích của người Boer và ông ta bị bắt sống cùng những người khác sau đó bị dẫn giải về Bolivia, bị giam trong một trại tù binh trước đây là trường học.
Trước khi được thả tự do Churchill đã trốn khỏi nơi giam giữ. Người Boer lập tức tổ chức lực lượng đi tìm bắt, đồng thời cho phân phát thông báo treo giải cho người bắt được, trên tờ cáo thị viết rằng:
“Tên tội phạm khoảng 25 tuổi, cao khoảng 1m70, người dong dỏng cao, tóc màu nâu nhạt, mặt xanh xao, có ria mờ, khi nói mang âm mũi, khi đi lưng hơi gù… Người nào bắt được mang về giao cho chính quyền, không kể tên tội phạm đó còn sống hay đã chết, đều được thưởng 25 bảng Anh”.
Churchill đã may mắn khi gặp John Horhad là người gốc Anh di cư sang Nam Phi và là quản lý ở mỏ than. Đợi khi lệnh truy nã lắng xuống, Horhad tặng Churchill một ít đồ ăn và khẩu súng Colt rồi đưa Churchill lên tàu khách chạy qua, đi đến hải cảng Luso thuộc Bồ Đào Nha. Cuối cùng Churchill đã quay được trở về nước Anh vào ngày 23/12 năm đó.
Về Anh, Churchill quyết định viết một bài báo về những điều đã được trải qua từ khi bị phục kích và bị truy đuổi, rồi gửi bài viết này cho “Tin điện buổi sớm”.
Trong đó có đoạn: “Mỗi người Boer đều anh dũng thiện chiến. Họ cưỡi ngựa và chiếm giữ những địa hình có lợi, do đó một người có thể địch lại 3 đến 5 lính chính quy người Anh. Biện pháp duy nhất để đối phó lại là cử ra những chiến sĩ có kinh nghiệm và khả năng không thua kém…”. Bài viết này của Churchill đã gây ra phản ứng khá mạnh lúc đó.
Chiến thuật hành động của người Boer đã để lại cho Churchill ấn tượng sâu sắc, khi có người lấy “Commandos” để đặt tên cho lực lượng đặc nhiệm Anh, Churchill rất thích thú. Do đó lực lượng đặc nhiệm này đã được chính thức mang tên “Commandos”.
“Commandos” ra đời không lâu đã tích cực tham gia hành động, bắt đầu các cuộc tấn công xuất quỷ nhập thần vào lực lượng Đức và đã có những cống hiến lớn vào chiến thắng trong Đại chiến Thế giới lần thứ hai...