Ai về miền Tây Nam Bộ có lẽ sẽ luôn gặp cảnh tượng quen thuộc: chiếu nhậu lai rai quanh năm của đàn ông vùng đất này. Nhậu là một thú vui, một thói quen, một nếp sống. Nhìn sâu vào đời sống, mới thấy đằng sau những cuộc nhậu, phận đời người phụ nữ miền đất này lắm nỗi lênh đênh.
Câu chuyện về các ông chồng vì nhậu nhẹt mà gây ra những màn dở khóc dở cười trong gia đình, đã trở nên khá quen thuộc với người phụ nữ miền Tây Nam Bộ. Đến mức, nó trở thành những câu chuyện trào lộng được thêu dệt trên cửa miệng để chị em kể cho nhau nghe mà… cười ra nước mắt những lúc nhàn rỗi.
Vùng nông thôn miền Tây Nam bộ cò bay thẳng cánh, cá sẵn dưới ao, cây trái sẵn trong vườn. Con người cũng khoáng đạt, niềm nở. Những ngày nông nhàn, thú vui của đàn ông xứ này không ngoài… nhậu. Nhậu từ chàng trai mới lớn cho đến ông già ngoài 70. Ban đầu bao giờ cũng là lai rai chút cho vui, riết rồi đâm nghiện cái không khí lai rai bên bàn nhậu.
Vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu và nhàn rỗi lại càng nhậu. Ở nhiều gia đình, người phụ nữ trở thành trụ cột chính, vừa đảm đương việc nhà cửa, lo đồng áng hay bán buôn. Có vậy mới xoay xở cho gia đình tồn tại được, vì các đức ông chồng bận làm bạn với ma men.
Chuyện đàn ông mê nhậu gây ra những chuyện dở khóc dở cười ở xứ này là thường. Nhiều câu chuyện nghe tưởng đùa, nhưng hóa ra là thật hoàn toàn. Chị H. T. T (ở Thanh Hòa, Cai Lậy) kể chuyện một lần chị phải tất tả đi… nhận chồng vì chồng chị đám giỗ ở xã bên, nhậu xỉn, dọc đường tưởng nhà người khác là nhà mình, đi thẳng vào buồng lăn ra ngủ, suýt nữa thì bị chủ nhà đánh. Một lần khác, đức ông chồng của chị nhậu say về, té gẫy chân.
Đám bạn nhậu lũ lượt đến thăm, ông mang lòng heo, ông mang giá hẹ, người mang rượu, tự vào bếp của chị làm một mâm xúm nhau nhậu nhẹt, chẳng ai nhớ đến người bệnh nằm chèo queo trong nhà. Rượu vào lời ra, họ gây gổ, rồi đánh nhau, đập phá đồ đạc, chị T. phải nhờ đến dân quân xã mới tống khứ được đám ma men ra khỏi nhà, từ đó chồng chị hạn chế nhậu nhẹt.
“Trong cái rủi của nhà tui còn có cái may, chứ nhỏ em họ tui lấy chồng bên Mỹ Phước Tây mới thảm. Thằng chồng nó tháng 30 ngày thì nhậu hết 28 ngày, còn 2 ngày… nằm nghỉ mệt. Mà đâu phải nhậu không, thằng cha này không thích ra quán xá, sẵn nhà có tiệm ăn của vợ, ngày nào cũng kéo bạn bè về nhậu. Nhậu riết quán con nhỏ lúc đầu đông khách, giờ không ai dám tới”, chị T kể.
Chồng của chị T.T.B.T, trị trấn Cai Lậy thì lại có một tật kì lạ. Lúc tỉnh rất hiền lành, ai bảo sao cũng cười, vậy mà hễ nhậu vào là đi gây gổ hết từ đầu trên đến xóm dưới. Sau mỗi cuộc nhậu, chị T. khổ sở vì không chỉ phải đi băng bó cho chồng mà còn phải đi “bồi thường thiệt hại” do chồng mình gây ra cho người khác.
Chồng của chị N.T.P ở xã Long Tiên còn “đáng nể” hơn: Anh này đi làm phụ hồ trên thị trấn đã nửa năm nhưng chưa bao giờ chị P. được cầm một đồng lương nào của chồng. Ngược lại, hàng tháng chị phải tong tả chạy tới quán nhậu kế công trình để thanh tóan tiền anh này… nhậu thiếu. Vậy mà chị vẫn chấp nhận một cách rất vui vẻ: “Cho ổng đi làm xa xa một chút vẫn còn đỡ, có bù cũng bù xíu tiền chứ để ở nhà không làm ăn gì thì ổng nhậu tối ngày. Có bạn thì bù khú, không có bạn ngồi tự lai rai một mình, nhà không còn gì để lai rai thì đi… chôm gà qué nhà hàng xóm. Cái hồi ổng chưa kiếm được việc làm, ở nhà tui suốt ngày phải nghe bà con trong xóm mắng vốn”.
Câu chuyện của chị P. đã toát lên tinh thần của rất nhiều người phụ nữ Nam Bộ trong hoàn cảnh chị: vui vẻ chấp nhận thực tại. Chuyện các đức ông chồng mê nhậu hơn mê vợ, bỏ bê nhà cửa và gây ra những trò dở khóc dở cười xem ra các chị đã quá quen thuộc.
Chị P. chia sẻ: “Chồng là chồng của mình rồi, bỏ làm sao được, thôi thì chín bỏ làm mười. Thấy chồng mình nhậu mà vẫn còn có cái đáng yêu, gây cười nhiều hơn gây hại là được. Nhìn đi nhìn lại thấy chung quanh ai lấy chồng cũng vậy, nhiều bà vợ còn chịu cảnh chồng tệ hại hơn, nên mình vui vẻ mà sống thôi”.
Nhưng ở những câu chuyện trên, sự nhậu nhẹt của các ông chồng chưa quá mức chịu đựng, và hậu quả do rượu gây ra chưa bao nhiêu. Ra khỏi những câu chuyện vui kiểu như anh chồng nhậu vào nhận lầm vợ con, đi lầm nhà hàng xóm, hay mang bầy chó mèo trong nhà ra dạy dỗ…, sẽ gặp những giọt nứơc mắt đắng đót, phận đàn bà đằng sau những người chồng đệ tử lưu linh mới đáng để xót thương và lên tiếng.
Ở nhiều trường hợp, người phụ nữ trong gia đình không được cái thái độ “vui vẻ chấp nhận thực tại” nữa, mà là sự tổn thương, cam chịu, có người phải đánh đổi cả sức khỏe, sinh mạng của mình vì men rượu của những người chồng. Buồn hơn nữa, nhậu cũng là một trong số những lý do khiến cho các thiếu nữ ở miền Tây đi lấy chồng xa xứ, xa Tổ quốc, để rồi không ít người trong số đó bị bạo hành, thậm chí phải bỏ mạng nơi đất người. Nhưng, nếu ở lại thì rồi cũng đi vào vết “bánh xe đổ” của mẹ, của chị suốt đời khổ sở vì những ông chồng nát rượu.
Ngọc Mai