Đổi mới cả chất và lượng trong tổ chức hệ thống Tòa án

(PLVN) - Tòa án nhân dân tối cao đang chủ trì soạn thảo sửa đổi Luật Tổ chức TAND để tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tòa án nhân dân tối cao đang chủ trì soạn thảo sửa đổi Luật Tổ chức TAND để tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo Ban soạn thảo, dự thảo Luật kế thừa những quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014 còn phù hợp, đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới.

Dự thảo Luật gồm 154 Điều được bố cục thành 09 chương; trong đó bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 07 điều.

Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

Bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn

Theo Ban soạn thảo, để cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”; đồng thời thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra “xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”, dự thảo Luật bổ sung quy định về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện quyền tư pháp thuộc trách nhiệm của Tòa án.

Theo đó, Dự thảo Luật bổ sung 02 nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Tòa án, đó là: (1) Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật; (2) Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử.

Dự thảo Luật quy định “Tòa án có thẩm quyền xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật” tại khoản 4 Điều 26 dự thảo nhằm thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp “mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử các vi phạm hành chính” được Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra.

Theo Ban soạn thảo, việc quy định như trên không làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan Nhà nước khác. Tòa án chỉ xử lý vi phạm hành chính trong 4 trường hợp đang được luật quy định và sẽ mở rộng thẩm quyền thực hiện thêm nhiệm vụ khác khi được Quốc hội giao trong luật (luật giao nhiệm vụ nào thì Tòa án thực hiện thêm nhiệm vụ đó), bảo đảm tính khả thi và nguồn lực hiện nay của Tòa án.

Ngoài ra, dự thảo Luật quy định Tòa án có nhiệm vụ “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử” tại Điều 3 và Điều 30.

Theo Ban soạn thảo, đây là nhiệm vụ mà tất cả các Hội đồng xét xử đang thực hiện từ trước đến nay khi xét xử các vụ án. Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử của Hội đồng xét xử thực chất là giải thích, làm rõ trong bản án lý do áp dụng điều luật cụ thể trong hoàn cảnh, tình huống của vụ án.

Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao

Quy định này không trùng lấn, không xung đột với thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiệm vụ này có nội dung hoàn toàn khác với thẩm quyền áp dụng pháp luật của các chủ thể khác. Việc luật hóa nhiệm vụ đang thực hiện trên thực tiễn này nhằm ràng buộc cao hơn trách nhiệm của Hội đồng xét xử trong mỗi phán quyết tư pháp.

Hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án

Để bảo đảm tính khoa học, phù hợp với quy trình tố tụng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị giúp việc về chuyên môn, nghiệp vụ cho Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao, Dự thảo Luật quy định rõ về đơn vị giúp việc cho Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao gồm các vụ và tương đương (đơn vị cấp Vụ loại 2). Quy định như Dự thảo Luật tương thích với tổ chức bộ máy giúp việc của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao hiện nay.

Đáng chú ý, dự thảo đã đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử. Cụ thể, quy định tổ chức TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh, TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện (ví dụ: TAND phúc thẩm Hà Nội, TAND sơ thẩm Hoàn Kiếm…) để thể chế hóa nhiệm vụ “bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử” được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Theo Ban soạn thảo, quy định này phù hợp với truyền thống tư pháp nước nhà khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập các Tòa án của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phù hợp với quy định của Hiến pháp “Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Quy định này phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của Tòa án.

Đặc biệt, Dự thảo Luật bổ sung quy định trong hệ thống Tòa án có các TAND sơ thẩm chuyên biệt (các Điều 62, 63) để xét xử một số loại án đặc thù, thể chế hóa chủ trương được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của đảng “xây dựng Tòa án chuyên nghiệp”.

Theo Ban soạn thảo, nhiều nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây đã đặt ra yêu cầu phải bổ sung, hoàn thiện pháp luật, tổ chức bộ máy phù hợp để đáp ứng yêu cầu giải quyết hiệu quả các vụ án, vụ việc có tính chất đặc thù.

Việc thành lập các TAND sơ thẩm chuyên biệt sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của Chánh án TANDTC, tùy thuộc vào tình hình thực tế. Các TAND sơ thẩm chuyên biệt được thành lập sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động; phát huy trình độ chuyên môn sâu của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các loại việc này.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án

Dự thảo luật đổi mới quy định về ngạch, bậc Thẩm phán TAND nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành trong việc điều động, bố trí, thực hiện chính sách cho Thẩm phán, nâng cao niềm tin của người dân đối với cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; khuyến khích Thẩm phán chuyên tâm phấn đấu cho hoạt động xét xử để trở thành các chuyên gia có trình độ cao.

Dự thảo Luật đổi mới quy định về ngạch, bậc Thẩm phán TAND.

Về tiêu chuẩn, dự thảo bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán, Thẩm phán TANDTC, bao gồm độ tuổi, thâm niên giữ ngạch, phẩm chất đạo đức và tín nhiệm, chất lượng công việc đã hoàn thành.

Theo Ban soạn thảo, việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Thẩm phán TANDTC không chỉ có kiến thức chuyên sâu về pháp luật, thông thạo chuyên môn mà còn phải có kinh nghiệm sống, có tầm hiểu biết rộng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Tương tự như vậy, bổ sung tiêu chuẩn “đã được đào tạo nghiệp vụ Thẩm tra viên hoặc nghiệp vụ xét xử”; đồng thời quy định người muốn được bổ nhiệm Thẩm tra viên phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn Thẩm tra viên và thuộc một trong hai trường hợp sau: (1) đã làm Thư ký Tòa án từ đủ 03 năm trở lên; (2) có thời gian công tác pháp luật từ đủ 03 năm trở lên và trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn Thẩm tra viên.

Dự thảo bổ sung quy định người có đủ các tiêu chuẩn sau thì được bổ nhiệm vào ngạch Thư ký Tòa án: (1) Có trình độ Cử nhân Luật trở lên; (2) Được đào tạo nghiệp vụ thư ký Tòa án; (3) Được tuyển dụng vào Tòa án.

Thành lập Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia

Ngoài ra, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia như thể hiện tại Điều 38, 39 Dự thảo luật.

Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia có chức năng tuyển chọn, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm Thẩm phán, xem xét giải quyết các khiếu nại liên quan đến bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật Thẩm phán; giám sát việc phân bổ biên chế, kinh phí, nguồn lực cho các TAND; bảo vệ Thẩm phán… để tăng cường tính khách quan, minh bạch trong việc cấp, phân bổ kinh phí, biên chế cho các Toà án, qua đó bảo đảm độc lập trong hoạt động của Thẩm phán và độc lập giữa các cấp Tòa án; phòng ngừa khả năng người lãnh đạo quản lý sử dụng công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật hoặc những biện pháp hành chính khác như một công cụ để tác động, làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Thẩm phán khi xét xử.

Theo Ban soạn thảo, đây là bước đi cụ thể nhằm thể chế hóa nhiệm vụ “Hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp Tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử” được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Đọc thêm