Đổi mới chương trình sách giáo khoa: Cần giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc

(PLVN) - Chiều 27/7, tại nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” làm việc với Chính phủ. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng đoàn Giám sát chủ trì buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh Quochoi.vn
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh Quochoi.vn

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 (Nghị quyết số 88) và Nghị quyết số 51/2017/QH14 (Nghị quyết số 51) của Quốc hội (QH) về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK).

Qua nghiên cứu báo cáo và nghe giải trình, Đoàn giám sát nhận thấy, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, các bộ, ngành, các tỉnh, TP và toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực triển khai thực hiện, đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện đã được ban hành tương đối toàn diện, bao quát những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất theo yêu cầu đổi mới.

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, lý luận, khoa học và thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển; việc đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục được triển khai rộng rãi. Công tác bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục được quan tâm; có nhiều cố gắng trong việc biên soạn, phê duyệt, phát hành SGK, tài liệu giáo dục; việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm...

Tuy nhiên, các ý kiến cũng chỉ ra rằng, việc triển khai đổi mới chương trình GDPT còn một số hạn chế, bất cập như công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện có lúc, có nơi chưa kịp thời. Một số văn bản hướng dẫn triển khai ban hành chậm, gây lúng túng trong tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương đổi mới GDPT trong giai đoạn đầu chưa đồng bộ, hiệu quả không cao. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên, phạm vi còn hạn chế. Việc biên soạn, thẩm định SGK còn nhiều bất cập; quy định về lựa chọn SGK chưa chặt chẽ; giá sách, chi phí phát hành (chiết khấu) SGK còn cao...

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Đoàn giám sát và ý kiến trao đổi tại cuộc làm việc để hoàn thiện báo cáo giải trình, bổ sung gửi Đoàn giám sát. Trong đó, làm rõ thêm những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức liên quan; cung cấp thêm những mô hình tốt, những cách làm hiệu quả trong triển khai thực hiện.

Trong thời gian tới, để bảo đảm tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo và kiểm tra việc phối hợp triển khai thực hiện của các bộ, các địa phương; rà soát cơ chế, chính sách, hoàn thiện văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Tăng cường đổi mới quản trị, quản lý nhà trường; đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá chất lượng giáo dục.

Về đội ngũ nhà giáo, nhấn mạnh đây là yếu tố then chốt bảo đảm cho sự thành công của việc triển khai Chương trình GDPT mới, Phó Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan rà soát, đánh giá toàn diện về cơ cấu, thực trạng, nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên trong thời gian tới và có giải pháp phù hợp, kịp thời để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và nguồn tuyển giáo viên; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.

Về cơ sở vật chất, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng và dự báo nhu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; có giải pháp giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện. Về kinh phí, đề nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên, thực hiện nghiêm việc bố trí ngân sách cho giáo dục, đào tạo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước ở Trung ương và các địa phương.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK; phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung, GDPT nói riêng là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Để đạt mục tiêu đó cần giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện; đề xuất giải pháp để khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tổ chức thực hiện thành công chủ trương quan trọng này của Đảng, Nhà nước”, Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn nêu rõ.

Đọc thêm