Đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập: Tránh tình trạng “chủ trương thì đúng nhưng cứ làm là vướng”

(PLVN) - Khẳng định việc đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) theo định hướng cơ chế quản lý doanh nghiệp là tất yếu, song PGS. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ đề xuất, cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ trong vấn đề này, bởi nếu không sẽ dẫn tới tình trạng “chủ trương thì đúng nhưng cứ làm là vướng”. 
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường phát biểu khai mạc hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường phát biểu khai mạc hội thảo.

Sáng nay (29/10), Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội thảo “Đổi mới quản lý ĐVSNCL theo hướng mô hình quản trị doanh nghiệp” với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học; đại diện một số Bộ, ngành có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập và đại diện một số tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. 

Hội thảo nhằm trao đổi, nghiên cứu, thảo luận để tìm ra hướng đi đúng đối với nội dung mà Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành TƯ về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL đã đề ra.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, Nghị quyết số 19-NQ/TW đã nêu rõ quan điểm “Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu”. 

Đặc biệt, Nghị quyết đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực quản trị của ĐVSNCL, trong đó, nêu rõ định hướng áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp. 

Tại sao phải đổi mới?

Thảo luận tại hội thảo, nhiều câu hỏi đã được đặt ra là tại sao phải đổi mới, cải cách các ĐVSNCL? phải nhận diện chính xác ĐVSNCL là gì? Trả lời câu hỏi này, TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cho rằng, hiện nay chúng ta có quá nhiều ĐVSNCL (khoảng 58.000 đơn vị), ngân sách nhà nước không thể dàn trải để nuôi từng đó tổ chức. 

Cùng với đó, ĐVSNCL hoạt động kém hiệu quả, chất lượng dịch vụ công do ĐVSNCL cung cấp chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của người thụ hưởng dịch vụ.

Theo ông Hòa, có 5 đặc trưng để nhận diện ĐVSNCL, đó là do nhà nước lập ra; người làm việc trong ĐVSNCL là người nhà nước; cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cho xã hội; hoạt động dựa vào ngân sách nhà nước và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.

Về nguyên tắc, ĐVSNCL không thể hoạt động như doanh nghiệp. Nếu có đơn vị nào có thể hoạt động như doanh nghiệp thì cần chuyển những đơn vị này thành doanh nghiệp. Giới hạn đổi mới hoạt động của ĐVSNCL chính là ở điểm này. Cho nên, không thể cổ súy cho phương châm cố gắng tạo điều kiện để ĐVSNCL vươn lên tự chủ đến mức nhà nước không cần chi từ ngân sách nhà nước cho các tổ chức này. 

Những biện pháp nhằm đổi mới, cải cách ĐVSNCL chính là tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tiết kiệm, sử dụng hợp lý nguồn lực được nhà nước cấp; nâng cao chất lượng dịch vụ công mà các ĐVSNCL cung cấp cho người dân, xã hội.

TS Đinh Duy Hòa phát biểu tại hội thảo.
 TS Đinh Duy Hòa phát biểu tại hội thảo.

Cùng quan điểm này, TS. Dương Quang Tung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước cho rằng, đổi mới, cải cách ĐVSNCL không có nghĩa là doanh nghiệp hóa ĐVSNCL, mà là áp dụng các phương thức quản trị doanh nghiệp một cách hợp lý vào các ĐVSNCL. 

Để đổi mới quản lý ĐVSNCL theo hướng vận dụng mô hình quản trị doanh nghiệp, trước hết cần so sánh giữa mô hình quản trị doanh nghiệp với mô hình quản lý ĐVSNCL hiện tại ở nước ta, rút ra những điểm giống nhau, khác nhau và đề xuất mô hình quản trị ĐVSNCL trên cơ sở vận dụng mô hình quản trị doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, cần xác định rõ đây là việc vận dụng những yếu tố hợp lý của mô hình doanh nghiệp vào quản trị ĐVSNCL mà không phải và không thể áp dụng hoàn toàn mô hình doanh nghiệp vào quản trị ĐVSNCL, vì đây là hai khu vực khác nhau; doanh nghiệp thuộc khu vực thị trường, còn ĐVSNCL thuộc khu vực Nhà nước.

Cần có hành lang pháp lý đầy đủ

Khẳng định việc đổi mới ĐVSNCL theo định hướng cơ chế quản lý doanh nghiệp là tất yếu, song PGS. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ đề xuất, cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ trong vấn đề này, bởi nếu không sẽ dẫn tới tình trạng “chủ trương thì đúng nhưng cứ làm là vướng”. 

Ngoài việc ban hành đầy đủ khung pháp lý về cơ chế tự chủ trong đó có tự chủ tài chính, cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, sắp xếp và tổ chức lại hoạt động của các ĐVSNCL theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-TW.

 “Đổi mới gì thì đổi mới nhưng việc vận hành phải đủ các điều kiện về quản lý, quản trị nội bộ, nhân sự, tài chính và tổ chức bộ máy”- ôngTrần Kim Chung nhấn mạnh. Theo ông, muốn đổi mới, cải cách ĐVSNCL phải thống nhất về mặt nhận thức; kiên định về mặt chủ trương, chính sách; phải triển khai một cách quyết tâm, đồng bộ; phải giám sát thường xuyên vì sẽ động chạm đến xã hội, nếu bỏ giám sát thì sẽ sai lệch với mục tiêu ban đầu và phải có chế tài mạnh.

Đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập: Tránh tình trạng “chủ trương thì đúng nhưng cứ làm là vướng” ảnh 2
PGS.TS Trần Kim Chung phát biểu. 

Cho rằng, các văn bản của Đảng và Nhà nước liên quan đến việc đổi mới quản lý các ĐVSNCL đã ban hành đầy đủ, tuy nhiên, theo PGS.TS Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, việc triển khai thực hiện còn “tương đối nửa vời”. Các vấn đề Nhà nước phải lo nhưng không có nghĩa Nhà nước phải làm, Nhà nước muốn các dịch vụ do các đơn vị ngoài Nhà nước làm thì Nhà nước phải ban hành thể chế, chính sách và kiểm soát kết quả.

 “Muốn đổi mới quản lý các ĐVSNCL thì việc cần làm là không hành chính hóa ĐVSNCL, cùng với đó là đẩy mạnh và chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, chuyển từ phục vụ sang dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ do các ĐVSNCL cung cấp; thực hiện khoán biên chế sang khoán tiền lương để kích thích chất lượng hoạt động của các ĐVSNCL…”- ông Văn Tất Thu nói.

  Đối với lĩnh vực giáo dục, PGS.TS. Đặng Xuân Hải, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để có thể thực hiện việc đổi mới quản lý các ĐVSNCL thì các cơ sở giáo dục phải chuyển đổi mô hình quản lý phù hợp với “cơ chế bao cấp” sang mô hình quản trị thích ứng với “cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Theo ông Đặng Xuân Hải, “cơ chế bao cấp” quá coi trọng sự can thiệp của Nhà nước vào các hoạt động cụ thể của các cơ sở giáo dục; bên cạnh sự tự chủ không cao là tính chịu trách nhiệm cũng rất thấp.

Tuy nhiên, trong “cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, giáo dục nói chung và các cơ sở giáo dục nói riêng trở thành “dịch vụ sự nghiệp công”; từ “phục vụ” chung chuyển sang “dịch vụ”. Tính “dịch vụ” buộc các nhà quản lý của các cơ sở giáo dục phải “cân đong, đo đếm” các kết quả so với các chi phí, hay nói cách khác là lời giải của bài toán “chi phí - lợi ích” luôn được coi trọng.

Tóm lại, theo PSG. TS. Đặng Xuân Hải, quản trị một cơ sở giáo dục là nói đến cách thức phân chia thẩm quyền hợp lý giữa các chủ thể quản lý cơ sở giáo dục bao gồm: Nhà nước, nhà trường, thị trường và xã hội.

 Cụ thể, Nhà nước phải xây dựng được thể chế rõ ràng, minh bạch có tính kiến tạo cho việc vận hành các cơ sở giáo dục; Nhà trường được giao quyền tự chủ thực hiện các hoạt động theo sứ mệnh được Nhà nước và xã hội giao phó; thị trường sẽ tạo ra động lực cho việc “cạnh tranh lành mạnh” trong quá trình vận hành các hoạt động giáo dục theo sứ mệnh của cơ sở giáo dục đã được Nhà nước và xã hội công nhận; xã hội tham gia thông qua phản biện và đánh giá kết quả hoạt động giáo dục và hiệu quả mà cơ sở giáo dục đó mang lại. 

Đọc thêm