Đổi mới hoạt động giám sát: Chú trọng cả quy định và cách thức tổ chức

(PLVN) - Thực tế cho thấy, có những bất cập, vướng mắc nảy sinh trong quá trình giám sát của các cơ quan chức năng không phải do luật mà do khâu tổ chức thực hiện. Bởi vậy, đổi mới hoạt động giám sát cần chú trọng cả hai yếu tố: hoàn thiện về quy định pháp luật và đổi mới cách thức tổ chức thực hiện.
Để dự án cao tốc Bắc - Nam triển khai đúng pháp luật, ngay từ đầu phải có sự giám sát của các cơ quan chức năng và nhân dân, tránh tình trạng tiêu cực trong đấu thầu, thi công…(Ảnh minh họa)
Để dự án cao tốc Bắc - Nam triển khai đúng pháp luật, ngay từ đầu phải có sự giám sát của các cơ quan chức năng và nhân dân, tránh tình trạng tiêu cực trong đấu thầu, thi công…(Ảnh minh họa)

Đánh giá kỹ các quy định liên quan

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội (QH) là đổi mới công tác giám sát. Ngay tại Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của QH năm 2022. Vừa qua, QH cũng ban hành Nghị quyết về giám sát chuyên đề năm 2022 và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xây dựng Đề án về tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của QH. Việc xây dựng Đề án này có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, gắn với hoàn thiện pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Mới đây, phát biểu tại cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của QH”, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc đổi mới hoạt động giám sát có hai yếu tố gồm: đổi mới về quy định pháp luật và đổi mới trong cách thức tổ chức thực hiện. Chủ tịch QH lưu ý việc rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát của QH, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Đoàn đại biểu QH và đại biểu QH. Trên cơ sở đó, tuỳ theo mức độ cụ thể để kiến nghị sửa đổi pháp luật liên quan cho phù hợp hoặc có những vấn đề có thể điều chỉnh ngay trong cách thức tổ chức thực hiện hoạt động giám sát.

Bên cạnh đó, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ, thực tế cho thấy có những bất cập, vướng mắc không phải do luật mà do khâu tổ chức thực hiện, chỉ đạo điều hành. Vì thế, Ban Chỉ đạo cần tổng kết kỹ lưỡng thực tiễn; các kiến nghị, đề xuất cần phân định theo nhóm; chẳng hạn nhóm giải pháp về hoàn thiện pháp luật, sửa đổi, bổ sung quy định trong luật, nghị quyết và nhóm giải pháp trong tổ chức thực hiện, điều hành, triển khai các hoạt động giám sát... Trước mắt, cần tập trung vào các đề xuất sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết của UBTVQH liên quan đến hoạt động giám sát; kiến nghị về tổ chức triển khai các hoạt động giám sát, chú trọng khâu hậu giám sát; tăng cường trách nhiệm giải trình, công bố công khai kết quả thực hiện kết luận, nghị quyết giám sát. Cùng với đó là các giải pháp về cơ sở dữ liệu, nhân sự, phối hợp thực hiện và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng chủ thể liên quan…

Phải theo vấn đề đến cùng

Nhấn mạnh giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay, phát biểu quán triệt tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác Mặt trận năm 2022, ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam cho rằng, đối với các địa phương, công tác giám sát, phản biện xã hội cần hướng vào những “điểm nóng”, những vụ việc cụ thể mà nhân dân quan tâm; chủ động tham mưu đề xuất với cấp ủy giao MTTQ tham gia từ đầu, từ sớm vào quá trình xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quyết sách lớn của địa phương; các dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động lớn đến người dân. Cụ thể như các dự án phải thực hiện thu hồi đất, dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, phải đánh giá tác động môi trường và lấy ý kiến nhân dân…

Để những kiến nghị sau giám sát có tính toàn diện, thực tiễn và mạnh mẽ hơn, ông Lê Tiến Châu đề nghị hoạt động giám sát, phản biện xã hội cần tạo sự gắn kết giữa công tác nắm tình hình nhân dân, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri với giám sát, phản biện xã hội. Nội dung giám sát phải là những vấn đề mà nhân dân quan tâm, những đòi hỏi, bức xúc từ thực tiễn của đa dạng các tầng lớp nhân dân; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, kiến nghị sau giám sát không nên mang tính thuần túy về khoa học, nghiên cứu mà cần mang nhiều hàm lượng thực tiễn. Muốn vậy, cần phát huy sự tham gia của các chuyên gia, người làm thực tiễn vào công tác giám sát, phản biện xã hội; đa dạng thành phần tham gia công tác giám sát, phản biện để đảm bảo tính đa dạng, tính đại diện, tính chuyên sâu. Đặc biệt, cần kiên trì, bền bỉ trong việc theo dõi kết quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện. “Phải theo vấn đề đến cùng, bảo vệ quan điểm công tâm, khách quan” - ông Lê Tiến Châu đề nghị.

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về giám sát

Kiến nghị trên được GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) đưa ra tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác giám sát của MTTQ Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới”, vừa diễn ra ngày 19/4.

GS.TS Trần Ngọc Đường đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về giám sát của MTTQ nói chung, giám sát về xây dựng NTM nói riêng. Cụ thể, cần sớm nghiên cứu xây dựng dự án Luật về giám sát của nhân dân để không những thể chế đầy đủ quyền, trách nhiệm, phương thức, cách thức trong hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội của nhân dân mà còn thể chế hóa các quyền dân chủ trực tiếp của công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận.

Khánh Chi

Đọc thêm