Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số

(PLVN) -Trong giai đoạn 2009 – 2020, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương vùng biên giới, hải đảo… đã có sự phối hợp chặt chẽ, tham gia tích cực trong tổ chức phổ biến pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số biên giới, hải đảo… để triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng. 
Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số

Theo đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã được triển khai thực hiện có hệ thống, có trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, phong tục của từng dân tộc, vùng miền; ngày càng nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu xã hội.

Qua hoạt động khảo sát đánh giá nhận thức pháp luật và nhu cầu pháp luật của các nhóm yếu thế do Bộ Tư pháp phối hợp với UNDP thực hiện trong năm 2020 tại 6 tỉnh: Hà Giang, Hoà Bình, Thanh Hoá, Đắk Nông, Kiên Giang, Đồng Tháp kết quả cho thấy khả năng tiếp nhận thông tin của người dân tộc thiểu số không có khác biệt nhiều với nhóm dân tộc đa số (người Kinh). Khả năng tiếp nhận thông tin pháp luật của người dân tộc thiểu số sẽ phụ thuộc vào các hoạt động PBGDPL.

Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy tỉ lệ nhận thức một số vấn đề pháp luật liên quan đến các quyền của người dân tộc thiểu số còn khá hạn chế. Ví dụ, về vấn đề độ tuổi xác định của trẻ em, tỉ lệ nhận thức đúng tại các địa phương khảo sát chỉ đạt tỉ lệ khá khiêm tốn (Hà Giang: 18,4%; Đắk Nông: 22,8%; Hoà Bình: 21,2%). Hay vấn đề quyền được học hết lớp 5 (bậc tiểu học) không mất tiền lại chưa được nhận thức rõ trong cộng đồng người dân tộc thiểu số tại các địa phương khảo sát (không có địa phương nào quá 50%).

Các số liệu khảo sát cũng cho thấy hoạt động PBGDPL cho đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số còn tồn tại một số khó khăn. Cụ thể là, nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền vẫn còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm tới công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số; công tác PBGDPL ở một số nơi chưa sâu rộng, toàn diện, chưa thường xuyên, liên tục, chưa đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, nhất là PBGDPL cho người dân tộc thiểu số bằng ngôn ngữ của họ. 

Nội dung PBGDPL ở một số địa bàn chưa được lựa chọn trên cơ sở bám sát nhu cầu và thực tiễn của người dân sinh sống ở địa bàn đó; đối tượng thụ hưởng các chính sách là người dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các thiết chế hỗ trợ, kinh phí và cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho hoạt động PBGDPL cho đối tượng người dân tộc thiểu số còn rất khó khăn; đội ngũ thực hiện PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số còn mỏng… 

Để phát triển nguồn nhân lực thực hiện PBGDPL cho người dân tộc thiểu số tại địa bàn cơ sở trong thời gian tới, cần đổi mới nội dung, hình thức, cách thức triển khai phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số. Kỹ năng, phương pháp PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số phải kết hợp giữa truyền thống và hiện đại tạo sự hấp dẫn và thu hút sự quan tâm tham gia, hưởng ứng của đồng bào; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số. 

Bên cạnh đó, đầu tư nguồn lực trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tối đa về kinh phí từ ngân sách nhà nước và các điều kiện đảm bảo cho công tác PBGDPL tới đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ PBGDPL phải tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện công tác PBGDPL cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.  

Đọc thêm