Phát biểu tại Diễn đàn Lãnh đạo ĐMST 2023 chiều 30/10 - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung nhận định, làn sóng của ĐMST đang được lan tỏa mạnh mẽ.
“Khả năng ĐMST là một lợi thế cạnh tranh trong thời đại kinh tế ngày nay. Đồng thời, điều này đặt ra các thách thức và cơ hội mới cho doanh nghiệp (DN) trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam…” - Thứ trưởng lưu ý, đồng thời khẳng định, các Tập đoàn, DN lớn được coi là thành phần đặc biệt quan trọng trong Hệ sinh thái ĐMST, tác động đến sự Việt Nam chuyển dịch các cơ cấu của nền kinh tế.
Diễn đàn Lãnh đạo ĐMST 2023 là sự kiện nằm trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế ĐMST Việt Nam 2023 (VIIE 2203) và khánh thành cơ sở của Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc. Diễn đàn có chủ đề “Tập đoàn và DN dẫn dắt ĐMST Mở”, là nơi quy tụ các nhà lãnh đạo DN, nhà đổi mới, doanh nhân, nhà đầu tư và những người đang thúc đẩy tương lai của sự đổi mới DN và khởi nghiệp.
Dẫn Báo cáo mới nhất về ĐMST toàn cầu (GII) 2023 do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố, Thứ trưởng cho biết, trong bối cảnh Hệ sinh thái ĐMST đang có bước phát triển, vai trò của các Tập đoàn, công ty lớn ngày càng quan trọng, tại Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện về chỉ số GII: Tăng 2 bậc so với năm 2022. Việt Nam là một trong số ít quốc gia nắm giữ kỷ lục có chỉ số ĐMST vượt trội liên tục trong 13 năm, được WIPO đánh giá có tốc độ bắt kịp ĐMST nhanh nhất trong nhóm các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung phát biểu tại Diễn đàn. |
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trung, để có thể ĐMST không ngừng, rất cần sự chung tay hợp lực từ tất cả các thành tố trong Hệ sinh thái. “Tất cả các chủ thể cần phát huy hết vai trò, nâng cao gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau trong hệ sinh thái…” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo bà Đỗ Hà - Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Khối Cơ sở hạ tầng, Chính Phủ và Y tế, Lãnh đạo Tư vấn Giải pháp ESG tại KPMG Việt Nam & Campuchia, thực trạng đổi mới của DN Việt hiện nay đang xoay quanh vấn đề nguồn lực và kỳ vọng.
“Chỉ có 27% nhân viên có kiến thức về ĐMST và 38% DN có ngân sách xác định cho các chương trình đổi mới. Trong khi đó, có đến 45% lãnh đạo các công ty cam kết và đồng hành cùng với ĐMST và 86% công ty mong muốn có những bước chuyển rõ rệt như chuyển đổi hệ thống hoặc tạo ra sản phẩm mới…” - bà Hà thông tin.
Đại diện KPMG cũng cho rằng, để quá trình ĐMST thuận lợi hơn, các DN Việt cũng có thể tham khảo những xu hướng quản trị ĐMST hiện nay trên thế giới như tập trung hơn vào chuyển đổi số, đặt người dùng làm trung tâm, mô hình đổi mới phi tập trung và ĐMST mở.
Tại diễn đàn, các chuyên gia từ các tập đoàn, DN nổi bật tại Việt Nam như Visa, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Phúc Sinh… đã có những chia sẻ về câu chuyện thành công, cũng như những khó khăn...
Ký biên bản ghi nhớ hợp tác - cái “bắt tay” chính thức giữa đơn vị nhà nước và DN, tập đoàn để tạo đột phá, đánh dấu một mô hình hợp tác ĐMST tại Việt Nam. (Ảnh: MPI) |
Với mục tiêu hiện thực hóa các ý tưởng đột phá trong ĐMST, tại Diễn đàn, các biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết giữa các đơn vị: NIC và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), NIC, Công ty CP Tập đoàn N&G và Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (Hanssiba), Công ty TNHH Palexy và Công ty CP Phát hành sách TP Hồ Chí Minh (FAHASA), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Smart Loyalty, Công ty CP Viễn thông FPT và Công ty CP Rogo Solutions.
Diễn đàn đã giới thiệu ấn phẩm Sổ tay ĐMST cho DN do NIC và BambuUP phối hợp thực hiện, đem đến những định hướng chiến lược, lời khuyên hữu ích để các DN, tập đoàn, công ty khởi nghiệp ĐMST hiệu quả, khai thác tối ưu các nguồn lực và hợp tác tích cực.