“Đổi mới thi tuyển sinh ĐH - một cái mới... gây sốc“

(PLO) - Việc tổ chức kỳ thi quốc gia “2 trong 1” khiến người dân lo hơn là mừng. Bên hành lang QH, GS- TS Đào Trọng Thi đã chia sẻ những tâm sự của mình về những đổi mới một cách… đầy ái ngại của ngành Giáo dục Việt Nam…
Hình minh họa (Internet)
- Thưa ông, ngành Giáo dục đang có nhiều đổi mới được xem là khá quyết liệt về thi cử, ông có thể chia sẻ quan điểm của cá nhân ông trước những thay đổi này?
GS- TS Đào Trọng Thi: Đổi mới thi cử là cần thiết, nhưng cái mà chúng tôi quan tâm, cho là nòng cốt, đó chính là đổi mới chương trình sách giáo khoa. Trong đổi mới chương trình sách giáo khoa, sẽ có đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá,  trong đó có thi cử. Làm đổi mới thi cử trước, thì như Bộ GD- ĐT nói là khâu đột phá. 
Có điều, vừa rồi, Bộ Giáo dục đổi mới…hơi nhiều. Năm trước đã đổi mới, năm sau lại đổi. Nên chăng cứ làm một vài năm, củng cố những thay đổi, thành quả có thể tạo ra được động lực. Nhưng năm nào cũng đổi mới, trong khi xã hội rất lo lắng về sự thất thường, không ổn định, khiến người dân có cảm giác lo lắng, rối loạn. Tôi cho rằng đổi mới hàng năm như vậy là không cần thiết.
 - Với điểm mới của kỳ thi năm nay là tổ chức kỳ thi quốc gia, một kì thi 2 mục đích- tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, ông có thấy đó là một cải cách khả quan?
GS- TS Đào Trọng Thi:  Thực chất làm sao nhập được, bởi tuyển sinh đại học là quyền tự chủ của các trường ĐH. Làm rồi nhưng các trường không theo cũng phải chịu, họ bắt thí sinh thi bổ sung, cũng phải chịu. Bộ giáo dục không bắt được, bởi đó là quyền của các trường ĐH.
Hai nữa, tôi thấy kỳ thi này cũng chẳng khác kỳ thi năm ngoái, vì nội dung chưa đổi mới, anh chưa thể làm các bài thi phát triển năng lực, đánh giá năng lực, mà nó vẫn chỉ là kiểm tra kiến thức là chính. Học gì  thi nấy, chứ không thể yêu cầu nhiều. Ví dụ nếu cho làm các bài thi đánh giá năng lực là chắc chắn học sinh của chúng ta không làm nổi. 
Trong trường hợp ấy, mình tiếp tục đổi mới một lần nữa, mà vẫn chưa là đổi mới căn bản, tạo cảm giác năm nào có sự thay đổi, gây bức xúc trong xã hội. Do đó, tôi thấy việc đổi mới như vậy hoàn toàn không cần thiết, không mang lại hiệu quả tích cực.
 GS - TS Đào Trọng Thi
- Sự thay đổi liên tục có phải gián tiếp khẳng định sự thất bại của những phương pháp trước đó, thưa ông?
GS- TS Đào Trọng Thi: Cũng không phải thế. Nếu kỳ thi năm ngoái, chúng ta điều chỉnh thêm, điều chỉnh nhỏ, rút kinh nghiệm, làm tốt hơn thì không vấn đề gì. Nhưng chúng ta  lại chỉ làm đến một chừng mừng để nhận thấy có thay đổi, học sinh lung túng, xã hội phân vân thì đó là đáng tiếc, không phải cách tiếp cận hay.
- Ông cho rằng kỳ thi 2 trong 1 sẽ không thành công?
GS- TS Đào Trọng Thi: Tôi không nói không thành công, nhưng nó không mang lại hiệu quả tích cực mà chúng ta mong muốn. Tôi ví dụ năm nay cái mới không phải là chọn môn thi, mà cái mới là cụm thi - đó là cái mới gây sốc và cần phải cân nhắc kỹ.
Tôi phải nói, trước đây, người ta cho rằng kỳ thi ĐH rất nghiêm túc, căng thẳng, còn kỳ thi tốt nghiệp, học sinh không sợ.  Cái khó không phải là đề thi, mà là coi thi và chấm thi. Đó mới là sự khác biệt giữa hai thi. 
Không thể coi thí sinh ở điểm thi này giống thi sinh ở cụm thi kia để cùng đánh giá một mục đích. Các em thi ở cụm ĐH, có khi giỏi hơn nhưng lại không đỗ tốt nghiệp, em thi ở cụm địa phương có khi lại đỗ tốt nghiệp, được tuyển vào ĐH dù học dốt hơn. Nó sẽ gây ra bức, xúc, không tin tưởng trong xã hội.
- Vậy sai lầm là chỗ nào, thưa ông?
GS- TS Đào Trọng Thi: Hai sai lầm. Sai lầm thứ nhất là giao cho trường ĐH tổ chức cụm thi để đánh giá tốt nghiệp, đã là không tốt rồi. Cái thứ hai là lại tổ chức hai cụm thi. Điều cân nhắc hơn là hai cụm thi khác nhau về độ nghiêm túc, về độ khó mà lại đánh đồng như một thì không thể chấp nhận được. Thà một cái còn có sự công bằng giữa học sinh với nhau. Mà các trường ĐH đa số sẽ không lấy kết quả của các em thi ở cụm tốt nghiệp. Chúng ta sẽ tính sao đây?
-  Ông có lo ngại thi hai kỳ thi gộp một, có làm phát sinh tiêu cực ở cấp học phổ thông?
GS- TS Đào Trọng Thi: Cái đó thì phải chờ. Tôi cho rằng năm đầu không có gì. Các đối tượng muốn “lách” thường phải nghiên cứu xem có sơ hở gì không. Rồi sau một số thời gian sẽ có đối phó. .
- Vậy theo ông, cách để có hiệu quả cao, cách để không đối phó là gì?
GS- TS Đào Trọng Thi:  Như tôi đã từng nói, tôi hy vọng về sau, mình thi theo kiểu như ĐH Quốc gia đang đề nghị, tức là thi theo các bài thi, đấy sẽ là đổi mới căn bản kể cả hình thức, kể cả nội dung. Bài thi đánh giá năng lực, tổ chức thi là hoàn toàn trên tinh thần những bài thi chuẩn hóa trên máy tính. 
Lúc đó sẽ loại trừ được hầu hết những tiêu cực, điểm yếu cẩu các kỳ thi hiện nay. Nhưng cái đó chưa thể làm ngay được. Tất cả  phải sau khi chúng ta đổi mới chương trình sách giáo khoa, học sinh được học một chương trình mà mục tiêu là phát triển năng lực, phẩm chất của người học, thì lúc đó, chúng ta mới tổ chức thi đánh giá năng lực, phẩm chất người học. 
 - Xin cám ơn ông!

Đọc thêm