Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật
Trong thời gian vừa qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, định hướng quan trọng trong việc tập trung giải pháp hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, đồng thời đặt ra yêu cầu “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả các thiết chế thi hành pháp luật, bảo đảm chấp hành pháp luật nghiêm minh”. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng đặt ra yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả…”.
Tại buổi làm việc ngày 7/11/2024 với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và phương hướng thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra, bên cạnh kết quả tích cực, công tác hoàn thiện thể chế, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện pháp luật vẫn còn tồn tại, hạn chế, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân; việc nghiên cứu, ban hành chính sách, quy định pháp luật điều chỉnh đối với những vấn đề mới còn chậm, chưa tạo khung khổ pháp lý thúc đẩy được các động lực tăng trưởng mới.
Đặc biệt, trong thời gian qua, tại nhiều cuộc họp, hội nghị bàn về công tác xây dựng pháp luật, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có nhiều chỉ đạo quan trọng về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thi hành pháp luật. Cụ thể, phải tăng nguồn lực đầu tư, có cơ chế tài chính đặc thù cho công tác xây dựng chính sách, xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị ngày càng cao trong kỷ nguyên mới. Có cơ chế phù hợp thu hút nhân lực chất lượng cao cho công tác xây dựng pháp luật…
Với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, thời gian qua, Bộ, ngành Tư pháp đã quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) 2025 theo hướng khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Đổi mới như thế nào?
Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, chúng ta đang sống trong thời điểm gần như bùng nổ về đổi mới sáng tạo ở mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, khi chúng ta khởi động những hoạt động đổi mới ấy lại chưa thực sự hiểu rõ mình đang làm gì. Khái niệm thì sử dụng rất nhiều, như “thể chế”, “hệ sinh thái”… nhưng khi bóc tách từng lớp thì dường như vẫn chưa định vị đúng bản chất của những khái niệm này.
Chẳng hạn như “thể chế”, mỗi người có một định nghĩa khác nhau, nhưng không ai trả lời được chính xác: “Hoàn thiện thể chế” là làm những gì? Không thể nói đến “hệ sinh thái đổi mới sáng tạo” nếu các thành phần vẫn rời rạc, mỗi nơi một kiểu. GS.TS Lê Hồng Hạnh cho rằng, đổi mới mà không nhìn toàn diện thì không thể gọi là đổi mới. Muốn đổi mới, phải bắt đầu từ thể chế. Nhưng thể chế không chỉ là pháp luật hay chính sách, mà là một hệ thống các yếu tố đan xen, hỗ trợ nhau. Dẫu vậy, pháp luật và chính sách vẫn là điểm khởi đầu bắt buộc. Không có một hệ thống pháp luật hiệu quả thì mọi ý tưởng đổi mới cũng không thực hiện được. Nhưng có pháp luật rồi mà không thực thi được thì cũng vô nghĩa.
PGS.TS Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, để đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, phải thiết lập cơ chế phản biện xã hội thực chất. Pháp luật là công cụ của Nhà nước, nhưng đối tượng chịu tác động là người dân và doanh nghiệp. Họ có quyền lên tiếng, quyền phản ứng và thậm chí là tạo ra “xung đột” chính sách. Sự đối thoại, phản biện không làm suy yếu pháp luật mà ngược lại, là điều kiện để pháp luật đi vào đời sống một cách sâu sắc và chính xác hơn.
Bên cạnh đó, cần thay đổi cách nhìn nhận về đầu tư cho lập pháp. Bởi lẽ pháp luật là một thứ hạ tầng “mềm” định hình mọi hành vi, quyết định mọi chính sách và ảnh hưởng đến mọi tầng lớp trong xã hội. Khi chưa coi đầu tư cho lập pháp là một ưu tiên chiến lược, thì không thể có một hệ thống pháp luật mạnh, đủ sức dẫn dắt phát triển và kiểm soát quyền lực.
GS. TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam: Muốn có luật tốt, phải có con người tốt
|
GS. TS Lê Hồng Hạnh. |
Đổi mới tư duy pháp luật là đổi mới toàn diện, trong đó con người là nhân tố then chốt. Người soạn thảo văn bản pháp luật phải là những người hiểu sâu sắc lĩnh vực mà họ đang đặt bút viết ra luật lệ. Nếu họ không đủ năng lực, phải mời người tài vào làm. Singapore đã xây dựng một đội ngũ chuyên gia hàng đầu, gồm các học giả nước ngoài từ các Trường Đại học hàng đầu thế giới như Harvard, Cambridge, Princeton… tham gia soạn thảo pháp luật. Vì thế, luật của họ mang tính chuẩn mực quốc tế và khả thi rất cao.
Ở Việt Nam, không ít trường hợp người viết luật lại không hiểu sâu lĩnh vực đó. Vì vậy, chúng ta cần có cơ chế sử dụng người tài trong làm luật. Muốn có luật tốt, phải có con người tốt. Người không hiểu luật thì không thể tạo ra được hệ thống pháp luật mà xã hội có thể tin tưởng và vận hành. Đó chính là “điểm nghẽn” lớn nhất.
Bên cạnh đó, nhóm soạn thảo cần có tư duy tổng thể. Không thể chỉ nhìn vấn đề từ góc độ ngành mình rồi cho rằng đó là “điểm nghẽn” chung. Ví dụ trong lĩnh vực trọng tài mà tôi đang làm, chỉ cần một vướng nhỏ trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân hay Luật Tố tụng Dân sự là cả thiết chế trọng tài bị “tắc nghẽn”, không thể vận hành. Do đó, xây dựng luật phải nhìn từ hệ thống, từ tổng thể, chứ không thể “cắt khúc” theo kiểu mỗi bên tự lo một đoạn.
GS. TS Vũ Công Giao, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội: Chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật
|
GS. TS Vũ Công Giao. |
Để giải quyết những hạn chế về chất lượng của pháp luật hiện nay, cần chú trọng hoàn thiện kỹ thuật xây dựng pháp luật, đặc biệt là xác định các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá chất lượng văn bản pháp luật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, do xây dựng pháp luật là công việc đòi hỏi tính chuyên môn và năng lực khoa học rất cao, cần chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác xây dựng pháp luật; có chính sách đào tạo, lựa chọn những chuyên gia có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn sâu phù hợp để chuyên trách làm công tác soạn thảo, thẩm định, từ đó góp phần nâng cao chất lượng VBQPPL.
Đồng thời, cần cải cách cơ chế tài chính để bảo đảm nguồn ngân sách đầy đủ, thích đáng cho công tác xây dựng pháp luật, xem đầu tư cho công tác xây dựng pháp luật như là một hình thức đầu tư cho phát triển.
TS Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội: Cần có chế độ đãi ngộ tương xứng
|
TS Đoàn Thị Tố Uyên. |
Công tác xây dựng pháp luật được xem là hoạt động khó, phức tạp, mang tính trí tuệ cao, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật phải có trình độ, bản lĩnh, kinh nghiệm, dành thời gian tập trung cho công việc và cần có chế độ đãi ngộ tương xứng.
Vì vậy, tôi cho rằng cần đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí cho xây dựng pháp luật, bảo đảm đủ để đáp ứng một cách thực chất các yêu cầu đổi mới quy trình và nâng cao chất lượng của chính sách, dự án, dự thảo VBQPPL, nhất là việc điều tra, khảo sát thực tế, đánh giá tác động kinh tế - xã hội của chính sách, pháp luật và việc lấy ý kiến của Nhân dân, đặc biệt là những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.
Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp luật, nòng cốt là đội ngũ cán bộ xây dựng pháp luật; nghiên cứu xây dựng chế độ phụ cấp cho cán bộ làm công tác pháp chế. Bên cạnh đó, cần hiện đại hóa phương thức và phương tiện xây dựng pháp luật. Khai thác, ứng dụng tối đa thành tựu của khoa học, kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật. Tận dụng triệt để dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ hiện đại khác để xây dựng, hoàn thiện “Nhà nước pháp quyền thông minh”. Thúc đẩy số hóa, tối ưu hóa và tích hợp các nền tảng thông tin, dữ liệu và mạng lưới khác nhau trong lĩnh vực xây dựng pháp luật.
Chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới (nhất là những vấn đề liên quan đến cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…) tạo khung khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển đất nước những năm tiếp theo.