Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật: Góp phần khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Bài 1: Tầm nhìn dài hạn của Đảng trong hoạch định đường lối về xây dựng pháp luật

(PLVN) - Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật là vấn đề quan trọng, cấp bách, được đề cập đến trong nhiều bài viết, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm thời gian gần đây. Với thông điệp này của người đứng đầu Đảng ta, cả hệ thống chính trị đang chuyển mình mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động để pháp luật thực sự là nền tảng của phát triển, phục vụ phát triển và thúc đẩy phát triển.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương 10. Ảnh: Chinhphu.vn
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương 10. Ảnh: Chinhphu.vn

Có thể nói, chưa bao giờ công tác xây dựng pháp luật lại được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt như hiện nay. Với phương châm xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, nhiều chủ trương của Đảng được ban hành, là cơ sở cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Thể chế phải “đi trước mở đường” cho đột phá phát triển

Xuyên suốt quá trình lãnh đạo của Đảng từ sau đổi mới 1986 đến nay cho thấy, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định “Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hoá bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua cũng chỉ rõ: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính” là một trong ba khâu đột phá.

Đặc biệt, trong ba đột phá chiến lược phát triển bền vững đất nước được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển tiếp tục được đặt ở vị trí đầu tiên. Đây là quy định kế thừa ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII trước đó đã đề ra, đã được bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

Không phải đến Đại hội XIII của Đảng, hoàn thiện đồng bộ thể chế mới được xác định là một trong ba đột phá chiến lược, trước đó, trong rất nhiều văn kiện, Nghị quyết của Đảng đã xác định xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong đó, có thể kể đến Bộ Chính trị đã ban hành 02 Nghị quyết: Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Quá trình tổng kết thực hiện 2 Nghị quyết của Đảng cho thấy Công tác xây dựng và hoàn thiện trên các lĩnh vực cơ bản được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Hệ thống pháp luật, chính sách kinh tế đã được xây dựng tương đối đồng bộ, cơ bản phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN.…Điều này đã khẳng định tính đúng đắn, kịp thời và tầm nhìn dài hạn của Đảng ta trong việc ban hành các nghị quyết về xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đánh giá hai năm triển khai Chương trình hành động của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Ảnh: Kim QuyBan Cán sự đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đánh giá hai năm triển khai Chương trình hành động của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Ảnh: Kim Quy

Ngày 09/11/2022, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đây là lần đầu tiên Đảng ta ban hành một Nghị quyết chuyên đề về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh các mục tiêu chủ yếu, Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng nêu rõ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Trong đó, xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm... Việc ban hành và thực hiện Nghị quyết 27 với những mục tiêu, lộ trình, và đặc biệt là giải pháp cụ thể, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã có nhiều đổi mới. Cả hệ thống chính trị chuyển động, nhận thức nhất quán thể chế phải đi sớm, đi trước mở đường cho đột phá phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, phục vụ Nhân dân.

Tại Hội nghị Trung ương 10 (20/9/2024), trong bài phát biểu bế mạc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Trung ương đã thống nhất 4 nhóm vấn đề lớn. Trong đó, thống nhất cao xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt, tất cả vì sự phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của đất nước và phát triển nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức cán bộ; đồng bộ và đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội là ưu tiên cao nhất. Một lần nữa, vai trò quan trọng của thể chế trong phát triển được người đứng đầu của Đảng khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của Đảng trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, hướng đến lợi ích tốt nhất của người dân, doanh nghiệp.

Thay đổi nhận thức, phá bỏ mọi rào cản lợi ích cục bộ

Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã nêu rõ “đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”. Với yêu cầu này thì chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật phải bắt đầu từ quan điểm của Đảng đã khẳng định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, thay đổi nhận thức, phá bỏ mọi rào cản lợi ích cục bộ của ngành, địa phương, cơ quan nhà nước, đơn vị hoặc nhóm nào đó trong xây dựng pháp luật.

Các đại biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn.Các đại biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn.

Thay đổi về nhận thức trong xây dựng pháp luật ở đây không chỉ là thấm nhuần các quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng pháp luật mà còn bằng hành động cụ thể thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp uỷ Đảng. Phải coi việc lãnh đạo thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và lãnh đạo công tác thi hành pháp luật để bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong đổi mới phương thức lãnh đạo cầm quyền của các cấp ủy, tổ chức đảng.

Tổng Bí thư cũng nêu quan điểm dứt khoát phải từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp làm ăn kinh doanh và khơi thông các nguồn lực của đất nước. Đây là chỉ đạo quan trọng trong việc thay đổi tư duy trong xây dựng pháp luật. Điều này xuất phát từ thực tế cho thấy tình trạng quản không được thì cấm diễn ra lâu nay ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Nhiều nơi đặt ra những quy định cấm một cách vô lý, ban hành quy định cấm chỉ với mục đích giúp các cơ quan nhà nước “dễ thở” hơn trong quản lý nhà nước mà chưa thấu đáo đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Không chỉ các văn bản có chứa quy phạm cấm, mà ngay cả với các văn bản chồng chéo, mâu thuẫn, những chính sách không phù hợp cũng được coi là lực cản cho sự phát triển nhưng chưa được xem xét, tháo gỡ kịp thời.

Với những thông điệp mạnh mẽ của người đứng đầu Đảng ta thông qua các bài viết, bài phát biểu quan trọng về công tác xây dựng pháp luật, trong đó có những tư duy, tư tưởng mới cần nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn đã có những tác động to lớn đối với nhận thức của cả hệ thống chính trị. Không những khẳng định công tác xây dựng pháp luật có vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa then chốt để nắm bắt cơ hội, khơi thông, huy động mạnh mẽ nguồn lực cho phát triển, trong nhiều cuộc làm việc với các ban, bộ, ngành, Tổng Bí thư còn đặc biệt lưu ý và nhắc nhở công tác xây dựng pháp luật cần “chăm lo cho nhân dân”, cũng như mục tiêu vươn tới của các điều luật, trong đó có bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức; duy trì và đảm bảo trật tự xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội...Điều này thể hiện sự quyết tâm to lớn của Đảng trong việc hoạch định các đường lối chính sách khơi thông nguồn lực phát triển mà còn hướng về người dân, lấy người dân làm trung tâm, động lực của phát triển. Pháp luật phải tạo ra những cơ chế chính sách làm sao tạo điều kiện nhất cho người dân khi có các yêu cầu về thủ tục hành chính.

Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích đổi mới, sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư là vấn đề hết sức cấp bách và phải được coi là khâu đột phá hiện nay. Tuy nhiên, cần phải có những đánh giá khách quan về thực trạng công tác xây dựng pháp luật trong đó nhìn thẳng vào những ưu nhược điểm, đặc biệt là vấn đề tư duy, nhận thức tìm giải pháp khắc phục, để không “bỏ lỡ những cơ hội phát triển, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Đọc thêm