Sáng 20/10/2017, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Họp báo giới thiệu về việc triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN quân đội đến năm 2020. Thiếu tướng Võ Hồng Thắng - Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng; Đại tá Nguyễn Văn Đức-Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị chủ trì buổi họp báo.
Quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng và sắp xếp, đổi mới DN nhà nước; Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp sắp xếp, đổi mới DN Quân đội gắn với nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; coi trọng tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu.
Tập trung đầu tư nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng đối với các DN sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị; bảo đảm đủ nguồn lực cho các DN đứng chân trên địa bàn chiến lược; chỉ đạo cổ phần hóa, sáp nhập, giải thể DN ít liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; gắn quản lý các DN với hoạt động chuyên môn kỹ thuật đặc thù quốc phòng. Các DN sau sắp xếp, đổi mới nhìn chung ổn định, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, thích ứng được với thị trường trong nước và từng bước hội nhập quốc tế.
Chạy thử nghiệm tàu tên lửa. |
Trong điều kiện khó khăn chung của kinh tế trong nước, khu vực và thế giới, nhiều DN quân đội vẫn có tốc độ tăng trưởng khá, giữ vững thương hiệu trên các lĩnh vực mà quân đội có tiềm năng như: Viễn thông, bay dịch vụ, dịch vụ cảng biển, xây dựng, đóng tàu, đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước. Các DN quân đội đã thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, góp phần giữ vững an ninh chính trị trên các địa bàn chiến lược, nhất là biên giới, biển, đảo. Tuy nhiên, công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển DN trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, cụ thể là:
Số lượng DN 100% vốn nhà nước vẫn còn nhiều, có nhiều DN quy mô nhỏ, cùng ngành nghề, hoạt động trên cùng một địa bàn; cơ cấu DN chưa hợp lý; công tác sắp xếp chưa gắn liền với công tác tổ chức lực lượng. Một số DN đứng chân trên địa bàn chiến lược chưa cân đối được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Một số DN, qua thời gian qua còn tồn đọng về tài chính; đặc biệt một số DN hoạt động lưỡng dụng, xây dựng, thương mại, dịch vụ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về tài chính…
Để lãnh đạo thực hiện thắng lợi Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN quân đội đến năm 2020, ngày 18/5/2017, Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 425-NQ/QUTW về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Ngày 04/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN quân đội đến năm 2020. Từ trên 300 DN từ trước năm 2000, đến nay, các DN quân đội còn lại 88 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng và 21 Cty cổ phần có vốn nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý. Tổng số lao động trong các DN quân đội là 181.367 người.
Thiếu tướng Võ Hồng Thắng - Cục trưởng Cục Kinh tế cho biết: “Sau đổi mới, để bảo đảm DN quân đội hoạt động có hiệu quả và phát triển phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, bảo đảm công khai, minh bạch thông tin DN theo quy định; quản lý chặt chẽ phần vốn nhà nước, cơ sở vật chất và đất quốc phòng, nhất là các DN thực hiện cổ phần hóa, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước và Quân đội; chống tiêu cực và lợi ích nhóm, kiên quyết xử lý các DN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả.
Chủ động củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; thực hiện đúng chức năng, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Đảng trong DN nhà nước và DN có vốn nhà nước chi phối theo Quy định của Ban Bí thư và Quân ủy Trung ương; phát huy tốt vai trò, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị phù hợp với từng loại hình DN quân đội. Tập trung chỉ đạo giải quyết tốt công tác chính sách đối với quân nhân và người lao động bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định trong quá trình sắp xếp, đổi mới, nhất là cổ phần hóa DN”.
Sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa DN phải sát với yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đồng thời phù hợp với thị trường, thực tiễn DN quân đội; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, người chỉ huy, cơ quan, đơn vị và DN. Sắp xếp, đổi mới DN theo hướng rút gọn đầu mối, gắn với Đề án điều chỉnh tổ chức lực lượng Quân đội và định hướng phát triển DN nhà nước; kiên quyết cổ phần hóa đối với các DN không hoặc ít có nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; sáp nhập các DN thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng có quy mô nhỏ và chuyển thành đơn vị phụ thuộc nhằm tạo ra các DN có quy mô phù hợp, tập trung, tích tụ được vốn đầu tư cho phát triển sản xuất; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, sát với từng loại hình DN, giữ ổn định tình hình quân đội.
Kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách trong thực hiện sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN quân đội; coi trọng giữ gìn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm, nhất là trong cổ phần hóa DN, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản của Quân đội, Nhà nước…