Đối ngoại 2024 tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình

(PLVN) -  Nhân dịp kết thúc năm 2024 và chuẩn bị bước vào năm mới 2025, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về những dấu ấn ngoại giao trong năm qua và phương hướng, nhiệm vụ của ngoại giao Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ, để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới đòi hỏi cần xây dựng nền đối ngoại, ngoại giao ngày càng toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu. (Ảnh: BNG)

Đánh giá tổng quan về bức tranh ngoại giao Việt Nam năm 2024 cũng như các thành tựu nổi bật mà ngành đối ngoại - ngoại giao đạt được, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp với nhiều bất ổn, xung đột.

Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hào rằng trong bối cảnh thế giới như vậy, Việt Nam vẫn giữ vững cục diện đất nước hòa bình, ổn định, phát triển và được dư luận quốc tế coi là một trong những “điểm sáng” ở khu vực.

Các hoạt động đối ngoại được triển khai một cách chủ động, tích cực, đạt nhiều kết quả thực chất, tạo nên tầm vóc đối ngoại mới, tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cụ thể, trong năm 2024, các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng. Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận, cam kết quốc tế, cụ thể hóa các khuôn khổ quan hệ được nâng cấp, ký kết mới hơn 170 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với các đối tác lớn như Australia, Pháp, Malaysia, nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược với Brazil, thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Mông Cổ, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE)…, qua đó tạo dựng khuôn khổ quan hệ với 32 đối tác hàng đầu, bao gồm các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống.

Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Malawi, Việt Nam đã chính thức có quan hệ ngoại giao với tất cả các nước châu Phi, nâng các nước có quan hệ ngoại giao lên 194 nước, đưa hợp tác giữa Việt Nam với các nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, mang tính chiến lược, ổn định và lâu dài.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, thế giới đang đứng trước nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và khó dự báo, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho các quốc gia tận dụng các động lực tăng trưởng mới để bứt phá. Trong nước, với thế và lực mới sau gần 40 năm đổi mới và trước những yêu cầu cấp bách của thời đại, có thể nói đây là thời điểm “hội tụ” để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới như Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu gần đây.

Chia sẻ về đối ngoại - ngoại giao Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu có sự tham gia của tất cả các ngành, lĩnh vực, lực lượng, của cả hệ thống chính trị và của toàn thể dân tộc. Bài học của các quốc gia đi trước cho thấy trong quá trình đó, đối ngoại đóng vai trò quan trọng, định vị Việt Nam thuận lợi trong dòng chảy của thời đại và kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để phục vụ cho sự vươn mình của đất nước.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, thế và lực mới của đất nước về kinh tế, an ninh, quốc phòng và đối ngoại trong thời kỳ mới đặt ra yêu cầu về tâm thế và vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam có khả năng, điều kiện tham gia nhiều hơn nhưng cũng được kỳ vọng đóng góp nhiều hơn cho hoà bình, phát triển và giải quyết các vấn đề chung của nhân loại, góp phần xây dựng và bảo vệ trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng dựa trên luật pháp quốc tế.

Để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới đòi hỏi cần xây dựng nền đối ngoại, ngoại giao ngày càng toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới. Theo đó sắp xếp tổ chức bộ máy làm công tác đối ngoại tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả song hành với các cơ chế, chính sách thuận lợi và các nguồn lực đủ mạnh cho công tác đối ngoại; xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại, ngoại giao không chỉ có trình độ, năng lực lẫn bản lĩnh chính trị mà còn phải dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám tiên phong, đột phá, có kỹ năng và trình độ ngang tầm quốc tế.

Đọc thêm