Đối ngoại địa phương góp phần tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội

(PLO) - Với chủ đề “Chủ động, sáng tạo phục vụ hội nhập hiệu quả và phát triển bền vững”, Hội nghị Ngoại vụ do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 12/8 có sự tham dự của 500 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo địa phương và cơ quan ngoại vụ của 63 tỉnh/thành; các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài… 
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội  nghị
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các tỉnh, thành phố dành cho công tác đối ngoại địa phương; vai trò tham mưu của các cơ quan ngoại vụ địa phương, sự phối hợp giữa địa phương với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành Trung ương trong việc triển khai các nhiệm vụ đối ngoại tại địa phương thời gian qua, qua đó góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. 

Trên cơ sở những kết quả đạt được thời gian qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị các địa phương cần quyết liệt đổi mới tư duy hội nhập quốc tế; tập trung cao độ để thực hiện tốt công tác hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đẩy mạnh hợp tác với các địa phương khác để phát huy lợi thế của liên kết vùng trong hợp tác với các địa phương, đối tác nước ngoài; làm tốt công tác thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác đối ngoại địa phương đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ về tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương thời gian qua, đặc biệt là những bài học tốt, kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong hợp tác và thu hút các nguồn lực nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hội nghị cũng đã thảo luận về công tác chuyên môn về biên giới lãnh thổ, bảo hộ công dân, văn hóa đối ngoại, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, kiện toàn bộ máy cơ quan ngoại vụ địa phương. Về phần mình, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ kết nối các địa phương với các đối tác nước ngoài, góp phần phục vụ hội nhập hiệu quả và phát triển bền vững. 

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Hoàng Long cho biết, kể từ sau Hội nghị Ngoại vụ 18 (năm 2016), các địa phương đã ký kết 420 thỏa thuận quốc tế cấp độ địa phương với các địa phương/đối tác/doanh nghiệp nước ngoài (trong đó có 159 thỏa thuận với các địa phương nước ngoài), tăng 20,3% so với giai đoạn 2014-2016.

Các thỏa thuận quốc tế đã ký kết đang đóng góp tích cực vào việc tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị, quảng bá hình ảnh và tiềm năng của các địa phương nói riêng và của Việt Nam nói chung, phù hợp với chủ trương lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước và tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

Các địa phương cũng đã rất tích cực và chủ động đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thông qua nhiều hoạt động đa dạng, phong phú và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cùng với đó, các công tác ngoại giao văn hóa, người Việt Nam ở nước ngoài, biên giới lãnh thổ, lãnh sự và bảo hộ công dân, thông tin đối ngoại… đã được triển khai hiệu quả.

Vẫn theo ông Nguyễn Hoàng Long, trong 2 năm qua, số lượng đoàn lãnh đạo địa phương đi nước ngoài đã giảm 42,5% so với giai đoạn 2014-2016 (400 đoàn so với 696 đoàn). Tuy nhiên, việc tổ chức đoàn ra, đoàn vào ở một số địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; một số đoàn đi dài ngày, thành phần đông...

Để khắc phục tồn tại trên, Bộ Ngoại giao đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 38 của Bộ Chính trị và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài; làm tốt công tác xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; trước khi đoàn đi cần làm tốt công tác xây dựng chương trình, nội dung làm việc thiết thực, thành phần đi gọn nhẹ để đảm bảo hiệu quả, chất lượng chuyến thăm. 

Đọc thêm