Đối ngoại - điểm sáng nổi bật của năm 2023

(PLVN) - Năm 2023, các hoạt động đối ngoại của đất nước diễn ra hết sức sôi động với nhiều dấu ấn, trở thành một điểm sáng nổi bật trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước.

Phát huy sức mạnh tổng hợp ba trụ cột đối ngoại

Trong năm 2023, đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, có bước phát triển mới với sự kết hợp chặt chẽ và đồng bộ hơn, qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện hiệu quả các mục tiêu đối ngoại của đất nước.

Quan hệ đối ngoại của đất nước trên bình diện song phương tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn. Trong năm qua, chúng ta đã tổ chức tốt 15 chuyến thăm nước ngoài của các lãnh đạo chủ chốt và 21 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam, qua đó khẳng định tầm vóc và vị thế mới của Việt Nam trên thế giới.

Đặc biệt, năm qua ghi dấu việc quan hệ giữa Việt Nam với nhiều đối tác quan trọng được nâng lên tầm cao mới với những bước phát triển mới về chất. Gần nhất, vào giữa tháng 12/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân. Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung trước hội đàm tháng 12/2023. (Nguồn ảnh: Ban Đối ngoại Trung ương).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung trước hội đàm tháng 12/2023. (Nguồn ảnh: Ban Đối ngoại Trung ương).

Trước đó ít ngày, nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân tới Nhật Bản từ ngày 27 đến ngày 30/11/2023, hai bên cũng đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.

“Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII cho đến nay, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã tiến hành hơn 180 hoạt động đối ngoại song phương và đa phương quan trọng… Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp thực hiện gần 100 hoạt động đối ngoại, trong đó có những hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, tạo nền tảng quan trọng và định hướng lâu dài trong quan hệ Việt Nam với các nước…”, trích bài viết “Những thành tựu nổi bật của công tác đối ngoại đảng nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII” của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung.

Vào giữa tháng 9/2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại cuộc hội đàm ngày 10/9/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Biden đã hoan nghênh một giai đoạn lịch sử mới của tình hữu nghị và hợp tác song phương với việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Trinidad & Tobago vào tháng 2 và Tonga vào tháng 9/2023, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có ba nước có quan hệ đặc biệt, sáu nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.

Trên bình diện đa phương, các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao đã diễn ra hết sức sôi động, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng. Trong năm qua, Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc; được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42, Phó Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027 với số phiếu cao nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đối ngoại - điểm sáng nổi bật của năm 2023 ảnh 2Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chụp ảnh chung trước hội đàm hồi tháng 9/2023 (Nguồn ảnh: Ban Đối ngoại Trung ương)

Vai trò của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế quan trọng như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ), UNESCO… tiếp tục được phát huy. Điển hình là, trong năm đầu của nhiệm kỳ thứ hai đảm nhiệm cương vị thành viên HĐNQ, Việt Nam đã chủ động đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác về quyền con người tại cả 3 khóa họp thường kỳ của HĐNQ trong năm 2023. Nghị quyết Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna do Việt Nam đề xuất đã được HĐNQ thông qua bằng đồng thuận, với 121 nước đồng bảo trợ. Nghị quyết này là dấu ấn quan trọng của HĐNQ, tạo cơ sở cho việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm của HĐNQ xuyên suốt trong năm 2023 ở các cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Đồng thời, chúng ta cũng đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các vấn đề chung của thế giới như chống biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình ở châu Phi, cử lực lượng cứu hộ, cứu nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ… Những kết quả đó góp phần củng cố, nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực, tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Giữ vững tổng thể cục diện đối ngoại, khẳng định vị thế đất nước

Những kết quả quan trọng trong công tác nghiên cứu, tham mưu và dự báo về đối ngoại cũng là điểm đáng lưu ý. Trước diễn biến rất phức tạp của tình hình quốc tế, ngành Ngoại giao cùng với các ngành, các cấp tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ thông qua nhiều đề án quan trọng về đối ngoại, nhất là đề án phát triển quan hệ với một số đối tác quan trọng, hợp tác ASEAN, tiểu vùng Mekong, chủ trương ứng xử với các sáng kiến của các nước…

Cũng trong năm 2023, ngoại giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở quán triệt tinh thần Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ. Các hoạt động ngoại giao kinh tế đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trên 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thu hút FDI tăng 14,8%, tiếp cận nhiều nguồn vốn mới có chất lượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Môi trường hòa bình, ổn định tiếp tục được giữ vững để phát triển đất nước. Các lĩnh vực thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân cũng đạt nhiều kết quả quan trọng.

Hòa chung trong thành tựu đối ngoại cả nước, hoạt động đối ngoại của Quốc hội thời gian qua không chỉ diễn ra sôi động mà còn được nâng lên về chất, phát huy mạnh mẽ nét đặc trưng - vừa mang tính đối ngoại Nhà nước, vừa mang tính Nhân dân sâu sắc. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội, nhất là của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã đưa ngoại giao nghị viện trở thành một kênh chính trị đối ngoại quan trọng hàng đầu và là nguồn sức mạnh thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, nâng cao vị thế quốc tế của quốc gia, nhất là về chính trị - ngoại giao, kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ... tranh thủ nguồn lực bên ngoài để kiểm soát đại dịch COVID-19, mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư…

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, những kết quả đạt được khẳng định bản sắc rất độc đáo của nền Ngoại giao Việt Nam dựa trên nền tảng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, thấm đượm tâm hồn, cốt cách, khí khách và truyền thống ngoại giao hòa hiếu của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa tư tưởng của nhân loại.

Có thể khẳng định, đối ngoại và ngoại giao Việt Nam trong thời gian qua, nhất là năm 2023 đã phát huy bản sắc “ngoại giao cây tre Việt Nam”, uyển chuyển, linh hoạt, sáng tạo và cơ động trong sách lược để thích ứng theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “biết cương, biết nhu”, “biết tiến, biết thoái”. Nhờ đó, Việt Nam vừa giữ vững được tổng thể cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và xây dựng Tổ quốc, vừa khẳng định một Việt Nam bản lĩnh, chân thành, nhân ái, thủy chung, tin cậy và có trách nhiệm.

“Các hoạt động đối ngoại diễn ra hết sức sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023; việc tổ chức đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Mỹ Joe Biden; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith; Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen và nhiều nguyên thủ quốc gia các nước quan trọng khác đến thăm Việt Nam được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay””, trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 (tháng 12/2023).

Gặp mặt các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đến báo cáo về công tác đối ngoại Nhân dân dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước đã chủ trì nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, tiếp xúc với lãnh đạo của nhiều nước. Qua các cuộc tiếp xúc, có thể cảm nhận được vai trò và vị thế mới của đất nước, sự coi trọng của các nước đối với Việt Nam.

Đọc thêm