Đối ngoại và khát vọng phát triển đất nước

(PLVN) -  “Đối ngoại phải góp phần tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển và phục vụ tốt nhất cho cả hai yêu cầu chiến lược của Việt Nam là phát triển và bảo vệ Tổ quốc”, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ chia sẻ.
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ ngày 12/05/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong ASEAN và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào đối thoại và hợp tác, sẵn sàng đóng góp vai trò chủ động, tích cực, phù hợp với tiềm lực và vị thế.
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ ngày 12/05/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong ASEAN và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào đối thoại và hợp tác, sẵn sàng đóng góp vai trò chủ động, tích cực, phù hợp với tiềm lực và vị thế.

Cơ hội và thách thức mới

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, có thể thấy, 2022 là một năm đầy thử thách đối với đối ngoại Việt Nam. Tình hình thế giới đặt ra không ít khó khăn, thách thức, không chỉ là dịch bệnh mà còn là khủng hoảng về kinh tế, dẫn đến lạm phát, khủng hoảng của giá dầu, giá lương thực... Thêm vào đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng trở thành điểm chuyển dịch của địa chiến lược quốc tế, cạnh tranh nước lớn ở đây gia tăng…

Trong bối cảnh đó, năm 2022, đối ngoại Việt Nam đã có những bước đi rất quan trọng. Sau khi kiểm soát được dịch bệnh, Việt Nam thực sự mở cửa trở lại, cả về sản xuất, đời sống sinh hoạt xã hội và giao lưu quốc tế. Bên cạnh đó, dù điều kiện rất khó khăn, song đối ngoại Việt Nam đã chủ động hơn trong hội nhập, trong quan hệ quốc tế, minh chứng là những chuyến đi và những hoạt động rất nổi bật.

“Việt Nam tiếp tục tham gia một cách tích cực vào các hoạt động của ASEAN và những đóng góp của chúng ta trong ASEAN được quốc tế đánh giá cao, cả trong ứng phó với các thách thức như đại dịch, biến đổi khí hậu cũng như ứng xử trong quan hệ với các nước lớn và bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.

Việt Nam có những chuyến thăm và những hoạt động đối ngoại lớn, nhất là củng cố quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác lớn như Trung Quốc, Mỹ, Liên Hợp quốc; một loạt hoạt động đối ngoại dồn dập cuối năm 2022, khi các nước bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh... Tất cả tạo thành một bức tranh mới của đối ngoại Việt Nam.

Trong năm 2023, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định, bức tranh thế giới vẫn tiếp tục có nhiều thách thức đa chiều, thậm chí nhiều thách thức cùng đến một lúc - điều chưa từng có tiền lệ trong quan hệ quốc tế, cả trong bức tranh địa chính trị cũng như bức tranh địa kinh tế thế giới. Điều này đặt ra không ít những cách thức, không phải chỉ cho Việt Nam mà cho cả khu vực và thế giới.

Thứ nhất, dù bước đầu đã kiểm soát được đại dịch COVID-19 nhưng những hệ lụy của dịch bệnh sau gần 3 năm đặt các nước trước những khó khăn kinh tế rất lớn. Thêm vào đó là những khó khăn địa chính trị trên thế giới, dẫn đến lạm phát tiếp diễn, các chuỗi cung ứng đứt gãy chưa thể hàn gắn được ngay, vấn đề môi trường, về giá dầu, thiếu hụt lương thực... “Đây vẫn là thách thức lớn trong năm 2023”, ông Vinh nhấn mạnh.

Thứ hai, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn sẽ mang lại nhiều thách thức. Trước sức ép để chọn bên, ứng xử thế nào để không bị rơi vào cái bẫy cạnh tranh nước lớn? Cọ xát và cạnh tranh giữa các nước lớn cũng sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng bao gồm cả về kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ. Trong bức tranh đó, lựa chọn như thế nào để phát triển sẽ là rất khó.

Thứ ba, các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, nguy cơ dịch bệnh trở lại, nước biển dâng, thiên tai… tiếp tục đòi hỏi các quốc gia phải ứng phó một cách cấp bách hơn và không một quốc gia nào có thể tự mình làm được.

Cuối cùng, cách mạng khoa học công nghệ ngày càng phát triển, vừa là cơ hội, vừa là thách thức rất lớn cho các nước. Nếu chậm về công nghệ nói chung thì có thể tụt hậu 5-10 năm, nhưng nếu chậm bắt kịp với đà phát triển của công nghệ số thì có thể sẽ bị tụt hậu đến hàng thập kỷ. Những điều này đặt ra yêu cầu về phục hồi và phát triển đất nước rất lớn.

Tuy nhiên, Đại sứ Phạm Quang Vinh cũng chỉ ra rằng, trong bức tranh thách thức nhiều chiều và phức tạp như vậy, năm 2023 không phải không có cơ hội. Nếu không bắt kịp thì chắc chắn sẽ bị lỡ cơ hội. Ngoài ra, cạnh tranh nước lớn gia tăng nhưng rõ ràng các nước cũng đều quan tâm đến châu Á - Thái Bình Dương, khu vực Đông Nam Á và ASEAN, có rất nhiều đề xuất về hợp tác và sáng kiến mới ở khu vực.

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, đan xen với những thách thức về chọn bên là những cơ hội về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như về chính trị, an ninh. “Vấn đề đặt ra lựa chọn như thế nào để không bỏ lỡ cơ hội? Thêm vào đó, những xu hướng phát triển kinh tế mới, cả về mô hình cũng như về cách tiếp cận, đặc biệt là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi sạch đã trở thành những ngành kinh tế của tương lai. Thực sự nó đã hiện hữu và sẽ là mô hình phát triển rất mới sắp tới. Chúng ta sẽ nắm bắt điều đó như thế nào?”, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ đặt ra một loạt vấn đề.

Hiện thực hóa khát vọng lớn

Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, bối cảnh quốc tế năm 2023 đặt ra rất nhiều thách thức đan xen với cơ hội, đòi hỏi chúng ta phải xử lý một cách phức tạp hơn. Trong khi đó, Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu tới năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, mạnh mẽ và hùng cường. Bước sang giai đoạn mới này, đối ngoại sẽ phải phục vụ cho khát vọng lớn đó. Mặc dù thế giới biến động phức tạp nhưng Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới, đặc biệt những cơ hội cho hợp tác nhiều mặt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh mới, về đối ngoại, Việt Nam tiếp tục đường lối nhất quán về chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hội nhập, đa dạng hóa và đa phương hóa. “Chúng ta không chọn bên, không “đi với bên này chống bên kia”, đồng thời, chúng ta phải chủ động quan hệ tốt với tất cả các nước. Chính sách độc lập tự chủ, hội nhập, đa dạng hóa, đa phương hóa sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam mở rộng hợp tác với tất cả các đối tác, kể cả trong trường hợp các đối tác đó cạnh tranh nhau”, ông Phạm Quang Vinh nêu rõ.

Bên cạnh đó, đối ngoại phải tạo ra được sự đột phá trong phát triển. Việt Nam phải tiếp tục những nỗ lực của năm 2022, cấp bách phục hồi và nối lại chuỗi cung ứng. Theo ông Vinh, để làm được việc này, chúng ta sẽ phải đan xen lợi ích với các quốc gia. Hiện nay các quốc gia khác cũng đang có những điều chỉnh rất lớn, tạo ra nhiều khó khăn và cả cơ hội. Có những nước vẫn áp dụng chính sách Zero COVID, có những nước mở cửa từng phần, có những nước đã mở cửa hoàn toàn… Trong bức tranh đa sắc màu đó, để tranh thủ phục hồi, việc nối lại hợp tác quốc tế, nối lại giao lưu kinh tế quốc tế, nối lại đầu tư thương mại thế nào cũng là một việc phải quan tâm thực hiện và điều chỉnh.

Đại sứ Phạm Quang Vinh cũng cho rằng, đối ngoại phải góp phần tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển và phục vụ tốt nhất cho cả hai yêu cầu chiến lược của Việt Nam là phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Để làm được điều này, Việt Nam phải tích cực hợp tác với các nước trong khu vực, nhất là Đông Nam Á và ASEAN, tích cực hợp tác với các đối tác của ASEAN, bao gồm cả Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… để thúc đẩy hợp tác, xây dựng lòng tin, thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực.

Đối ngoại cũng phải thúc đẩy hợp tác để có thể thích ứng một cách hiệu quả nhất với những thách thức an ninh phi truyền thống. Theo đó, thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác để ứng phó dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai và thời tiết khắc nghiệt… Cuối cùng, điều chúng ta đang hướng tới là phát triển cao hơn, chất lượng hơn cho Việt Nam. Do đó, chúng ta phải bắt kịp xu hướng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi sạch…

Theo ông Phạm Quang Vinh, “chìa khóa” để thực hiện những mục tiêu lớn đó là sự kết nối. Theo đó, cần sự kết nối giữa 3 lĩnh vực đối ngoại chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội. Ba trụ cột của đối ngoại bao gồm đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước, đối ngoại nhân dân phải gắn kết để tạo ra động lực. Đặc biệt là kết nối giữa đối ngoại của Trung ương, địa phương với đối ngoại của các doanh nghiệp.

Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định, trong bối cảnh địa chiến lược và cạnh tranh nước lớn rất phức tạp hiện nay, việc vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp đường lối, chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập chắc chắn sẽ đạt được thành công. Đối ngoại sẽ hỗ trợ cho phát triển đất nước với chất lượng cao hơn, với tầng nấc cao hơn trong hội nhập quốc tế, tranh thủ các chuỗi cung ứng quốc tế… để đạt được khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hùng cường.

Đọc thêm