Đội ngũ cán bộ tư pháp: Chủ động xây dựng lực lượng để đáp ứng yêu cầu hội nhập

(PLO) - Trong những năm qua, với sự tham mưu bài bản, thiết thực của Vụ Tổ chức cán bộ, công tác cán bộ của Bộ Tư pháp đã bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, các định hướng, chương trình, kế hoạch công tác của Bộ, ngành và được tổ chức thực hiện quyết liệt, khách quan, minh bạch, đúng quy trình, bảo đảm tinh gọn. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của Bộ, ngành được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, cải cách pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp vụ
Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp vụ

Thường xuyên, liên tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ

Để đảm bảo chất lượng của đội ngũ thì ngay từ khâu đầu là tuyển dụng đến các khâu tiếp theo như bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hay bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo đều được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Đội ngũ cán bộ của ngành Tư pháp, nhất là ở cơ quan Bộ, được đào tạo bài bản, yêu ngành, yêu nghề.

Cán bộ lãnh đạo ở các đơn vị thuộc Bộ được lựa chọn, bổ nhiệm phù hợp, qua đó phát huy tốt năng lực, sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ được thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.

Công tác quy hoạch luôn được Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp quan tâm thực hiện để bảo đảm tính chủ động, tầm nhìn xa trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Bộ, ngành trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Với sự hướng dẫn tích cực của Vụ Tổ chức cán bộ, việc xây dựng quy hoạch được thực hiện dân chủ từ các đơn vị thuộc Bộ, có sự tham gia của cấp ủy, tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

Chất lượng quy hoạch ngày càng được nâng cao về chất lượng, gắn kết hơn với công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ. 

Đến nay, Quy hoạch Bộ trưởng, Thứ trưởng của Bộ Tư pháp; Quy hoạch Lãnh đạo cấp Vụ của các đơn vị thuộc Bộ đã được phê duyệt. Đặc biệt, để tạo nguồn xây dựng đội ngũ chuyên gia cho các giai đoạn tiếp theo, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và hàng năm rà soát, bổ sung Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức trẻ có trình độ chuyên môn sâu của Bộ Tư pháp giai đoạn 2014 - 2020 (năm 2016 có 49 cán bộ được quy hoạch; năm 2017 có 68 cán bộ được quy hoạch). Trên cơ sở Quy hoạch, Bộ đã và đang tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cả về chuyên môn và ngoại ngữ cho các cán bộ trong quy hoạch.

Nhiều cán bộ đã trưởng thành, phát triển

Gần đây nhất, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã có Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trên cơ sở tham mưu của Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ đã nghiêm túc quán triệt Nghị quyết 26, đang và sẽ tiếp tục chú trọng, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch và chức danh, coi trọng và tăng cường bồi dưỡng lý luận chính trị, gắn với chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ cho công chức, viên chức.

Bộ cũng tiếp tục quan tâm đến đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán, đội ngũ chuyên gia với nhiều giải pháp như cử cán bộ đi học ở các nước trên thế giới; đi xâm nhập thực tế (luân chuyển về địa phương, tham gia các Ban soạn thảo, Tổ biên tập các dự án Luật, Pháp lệnh); đào tạo chuyên sâu theo từng lĩnh vực…

Với mong muốn có được nguồn cán bộ cơ bản và quan trọng là để thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP HCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”, Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” và quyết tâm triển khai thành công các Đề án này.

Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp triển khai các nội dung theo các Đề án, trong đó chú trọng việc nâng cao chất lượng gắn với quy mô đào tạo của mỗi trường. Những năm gần đây, quy mô đào tạo của Trường Đại học Luật Hà Nội là gần 15.000 sinh viên, học viên.

Với Học viện Tư pháp, qua hơn 20 năm xây dựng, đã và đang đào tạo được gần 50.300 học viên. Đồng thời, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng của nước ta, Trường Đại học Luật Hà Nội đang chú trọng đào tạo chuyên ngành Pháp luật Thương mại quốc tế; Học viện Tư pháp mở các lớp đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế. Kết quả đào tạo đã góp phần quan trọng đối với công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta.

Bằng tổng thể các biện pháp như vậy, có thể khẳng định đội ngũ cán bộ tư pháp ngày càng vững mạnh, luôn nỗ lực cống hiến hết sức mình ở từng vị trí công tác. Từ “ngôi nhà chung” Bộ Tư pháp, nhiều cán bộ thực sự trưởng thành, phát triển, đã và đang đảm nhiệm vai trò trọng trách cao hơn trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước. 

Đọc thêm