Thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia: Để có các sản phẩm, ứng dụng cụ thể đi vào cuộc sống

(PLVN) - Hôm qua (4/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc làm việc với lãnh đạo một số bộ, ngành, các nhà tư vấn quốc tế về việc hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia.
Thủ tướng trao đổi cùng  lãnh các đạo bộ, ngành
Thủ tướng trao đổi cùng lãnh các đạo bộ, ngành

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng Trung tâm này gắn với việc thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta. Đây sẽ là trung tâm đầu tiên trong hệ thống các trung tâm ĐMST. Trung tâm không sử dụng ngân sách Nhà nước mà huy động nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa. Hiện nhiều doanh nghiệp trong nước cũng thể hiện sự quan tâm đến Trung tâm này. 

Với 5 lĩnh vực ưu tiên là nhà máy thông minh, nội dung số, an ninh mạng, đô thị thông minh, công nghệ môi trường, Trung tâm được kỳ vọng trở thành hạt nhân cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước về dài hạn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng cho biết việc việc hình thành Trung tâm này là một điểm nhấn trong Chiến lược triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Đây là trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ ĐMST ở Việt Nam, có sự khác biệt bằng việc áp dụng triệt để các kinh nghiệm quốc tế, huy động tư nhân hoặc chuyên gia nước ngoài điều hành, thể chế thuận lợi có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới.  

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT rà soát lại tính cấp thiết và khả thi của Trung tâm để nhanh chóng triển khai; có cơ chế xã hội hóa nguồn lực đầu tư. Thủ tướng tán thành với các đại biểu dự họp về việc cần tạo thể chế thuận lợi, thu hút nhân tài về làm việc.

Trung tâm phải được kết nối với nhân tài người Việt toàn cầu, kết nối với các doanh nghiệp, các phòng thí nghiệm. Đây phải là nơi khởi nghiệp của nhiều thành phần xã hội. Bộ KH&ĐT cần có lộ trình cụ thể, chặt chẽ, hoàn thiện Đề án để sớm phê duyệt.

Bộ là đầu mối chịu trách nhiệm triển khai trước Thủ tướng, trước Chính phủ về Trung tâm này, trước hết, đây là nơi kết nối, tập hợp nhân tài, tiếp theo là hệ sinh thái khởi nghiệp và các điều kiện khác.

Thủ tướng yêu cầu “các bộ, cơ quan cần xúm vào, cùng làm” chứ không phải chỉ có Bộ KH&ĐT. “Chúng ta cứ mạnh dạn làm để tập hợp trí tuệ mà các nhà tư vấn đề xuất hôm nay để làm sao có các sản phẩm, ứng dụng cụ thể đi vào cuộc sống” - Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị Bộ KH&ĐT cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan tư vấn hoàn thiện, tiếp thu ý kiến của các đại biểu.

Bộ cần có một cơ chế chính sách thông thoáng, thuận lợi để Trung tâm vận hành thực sự năng động, hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra. Từ đó, tính toán cơ cấu vốn đầu tư phù hợp để phát huy hiệu quả tốt nhất.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ làm hết sức mình để ủng hộ Trung tâm ĐMST, bởi nếu không có ĐMST, không có khoa học công nghệ thì không thành công, không tận dụng được thời cơ đến với Việt Nam. 

Theo các nhà tư vấn, kinh nghiệm các nước cho thấy, Trung tâm ĐMST nói riêng và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nói chung của họ phát triển rất mạnh mẽ, như tại Singapore, với sự hỗ trợ lớn từ phía Chính phủ. Nếu Việt Nam cũng làm được điều này thì lợi ích mang lại về kinh tế là rất lớn. Nếu thí điểm thành công Trung tâm này, các chuyên gia cho rằng, cần tạo ra mạng lưới các trung tâm trên toàn quốc và ngành công nghiệp này tương tác với các ngành công nghiệp khác.   

Đọc thêm