Đời thăng trầm của nữ gián điệp xuất thân hoàng tộc Trung Quốc

(PLO) -Sinh ra là một công chúa dưới thời nhà Thanh nhưng những biến cố của lịch sử đã khiến cuộc đời Yoshiko Kawashima trở thành một chuỗi những sự kiện thăng trầm và kết thúc với việc bị tử hình vì tội phản quốc.
Yoshiko và cha nuôi
Yoshiko và cha nuôi

Yoshiko Kawashima sinh năm 1907, mang trong mình dòng máu hoàng tộc Trung Quốc. Có tên thật là Ái Tân Giác La Hiển Dư, cô là con gái thứ 14 của Túc thân vương Thiện Kỳ. Ngay từ nhỏ, Hiển Dư đã là một bé gái xinh đẹp, lanh lợi nên rất được cha cưng chiều.

Xuất thân vương giả

Tuy nhiên, biến cố ập đến khi Yoshiko mới lên 4. Khi đó, cách mạng Tân Hợi bùng nổ, triều đại nhà Thanh sụp đổ, Trung Hoa dân quốc ra đời thay thế. Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh là Phổ Nghi lúc đó mới lên 2 nhưng mẹ của ông đồng ý để ông thoái vị để đổi lấy việc cả gia tộc giữ được mạng sống, trong đó có gia đình Túc thân vương Thiện Kỳ. 

Các nước lớn trong khu vực cũng đã nhanh chóng tận dụng các cơ hội từ biến cố ở Trung Quốc để thực hiện những mưu đồ của riêng họ. Trong đó, một điệp viên của tình báo Nhật tên Naniwa Kawashima đã tìm đến gặp Thiện Kỳ, thuyết phục ông để ông ta nuôi nấng con gái Hiển Dư.

Vẫn ôm trong lòng giấc mộng một ngày nào đó có thể khôi phục được triều đại nhà Thanh, Thiện Kỳ sau nhiều ngày suy nghĩ đã đồng ý cho Hiển Dư sang Nhật làm con nuôi của Kawashima. Đó là năm 1915, khi cô công chúa nhỏ vừa tròn 8 tuổi. 

Cú sốc 

Sau khi nhận nuôi Hiển Dư, Naniwa đưa về cô bé về Tokyo nuôi nấng và đổi tên cho cô thành Yoshiko, mang họ Kawashima. Đặt chân tới Nhật chính là sự kiện đánh dấu việc những biến cố thực sự chính thức bắt đầu với Hiển Dư. Bởi, cuộc sống của cô ngay từ khi tới Nhật đã không hề yên ấm. Sau khi Hiển Dư, khi này đã là Yoshiko, sang Nhật được 6 năm thì cha cô qua đời. Chỉ ít lâu sau cái chết của Thiện Kỳ, vợ ông cũng tự tử theo. 

Trong khi cha mẹ ruột đều đã chết cả, cha dượng Naniwa lại bắt đầu có những hành động không đúng mực với Yoshiko. Ban đầu, ông ta mới chỉ nói với bạn bè thân thiết rằng có thể ông ta sẽ cưới chính con gái nuôi làm vợ nhưng càng về sau Naniwa càng có những hành động chiếm hữu con gái.

Thậm chí, ông ta còn tỏ ra vô cùng ghen tuông, thậm chí sử dụng cả bạo lực, nếu thấy con gái nuôi có bất cứ hành động nào mà ông ta cho là hành vi tán tỉnh người đàn ông khác. Sự bất mãn của Yoshiko với cha nuôi được thể hiện bằng việc cô liên tục có những hành động phản kháng, trái lời như bỏ học, phá phách… Ngoài ra, khác với những cô gái lúc bấy giờ, Yoshiko không hề yêu thích những thú vui nữ công gia chánh mà chỉ thích những môn võ thuật như Kendo hay Judo. 

Về sau, Yoshiko tiết lộ cô bị cha nuôi cưỡng hiếp khi vừa tròn 17 tuổi. Cú sốc này đã khiến cô tự tử nhưng không chết. Sau lần đó, thay vì tìm đến cái chết thêm một lần nữa, Yoshiko quyết tâm bỏ nhà ra đi. Cùng lúc, cô cũng cắt tóc ngắn, bắt đầu ăn mặc như đàn ông và gia nhập thế giới ngầm ở Tokyo. Có những đồn đoán cho hay, để có tiền nuôi sống bản thân, cô đã cặp kè với nhiều người giàu có, bao gồm cả đàn ông và đàn bà. 

Bước ngoặt tiếp theo trong cuộc đời Yoshiko diễn ra vào năm 1927, khi anh trai và cha nuôi của cô dàn xếp để cô kết hôn với Ganjuurjab - con trai của Tướng quân Nội Mông Jengjuurjab - trong một cuộc hôn nhân đầy toan tính chính trị. Đồng ý chấp nhận cuộc hôn nhân đó, Yoshiko lấy tên Trung Quốc là Đông Trân, có nghĩa là Ngọc Phương Đông, để tiện cho cuộc sống tại cố hương. Song, cuộc hôn nhân chỉ tồn tại được 2 năm và Yoshiko ly hôn khi mới chỉ 22 tuổi.

Yoshiko
Yoshiko

Làm gián điệp và cái kết tức tưởi

Sau khi ly hôn, Yoshiko chuyển tới Thượng Hải, sinh sống trong khu vực có nhiều người nước ngoài sinh sống. Trong thời gian này, cô bắt đầu tham gia các hoạt động chính trị và làm gián điệp cho giới chức Nhật Bản. Với vẻ ngoài xinh đẹp sẵn có cộng thêm mác công chúa của triều Thanh nên, Yoshiko có thể dễ dàng quyến rũ những người đàn ông đức cao vọng trọng để vừa kiếm được tiền, vừa moi được những thông tin mật mà quân Nhật cần nhằm phục vụ kế hoạch xâm lược Trung Quốc, đồng thời cũng góp nhiều công sức trong việc lập kế hoạch tiêu diệt những người bị Nhật cho là cứng đầu.

Yoshiko cũng là một trong những người có công lớn trong việc giúp Nhật lập được nhà nước bù nhìn Mãn Châu Quốc ở phía đông bắc Nhật Bản. Năm 1931, với sự hỗ trợ đáng kể của người phụ nữ này, quân Nhật dựng lên sự kiện Mãn Châu để xâm lược vùng đất ở phía đông bắc Trung Quốc.

Tiếp sau đó, biết rõ Yoshiko vẫn giữ liên hệ chặt chẽ với gia đình hoàng tộc của mình, đặc biệt là người anh trai Phổ Nghi – người đã thoái vị vào năm 1912, giới chức Nhật đã yêu cầu cô thuyết phục Phổ Nghi đồng ý trở thành người đứng đầu nhà nước bù nhà mới do chúng lập ra và gọi là Mãn Châu Quốc.

Đến năm 1934, quân Nhật chính thức đưa Phổ Nghi lên làm hoàng đế bù nhìn ở Mãn Châu Quốc. Ít lâu sau đó, quân Nhật tiếp tục thành lập thêm lực lượng quân sự bù nhìn gọi là Mãn Châu Quốc An Quốc quân và phong cho Yoshiko chức vụ Tổng tư lệnh, nắm trong tay đội ngũ gồm vài nghìn người.

Trong giai đoạn này, nghĩ rằng những hành động của Nhật có lợi cho sự nghiệp phục Thanh mà người cha Thiện Kỳ vẫn ấp ủ khi qua đời nên Yoshiko rất tích cực hoạt động. Đích thân cô đã chỉ huy một số chiến dịch trấn áp các nhóm nổi dậy chống quân Nhật ở vùng đất của “Mãn Châu Quốc”. Với những thành tích và lòng trung thành đó, Yoshiko được báo chí Nhật ca ngợi là Nữ anh hùng của Mãn Châu quốc và trở ngôi sao ở Nhật. 

Song, trên thực tế, theo nhiều sử gia, vai trò và ảnh hưởng của Yoshiko trên trong vai trò một gián điệp và một tướng sỹ là không đáng kể. Thậm chí, có ý kiến cho rằng cô thực chất chỉ là một con cừu hiến tế, bị quân Nhật lợi dụng vị thế một công chúa của triều đại cũ để kích động tình cảm của người dân. Bản thân Yoshiko về sau cũng dần nhận ra rằng sự thật là sự nghiệp khôi phục nhà Thanh mà phía Nhật đưa ra thực chất chỉ là vỏ bọc để che đậy âm mưu bành trướng thế lực của Nhật ở Trung Quốc. 

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc những hành động của Yoshiko đang đi ngược lại lợi ích của người dân Trung Quốc. Bởi, rõ ràng, bằng nhiều cách thức khác nhau, cô đã chuyển cho người Nhật nhiều bí mật của Trung Quốc và đã chiến đấu chống lại người Trung Quốc ở Mãn Châu quốc, từ đó tạo điều kiện để Nhật Bản tiến sâu vào Trung Quốc. 

Khi Yoshiko bắt đầu có những hành động thể hiện sự phản đối việc Nhật thôn tính và kiểm soát ở Mãn Châu Quốc cũng như chiến thuật tàn bạo mà chúng sử dụng để trấn áp những ý kiến bất đồng, cô trở thành nhân vật không còn được phía Nhật chào đón, thậm chí suýt bị ám sát. Thất vọng về những việc đã xảy ra, Yoshiko về Thiên Tân và mở một nhà hàng để kiếm cơm nhưng trắc trở trong số phận của cô không dừng lại ở đó. 

Kết thúc Chiến tranh thế giới II cũng là lúc mọi việc chấm dứt với Yoshiko. Khi đó, Mãn Châu Quốc tan rã và trở về Trung Quốc. Yoshiko đã tìm cách trở về Nhật Bản nhưng không thành. Tháng 11/1945, cô bị bắt giữ khi đang lẩn trốn ở Bắc Kinh và bị tống giam trong 2,5 năm trước khi bước vào một phiên tòa kéo dài với cáo buộc về tội phản quốc.

Các luật sư bào chữa cho Yoshiko cho rằng cô đã là người mang quốc tịch Nhật Bản nên không thể bị khép tội phản quốc mà là tù nhân chiến tranh và cần phải bị xét xử trong một phiên tòa quốc tế. Tuy nhiên, tòa đã không chấp nhận lập luận này và Yoshiko cuối cùng vẫn bị khép tội phản quốc và bị kết án tử hình.

Ngày 25/3/1948, Yoshiko phải trả án. Yêu cầu cuối cùng của cô là được thi hành án tử kín đã không được chấp thuận. Thay vào đó, cô đã bị bắn từ phía sau và thi thể sau đó được công khai để người dân chứng kiến. Song, cũng có những đồn đoán trong suốt 1 thời gian dài cho rằng Yoshiko vẫn còn sống và rằng người đã bị tử hình là giả mạo…/. 

Đọc thêm