Đổi thay ở huyện miền núi A Lưới sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) trước đây heo hút, giờ tràn trề nhựa sống với những mô hình dệt zèng, chăn nuôi, trồng trọt... ngày một trải rộng; cùng với những con đường bê tông len lỏi từng thôn, bản và người dân chịu thương, chịu khó đang nỗ lực phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững.
Đã có hàng nghìn lượt hộ gia đình ở huyện A Lưới được vay vốn từ NHCSXH để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đã có hàng nghìn lượt hộ gia đình ở huyện A Lưới được vay vốn từ NHCSXH để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đưa tín dụng chính sách đến gần hơn với người dân

Trong chặng đường 10 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Phòng giao dịch (PGD) Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện A Lưới đã có nhiều chỉ đạo và thực hiện tốt nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao; công tác giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, làm thay đổi diện mạo nông thôn toàn huyện. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện phát triển bền vững, duy trì ổn định, đồng bộ, toàn diện, đảm bảo đúng theo tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Chặng đường thoát nghèo của anh Trần Văn Nghiệp (thôn Đút 1, xã Hồng Kim) phần nào cho thấy điều đó. Bởi trong hành trình thoát nghèo, nguồn vốn tín dụng chính sách chính là “trợ lực” giúp anh mạnh dạn hơn trong đầu tư phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nếu không có sự theo sát động viên của chính quyền, các hội đoàn thể, cơ ngơi của gia đình anh cũng khó có thể được như hôm nay.

Nhiều gia đình hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới được vay vốn ưu đãi phát triển nghề làm thổ cẩm, giữ gìn nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Nhiều gia đình hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới được vay vốn ưu đãi phát triển nghề làm thổ cẩm, giữ gìn nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Anh Nghiệp chia sẻ: “Tôi tiếp cận với vốn vay của NHCSXH từ khi lập gia đình. Ban đầu, tôi chỉ sử dụng vốn vay có các mục đích nhỏ. Sau đó, được chính quyền, hội đoàn thể hỗ trợ tư vấn một số mô hình kinh tế, được trang bị các kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cơ bản. Nhờ đó, nguồn vốn mới thật sự phát huy được hiệu quả. Đến nay, gia đình tôi đã phát triển được 3ha rừng, đàn bò 10 con và nhiều loại gia cầm khác, đời sống gia đình được cải thiện rất đáng kể”.

Cũng như nhiều hộ gia đình nghèo ở huyện A Lưới, cuộc sống gia đình Hồ Thị Ngợp (thôn Paris-Kavin, xã Lâm Đớt) đã có sự thay đổi lớn khi gia đình bà được tiếp cận vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để đầu tư công việc dệt Zèng và phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Bà Ngợp cho biết, trước đây, bà được Tổ tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV), Hội phụ nữ xã tín nhiệm bình xét cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo.

Với số vốn này, bà đã mua nguyên liệu, đầu tư dụng cụ phục vụ cho công việc dệt Zèng; nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm dệt Zèng mà kinh tế gia đình bà dần ổn định, lợi nhuận đều hàng tháng từ dệt Zèng khoảng 4-6 triệu. Năm 2020, gia đình bà đã thoát nghèo, tích góp và trả nợ gần hết cho NHCSXH, một phần tiết kiệm để tạo nguồn vốn và phát triển thêm chăn nuôi. Đến nay, nhà bà vừa có thu nhập từ dệt Zèng hàng tháng và có cả một đàn lợn, bò mang lại thu nhập ổn định.

Tạo thêm động lực cho kinh tế địa phương

Vốn tín dụng chính sách được cộng hưởng thêm hiệu quả từ việc triển khai Chỉ thị 40/CT-TW với sự vào cuộc tích cực và sâu rộng hơn của cấp ủy, chính quyền địa phương. Theo ông Lê Quang Thắng, Giám đốc PGD NHCSXH huyện A Lưới cho biết, đến 30/4/2024 ngân sách huyện A Lưới đã chuyển sang PGD NHCSXH huyện là 5.016 triệu đồng tăng 5.016 triệu đồng so với thời điểm chưa có Chỉ thị 40-CT/TW. Nguồn vốn hỗ trợ này cùng với nguồn vốn Trung ương, nguồn ngân sách tỉnh đã giúp cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách có vốn đầu tư vào sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến ngày 30/4/2024 đạt 562.924 triệu đồng, tăng 400.035 triệu đồng so cuối năm 2014, tăng trưởng dư nợ bình quân 14,07%/năm, với 10.373 khách hàng còn dư nợ. Dư nợ bình quân 54,3 triệu đồng/1 khách hàng, tăng 34,2 triệu đồng/khách hàng so với năm 2014.

Phiên giao dịch định kỳ hàng tháng tại xã Quảng Nhâm

Phiên giao dịch định kỳ hàng tháng tại xã Quảng Nhâm

Thông qua chương trình cho vay giải quyết việc làm, đến nay đã có hơn 1.700 lao động có việc làm mới, tạo điều kiện để các hộ gia đình mở rộng phát triển sản xuất. Chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên đã đáp ứng cho 576 học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn, thông qua hộ gia đình vay vốn để đóng học phí và trang trải các chi phí liên quan đến học tập. Đã có 9.222 lượt hộ ở khu vực nông thôn được vay vốn để cải tạo và xây dựng mới hơn 9.200 công trình nước sạch đạt chuẩn quốc gia và gần 9.300 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh, đảm bảo cho người dân được sử dụng nước sạch và cải thiện môi trường sống.

Trong 10 năm qua, 613 hộ nghèo đã được giải quyết vay vốn xây dựng và cải tạo nhà ở. Chương trình cho vay nhà ở xã hội với 40 khách hàng với số tiền là 17,4 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP với 607 hộ với số tiền 24,3 tỷ đồng. Để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là các xã có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn (khu vực II và III), nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư cho 1.451 hộ DTTS vay vốn theo quy định và gần 7.500 lượt hộ thuộc vùng khó khăn được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, phát triển các mô hình kinh tế thu hút nhiều lao động.

Nhiều gia đình có điều kiện mở rộng chăn nuôi gia súc, góp phần nâng cao đời sống.

Nhiều gia đình có điều kiện mở rộng chăn nuôi gia súc, góp phần nâng cao đời sống.

Theo đánh giá của Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Lưới Hồ Đàm Giang, Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư là văn bản chỉ đạo cao nhất của Đảng, qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động, phát huy sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp về thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội toàn huyện, căn cứ vị trí, chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với PGD NHCSXH huyện, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội; thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động ủy thác vốn vay. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội, từng bước hoàn thiện cơ chế đưa tín dụng chính sách xã hội đến gần với các đối tượng thụ hưởng chính sách, cũng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số vào sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương.

Thời gian tới, ông Hồ Đàm Giang đề nghị NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm bổ sung thêm nguồn vốn tín dụng chính sách đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn vốn người dân trên địa bàn góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân, thực hiện tốt mục tiêu quốc gia thoát nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tại địa phương.

Đọc thêm