Đối thoại Shangri-La 17: Việt Nam góp phần giữ gìn hòa bình khu vực và thế giới

(PLO) - Sự tham dự của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch và đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 một lần nữa khẳng định sự ủng hộ và tham gia đóng góp tích cực của Việt Nam, góp phần tăng cường tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới. 
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis

Hôm qua (1/6), Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á hay Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 diễn ra tại Singapore trong 3 ngày từ 1-3/6 đã chính thức bắt đầu với buổi lễ khai mạc trọng thể. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có bài phát biểu đề dẫn Đối thoại.

Đối thoại Shangri-La 17 là một trong những diễn đàn an ninh hàng đầu thế giới, với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng và đoàn đại biểu của hơn 40 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có 10 nước thành viên ASEAN và các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga, Canada, Anh, Pháp, Đức, Australia, New Zealand…

Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch-Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu tham dự Hội nghị.

Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác vì hoà bình và phát triển 

Đối thoại Shangri-La là nơi các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh, chuyên gia, học giả các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương thảo luận về các vấn đề an ninh đang nổi lên của khu vực và lắng nghe, nghiên cứu, nắm bắt chiến lược của từng quốc gia. Qua đó, các bên liên quan có thể đưa ra những đánh giá, định hình chiến lược quốc phòng với mục tiêu hướng tới là giải quyết các thách thức an ninh đối với khu vực và các mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Trong 2 ngày họp chính thức, Đối thoại Shangri-La 17 có 5 phiên họp toàn thể và 6 phiên đồng thời. Những vấn đề “nóng” của khu vực và thế giới được quan tâm tại đối thoại lần này là hạ nhiệt khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á, cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, vấn đề an ninh an toàn hàng hải và hàng không…

Tham dự đối thoại lần này, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch có bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể thứ ba với chủ đề “Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á”. Chuyến tham dự Đối thoại Shangri-La 17 của Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực; thể hiện thiện chí của Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung, qua đó xây dựng lòng tin làm nền tảng thúc đẩy hợp tác vì hoà bình và phát triển.

Trung tướng Vũ Chiến Thắng-Cục trưởng Cục Đối ngoại-Bộ Quốc phòng cho biết: “Việt Nam là những khách mời từ những kỳ Shangri-La đầu tiên và Việt Nam tham gia đầy đủ. Tuy nhiên, cấp Bộ trưởng thì đây là lần thứ 4. Đây là cơ hội tốt để chúng ta trình bày quan điểm về những vấn đề an ninh khu vực mà có liên quan đến lợi ích chính đáng của chúng ta. Qua diễn đàn này, chúng ta cần sự ủng hộ của thế giới với những lợi ích chính đáng.

Với chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó đặc biệt Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, bài phát biểu của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch sẽ đưa lại những thông điệp cho toàn thế giới, giúp thế giới hiểu được quan điểm của Việt Nam đối với những vấn đề nổi cộm trong khu vực, tạo sự thu hút quan tâm của dư luận trong và ngoài nước.

Đoàn Việt Nam sẽ tham gia tất cả các phiên họp, nắm bắt tình hình, kịp thời bảo vệ quan điểm của chúng ta tại diễn đàn này. Bên cạnh hoạt động chung của Hội nghị, nhiều quốc gia đề nghị có cuộc gặp song phương như nước chủ nhà Singapore và một số quốc gia lớn như Mỹ, Canada, Pháp, Anh cùng một số tổ chức quốc tế. Đoàn Việt Nam sẵn sàng có cuộc gặp, nhằm tăng cường quan hệ song phương hữu nghị với các nước, giúp họ hiểu hơn những quan điểm của chúng ta về an ninh khu vực”.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch gặp song phương Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ 

Trong khuôn khổ tham dự Đối thoại Shangri-La 17, sáng qua-1/6, Đại tướng Ngô Xuân Lịch-Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis.

Tại cuộc gặp, hai Bộ trưởng cho rằng, kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian qua đã đạt được hiệu quả thiết thực, phù hợp với mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, góp phần duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực và trên thế giới. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cảm ơn Việt Nam đã đón tàu sân bay Hoa Kỳ Carl Vinson sang thăm Đà Nẵng hồi tháng 3.

Bộ trưởng James Mattis cho biết, Hoa Kỳ hoan nghênh tiếng nói của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Ông James Mattis cũng đánh giá cao việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên Hợp quốc.

Hai bên nhất trí tiếp tục triển khai các lĩnh vực hợp tác hiện có phù hợp với các thỏa thuận đã ký kết, trong đó ưu tiên việc khắc phục hậu quả chiến tranh, duy trì các cơ chế đối thoại và trao đổi đoàn cấp cao.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch hoan nghênh Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác để sớm khởi công Dự án xử lý ô nhiễm chất dioxin tại sân bay Biên Hòa và ủng hộ việc Việt Nam triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đại đội công binh tại phái bộ GGHB do Liên Hợp quốc chỉ định.

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cũng đề nghị hai bên tăng cường quan hệ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, trong đó nghiên cứu ký kết các văn bản phù hợp làm cơ sở triển khai hợp tác. Ông James Mattis cho biết, Hoa Kỳ đang nghiên cứu chuyển giao cho Việt Nam máy bay huấn luyện và một số trang bị khác phù hợp với khả năng và nhu cầu của hai bên.

Về các vấn đề này, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đề nghị, giao cho các cơ quan chức năng hai bên nghiên cứu đề xuất trong thời gian tới. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ là diễn giả chính của phiên thảo luận có tên “Vai trò lãnh đạo của Mỹ và các thách thức an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Đọc thêm