- Ấn F5 để tiếp tục cập nhật
- Bạn đọc Nguyễn Thị Nga ở Bà Rịa - Vũng Tàu hỏi: Tôi nghe nói nhiều về công tác hòa giải ở cơ sở nhưng không rõ ai được làm công tác này và kết quả hòa giải được cấp nào công nhận?
Ông Đỗ Xuân Lân: Theo Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013, hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật. Người được làm công tác này bao gồm hòa giải viên và người được mời tham gia công tác hòa giải ở cơ sở;
Hòa giải viên được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận để thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở khi có đủ điều kiện: i) Là công dân Việt Nam thường trú tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác; ii) Tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải; iii) Có phẩm chất đạo đức tốt và có uy tín trong cộng đồng dân cư; iv) Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; v) Có hiểu biết pháp luật; vi) Được trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý trong cuộc bầu hòa giải viên và không vượt quá tổng số lượng hòa giải viên trong Tổ Hòa giải.
Vụ trưởng Đỗ Xuân Lân đang tập trung trả lời các câu hỏi của độc giả Báo Pháp luật Việt Nam |
Người được mời tham gia công tác hòa giải ở cơ sở phải là những người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác.
Kết quả hòa giải bao gồm hòa giải thành và hòa giải không thành: Hòa giải thành khi các bên đạt được thỏa thuận, khi đó các bên có thể thỏa thuận lập văn bản hòa giải thành. Các bên có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận hòa giải thành. Hòa giải viên có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành do mình trực tiếp giải quyết; kịp thời thông báo cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Trưởng ban công tác Mặt trận những vấn đề phát sinh trong quá trình theo dõi, đôn đốc thực hiện. Trong quá trình thực hiện thỏa thuận hòa giải thành, nếu một bên vì sự kiện bất khả kháng không thể thực hiện được thì có trách nhiệm trao đổi, thỏa thuận với bên kia và thông báo cho hòa giải viên.
Hòa giải không thành khi các bên không đạt được thỏa thuận, khi đó, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết; các bên có quyền yêu cầu tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Các hoà giải viên họp trao đổi kinh nghiệm |
Theo khoản 7, Điều 27; điểm a, khoản 2, Điều 35; điểm s, khoản 2, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thì yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án (bao gồm hòa giải ở cơ sở) thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Theo yêu cầu của một trong các bên có mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người yêu cầu cư trú, làm việc sẽ là cơ quan có thẩm quyền công nhận kết quả hòa giải thành.
Bạn đọc Trần Văn Cường ở Cẩm Khê, Phú Thọ: Có 1 vụ đánh nhau gây thương tích, hai nhà đã tự hòa giải được với nhau nhưng Công an vẫn khởi tố vụ án, như thế là sao?
Ông Đỗ Xuân Lân: Theo Luật hòa giải ở cơ sở, hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật phù hợp với quy định của Luật này. Việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở. Không tiến hành hòa giải đối với: i) Các mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; ii) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải; iii) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính; iv) Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở (hòa giải tranh chấp về thương mại, lao động).
Việc cơ quan Công an vẫn tiến hành khởi tố vụ án hình sự tuy hai nhà đã tự hòa giải được với nhau là do vụ việc đánh nhau, gây thương tích có dấu hiệu của tội phạm (có căn cứ khởi tố vụ án hình sự theo Điều 143 BLTTHS năm 2015). Khi có dấu hiệu của tội phạm và phát hiện ra người thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm sẽ phát sinh quan hệ giữa Nhà nước với người thực hiện hành vi vi phạm, gắn với trách nhiệm pháp lý của người vi phạm khi thực hiện hành vi xâm hại đến quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ; không dừng lại ở quan hệ giữa các bên trong tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật nữa.
Tuy nhiên, cần lưu ý Điều 155 của BLTTHS năm 2015 (khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại): Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Bạn đọc Cấn Thị Hằng ở Thọ Xuân, Thanh Hoá: Người dân chúng tôi có phải trả tiền thù lao cho những người đến hòa giải mâu thuẫn trong các gia đình hay không ?
Ông Đỗ Xuân Lân: Luật hòa giải ở cơ sở không quy định người dân khi tiếp cận với công tác hòa giải ở cơ sở phải trả tiền thù lao cho người đến hòa giải. Tuy nhiên, theo khoản 5, Điều 9 của Luật và khoản 2, Điều 13, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP thì hòa giải viên có quyền được hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải. Để được hưởng thù lao, hòa giải viên phải không vi phạm nghĩa vụ tại Điều 10 của Luật và vụ, việc được tiến hành hòa giải và đã kết thúc (khi các bên đạt được thỏa thuận; hoặc khi một bên hoặc các bên yêu cầu chấm dứt hòa giải hoặc dòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải khi các bên không thể đạt được thỏa thuận và việc tiếp tục hòa giải cũng không thể đạt được kết quả). Mức chi tối đa không quá 200.000 đồng/1 vụ việc; mức chi cụ thể theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thực tế, người làm công tác hòa giải ở cơ sở được ví như người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, hầu như họ không được nhận thù lao của các bên khi đi hòa giải và thực tế do điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương còn nhiều khó khăn nên cũng chưa thực hiện tốt chế độ thù lao theo vụ việc đối với hòa giải viên. Về bản chất, đây là một phương thức giải quyết tranh chấp cộng đồng, mang tính tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm dưới sự hỗ trợ của Nhà nước. Về nguyên tắc, hoạt động này phải tôn trọng sự tự nguyện, không bắt buộc, áp đặt các bên; phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; phải khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên; tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, đồng thời không lợi dụng để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.
Rất nhiều bạn đọc quan tâm đến công tác hoà giải ở cơ sở đã gửi câu hỏi về toà soạn từ sớm |
Bạn đọc Vũ Thị Nga ở Thành phố Nam Định: Tôi không muốn hòa giải ở cơ sở mà muốn đến thẳng Tòa án yêu cầu xin ly hôn có được không?
Ông Đỗ Xuân Lân: Về nguyên tắc nếu không muốn hòa giải ở cơ sở, bạn có thể đến thẳng Tòa án để yêu cầu ly hôn vì Bộ luật tố tụng dân sự, Luật hôn nhân và gia đình không quy định thủ tục yêu cầu ly hôn bắt buộc phải qua hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, theo Luật hôn nhân và gia đình, Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn (Điều 52). Theo Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này (Điều 10).
Luật hôn nhân và gia đình quy định về hòa giải tại tòa án, theo đó, sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự (Điều 54). Về ly hôn theo yêu cầu của một bên, khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được (Điều 56).
Ly hôn để lại nhiều hậu quả rất lớn, không chỉ chấm dứt quan hệ vợ chồng, mà còn liên quan đến con cái, quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản; làm rạn nứt tình cảm giữa các thành viên trong gia đình và nhiều vấn đề xã hội khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn, nhưng chủ yếu là do những mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp trong gia đình không được phát hiện, giải tỏa, tháo gỡ kịp thời. Vì vậy, cách tốt nhất khi có mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, các bên hãy tìm đến công tác hòa giải ở cơ sở để được phân tích, giải thích, tháo gỡ kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột, không để bé xé ra to, giúp các bên thấy được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với nhau và đối với gia đình, xã hội. Từ đó mỗi người tự điều chỉnh hành vi, biết được cái lý, cái tình, hiểu nhau và chia sẻ với nhau nhiều hơn, biết tha thứ cho nhau để kịp thời hàn gắn những vết thương.
Bạn đọc Hoàng Thị Loan ở Hoài Đức, Hà Nội: Tôi rất ghét bà Hòa giải viên ở xóm nhưng suốt ngày bà ấy đến nhà tôi hòa giải chuyện vợ chồng tôi mâu thuẫn, tôi phải làm sao?
Ông Đỗ Xuân Lân: Thực ra, suy nghĩ như thế là chưa thấu đáo và toàn diện, bởi lẽ các Hòa giải viên đến nhà bạn hòa giải là vì muốn tham gia tháo gỡ, giải tỏa những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình để giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mỗi gia đình, vì lợi ích chung của cộng đồng chứ không phải vì lợi ích riêng tư của hòa giải viên.
Nhiều độc giả còn gửi tới ông Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật những "tâm tư' đối với bà hòa giải viên ở xóm |
Bạn nên cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ hòa giải viên hoàn thành nhiệm vụ; trình bày đầy đủ về vụ việc, mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích; cung cấp đầy đủ các thông tin, lắng nghe phân tích, thuyết phục của hòa giải viên. Nếu thấy việc hòa giải là thấu tình, đạt lý thì tuân thủ và thực hiện.
Bạn đọc Trần Đức Lĩnh ở Thành phố Cần Thơ: Tôi nghe nói đang có Hội thi Hòa giải viên giỏi, xin ông cho biết Hội thi được tổ chức nhằm mục đích gì và đối tượng nào được tham dự Hội thi?
Ông Đỗ Xuân Lân: Đúng vậy, các địa phương trong cả nước đang nô nức chào đón Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III
Hội thi hướng đến 03 mục đích: i) Thực hiện có hiệu quả Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo cán bộ, nhân dân các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ, đời sống hàng ngày của người dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở; ii) Tạo diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở trên cả nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; iii) Thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2016.
Các địa phương đang nô nức tổ chức Hội thi Hoà giải viên giỏi |
Đối tượng tham dự Hội thi là hòa giải viên được bầu và công nhận theo Luật hòa giải ở cơ sở. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn và cử 01 đội thi tham dự Hội thi vòng sơ khảo; căn cứ kết quả thi vòng sơ khảo, Ban Tổ chức Hội thi lựa chọn đội thi có kết quả cao vào thi vòng chung khảo. Đội thi gồm ba thành viên chính thức là hòa giải viên, khuyến khích có hòa giải viên là nữ; riêng phần thi giới thiệu và tiểu phẩm, ngoài thành viên chính thức, đội thi được huy động tối đa không quá bốn người khác tham gia thi.
Bạn đọc Nguyễn Văn Toán ở quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh: Đã có bao nhiêu Hội thi Hòa giải viên giỏi được tổ chức?
Ông Đỗ Xuân Lân: Đã có rất nhiều Hội thi hòa giải viên giỏi được tổ chức tại các địa phương, có tỉnh tổ chức đến lần thứ 6. Tuy nhiên, trong phạm vi cả nước, đến nay chúng ta mới tổ chức được 03 Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc. Hội thi lần thứ nhất được tổ chức năm 2000; Hội thi lần thứ II được tổ chức năm 2005 và năm 2016 – Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc sẽ được tổ chức lần thứ III.
Bạn đọc Nguyễn Xuân Trường ở Thuỷ Nguyên, Hải Phòng: Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III năm nay được tổ chức ở mấy cấp? Ai là người chấm thi và Giải thưởng ra sao?
Ông Đỗ Xuân Lân: Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III năm nay được tổ chức theo 02 cấp: Cấp khu vực (vòng sơ khảo) tại 03 Miền: Miền Bắc gồm 26 đội đến từ 26 tỉnh thành phố; Miền Trung và Tây Nguyên gồm 16 đội đến từ 16 tỉnh, thành phố và Miền Nam gồm 21 đội đến từ 21 tỉnh, thành phố. Căn cứ kết quả thi tại các khu vực, Ban Tổ chức Hội thi ở Trung ương sẽ lựa chọn 12 đội xuất sắc nhất đại diện cho các khu vực về dự thi vòng chung khảo tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 11 tới đây gắn với tuần lễ cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Miền Bắc 05 đội; Miền Trung và Tây Nguyên 03 đội và Miền Năm 04 đội).
Hình thức tổ chức Hội thi vô cùng phong phú, sinh động |
Tuy nhiên, để hướng đến Hội thi với chất lượng tốt nhất, hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đều chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức Hội thi trong phạm vi toàn tỉnh (cấp huyện, cấp tỉnh) để lựa chọn 01 đội dự thi ưu tú nhất đại diện cho địa phương tham gia Hội thi toàn quốc. Một số địa phương do đã tổ chức Hội thi trong toàn tỉnh năm 2014-2015 nên không tổ chức Hội thi năm nay mà lựa chọn đội thi đạt giải cao nhất của những năm đó tham gia. Nhìn chung, qua Hội thi tại khu vực Miền Bắc cho thất chất lượng Hội thi năm nay rất tốt, đội ngũ Hòa giải viên được trẻ hóa, ngoài đạo lý, kiến thức xã hội đều thể hiện kiến thức hiểu biết pháp luật rất sâu sắc, đầy đủ và toàn diện.
Việc chấm thi tại vòng chung khảo toàn quốc được thực hiện bởi Ban Giám khảo gồm 05 thành viên, trong đó Trưởng ban là 01 Thứ trưởng Bộ Tư pháp; các thành viên khác là lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 01 nghệ sĩ nhân dân nhà hát kịch quân đội. Việc chấm thi tại 03 khu vực (vòng sơ khảo) được thực hiện bởi Ban Giám khảo gồm 05 thành viên, trong đó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp làm Trưởng ban Giám khảo.
Ông Đỗ Xuân Lân |
Thành viên khác là đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Hội viên Hội sân khấu, điện ảnh. Đây đều là những nhà quản lý, chuyên môn am hiểu kiến thức pháp luật và kinh nghiệm xã hội, am hiểu công tác hòa giải ở cơ sở, gắn bó với đời sống chính trị, pháp lý của cả nước và từng địa bàn, am hiểu về nghệ thuật để đánh giá kết quả dự thi của các đội một cách khách quan, chính xác, toàn diện và công tâm nhất, nhờ vậy bảo đảm chất lượng Hội thi.
Về giải thưởng Hội thi: Tại vòng chung khảo, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn và trao 01 giải đặc biệt (15 triệu đồng); 02 giải nhất (mỗi giải 10 triệu đồng); 02 giải nhì (mỗi giải 07 triệu đồng); 03 giải ba (mỗi giải 05 triệu đồng) và 04 giải khuyến khích (mỗi giải 03 triệu đồng). Tại các khu vực, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn và trao 01 Giải nhất (7 triệu đồng); 02 Giải nhì (mỗi giải 05 triệu đồng); 02 Giải ba (mỗi giải 3 triệu đồng) và các đội còn lại sẽ đươc trao giải khuyến khích (mỗi giải 2 triệu đồng), ngoài ra, tùy chất lượng dự thi, Ban Tổ chức Hội thi sẽ xem xét, quyết định trao một số giải phụ khác, mỗi giải 1 triệu đồng.
Bạn đọc Cấn Thị Hằng ở Mường Nhé, Điện Biên: Hiện nay cả nước có bao nhiêu Hòa giải viên? Ai là người công nhận danh hiệu “Hòa giải viên giỏi”?
Ông Đỗ Xuân Lân: Qua thống kê của Bộ Tư pháp, hiện cả nước có 762.794 hòa giải viên và 134.873 Tổ Hòa giải ở cơ sở tại 143.937 thôn, làng, bản ấp, cụm dân cư. Theo Thể lệ số 1934/TL-BTC ngày 10/6/2016, Hội thi được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa và thi tập thể theo đội, vì thế sẽ không có thủ tục công nhận danh hiệu Hòa giải viên giỏi. Tuy nhiên, có thể khẳng định, để được tham gia Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc, các Hòa giải viên của từng đội dự thi đều là những hòa giải viên xuất sắc nhất, ưu tú nhất của các tỉnh, thành phố.
Ông Đỗ Xuân Lân: Những hòa giải viên tham dự thi vòng chung khảo phải là những hòa giải viên ưu tú, xuất sắc |
Đối với các hòa giải viên tham dự vòng sơ khảo tại các khu vực đều là những hòa giải viên xuất sắc nhất, ưu tú nhất của các khu vực và các hòa giải viên về dự thi vòng chung khảo là những hòa giải viên ưu tú nhất, xuất sắc nhất đại diện cho đội ngũ hòa giải viên giỏi trong toàn quốc.
Để tôn vinh đội ngũ hòa giải viên xuất sắc nhất, ưu tú nhất trong cả nước, căn cứ vào kết quả dự thi, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ phối hợp với Vụ Thi đua, khen thưởng tham mưu, đề xuất Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, tặng Bằng khen cho hòa giải viên là thành viên chính thức của đội thi đạt giải đặc biệt, nhất, nhì vòng chung khảo và cho một số tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức Hội thi. Đồng thời cũng khuyến khích Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tặng Bằng khen cho thành viên đội dự thi đạt giải hoặc lọt vào vòng chung khảo.
Bạn đọc Hoàng Thị Lan ở Thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang: Ông có thể cho biết trường hợp nào được tiến hành giải quyết bằng hoà giải ở cơ sở và trường hợp nào không được tiến hành hoà giải ở cơ sở?
Ông Đỗ Xuân Lân: Theo khoản 1, Điều 3, Luật hòa giải ở cơ sở, Điều 5, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây:
a) Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác);
b) Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;
c) Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn;
d) Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính;
đ) Vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây:
Không bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
Pháp luật quy định chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, nhưng người bị hại không yêu cầu khởi tố theo quy định tại khoản 1 Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo quy định tại Khoản 2 Điều 164 của Bộ luật tố tụng hình sự hoặc đình chỉ vụ án theo quy định tại Khoản 1 Điều 169 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
e) Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương II Phần thứ năm của Luật xử lý vi phạm hành chính;
g) Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.
Bạn đọc Bùi Thị Tuyết ở Cao Bằng hỏi: Xin ông cho biết trường hợp nào không được tiến hành hòa giải ở cơ sở
Ông Đỗ Xuân Lân: Theo khoản 1, Điều 3, Luật hòa giải ở cơ sở, Điều 5, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ, các trường hợp không được tiến hành hoà giải ở cơ sở bao gồm:
a) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;
b) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội;
c) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ các trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 5, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP;
d) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính, trừ các trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 5, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP;
đ) Mâu thuẫn, tranh chấp khác, bao gồm: i) Hòa giải tranh chấp về thương mại được thực hiện theo quy định của Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành; ii) Hòa giải tranh chấp về lao động được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bạn đọc Nguyễn Thị Kim Thanh ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái hỏi: Xin ông cho biết Hòa giải viên bắt buộc phải có tiêu chuẩn, điều kiện nào?
Ông Đỗ Xuân Lân: Theo Điều 7 và Điều 8, Luật hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên bắt buộc phải có tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
i) Phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải;
ii) Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư;
iii) Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.
iv) Được trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý trong cuộc bầu hòa giải viên và không vượt quá tổng số lượng hòa giải viên trong Tổ Hòa giải do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định.
Vụ trưởng Đỗ Xuân Lân trích dẫn nhiều quy định của pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở để bạn đọc hiểu thêm về công tác này |
Bạn đọc Trần Văn Chiến ở Thọ Xuân, Thanh Hoá: Tôi là thợ sửa xe. Hồi đầu tháng, cháu A (12 tuổi), con bà Lan đầu ngõ đã bán chiếc xe đạp mini Nhật mà bố mẹ mua cho để đi học cho tôi với giá 01 triệu đồng. Sau khi phát hiện sự việc, bố mẹ cháu A đã tìm gặp tôi đề nghị được chuộc lại chiếc xe nhưng tôi không đồng ý vì việc mua bán giữa tôi và A là hoàn toàn tự nguyện. Hơn nữa, sau khi mua xe, tôi đã thay đổi một số phụ tùng của xe, sửa chữa xe. Tôi bào rằng nếu bố mẹ cháu A muốn lấy lại xe thì ngoài khoản tiền 1 triệu phải trả thêm cho tôi 600.000 đồng nữa nhưng bố mẹ cháu A chỉ đồng ý trả thêm 200.000 đồng. Gia đình cháu A thưa chuyện ra Tổ hoà giải và các hoà giải viên khu phố cứ đến yêu cầu tôi phải trả xe cho bố mẹ cháu A. Xin ông cho biết các hoà giải viên làm vậy có đúng không?
Bạn đọc Nguyễn Thị Tuyết ở Thành phố Hồ Chí Minh: Trong lúc tôi vắng nhà nửa tháng, chồng tôi đã tự ý bán chiếc xe đạp điện thuộc sở hữu của tôi cho ông Nam cùng xóm với giá 5 triệu đồng và khẳng định đã bàn bạc, thống nhất với tôi việc bán xe để lấy tiền trả nợ thua bạc. Hai bên ký giấy mua bán viết tay, trao tiền và nhận xe. Khi tôi về nhà và biết chuyện đã đến gặp ông Nam đề nghị hủy hợp đồng mua bán xe và trả lại xe với lý do đó là chiếc xe thuộc sở hữu của tôi, là vật kỷ niệm của gia đình bên ngoại tặng. Ông Nam nói đã bán cho anh Quang cùng xóm, nếu tôi muốn lấy lại xe thì đến gặp anh Quang mà chuộc lại. Tôi đến gặp anh Quang đề nghị nhận lại xe và trả đủ tiền cho anh nhưng anh Quang không đồng ý vì anh mua xe của ông Nam chứ không mua xe của tôi. Tôi có thể nhờ Tổ hoà giải giúp tôi việc này không?
Bạn đọc Nguyễn Văn Thái ở thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam: Thửa đất của nhà tôi và thửa đất của ông A nằm liền kề với nhau, giáp quốc lộ 1A. Hai thửa đất này đã được UBND cấp huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hai bên đã cắm trụ phân ranh. Tuy nhiên, do sử dụng đất lâu ngày và mở rộng Quốc lộ 1A nên khi thi công công trình đã làm mất trụ ranh đất phía ngoài. Do không phân chia được ranh đất nên hai bên phát sinh mâu thuẫn gay gắt. Ông A viết đơn gửi tổ hòa giải nhờ giải quyết. Tôi có nên chấp nhận việc hoà giải không? Và nếu hoà giải thì như thế nào là đúng để nhà tôi không bị thiệt?
Bạn đọc Võ Kim Anh ở Thanh Hoá: Nhà bà A có khu đất liền kề với nhà tôi. Trước khi xây dựng nhà, bà A đã thuê công ty X đến đo đạc, thiết kế và hoàn tất các thủ tục xin phép xây dựng. Do diện tích hạn chế nên bà A xây hết phần diện tích thuộc quyền sử dụng. Khi xây đến tầng 2, nhà tôi phản đối với lý do bà A mở cửa sổ nhìn sang phần đất nhà tôi, khi mở cửa sổ sẽ lấn sang phần ngõ đi chung (rộng 2, 2m) của một số hộ gia đình, trong đó có hộ gia đình tôi. Bà A cho rằng hồ sơ xây dựng nhà đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định của pháp luật, nên cứ trổ cửa. Hai bên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Tôi có nên nhờ Tổ hoà giải đến khuyên nhà bà A hay gửi đơn khiếu nại lên Thanh tra xây dựng Phường?
Bạn đọc Nguyễn Văn Hiền ở Hoài Đức, Hà Nội: Nhà tôi và nhà ông Mão ở cạnh nhau, nhà ông Mão ở phía bên trong, nhà tôi ở phía bên ngoài. Hai hộ sử dụng lối đi chung ra đường làng và đây cũng là lối đi duy nhất vào nhà ông Mão. Tuất (là con ông Mão) thường tụ tập bạn bè ăn nhậu tại nhà vào mỗi chiều tối thứ bảy. Mỗi lần ăn nhậu là một lần ồn ào, náo nhiệt, xe cộ để lộn xộn, ngăn cả lối đi chung. Tôi đã nhiều lần nhắc nhở Tuất và ông Mão về việc này nhưng tình trạng không có chuyển biến, thậm chí Tuất còn thách thức. Tôi có nên nhờ Tổ hoà giải đến lập biên bản không? Và nếu hoà giải thì có cần lập biên bản làm căn cứ để tôi yêu cầu nhà ông Mão chấm dứt việc này không?
Ông Đỗ Xuân Lân
(cho biết thấy rất thú vị với các câu hỏi tình huống này)
Rất thú vị là nhiều câu hỏi tình huống trong các hội thi đã được độc giả gửi về để "tham khảo" hướng trả lời từ ông Đỗ Xuân Lân |
Đây là câu hỏi trong phần thi tình huống của hội thi, và hiện nay đáp án đang được bảo mật, nên nguyên tắc là không được công khai. Về cơ bản thì các tình huống như bạn đọc nêu đều thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở theo Luật Hòa giải ở cơ sở. Vì thế, trong quá trình tiến hành hòa giải, hòa giải viên cần vận dụng các quy định của luật hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 15/2014- NĐCP để xử lý vụ việc.
Cách giải quyết là hòa giải viên tiếp cận với các bên trong tranh chấp mâu thuẫn xung đột để thu thập thông tin tìm hiểu về vụ việc để tìm ra bản chất của mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp, cũng như nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó; nắm bắt nguyện vọng, mong muốn và nhu cầu hợp pháp của các bên, những yếu tố tác động ảnh hưởng đến các bên và vụ việc…
Trên cơ sở nắm bắt đầy đủ thông tin, hòa giải viên, vận dụng các quy định của pháp luật có liên quan đến vụ việc dựa trên đạo lý, phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, như giữ chữ Tín, lòng vị tha, kính già yêu trẻ, tình nghĩa hàng xóm láng giềng, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, chín bỏ làm mười, to thành nhỏ, có thành không, sự yêu thương giữa con người với con người, tình nghĩa vợ chồng, tôn trọng trật tự chung, lợi ích chung của Nhà nước và cộng đồng cũng như của các bên, để đưa ra hướng giải quyết mà các bên thấy hợp tình hợp lý.
Đặc biệt phải phân tích, thuyết phục vận động, giải thích để các bên nhận thức được quyền, nghĩa vụ của mình, của người khác, đặt mình vào vị trí của người có quyền lợi xung đột mâu thuẫn với mình để tìm ra điểm hợp lý mà cả hai bên có thể chấp nhận được và tự nguyện đi đến lựa chọn cách giải quyết phù hợp.
Từ đó, hòa giải viên đưa ra các phương án hòa giải, để các bên lựa chọn hoặc khuyến khích các bên tự thỏa thuận, tự giải quyết vụ việc, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của các bên với lợi ích của Nhà nước và của cộng đồng.
Điều quan trọng nhất là hòa giải viên không áp đặt cách xử lý vụ việc theo ý chí của riêng mình, mà chủ yếu là hướng dẫn, giải thích, vận động, thuyết phục để các bên tự giải quyết các vấn đề của mình, phù hợp với pháp luật và đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, không làm ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng, không xâm phạm lợi ích nhà nước và lợi ích chủ thể khác.
Đối với từng vụ việc tình huống cụ thể, phải căn cứ vào các quy định của pháp luật liên quan đến năng lực chủ thể, các quy định pháp luật về giao dịch dân sự, nhất là giao dịch dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lý phát sinh, vấn đề quyền sở hữu, pháp luật về xây dựng, về đất đai…
Bạn đọc Hoàng Thị Lan ở Thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang: Ông có thể cho biết trường hợp nào được tiến hành giải quyết bằng hoà giải ở cơ sở và trường hợp nào không được tiến hành hoà giải ở cơ sở?
Ông Đỗ Xuân Lân: Theo khoản 1, Điều 3, Luật hòa giải ở cơ sở, Điều 5, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây:
a) Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác);
b) Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;
c) Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn;
d) Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính;
đ) Vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây:
Không bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
Pháp luật quy định chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, nhưng người bị hại không yêu cầu khởi tố theo quy định tại khoản 1 Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo quy định tại Khoản 2 Điều 164 của Bộ luật tố tụng hình sự hoặc đình chỉ vụ án theo quy định tại Khoản 1 Điều 169 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
e) Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương II Phần thứ năm của Luật xử lý vi phạm hành chính;
g) Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.
Những người làm công tác hòa giải ở cơ sở thường được ví là "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", nhưng đổi lại, họ nhận được sự tin yêu, kính trọng của bà con hàng xóm |
Bạn đọc Đỗ Thị Minh Nga – nga…@gmail.com): Tôi là giáo viên về hưu, tôi rất được lòng bà con hàng xóm. Tôi rất muốn làm hòa giải viên cơ sở nhưng các cán bộ địa phương chỉ cho tôi là người làm công tác hòa giải mà không cho tôi làm hòa giải viên. Xin hỏi khái niệm người làm công tác hòa giải và hòa giải viên có khác nhau không, điều kiện gì để được làm hòa giải viên?
Ông Đỗ Xuân Lân: Quy định về tiêu chuẩn và điều kiện của hòa giải viên đã quy định rất rõ tại Điều 7, Điều 8 của Luật Hòa giải ở cơ sở như tôi đã trả lời bạn đọc ở trên. Quan trọng nhất là phải được 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý trong quá trình bầu hòa giải viên. Hơn nữa số lượng hòa giải viên trong một tổ hòa giải do chủ tịch UBND cấp xã quyết định căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế xã hội, dân số của địa phương. Vì vậy, mặc dù thỏa mãn các điều kiện tiêu chuẩn, nhưng nếu số lượng hòa giải viên của tổ hòa giải đã có đủ thì cũng khó bổ sung.
Theo tôi, dù là hòa giải viên hay là người được mời tham gia công tác hòa giải, thì chúng ta đều là những người hoạt động xã hội mang tính chất tự nguyện, vì lợi ích chung của cộng đồng, giúp các bên nhận thức và hiểu biết đầy đủ về các quyền và nghĩa vụ, cũng như bổn phận và trách nhiệm với nhau, từ đó, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Điều quan trọng là chúng ta phân tích, giải thích, thuyết phục vận động để các bên nhận thức được cái đúng, cái sai, giữa cái tình và cái lý, nhất là tình cảm, quan hệ tốt đẹp mà các bên đã thiết lập trên cơ sở tình người, có trước có sau, có trên có dưới, và hướng đến xóa bỏ các mâu thuẫn, biết tha thứ cho nhau, kiềm chế cảm xúc, từ đó góp phần xây dựng, duy trì và củng cố tinh thần đoàn kết, gắn bó vì lợi ích chung của cộng đồng. Từ đó, tự nguyện hòa giải với nhau; chấm dứt các mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp của mình một cách hợp tình, hợp lý và tự nguyện, tự giác thực hiện các cam kết đó.
Bạn đọc Hà Thùy Linh (linhvt…@gmail.com hỏi: Tôi học luật ra trường, hiện đang công tác ở địa phương. Tôi muốn tham gia công tác hòa giải, làm hòa giải viên có được không?
Ông Đỗ Xuân Lân: Điều kiện, tiêu chuẩn làm hòa giải viên đã được trả lời ở trên, đối với bạn,là cử nhân luật có trình độ chuyên môn cao, được khuyến khích tham gia công tác hòa giải ở cơ sở với tư cách hòa giải viên hoặc người được mời tham gia hòa giải.
Theo Điều 7, điều 8 luật Hòa giải ở cơ sở, nếu có đủ điều kiện tiêu chuẩn, bạn có quyền ứng cử hoặc đề nghị Ban công tác mặt trận hoặc các tổ chức thành viên của mặt trận ở cơ sở giới thiệu vào danh sách bầu hòa giải viên. Nếu được tín nhiệm, và đủ điều kiện, bạn sẽ được Chủ tịch UBND cấp xã xem xét công nhận là hòa giải viên.
Tới 10h 30 phút ngày 27/9, đã có rất nhiều câu hỏi liên quan tới công tác hòa giải ở cơ sở cũng như diễn tiến các vòng thi Hòa giải viên giỏi các cấp gửi tới Tòa soạn Báo Pháp luật Việt Nam đã được ông Đỗ Xuân Lân giải đáp.
Báo Pháp luật Việt Nam trân trọng cảm ơn ông Đỗ Xuân Lân, trân trọng cảm ơn sự quan tâm của độc giả tới công tác hòa giải ở cơ sở và mong tiếp tục nhận được các câu hỏi liên quan tới công tác này.
Những câu hỏi của độc giả chưa được giải đáp chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển tới ông Đỗ Xuân Lân để phản hồi tới bạn đọc trong thời gian gần nhất.