Pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp là gì? Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa được Quốc hội thông qua có những quy định nào đáng chú ý đối với doanh nghiệp khởi nghiệp? Muốn kinh doanh một mặt hàng mới, doanh nghiệp khởi nghiệp phải bắt đầu từ đâu?… Rất nhiều thông tin hữu ích sẽ được các chuyên gia là lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng giải đáp.
Các khách mời là những chuyên gia, lãnh đạo các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích tới độc giả |
Bạn đọc Nguyễn Văn Nam (Hà Nội) hỏi: Được biết, năm 2017, Bộ Tư pháp đã xác định, lựa chọn lĩnh vực trọng tâm, liên ngành để theo dõi là việc thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Xin ông cho biết thêm nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp là những vấn đề gì, có gì khác so với những hoạt động cũng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của các Bộ, ngành quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực khác?
Ông Đặng Thanh Sơn: Bên cạnh chức năng theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật trên cả nước, Chính phủ còn quy định Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước và trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý liên ngành, có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành. Để xây dựng được Kế hoạch TDTHPL năm 2017 (Quyết định số 108/QĐ-BTP ngày 23/01/2017 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký ban hành), Bộ Tư pháp đã phải dành rất nhiều thời gian nghiên cứu cũng như tham vấn ý kiến các Bộ, ngành. Chúng tôi rất băn khoăn, trăn trở để làm sao trong năm 2017 có thể lựa chọn được một lĩnh vực vừa mang tính thời sự, có ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đồng thời cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, phục vụ Nhân dân, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tập trung theo dõi tình hình thi hành các quy định của pháp luật về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong việc tiếp cận, khai thác các nguồn lực về vốn, khoa học kỹ thuật, đất đai và lao động.
Chính phủ rất quan tâm tới việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng, ổn định cho doanh nghiệp khởi nghiệp |
Theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung theo dõi vào 3 vấn đề sau:
Thứ nhất, Bộ Tư pháp sẽ xem xét, đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các Bộ ngành và địa phương cũng như các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp nói chung và Cục QLXLVPHC&TDTHPL nói riêng theo quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. Chúng tôi cho rằng, khi luật, pháp lệnh được ban hành thì cần phải được khẩn trương tổ chức thực hiện một cách nghiêm minh, triệt để và chính xác. Vì vậy, việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh nhằm đưa pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thực sự đi vào cuộc sống phải được xác định là ưu tiên hàng đầu trong tổ chức triển khai thi hành pháp luật. Nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực này trước hết là nhằm xem xét, đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của các bộ, ngành và địa phương. Theo đó, Bộ Tư pháp sẽ xem xét đánh giá về tính kịp thời, đầy đủ, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Thứ hai, Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan sẽ tổ chức triển khai, xem xét và đánh giá tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, chúng tôi sẽ xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trên các mặt sau:
“1. Tính kịp thời, đầy đủ, phù hợp và hiệu quả của hoạt động tập huấn, phổ biến pháp luật.
2. Tính phù hợp của tổ chức bộ máy; mức độ đáp ứng về nguồn nhân lực cho thi hành pháp luật.
3. Mức độ đáp ứng về kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho thi hành pháp luật”.
Thứ ba, Bộ Tư pháp và các bộ ngành, địa phương sẽ xem xét, đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là nội dung rất quan trọng, thường xuyên được Bộ Tư pháp quan tâm, theo dõi thực hiện hàng năm. Việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật sẽ được thực hiện trên hai phương diện, đó là theo dõi tình hình thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền và mức độ tuân thủ pháp luật của các tô chức, cá nhân, công dân.
Thông qua hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, chúng tôi sẽ có những đánh giá cụ thể về tình hình ban hành văn bản hướng dẫn, áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền cũng như việc chấp hành pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và công dân trong việc thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bạn đọc Vũ Đức Dũng (Thái Nguyên) đặt câu hỏi với ông Nguyễn Hoa Cương,Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch đầu tư: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 hứa hẹn sẽ cung cấp một hệ thống biện pháp hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo đúng tinh thần của Chính phủ kiến tạo. Xin ông cho biết thêm về các điểm mới đáng lưu ý của Luật và các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp mà Luật này cung cấp?
Ông Nguyễn Hoa Cương bắt đầu trả lời các câu hỏi độc giả gửi về |
Ông Nguyễn Hoa Cương: Luật Hỗ trợ DNNVV là khung pháp lý cao nhất, làm cơ sở để các bộ ngành và các địa phương triển khai một cách đồng bộ, mạnh mẽ một loạt các giải pháp hỗ trợ cho cộng đồng DNNVV phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, một trong những nội dung trọng tâm là hỗ trợ, đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tại Điều 17 Luật Hỗ trợ DNNVV đã quy định điều kiện và nội dung hỗ trợ cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, như hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hướng dẫn hoàn thiện sản phẩm mới; đào tạo, tập huấn chuyên sâu về xây dựng phát triển sản phẩm; tư vấn về sở hữu trí tuệ và các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng; truyền thông xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp, thu hút đầu tư; hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, trong từng thời kỳ Chính phủ quyết định chính sách cấp bù lãi suất đối với khoản vay của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.
Tại Điều 18 Luật Hỗ trợ DNNVV quy định chính sách về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, đây là kênh pháp lý quan trọng để tạo nguồn thu hút đầu tư cho DNNNV khởi nghiệp sáng tạo.
Bạn đọc Nguyễn Tuấn Anh (Thái Nguyên) gửi câu hỏi tới ông Đặng Vũ Trân: Theo ông, vì sao nhiều doanh nghiệp lại e dè khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn? Phải chăng lĩnh vực này có nhiều rủi ro? Doanh nghiệp cần có chiến lược gì để thành công?
Ông Đặng Vũ Trân: Đúng là thời gian dài vừa qua, nhiều doanh nghiệp e dè khi đầu tư vào lĩnh vực Nông nghiệp, nông thôn, theo tôi nguyên nhân chính là do:
- Doanh nghiệp hoạt động của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, hiện nay đất sản xuất đang thuộc sở hữu của người dân, diện tích nhỏ, manh mún không đồng đều. Doanh nghiệp khó tích tụ để sản xuất lớn; chưa có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi thuê lại đất của người dân, liên kết với người dân xây dựng thành vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy chế biến công nghiệp.
- Chất lượng lao động, năng suất lao động, hiệu quả sử dụng lao động của doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn thấp hơn nhiều so với các ngành khác.
- Việc nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ trong thời gian dài của thời kỳ bao cấp chưa được chú trọng; máy móc thiết bị sử dụng trong nông nghiệp phần lớn còn lạc hậu.
- Việc tiếp cận tín dụng còn gặp nhiều khó khăn trong thủ tục, hồ sơ, tài sản thế chấp.
- Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng của thiên tai dịch bệnh.
- Một số sản phẩm có chu kỳ sản xuất dài như cây lâm nghiệp, cây ăn quả…thời gian thu hồi vốn lâu.
- Thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa theo mùa vụ nên cũng gặp nhiều khó khăn.
- Những doanh nghiệp có khả năng đầu tư hoặc liên kết sản xuất kinh doanh theo “chuỗi” từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm còn ít dẫn đến hiệu quả đầu tư bị “ngắt đoạn”, người đầu tư ở đầu “chuỗi” hiệu quả sản xuất mang lại bị hạn chế nhất.
Ông Đặng Vũ Trân (thứ 2 từ trái qua) |
Để thành công, theo tôi doanh nghiệp cần phải thấy được những khó khăn, điểm yếu, điểm dễ dẫn đến rủi ro để khắc phục.
Ví dụ về đầu tư:
- Phải chú trọng đến đầu tư những sản phẩm mà thị trường đang cần cả về số lượng và chất lượng (đặc biệt là chất lượng).
- Phải đầu tư về thiết bị và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để có năng suất lao động cao, sản phẩm sản xuất ra đạt được chất lượng tốt, theo yêu cầu của thị trường ngày càng cao.
- Phải nâng cao năng lực quản lý, quản trị cho bản thân; đào tạo lao động có năng suất, chất lượng, kỷ luật.
- Phải liên kết chặt chẽ hoặc đầu tư xây dựng doanh nghiệp tạo thành “chuỗi”: Sản xuất –> chế biến -> Tiêu thụ sản phẩm.
- Về chính sách chế độ: Phải tìm hiểu kỹ, toàn diện các chính sách chế độ của Nhà nước, của địa phương liên quan đến khuyến khích đầu tư mà Nhà nước, địa phương đã và đang thực hiện…
Thực tế thời gian gần đây đã có nhiều doanh nghiệp kể cả các tập đoàn lớn đã rất thành công trong việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như tập đoàn VinGroup, TH True Milk, HAGL, các cơ sở nuôi trồng thủy sản lớn ở Nam Bộ; mía đường Lam Sơn…
Bạn đọc Chị Lê Thu Hương (Nam Định) hỏi: Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 1088/QĐ-BNN-QLDN phê duyệt Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nhân lực doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017. Chúng tôi là doanh nghiệp ở vùng khó khăn thì được hưởng chính sách hỗ trợ về học phí như thế nào? Điều kiện, hồ sơ thủ tục tham gia ra sao?
Từ trái qua: ông Nguyễn Hoa Cương, ông Đặng Vũ Trân |
Ông Đặng Vũ Trân: Hai năm qua (2016 – 2017) Bộ NN và PTNT đã triển khai việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các vùng, miền, trong đó có nhiều vùng đặc biệt khó khăn.
Năm 2017, chúng tôi đã đào tạo bồi dưỡng được 45 lớp quản trị doanh nghiệp và 17 lớp khởi nghiệp doanh nghiệp trong 17 lớp khởi nghiệp có 6 lớp đào tạo ở vùng đặc biệt khó khăn.
Giáo viên giảng ở các lớp này là Học viện nông nghiệp Việt Nam và Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam.
Đối tượng đào tạo là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong lĩnh vực nông lâm nghiệp; với cựu sinh viên ở nông thôn và khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp dành cho sinh viên sắp tốt nghiệp có nguyện vọng thành lập doanh nghiệp.
Việc đào tạo các lớp này của kế hoạch năm 2017 đã hoàn thành, chúng tôi đang tổng kết, báo cáo Bộ kế hoạch và Đầu tư; bước đầu các lớp đào tạo được đánh giá là đúng mục tiêu, có hiệu quả; năm 2018 sẽ có kế hoạch đào tạo nhiều lớp, tại nhiều vùng, miền trong cả nước.
Năm 2018, nếu bạn muốn tham gia đăng ký học các lớp do Bộ NN và PTNT nêu trên (áp dụng cả cho vùng đặc biệt khó khăn) thì bạn làm hồ sơ đăng ký.
Các bạn học viên có hộ khẩu thường trú tại vùng đặc biệt khó khăn, được hỗ trợ 100% kinh phí.
Nếu các bạn muốn mở lớp đào tạo tại địa phương mình thì phải tập hợp doanh nghiệp đủ 40 học viên trở lên và đăng ký trước tháng 6 năm trước.
(Trong kế hoạch đào tạo năm 2018, không có tỉnh Nam Định. Nếu bạn muốn học thì đăng ký với Khoa kinh tế và Quản trị kinh doanh trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam và Khoa kinh tế và Phát triển nông thôn Học viện Nông nghiệp Việt Nam, kể cả với các lớp hỗ trợ cho vùng đặc biệt khó khăn.)
Các chuyên gia đang thảo luận để đưa ra những lời tư vấn hữu ích nhất cho bạn đọc |
Bạn đọc Trần Thanh Loan (Bạc Liêu) đặt câu hỏi với ông Đặng Thanh Sơn: Ông có thể cho biết Bộ Tư pháp đã tiến hành các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp như thế nào, thưa ông?
Ông Đặng Thanh Sơn: Để triển khai Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật năm 2017, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương liên quan để triển khai một số hoạt động như: xây dựng hệ cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; kiểm tra, điều tra, khảo sát liên ngành tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; thu thập, xử lý thông tin theo dõi tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, trong năm 2017, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiến hành triển khai một số hoạt động khác như tổ chức Diễn đàn đối thoại về mặt thể chế, pháp lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các doanh nghiệp khởi nghiệp, tiến hành hỗ trợ pháp lý trực tiếp đối với một số doanh nghiệp khởi nghiệp điển hình…
Rất nhiều bạn đọc mong nhận được tư vấn của ông Đặng Thanh Sơn. |
Riêng về trách nhiệm, tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong lĩnh vực này, Cục QLXLVPHC&TDTHPLđã thực hiện được một số hoạt động cơ bản như sau:
Một là, Cục QLXLVPHC&TDTHPL đã tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện việc đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương ban hành hoặc bổ sung Công văn về theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp (Công văn số 411/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 14/02/2017 về việc triển khai Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật 2017). Đến thời điểm hiện nay, kết quả rà soát cho thấy đã có 51 địa phương trên toàn quốc và 06 Bộ, ngành ban hành Kế hoạch hoặc có Công văn bổ sung theo dõi tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hai là, ngày 10/4/2017 Cục QLXLVPHC&TDTHPL đã tham mưu cho Bộ Tư pháp tiếp tục ban hành Công văn về việc việc triển khai Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật và hệ dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp (Công văn số 1154/BTP-QLXLVPHC ngày 10/4/2017 về việc triển khai Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2017). Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với các Bộ, ngành ban hành Danh mục các Văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Trên cơ sở đó, các địa phương tiếp tục rà soát, xây dựng danh mục các văn bản có liên quan theo thẩm quyền của mình để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn.
Ba là, để tiếp tục hướng dẫn địa phương thực hiện công tác này một cách bài bản trong quá trình thực hiện hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát, ngày 07/6/2017, Bộ Tư pháp (Cục QLXLVPHC&TDTHPL) đã tiếp tục ban hành Công văn số 1932/BTP-QLXLVPHC về việc hướng dẫn một số nội dung cần lưu ý trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật đối với doanh nghiệp khởi nghiệp.
Những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trên đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các Bộ, ngành và địa phương trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp năm 2017 của Bộ, ngành, địa phương mình.
Cục QLXLVPHC&TDTHPL cũng đã tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư pháp thành lập Đoàn công tác liên ngành gồm đại diện của các Bộ, ngành như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện công tác kiểm tra, điều tra, khảo sát hoạt động theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại một số Bộ như: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thành phố Hải Phòng, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Cà Mau).
Cục QLXLVPHC&TDTHPL vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tiếp nhận, thu thập thông tin phản ánh, dư luận đối với việc thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và tập trung phản ứng chính sách, xử lý các thông tin có liên quan đến lĩnh vực này nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong thưc tiễn thi hành cũng như hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bạn Thái Thị Trang (Long Biên, Hà Nội) hỏi: Vừa rồi ông có nhắc đến hoạt động xây dựng hệ dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật, vậy người dân, doanh nghiệp có thể khai thác nội dung gì của Hệ dữ liệu VBQPPL? Khi cần thì có thể tìm hiểu ở đâu?.
Ông Đặng Thanh Sơn: Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Hệ dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là một hệ thống các văn bản có chứa quy phạm liên quan đến việc điều chỉnh quyền lợi, nghĩa vụ đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó bao gồm nhóm các văn bản điều chỉnh chung điều chỉnh về việc tiếp cận, khai thác nguồn lực về vốn, khoa học kỹ thuật, đất đai và lao động và nhóm các văn bản mang tính đặc thù trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp – thương mại, công nghệ - thông tin và xây dựng. Tuy chưa thể bao quát tất cả các lĩnh vực nhưng đây là những văn bản quy phạm pháp luật mà ngay từ khi tiếp cận với thị trường, các doanh nghiệp thuộc đối tượng theo dõi thi hành pháp luật cần mà Bộ Tư pháp triển khai năm 2017 này cần tìm hiểu, áp dụng vì quyền lợi của chính mình, cũng như hạn chế thấp nhất rủi ro pháp lý có thể pháp sinh.
Hiện nay, Hệ dữ liệu này đã được chúng tôi đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp cũng như trang web của Cục QLXLVPHC&TDTHPL, mọi người hoàn toàn có thể tra cứu tìm hiểu hoặc liên hệ về Cục QLXLVPHC&TDTHPL để được chúng tôi trực tiếp hỗ trợ.
Bạn đọc Vi Thị Cẩm (Thái Bình) gửi câu hỏi tới ông Nguyễn Hoa Cương: Gia đình tôi có một chuỗi cửa hàng tạp hóa tự chọn và tuy biết Nhà nước khuyến khích chuyển sang doanh nghiệp nhưng cũng như nhiều hộ kinh doanh cá thể khác, quả thực, gia đình tôi rất “ngại” chuyển đổi. Liệu Nhà nước có chính sách nào hỗ trợ toàn diện cho những hộ kinh doanh cá thể không?.
Ông Nguyễn Hoa Cương |
Ông Nguyễn Hoa Cương: Về hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, tại Điều 16 Luật Hỗ trợ DNNVV quy định các nội dung hỗ trợ một cách toàn diện, bao gồm các nội dung miễn phí tư vấn về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí môn bài trong 3 năm; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; tư vấn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm. Ngoài những hỗ trợ trên, DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh là đối tượng được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo pháp luật về thuế và pháp luật đất đai.
Bạn Lê Văn Vĩnh (TP Hồ Chí Minh) hỏi: Bộ Tư pháp vừa tổ chức một số đoàn công tác liên ngành thực hiện kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại một số địa phương. Bước đầu, các Đoàn kiểm tra đánh giá như thế nào về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của các địa phương?
Ông Đặng Thanh Sơn: Vừa qua, Bộ Tư pháp kết hợp cùng các Bộ, ngành có liên quan như: Bộ Nông nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… đã tổ chức Đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực doanh nghiệp khởi nghiệp tại một số địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Cà Mau. Chúng tôi nhận thấy tại các địa phương, UBND tỉnh đều đã chỉ đạo triển khai đồng bộ Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp mà Bộ Tư pháp đã ban hành.
Độc giả không chỉ quan tâm tới câu chuyện khởi nghiệp của mình mà còn rất quan tâm tới chính sách chung của Nhà nước đối với doanh nghiệp khởi nghiệp |
Qua theo dõi có thể thấy các địa phương đều dành sự quan tâm rất lớn tới việc hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ như chính sách hỗ trợ đăng ký thành lập mới hộ kinh doanh và doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, cơ chế khuyến khích, ưu đãi trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội, quy định chế độ miễn tiền thuê đất đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa, chính sách hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng vay vốn để đầu tư lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội… Các chính sách được coi là hỗ trợ đắc lực cho quá trình khởi nghiệp từ quá trình thành lập, tiếp cận, khai thác nguồn vốn, khai thác nguồn lực về khoa học kỹ thuật, nhân lực, nguồn lực đất đai cũng như công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Bên cạnh một số kết quả đã đạt được thì việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại các địa phương vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: việc bố trí ngân sách cho các Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; một số quy định pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan còn mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất dẫn đến rất khó để áp dụng trong thực tiễn; số hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu về số lượng; số lượng giao đất, cho thuê đất, thủ tục vay vốn… còn kéo dài, chưa có sự khác biệt giữa doanh nghiệp khởi nghiệp với doanh nghiệp nói chung…
Theo chúng tôi nhận định, nguyên dân dẫn đến những hạn chế như đã nói trên là do sự khó khăn trong việc xác định được khung pháp lý cho hoạt động theo dõi thi hành pháp trong lĩnh vực này. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tuy đã được Quốc hội thông qua nhưng mới chỉ chuẩn bị có hiệu lực, đồng thời đối với từng lĩnh vực như nông nghiệp, thông tin truyền thông, công nghiệp – thương mại hay xây dựng thì tuy đã có một số quy định về việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tuy nhiên cũng chỉ là những quy định mang tính chất chung mà không dành riêng cho đối tượng là doanh nghiệp khởi nghiệp. Chúng tôi hi vọng khi tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương về lĩnh vực này sẽ cho thấy một bức tranh toàn cảnh về việc triển khai của các Bộ, ngành, từ đó có cơ sở để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời công tác này trong thời gian tới.
Khởi sự kinh doanh không hề đơn giản. Nhiều người đã khởi nghiệp, thất bại rồi lại trở lại khởi nghiệp là những chia sẻ của độc giả gửi tới các chuyên gia với mong muốn nhận được những lời khuyên hữu ích |
Bạn Bùi Phương Lan (Bình Dương) hỏi: Trên phương diện giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện theo dõi thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp năm 2017, ông có điều gì muốn gửi tới cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng?
Ông Đặng Thanh Sơn: Các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp nói chung trước tiên cần phải nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, sau đó cần chủ động nắm bắt các chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mình, đồng thời có kết nối chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp để từ đó có thể nói lên tiếng nói của mình trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có thể trực tiếp phản ánh những vướng mắc của mình tới các cơ quan quản lý nhà nước thông qua các kênh như: Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI…đây là những tổ chức uy tín trong việc tiếp nhận những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp từ đó phản ánh tới cơ quan xây dựng, áp dụng chính sách. Và quan trọng nhất là doanh nghiệp phải luôn chủ động hoàn thiện tổ chức mình bằng việc chú trọng đến việc đào tạo nhân sự, thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn do các Bộ, ngành tổ chức, đặc biệt là các lớp tập huấn của Bộ Tư pháp về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, như vậy sẽ giúp doanh nghiệp luôn cập nhật được các văn bản quy phạm pháp luật mới nhất, cũng như các chính sách sát sườn với quyền lợi của doanh nghiệp…
Chị Phạm Quỳnh Trang (Hải Phòng): Nhiều sinh viên tốt nghiệp Đại học ra trường hiện nay từ chối cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp lớn ở thành phố mà về quê khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, với những người trẻ thì sẽ hết sức khó khăn. Ông có lời khuyên nào cho họ và phải bắt đầu từ đâu?
Ông Đặng Vũ Trân khuyên doanh nghiệp khởi nghiệp phải nhiệt huyết và quyết tâm |
Ông Đặng Vũ Trân: Thời gian qua có một số sinh viên tốt nghiệp đại học đã không làm việc tại các doanh nghiệp lớn ở thành phố mà về quê khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp (có cả những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và những du học sinh từ nước ngoài về).
Về khởi nghiệp kinh doanh tại quê ở nông thôn của các bạn cũng có nhiều thuận lợi sau:
+ Về mặt gia đình, xã hội tại thành phố các bạn có thể thu nhập từ 5 – 8 triệu/tháng nhưng chi phí sinh hoạt cao, còn ở nông thôn mức chi phí này thấp hơn.
+ Giá trị một số nông sản, vật nuôi (dễ trồng, dễ nuôi) nhưng có giá trị thị trường cao như rau khoai lang, rau rền, rau rừng…cua, ốc, cá rô, lươn…
+ Giá trị đầu tư ban đầu của sự khởi nghiệp của các bạn như chăn nuôi, trồng trọt thấp.
+ Việc kinh doanh bước đầu sẽ gặp thuận lợi vì nuôi trồng theo kinh nghiệm.
+ Lao động nông nghiệp tại nông thôn chi phí sẽ thấp hơn.
+ Một số nơi đất canh tác thuê lại với giá thấp.
+ Giao thông hiện nay về cơ bản giữa nông thôn và thành thị đã thuận lợi cho đầu tư và tiêu thụ sản phẩm.
+ Công nghệ thông tin phát triển, thuận lợi trong tìm hiểu, trao đổi mua bán và đời sống sinh hoạt của các bạn.
+ Cơ chế chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, cho doanh nghiệp khởi nghiệp được Nhà nước quan tâm, chú trọng...
Tuy nhiên với những người trẻ mới ra trường việc khởi nghiệp tại quê hương, gắn với nông nghiệp, nông thôn thực tế cũng gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn ở những điểm chủ yếu sau:
- Sinh viên học ở trường theo một hoặc một vài chuyên ngành nào đó mà tính chất đặc thù của doanh nghiệp lại phải có đầy đủ các yếu tố:
+ Về ngành nghề, kỹ thuật: liên quan đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ở khu vực nông nghiệp, nông thôn
+ Về quản lý kinh tế: liên quan đến quản trị doanh nghiệp
+ Về quản lý lao động: liên quan đến đào tạo, quản lý lao động, kỷ luật lao động.
+ Về thiết bị công nghệ: liên quan đến sản xuất của doanh nghiệp
+ Về chính sách chế độ, về pháp luật trong kinh doanh
Và còn có các yếu tố khác rất quan trọng nữa là sản xuất nông nghiệp liên quan đến đất đai, vốn cho sản xuất kinh doanh.
Chỉ chừng ấy thôi các bạn đã thấy khó khăn đến thế nào rồi? Chưa kể họ mới ra trường chưa có kinh nghiệm, chưa từng “nếm” thất bại và “thành công”, khó khăn, thuận lợi của thương trường mà khó khăn là chính.
Theo tôi, những bạn mới tốt nghiệp đại học muốn về khởi nghiệp tại quê hương gắn với nông nghiệp, nông thôn thì các bạn cần:
+ Có mục tiêu, nhiệt huyết khởi nghiệp doanh nghiệp, xác định những khó khăn, vất vả và phải đương đầu trong quá trình khởi nghiệp (Cả khi bắt đầu và khi đã thành công).
+ Phải có giải pháp để giải quyết từng nội dung khó khăn nêu trên. Phải xây dựng đề án khởi nghiệp chi tiết, sát thực; cần thiết thì thuê tư vấn xây dựng.
+Phải bắt tay “học” ở tất cả các khâu. Tìm sự ủng hộ, đồng thuận của bạn bè, gia đình để hỗ trợ và cùng bước đầu khởi nghiệp
+ Phải tìm hiểu chính sách chế độ chung cho khởi nghiệp doanh nghiệp nói chung và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói riêng. Hiện nay đó là Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đất đai, Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Và từ đó họ bắt tay vào đăng ký “hộ” hoặc “doanh nghiệp” sản xuất kinh doanh. Sau từng thời gian kinh doanh phải đúc kết kịp thời những mặt được và chưa được để rút kinh nghiệm cho quá trình kinh doanh tiếp theo của mình.
Lời khuyên chung của các chuyên gia đối với độc giả là phải tìm hiểu rất kỹ chính sách pháp luật về khởi nghiệp |
Bạn Nguyễn Huệ Chi (Kon Tum) hỏi: Xin ông Sơn cho biết đôi nét về kết quả điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp?
Ông Đặng Thanh Sơn: Ở những mức độ khác nhau, các Bộ, ngành, địa phương thời gian qua đã tổ chức điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Qua tổng hợp cho thấy, tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ở địa phương, Bộ, ngành đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, cụ thể như:
- Trong hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức cá nhân khởi sự doanh nghiệp và nâng cao năng lực quản lý: Tổ chức hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho cán bộ khuyến công cơ sở, cán bộ UBND phường, xã, cán bộ Phòng Công Thương, kinh tế các huyện, thị về cơ chế chính sách mới về khuyến công, phát triển cụm công nghiệp… đào tạo về kỹ năng xây dựng kế hoạch, lập đề án, tổ chức thực hiện…; tổ chức nâng cao năng lực quản lý cho học viên là cán bộ quản lý, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của các cơ sở công nghiệp nông thôn nhằm nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp, quản lý điều hành sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế; tổ chức khảo sát về nhu cầu đào tạo nghề, truyền nghề của các địa phương doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh; Khảo sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh có nhu cầu hỗ trợ kinh phí mua máy móc, thiết bị sản xuất tiên tiến; các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu hỗ trợ làm tờ gấp cattalog, đăng ký thương hiệu sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn trong và ngoài tỉnh;
- Trong hỗ trợ tiếp cận vốn: Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh có sự quan tâm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, biểu hiện qua việc: Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Tổ chức tín dụng (TCTD) công khai, hướng dẫn quy trình, thủ tục vay vốn; tăng cường thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp; ưu tiên vốn cho vay các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đầu tư vào lĩnh vực xuất khẩu, công nghệ cao, du lịch dịch vụ…, chủ động xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng kết hợp với đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các TCTD trên địa bàn đã từng bước công khai trên trang tin điện tử các thông tin về quy trình, thủ tục cung cấp dịch vụ đối với khách hàng, bao gồm: Số lượng hồ sơ, tài liệu; thời gian giải quyết, tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả, dịch vụ; hình thức thông báo khách hàng về tình trạng hồ sơ, tiến độ giải quyết hồ sơ; Thực hiện tích cực các giải pháp hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp như giảm lãi suất cho vay theo định hướng của NHNN VN và theo chỉ đạo của Hội sở chính, tập trung cho vay các nhóm ngành ưu tiên; tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; triển khai các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất hấp dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hợp lý, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp khởi nghiệp.
- Trong hỗ trợ tiếp cận nguồn lực về đất đai: Công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các bộ thủ tục hành chính về đất đai để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đất trong lựa chọn vị trí mặt bằng cũng như hoàn thiện hồ sơ về đất đai cho các dự án sản xuất, kinh doanh trên cơ sở phù hợp quy hoạch. Đặc biệt là công tác cải cách hành chính; việc rà soát ban hành văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành thường xuyên, bám sát các quy định của nhà nước. Cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực: xây dựng khu, cụm công nghiệp, giải phóng mặt bằng, bước đầu tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho quá trình thu hút đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khởi nghiệp, các thủ tục hành chính về đất đai, môi trường, khoáng sản về cơ bản đảm bảo được nguyên tắc công khai, minh bạch và đúng trình tự và thời gian quy định.
- Thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp: Nhìn chung, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong cụm công nghiệp là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, các hộ sản xuất. Việc đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đã giải quyết một phần nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu dân cư.
- Vấn đề thông tin tuyên truyền, hỗ trợ xúc tiến thương mại: Nhiều địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tuyên truyền, quảng bá xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển thị trường cho các làng nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các doanh nghiệp tìm đối tác kinh doanh, đẩy mạnh phát triển thị trường; thông báo các chương trình kế hoạch tổ chức các hội chợ triển lãm thương mại trong và ngoài nước; tổ chức hội chợ cấp tỉnh, cấp huyện thu hút đông đảo khách tham quan, mua sắm hàng hóa và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trao đổi, tìm kiếm thị trường.
Anh Hoàng Lại Giang (Phú Thọ) hỏi: Hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm rất nhiều thành phần, trong đó có vai trò của quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, quỹ đầu tư mạo hiểm ở nước ta chưa có kinh nghiệm cũng chưa có tiền lệ. Vậy đâu là cơ sở pháp lý để các quỹ đầu tư mạo hiểm có thể hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp?
Ông Nguyễn Hoa Cương: Vì bản chất rủi ro lớn của các startup và quy mô đầu tư tương đối nhỏ nên các kênh huy động vốn truyền thống như vay vốn ngân hàng, huy động từ các quỹ/công ty đầu tư chứng khoán hầu như là không thể. Do đó, ở mọi hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ các nước thường có chính sách khuyến khích thành lập các tổ chức đầu tư cho khởi nghiệp, (hay còn gọi là đầu tư mạo hiểm- venture capital).
Hiện nay, ngoại trừ Điều 18 của Luật Hỗ trợ DNNVV thì hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Triển khai Điều 18 Luật Hỗ trợ DNNVV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Nghị định này sẽ xác định địa vị pháp lý của các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo mà hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay chưa quy định. Như vậy, ngoài các hình thức đầu tư như hiện tại, Nghị định tạo thêm sự lựa chọn cho nhà đầu tư là thực hiện đầu tư thông qua các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Chị Ngô Thu Hà (Bình Định) hỏi: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng “Khởi nghiệp sáng tạo là bước đi cần thiết của đất nước. Nó không phải trào lưu, không phải là ngôn ngữ mang tính thời thượng, nói cho đẹp, cho vui hay thể hiện rằng Việt Nam vẫn theo kịp thời đại”. Vậy mong ông chia sẻ những kết quả đạt được từ khi Chính phủ phát động chương trình “Quốc gia Khởi nghiệp” hồi đầu năm 2016 đến nay?
Ông Nguyễn Hoa Cương:Đầu năm 2016, khi Chính phủ phát động chủ trương, định hướng theo tinh thần Quốc gia khởi nghiệp, Chính phủ đã có nhiều hành động thiết thực và đạt được các kết quả bước đầu hết sức quan trọng như:
Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội ban hành, trong đó hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo là 1 trong 3 mục tiêu trọng điểm. Từ đó là căn cứ cho một loạt các chương trình, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp từ trung ương tới địa phương, chính sách về quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Năm 2016, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập là hơn 110 nghìn DN, nhiều nhất từ trước tới nay, chứng tỏ nhiều doanh nghiệp đã vững tin tham gia vào thị trường.
Nhiều Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo được triển khai từ trung ương tới địa phương như: Đề án 844 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; các hoạt động hỗ trợ của các thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bến Tre,…
Hoạt động truyền thông về khởi nghiệp cũng được các phương tiện truyền thông như VTV, báo chí đề cập, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của khởi nghiệp, các thử thách, khó khăn khi khởi nghiệp để xã hội có cái nhìn đúng, khởi nghiệp không phải là phong trào…
Bạn Mai Văn Tính (Cà Mau) hỏi: Là một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm sạch, doanh nghiệp chúng tôi rất quan tâm đến pháp lý nhưng thực sự không biết bắt đầu từ đâu. Mong được các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm!
Ông Đặng Vũ Trân: Bạn có thể tìm hiểu qua Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Đây là cơ quan tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản có chức năng kiểm tra, ban hành các văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ thuộc chuyên ngành, lĩnh vực được giao quản lý; quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và sản phẩm hàng hóa; quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt…
Ngoài ra, bạn có thể liên hệ với Cục Trồng trọt (đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tìm hiểu những vấn đề liên quan đến cây trồng; Cục Chăn nuôi đối với những vấn đề liên quan đến vật nuôi và Tổng cục Thủy sản với những vấn đề liên quan đến hải sản.
Bạn Lê Mai Trang (Xuân Trường, Nam Định) hỏi: Hiện tại tôi đang có ý định kinh doanh về mặt hàng cà phê, với kiến thức pháp luật còn hạn thì tôi có thể gửi các thắc mắc đến đâu, có địa chỉ nào để tham khảo mô hình khởi nghiệp thành công không?
Ông Đặng Vũ Trân: Về quản lý mặt hàng cà phê: tiêu chuẩn cà phê thô, qua sơ chế, chế biến…, bạn có thể liên hệ với Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).
Liên quan đến chất lượng sản phẩm bạn có thể liên hệ qua Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).
Về doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh cà phê đã thành công bạn có thể tìm hiểu mô hình kinh doanh của: Cà phê Trung Nguyên, Cà phê Biên Hòa…
Bạn Trà My (TP Buôn Ma Thuột) hỏi: Trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, được biết các cơ quan chức năng tập trung theo dõi tình hình thi hành các quy định của pháp luật về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong việc tiếp cận, khai thác các nguồn lực về vốn, khoa học kỹ thuật, đất đai và lao động. Vậy trên cơ sở những phản ánh thực tế, những thông tin theo dõi, trong 4 lĩnh vực này thì đâu là lĩnh vực mà doanh nghiệp khởi nghiệp cho rằng họ gặp vướng mắc nhiều nhất?
Ông Đặng Thanh Sơn: Sau khi kết thúc kiểm tra, điều tra, khảo sát, có thể nhận định hiện nay các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn nhiều nhất trong vấn đề liên quan đến tiếp cận nguồn lực đất đai, nguồn lực về vốn. Cụ thể như sau:
Về tiếp cận vốn:
Trong trường hợp doanh nghiệp khởi nghiệp muốn vay vốn ngân hàng thì điều đầu tiên cần đánh giá là tính khả thi và hiệu quả của dự án. Vì khởi nghiệp đòi hỏi phải có sự đột phá, sáng tạo nên cần phải có đơn vị, cơ quan đủ khả năng đánh giá thẩm định phương án của doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh chưa có tổ chức nào thực hiện nhiệm vụ thẩm định dự án khởi nghiệp này. Do đó việc ngân hàng quyết định cho vay với các doanh nghiệp khởi nghiệp là khó khăn. Ngoài lý do vừ nêu, việc tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp lập nghiệp còn một số khó khăn là do:
+ Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, có nhu cầu vay vốn ngân hàng, nhưng không đáp ứng được các điều kiện vay vốn, nên ngân hàng khó giải ngân. Một số doanh nghiệp quy mô hoạt động nhỏ, năng lực tài chính kém, giá trị tài sản đảm bảo thấp hoặc dự án không khả thi, không hiệu quả, nên ngân hàng phải rất thận trọng khi thẩm định hồ sơ của các doanh nghiệp.
+ Tình trạng bất cập về các quy định thế chấp đất doanh nghiệp trong luật đất đai với thực tế tài sản doanh nghiệp thế chấp ngân hàng, cụ thể: Khi doanh nghiệp vay vốn mà tài sản đảm bảo là đất và tài sản gắn liền trên đất thì hầu hết tài sản chỉ được tính là đất, còn giá trị tài sản trên đất không được tính do theo quy định tài sản trên đất phải có chứng nhận sở hữu mới được dùng để thể chấp. Nếu giá trị TSĐB chỉ tính riêng giá trị của đất thì hạn mức vay sẽ bị hạn chế, ảnh hưởng đến vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn khi quyết định cho vay và cấp hạn mức cho khách hàng.
Về đất đai:
Trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, về lĩnh vực đất đai cũng còn khá nhiều các tồn tại, có thể kể đến như:
- Các khó khăn khi giải phóng mặt bằng, thuê đất: đất đai ngày càng có giá trị và đóng vai trò quan trọng, là một loại “tài sản” có giá trị lớn đối với mỗi người dân, trong khi chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT, GPMB), tái định cư khi nhà nước thu hồi đất hay khi thực hiện việc thỏa thuận chuyển nhượng để chuyển mục đích sử dụng đất vẫn chưa tính toán được hết các thiệt hại, các thiệt thòi và nhất là chưa cân đối được giữa lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và của người dân do đó, việc BT, GPMB ngày cảng trở nên khó khăn; đối với các doanh nghiệp thỏa thuận chuyển nhượng để chuyển mục đích sử dụng đất càng gặp nhiều sự phản đối, sự đòi hỏi, gây khó khăn về mức giá chuyển nhượng, có doanh nghiệp đã phải chi trả mức giá hàng trăm triệu đồng/sào mới có được sự đồng thuận của người dân. Về chính sách, do ở đây là sự thỏa thuận, thương lượng giữa 02 bên, nhà nước không có quyền can thiệp vào mức giá dẫn đến, đôi khi doanh nghiệp đã thỏa thuận được trên 90% các hộ, chỉ còn 01 vài hộ không thỏa thuận được dẫn đến chưa được chuyển mục đích, chưa triển khai được dự án,..
- Về các khó khăn trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc phê duyệt, phân bổ chỉ tiêu chuyển mục đích của các cấp còn chậm, hầu hết khi các quyết định được ban hành đều có độ trễ; thủ tục phê duyệt còn qua nhiều cấp, nhiều bước gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp dẫn đến việc mất thời cơ kinh doanh,..
- Một trong những khó khăn được nhiều doanh nghiệp, người dân phản ánh là việc thực hiện các thủ tục hành chính: trong đó có từ thủ tục giao đất, bàn giao mặt bằng, ký hợp đồng thuê đất và nhất là cấp Giấy chứng nhận, đăng ký thế chấp, mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi, chia tách sáp nhập doanh nghiệp,... các thủ tục này, mặc dù có nhiều cố gắng, nhiều giải pháp tháo gỡ nhưng hiệu quả chưa thực sự cao. Ngoài việc quy định của pháp luật còn rườm rà, phức tạp, nhiều yêu cầu, nhiều loại giấy tờ thì tinh thần phục vụ, thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp có ảnh hưởng quan trọng nhất.
Bạn Mai Chi (Đống Đa, Hà Nội) hỏi: Một trong những mục đích của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật chính là để kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đối với lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp khởi nghiệp, Bộ Tư pháp đã kiến nghị những giải pháp nào?
Ông Đặng Thanh Sơn: Ngay khi kết thúc các hoạt động kiểm tra liên ngành, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã ký văn bản gửi các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương đề nghị tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau đây:
1. Trên cơ sở bám sát các quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hoặc đề xuất hoàn thiện theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn;
2. Đẩy mạnh việc theo dõi, xử lý thông tin, phản ứng chính sách về tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các chính sách trong lĩnh vực này để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
3. Cần hoàn thiện hệ thống các cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, có cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản không còn phù hợp, xây udựng bộ máy quản lý nhà nước trong sạch, nâng cao trình độ nắm vũng và thi hành pháp luật của đội ngũ công chức quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp đối với doanh nghiệp tư nhân, thay đổi tư duy quản lý sang trách nhiệm phục vụ, hướng dẫn doanh nghiệp phát triển, giảm sự nhũng nhiễu, thờ ơ, thiếu trách nhiệm của công chức, đảm bảo cho các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương thực sự là chỗ dựa vững chắc, là người trợ giúp thật hiệu quả đối với doanh nghiệp.
4. Có các quy định hỗ trợ cụ thể áp dụng cho doanh nghiệp cụ thể, có định mức rõ ràng để áp dụng. Tăng mức kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp để đủ kích thích hoạt động khởi nghiệp của doanh nghiệp, tạo vốn mồi ban đầu, làm bàn đỡ để các dự án có đủ “sức sống” trước khi các dự án tìm được nguồn đầu tư chính.
5. Cần tạo hành lang pháp lý trong việc đánh giá, thẩm định các dự án/ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để đảm bảo giá trị pháp lý cho các dự án/ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư.
6. Cần có cơ chế cùng đầu tư của nhà nước cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dưới dạng cổ phần với các nguồn đầu tư khác để hỗ trợ cho các dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Sắp tới, trong Báo cáo chung trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tổng hợp, đề xuất các kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ở nước ta.
Kính thưa Quý vị và các bạn, trong khoảng thời gian từ 9h đến 10h 30 sáng nay, 31/10, 3 vị khách mời tham gia Chương trình đã trả lời nhiều câu hỏi của quý độc giả quan tâm về “Tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực doanh nghiệp khởi nghiệp” gửi về Toà soạn.
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của độc giả. Những câu hỏi độc giả đang tiếp tục gửi về chưa được trả lời, chúng tôi sẽ gửi tới các chuyên gia và có sự phản hồi tới Quý độc giả trong thời gian sớm nhất.