Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế- hải quan: Chính sách thay đổi, doanh nghiệp không hay?

(PLO) - Khẳng định trong thời gian qua, Bộ Tài chính là cơ quan luôn đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nhiều chính sách, pháp luật thuế đã được ban hành, sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi cho các DN, nhưng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng bản thân những thay đổi nhanh chóng cũng khiến không ít DN gặp khó khăn trong việc cập nhật thông tin để tuân thủ…
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Hôm nay, 27/11, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại về chinh sách và TTHC thuế và hải quan năm 2017  khu vực phía Bắc. 500 DN đã tham dự buổi đối thoại này… 

Nỗ lực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, thời gian qua Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển DN theo các nghị quyết của Chính phủ.

Cụ thể như, trong lĩnh vực thuế, đã rà soát, chuẩn hóa 300 TTHC, đã thực hiện khai thuế điện tử trên cả nước với 622.654 DN đạt 99,64% trên tổng số DN đang hoạt động, số lượng khai thuế điện tử đã tiếp nhận là trên 43,5 triệu hồ sơ; đã phối hợp với 46 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với các cơ quan thuế và đã có 96% số DN thực hiện với số tiền đã nộp NSNN từ 1/1/2017 đến nay là 392.160 tỷ đồng với trên 2,4 triệu giao dịch nộp thuế điện tử; đã triển khai thí điểm hoàn thiện thuế điện tử cho tất cả người nộp thuế tại 63 tỉnh, TP với 2.155 DN khai hoàn thuế điện tử, đạt 31,94% trên tổng số 6.747 DN tham gia thí điểm với tổng số hồ sơ tiếp nhận là 5.295 hồ sơ, tổng số tiền đề nghị hoàn thuế là hơn 30 nghìn tỷ đồng…

Trong lĩnh vực hải quan, tiếp tục triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan và đến nay đã có 8,86 triệu tờ khai xử lý trên hệ thống VNACSS/VCIS với khoảng 74.600 DN tham gia  và có hơn 573.000 hồ sơ được xử lý qua cơ chế một cửa quốc gia với sự tham gia của 14.763 DN; triển khai cổng thanh toán điện tử tại tất cả các Cục Hải quan;  kết nối với 40 hãng hàng không để kịp thờig nắm thông tin về hàng hóa nhập khẩu, thí điểm triển khai hệ thống thông tin, quản lý các DN hoạt động gia công sản xuất xuất khẩu; triển khai nộp thuế qua ngân hàng;… 

Đồng thời, thực hiện nghị quyết của Chính phủ, tại cuộc họp thường kỳ tháng 7, Bộ Tài chính đã khẩn trương phối hợp với các bộ ngành  địa phương rà soát, nghiên cứu và ban hành 6 thông tư nhằm cải cách thủ tục, cung cấp dịch vụ thu phí, thực hiện bãi bỏ 2 khoản phí, giảm mức thu từ 5-57% đối với 23 dòng phí liên quan đến chi phí của DN và hiện nay vẫn đang tiếp tục hoàn thiện, rà soát và điều chỉnh giảm một số mức phí và lệ phí,….

“Những nỗ lực cải cách nêu trên đã được cộng đồng DN đánh giá cao. Tại Báo cáo MTKD năm 2018 do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, MTKD của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, tăng thêm 14 bậc và xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá, trong đó chỉ số nộp thuế năm thứ 4 liên tiếp được đánh giá là một trong những chỉ số có tác động tích cực nhất với MTKD chung ở VN, tăng 81 bậc và đứng thứ 86/190…”- Thứ trưởng Mai khẳng định.

Doanh nghiệp theo không kịp

Theo Phó Chủ tịch VCCI, ông Đoàn Duy Khương, dù những thay đổi trong chính sách, pháp luật thuế trong thời gian gần đây đã theo hướng tạo thuận lợi cho các DN, nhưng bản thân những thay đổi nhanh chóng cũng khiến không ít DN gặp khó khăn trong việc cập nhật thông tin để tuân thủ. Nhiều DN cho biết “có nhiều nghị định, thông tư về thuế vừa ra đã chỉnh sửa bổ sung; văn bản ra lúc nào DN cũng không biết”. 

“Điều đó khiến cho nhiều DN nắm bắt không kịp các thay đổi về thủ tục, chính sách thuế nói riêng và thay đổi pháp luật liên quan đến SXKD nói chung. Các thông tư hướng dẫn về thuế của Bộ Tài chính cũng thường được ban hành chậm hơn so với thời hạn hiệu lực thi hành quy định tại các văn bản Luật, Nghị định làm cho các DN phải điều chỉnh nhiều nghiệp vụ kinh tế đã phát sinh, theo đó phải điều chỉnh hóa đơn, chứng từ làm mất thời gian và gây khó khăn trong thực hiện…”- Ông Khương phản ánh.

Theo đó, các DN đề nghị các luật cần phải thống nhất, cụ thể, rõ ràng, nếu không DN sẽ khó thực hiện, đồng thời sẽ tạo lỗ hổng gây ra sự tùy tiện trong việc áp dụng của cán bộ công chức. 

Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), bà Nguyễn Thị Cúc cũng cho rằng những nỗ lực cải cách của ngành thuế- hải quan thời gian qua đã được công đồng DN và WB công nhận, tuy nhiên thực tế DN vẫn còn nhiều vướng mắc, ngay cả với những Luật, thông tư mới ban hành (liên quan đến thuế tài nguyên, hoàn thuế GTGT, hóa đơn…). Đặc biệt, bà Cúc cũng nêu lên một thực tế là cõ những vướng mắc đã có chính sách tháo gỡ nhưng DN không biết, vẫn kiến nghị. “Vẫn biết là thuế, hải quan có chức năng tuyên truyền nhưng không thể đến hết các DN trong khi cả nước có 750 hội viên tư vấn thuế và nếu kết hợp được sẽ góp phần giảm chi phí tuân thủ cho DN…” - Chủ tịch VTCA đề nghị.

Thừa nhận có những vấn đề đã có hướng dẫn nhưng DN không biết, vẫn hỏi, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho rằng công tác tuyên truyền cần tiếp tục đổi mới.  “Chúng tôi xin ghi nhận. Thuế, hải quan đều có bộ phận tuyên truyền hỗ trợ, tuy nhiên với công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, có lẽ tuyên truyền thuế, hải quan cần phải cập nhật để người dân, DN nắm bắt tốt hơn…”- Thứ trưởng Mai phát biểu.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, đại diện Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan cũng đã giải đáp các ý kiến của DN. Thứ trưởng Vũ Thị Mai cam kết Bộ Tài chính sẽ ghi nhận tất cả ý kiến của DN, nghiên cứu thoả đáng, nếu vướng mắc do cơ chế chính sách, Bộ Tài chính sẽ trình, hoặc tiếp thu, sửa đổi. 

Hội nghị đối thoại về chinh sách và TTHC thuế và hải quan năm 2017  khu vực phía Nam sẽ được tổ chức vào ngày 29/11 tới…

Đọc thêm