Đối thoại với thanh niên cần thực chất và chất lượng

(PLVN) - “Càng quy định cụ thể những nội dung cơ bản cần có trong đối thoại thì những cuộc đối thoại với thanh niên càng đảm bảo tính thực chất và đạt chất lượng, hiệu quả cao”, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến chiều 25/5 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).
Một sinh viên Đại học Cần Thơ tham gia đối thoại trực tuyến với Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong hồi tháng 3/2020.
Một sinh viên Đại học Cần Thơ tham gia đối thoại trực tuyến với Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong hồi tháng 3/2020.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, bà đánh giá cao quy định về đối thoại với thanh niên (Điều 10 dự thảo). 

“Đây là điểm mới nổi bật của Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) so với Luật Thanh niên 2005, tạo điều kiện, cơ hội để thanh niên chia sẻ khó khăn vướng mắc cũng như đề xuất giải pháp đối với những vấn đề liên quan đến thanh niên”, bà Nga nhấn mạnh.

Dự thảo đã quy định về thời gian đối thoại, thời gian trả lời đối thoại, công khai đối thoại. Tuy nhiên để cụ thể hơn nữa về hoạt động đối thoại, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng cần bổ sung thêm quy định về nội dung đối thoại với thanh niên. Các nội dung có thể bao gồm: Chính sách định hướng phát triển cho thanh niên trong từng giai đoạn; những vấn đề thiết thân của thanh niên; các vấn đề xã hội có tác động đến thanh niên; những vấn đề tạo dư luận xã hội có liên quan đến thanh niên…

Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết,  có ý kiến đại biểu nhất trí với quy định về định kỳ hằng năm đối thoại để nghe tâm tư, nguyện vọng của thanh niên. Tuy nhiên, cần nghiên cứu về chủ thể đối thoại cho phù hợp. 

Có ý kiến đề nghị mở rộng cơ chế, cách thức đối thoại để thanh niên có thể được đối thoại nhiều hơn. Cũng có ý kiến cho rằng, việc quy định công khai trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng sẽ gây tốn kém và không phù hợp với thực tế. 

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc hình thức công khai để đảm bảo thanh niên nắm bắt được thông tin và thực hiện được quyền của mình, mở rộng thêm hình thức công bố công khai kết luận đối thoại. Ngoài ra, còn có ý kiến đề nghị bổ sung thêm hình thức niêm yết việc đối thoại với thanh niên tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước để phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý Điều 10 dự thảo Luật theo hướng: Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm ít nhất mỗi năm một lần tổ chức đối thoại với thanh niên về các vấn đề liên quan đến thanh niên; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, lực lượng vũ trang có trách nhiệm đối thoại với thanh niên khi có yêu cầu của tổ chức thanh niên.

Bên cạnh đó, điều luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các chủ thể này trong việc chỉ đạo chuẩn bị kế hoạch, chương trình đối thoại và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc niêm yết tại trụ sở của các cơ quan chậm nhất 30 ngày trước khi tổ chức đối thoại. 

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày đối thoại, nội dung kết luận đối thoại phải được công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc niêm yết tại trụ sở của các cơ quan và gửi đến các cơ quan, tổ chức liên quan; trường hợp nội dung đối thoại phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực thì thời hạn không quá 15 ngày.

Đọc thêm