Đối thủ thật sự của thầy trò ông Park

Trong trận tứ kết bóng đá nam ASIAD 2018 vào chiều mai, 27/8, Đội tuyển Olympic Việt Nam sẽ “đụng đầu” đối thủ thật sự - Đội tuyển Olympic Syria.
Đối thủ thật sự của thầy trò ông Park

Tại kỳ Á vận hội này, các cầu thủ Việt Nam vào một bảng đấu cũng khá nhẹ vì đội bóng “đáng gờm” nhất là Nhật Bản cũng chỉ cử lứa U21 là chính sang tranh tài. Trong khi đó, Pakistan và Nepal dù sao cũng là những đội bóng “ít được va chạm” trên đấu trường quốc tế.

Vòng bảng thắng cả 3 đội, Olympic Việt Nam thắng tiếp Bahrain ở vòng 1/8 nhưng đây không hề là trận thắng nhàn. Trên đường đi tiếp, Olympic Việt Nam gặp đội Syria ở trận tứ kết bóng đá ASIAD đầu tiên có tên “Việt Nam”.

Thật thú vị, Syria là 1 trong 6 đội bóng Tây Á mà bóng đá Việt Nam (U23 và Olympic) chạm trán kể từ đầu năm 2018 đến nay (Syria, Iraq, Qatar, Bahrain, Oman, Palestine).

Riêng với Syria thì đây là lần tái ngộ trong giải đấu chính thức trong năm 2018: U23 Việt Nam gặp U23 Syria tại Giải U23 châu Á hồi tháng 1 (hòa 0-0) và giờ đây, Olympic Việt Nam gặp Olympic Syria tại ASIAD.

Ở Á vận hội, cả Syria và Việt Nam đều “thắng nhọc” trận vòng 1/8 (Syria cũng chỉ thắng Palestine 1-0). Nhưng theo những đánh giá chung, Syria là đội bóng có những tiềm năng “đáng sợ”.

Trước hết phải nói tới khát vọng của các cầu thủ Syria, những chàng trai ở một đất nước bị chiến tranh gây bao khổ đau, mất mát.

“Họ là những chiến binh không bao giờ bỏ cuộc. Các cầu thủ Syria vào sân với khát vọng mạnh mẽ khiến chúng tôi luôn phải chiến đấu vất vả nhất. Nhiều người sau trận thậm chí không đi nổi vì bị đối phương vắt đến giọt năng lượng cuối cùng. Bởi vậy, đừng nhìn vào kết quả khiêm tốn của họ trước Palestine vì chắc chắn họ sẽ không dễ dàng để chúng ta cầm chân 0-0 như ở  giải U23 châu Á lần nữa” như lời hậu vệ Văn Thanh chia sẻ với Thanh niên.

Còn về thực lực, Syria giờ không phải là Syria hồi tháng 1/2018 nữa.

Theo những thông tin có được, trong đội hình Olympic Syria có tới 14 cầu thủ từng góp mặt ở đội U23 tranh tài tại giải U23 châu Á. Bên cạnh đó, họ có 3 cầu thủ trên 23 tuổi chất lượng trải đều ở 3 tuyến (thủ môn Ahmad Madnya 28 tuổi, tiền vệ Hussein Al Shuayb 26 tuổi và tiền đạo Mahmoud Al Baher 24 tuổi) - đều là cầu thủ đội tuyển quốc gia.

Chân sút đáng chú ý nhất là tiền đạo 19 tuổi Abdulhadi Shalha đã lập hat-trick vào lưới Olympic Timor Leste, giúp Syria thắng 5-2 và vượt qua vòng bảng (bảng C). Sau đó, Syria (thứ 2 bảng C) thắng Palestine rồi vào tứ kết.

Đội bóng đến từ Tây Á sở hữu lối chơi đơn giản mang đậm phong cách bóng đá Anh, đó là tạt cánh đánh đầu. Bàn thắng duy nhất của Olympic Syria ghi được vào lưới Olympic Palestine cũng từ 1 tình huống phối hợp tạt cánh đánh đầu đẹp mắt, dù U23 Palestine cũng có thể lực, thể hình cao to.

Chính vì vậy, nhiều cầu thủ Việt Nam cho rằng dù phải căng sức đối đầu với hàng loạt đội bóng mạnh (Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản, Bahrain) nhưng chính Syria lại là đối thủ khiến họ cảm thấy “gờm” nhất.

Nếu trong trận tứ kết vào tối 27/8, Olympic Syria vẫn áp dụng lối chơi sở trường thì đó sẽ là bài toán không dễ dàng cho thầy trò HLV Park Hang Seo.

Đọc thêm