Đời xiếc - Mồ hôi rơi sau ánh hào quang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xiếc là nghệ thuật của những phút giây rực rỡ trên sân khấu, nơi các nghệ sĩ khiến khán giả say mê bởi những màn trình diễn mãn nhãn. Nhưng ẩn sau ánh hào quang ấy là cả một hành trình khổ luyện đầy hy sinh, với những chấn thương, áp lực nghề nghiệp và mức thù lao chưa tương xứng. Vượt qua muôn vàn khó khăn, họ vẫn bền bỉ cống hiến, giữ ngọn lửa đam mê sáng mãi với sân khấu.
Nghệ sĩ Phạm Thị Hướng (áo trắng ngoài cùng bên trái) cùng đồng nghiệp tập luyện cho tiết mục sắp tới vào năm 2025. (Ảnh: Thiện Thư)
Nghệ sĩ Phạm Thị Hướng (áo trắng ngoài cùng bên trái) cùng đồng nghiệp tập luyện cho tiết mục sắp tới vào năm 2025. (Ảnh: Thiện Thư)

Sau ánh đèn sân khấu - nghệ sĩ xiếc và những hy sinh thầm lặng

Đằng sau những phút giây lung linh trên sân khấu là cả một hành trình đầy mồ hôi, nước mắt và sự bền bỉ của những con người sống trọn vẹn với đam mê nghệ thuật. Thông thường, tuổi nghề của các nghệ sĩ xiếc chỉ kéo dài đến 25 - 30 tuổi. Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng giãi bày: “Nghề xiếc là một nghề đầy hy sinh. Các nghệ sĩ phải chấp nhận những chấn thương, bệnh nghề nghiệp, với tuổi đời còn trẻ nhưng tuổi nghề lại ngắn. Thù lao biểu diễn chưa tương xứng với tài năng của họ. Ở sân khấu quốc tế, họ là những “ngôi sao”, nhưng về nước lại chỉ là những nghệ sĩ thuần tuý, sống bằng đam mê và tình yêu nghề - thứ giúp họ vượt qua khó khăn để bền bỉ với nghề”.

Phía sau những tiết mục chuyên nghiệp nhưng ngắn ngủi 10 - 15 phút trên sân khấu của người nghệ sĩ xiếc là cả một chặng đường tập luyện đau đớn và gian nan. Tại Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, các học viên phải tập luyện từ 6 - 8 giờ mỗi ngày, xuyên suốt ít nhất 5 - 6 năm huấn luyện chuyên sâu, với những bài tập đòi hỏi sự dẻo dai, sức mạnh và kỹ thuật cao. Thế nhưng, tỷ lệ nghệ sĩ có thể theo đuổi nghề đến cuối sự nghiệp chỉ chiếm chưa đến 30%.

NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ về những khó khăn nghệ sĩ xiếc gặp phải. (Ảnh: Thiện Thư)

NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ về những khó khăn nghệ sĩ xiếc gặp phải. (Ảnh: Thiện Thư)

Theo thống kê của Hội Khoa học An toàn Vệ sinh Lao động Việt Nam năm 2023, tần suất tai nạn lao động trong một năm của các nghệ sĩ xiếc lên tới gần 40%, gấp 20 lần so với mức độ tai nạn lao động trong ngành công nghiệp sản xuất thông thường. Những rủi ro và chấn thương từ nhẹ đến nặng luôn thường trực trong lúc tập hoặc trong mỗi phần trình diễn: gãy xương chi, rách dây chằng, chấn thương cột sống,...

Nghệ sĩ Phạm Thị Hướng, người vừa đoạt Vương miện Vàng Công chúa Xiếc trong Liên hoan Xiếc Quốc tế tại Nga chia sẻ, chị thấy rất vui và tự hào khi mang vinh quang về cho nước nhà, nhưng chị cũng tường tỏ chi tiết về những khó khăn mà các nghệ sĩ phải đối mặt: “Nói đến nghệ thuật xiếc thì đó là một loại hình nghệ thuật gian nan, vất vả, phải luyện tập rất nhiều, rất công phu. Những lúc tập luyện phải chịu đau đớn rồi thực hiện những động tác đòi hỏi kỹ thuật thì không thể nào trong ngày một, ngày hai. Có những động tác phải qua rất nhiều giai đoạn để thực hiện được nó và trong những cái giai đoạn đấy thì sẽ không tránh khỏi được những lúc mà mình bị ngã, bị chấn thương và tất cả các diễn viên xiếc thì ai cũng đều gặp những chấn thương dù là nặng hay nhẹ”.

Không chỉ gặp nguy hiểm với chấn thương, nghệ sĩ xiếc cũng khó khăn để cân bằng giữa đam mê và cuộc sống thường ngày. “Có những lúc sáng, chiều, vừa đi học về xong ra đây tập luôn. Có những hôm diễn, có khi đến tối đêm, sáng hôm sau lại phải dậy sớm đi học, thì cũng áp lực, cũng quá tải”, tâm sự của Quỳnh Anh, hiện vừa là nghệ sĩ xiếc trẻ triển vọng tại Rạp xiếc Trung ương, vừa là sinh viên tại Học viện Thanh thiếu niên (Hà Nội).

Vất vả là vậy, thế nhưng vai trò hỗ trợ từ Nhà nước và xã hội đối với nghệ thuật xiếc vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện tại, mức lương của một diễn viên xiếc tốt nghiệp trung cấp chỉ hơn 3 triệu đồng mỗi tháng. Chế độ bồi dưỡng luyện tập cho các chương trình mới chỉ vỏn vẹn 80.000 đồng/ngày và thù lao biểu diễn cũng không vượt quá 200.000 đồng/buổi. Theo lời NSND Tống Toàn Thắng: “Các nghệ sĩ xiếc khi tốt nghiệp trường xiếc ra chỉ ở trung cấp lương hạng bốn, khởi điểm rất thấp. Còn một số nghệ sĩ sau khi tốt nghiệp có bằng đại học thì được hưởng lương hạng ba...”.

Cũng vì tuổi nghề ngắn ngủi và đồng lương khiêm tốn, việc bám trụ với nghề gần như là không thể nếu họ không nhận thêm show bên ngoài hoặc làm thêm công việc khác. Các nghệ sĩ xiếc cũng phải chật vật để đảm bảo cuộc sống sau khi giải nghệ. Bên cạnh đó, các chính sách bảo hiểm và hỗ trợ y tế dành cho nghệ sĩ xiếc cũng chưa thực sự toàn diện, đặc biệt là đối với những trường hợp chấn thương nghề nghiệp.

Sống trọn với nghề - “Đèn tắt lòng không tắt”

Buổi trình diễn kết thúc, nhưng dư âm vẫn lắng đọng trong từng tiếng vỗ tay và ánh mắt say mê của khán giả. Đối với các nghệ sĩ xiếc, mỗi lần được đứng trên sàn diễn là một lần họ sống trọn với đam mê, tỏa sáng như những hoàng tử, công chúa trên sân khấu. Còn với khán giả, đó là khoảnh khắc kỳ diệu kết nối nghệ thuật và cảm xúc.

Nghệ sĩ Phạm Thị Hướng, thành viên Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ niềm hạnh phúc lớn nhất của chị là khi khán giả trẻ hào hứng cổ vũ: “Những giây phút đứng trên sân khấu, nhận được sự hò reo, vỗ tay của các bạn trẻ, chúng tôi thực sự rất vinh hạnh và hạnh phúc. Điều đó cho thấy xiếc vẫn đang truyền được cảm hứng đến thế hệ mới”.

Cảm xúc ấy cũng cháy bỏng trong trái tim nghệ sĩ trẻ Phùng Duy Anh, 18 tuổi, sau khi hoàn thành tiết mục “Vòng xoay mạo hiểm”. Bước xuống sân khấu với niềm vui xen lẫn hồi hộp, Duy Anh bộc bạch: “Em run lắm, sợ khán giả không thích. Nhưng khi nghe tiếng vỗ tay, em càng yêu nghề hơn và muốn gắn bó lâu dài với sân khấu xiếc”. Đằng sau vài phút biểu diễn là cả năm trời khổ luyện, với bao lần chấn thương, sự cố đạo cụ. Nhưng mọi khó khăn đều tan biến khi họ nhận được sự công nhận từ khán giả.

Duy Anh (vòng xoay bên trái) cùng cộng sự thực hiện tiết mục “Vòng xoay mạo hiểm”. (Ảnh: Hà Trang )

Duy Anh (vòng xoay bên trái) cùng cộng sự thực hiện tiết mục “Vòng xoay mạo hiểm”. (Ảnh: Hà Trang )

Buổi diễn cũng để lại ấn tượng sâu sắc với các bậc phụ huynh. Một khán giả lớn tuổi xúc động nói: “Họ mảnh mai, nhỏ bé là thế, nhưng lại mang đến những màn trình diễn khiến khán giả thót tim. Tôi vỗ tay không ngớt từ đầu đến cuối, cảm ơn họ vì đã khổ luyện để giữ gìn nghệ thuật xiếc”. Một phụ huynh khác chia sẻ: “Xem xiếc là bài học về lòng dũng cảm, tinh thần vượt khó cho các con. Những pha nhào lộn nguy hiểm khiến cả người lớn cũng phải nín thở hồi hộp”.

Vượt thăng trầm, xiếc Việt tỏa sáng

Những năm 2017 - 2019 đối với Rạp xiếc Trung ương là thời điểm căng thẳng vì không thu được lượng khán giả khả quan. Rạp càng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn khi dịch bệnh COVID-19 ập đến. Thế nhưng, bằng sự kiên trì, nỗ lực thay đổi và hoàn thiện không ngừng nghỉ của cả các nghệ sĩ lẫn ban lãnh đạo, Rạp xiếc Trung ương giờ đã bật lên thành cái tên gây chú ý.

Gần đây, các buổi diễn của Rạp xiếc Trung ương thu hút sự chú ý nhờ kết hợp đa dạng phong cách biểu diễn. NSND Tống Toàn Thắng bày tỏ: “Những sản phẩm nghệ thuật xiếc không đơn thuần mà nó bao gồm rất nhiều yếu tố. Trong đó, một sản phẩm nghệ thuật được tổng hợp của đồng thời rất nhiều loại hình nghệ thuật. Nó bao gồm cả tính giải trí, tính giáo dục, cũng như là sự tương tác giữa nghệ sĩ với khán giả”. Đặc biệt, NSND bộc bạch thêm: “Chúng tôi có chiến lược đó là tìm được thị hiếu của khán giả trẻ, có những sản phẩm nghệ thuật để phục vụ riêng đối tượng khán giả trẻ”. Nhờ đó, các tiết mục xiếc dần trở nên sinh động và lôi cuốn hơn khi khéo léo kết hợp với yếu tố công nghệ, rock, cải lương, ảo thuật, tâm linh, văn hóa truyền thống, văn hóa nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc...).

Chia sẻ về sự phục hồi của ngành Xiếc, quản lý tại Rạp xiếc Trung ương cho biết, trung bình mỗi buổi diễn của rạp bán được 500 đến 800 vé, vào mùa du lịch hay khi thời tiết thuận lợi, lượng vé bán ra còn tăng. Không chỉ người dân Thủ đô và du khách trong nước, ngày càng nhiều khách quốc tế chọn Rạp xiếc Trung ương là điểm đến trong hành trình khám phá của họ. Trên mặt trận truyền thông, Rạp xiếc Trung ương nói riêng lẫn ngành Xiếc Việt Nam nói chung nhận về nhiều tín hiệu đáng mừng. Nhiều video về nghệ thuật xiếc có tần suất xuất hiện nhiều hơn trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Youtube, TikTok,... Riêng trên Tiktok, video của nghệ sĩ xiếc Phùng Duy Anh ghi nhận 3,2 triệu lượt xem và 255.000 lượt yêu thích, đồng thời thu về hàng trăm bình luận tích cực bày tỏ sự cổ vũ với nền nghệ thuật xiếc nước nhà.

Rạp xiếc Trung ương đón nhận lượng khán giả trẻ đông đảo.(Ảnh: Thiện Thư)

Rạp xiếc Trung ương đón nhận lượng khán giả trẻ đông đảo.(Ảnh: Thiện Thư)

Các nghệ sĩ Rạp xiếc Trung ương bày tỏ sự biết ơn khi nghề xiếc ngày càng được trân trọng và nhận được nhiều sự ủng hộ từ giới trẻ. Buổi diễn tại Rạp xiếc Trung ương ngày 08/12/2024 vừa rồi ghi nhận 2/3 số khán giả nằm trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Nhiều người trẻ có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng dành lời khen ngợi và thể hiện sự thích thú, ấn tượng của họ sau khi dành thời gian tới thưởng thức bộ môn nghệ thuật đầy đặc sắc, cuốn hút này.

Không chỉ trong nước, tới thời điểm hiện tại, nghệ thuật xiếc Việt Nam cũng đạt vô số thành tựu nổi trội trên địa bàn thế giới. Có thể nói, bên cạnh sự cổ vũ của khán giả Việt, nếu các cấp lãnh đạo có thêm nhiều định hướng đúng đắn, chắc chắn ngành Xiếc nước ta sẽ ngày càng phát triển và vươn xa hơn nữa trong tương lai.

Đọc thêm