Domantai - Ngọn đồi thánh giá kỳ diệu

(PLO) -Trải qua nhiều thế kỷ, Domantai không chỉ có những chiếc Thánh giá mà cả hình ảnh Chúa Jesus bị đóng đinh, những bức điêu khắc về những nhân vật yêu nước Lithuanian, hay tượng Đức mẹ Đồng Trinh và hàng nghìn hình nộm cùng với chuỗi tràng hạt được mang tới đây bởi những người hành hương theo Thiên Chúa giáo. 
 
Những hình ảnh về “Ngọn đồi Thánh giá"
Những hình ảnh về “Ngọn đồi Thánh giá"

Người ta ước tính có khoảng hơn 200.000 cây thánh giá trên ngọn đồi này, nhưng địa điểm này không phải là một nghĩa địa.

Ngọn đồi đầy huyền bí

Domantai hay con được gọi với cái tên “Ngọn đồi Thánh giá”, nằm ở miền Bắc cách thành phố công nghiệp Siauliai, Lithuania khoảng 11km và là điểm hành hương yêu thích của nhiều du khách thập phương trên thế giới.

Giữa không gian bao la của những cánh đồng cỏ thẳng tắp đến chân trời, đồi thánh giá nhô lên như là tâm điểm thu hút sự chú ý. Khoảng sân lớn trước đồi dựng bức tượng lớn Chúa bị đóng đinh trên cây thánh giá và ven theo hai bên bậc thang trung tâm là trùng trùng điệp điệp những cây thánh giá dựng chống chất lên nhau. Hình ảnh Chúa Jesus, đức mẹ Maria, hình nộm và tràng chuổi cầu kinh phủ kín ngọn đồi. Nhìn những cây thánh giá hay chuỗi ngọc đã bạc màu, hoen ố màu đồng và chi chít những mạng nhện bao phủ, người ta thầm hiểu rằng ngọn đồi có thâm niên khá lâu trong tín ngưỡng của người Lithuania.

Đi qua ngọn đồi này, người ta có cảm giác như gò đất này bị uốn cong do chịu sức nặng của hàng ngàn cây thánh giá. Khi gió thổi qua cánh đồng Siaulai thôn dã, những chuỗi hạt lộng lẫy đập leng keng vào những cây thánh giá bằng kim loại và bằng gỗ, khiến không gian vang động những tiếng hợp âm ma quái và đầy huyền bí.

Những hình ảnh về “Ngọn đồi Thánh giá”
Những hình ảnh về “Ngọn đồi Thánh giá”

Những truyền thuyết kỳ ảo

Được biết đến với cái tên “Ngọn đồi thánh giá”, nhưng lịch sử về nguồn gốc của gò đất này là một câu chuyện phức tạp về chiến tranh và những cuộc nổi dậy. Những huyền thoại cổ, những câu chuyện bí ẩn và những lời kể đầy ám ảnh xung quanh ngọn đồi khiến cho người ta bị hấp dẫn về nguồn gốc của nó.

Truyền thuyết đầu tiên theo lời lể của ôngVilius Puronas- một nhà sử gia và là nghệ sĩ địa phương, “Ngọn đồi này có rất nhiều bí mật. Theo văn học dân gian, ngày xưa ngọn đồi là một nhà thờ. Trong cơn bão khủng khiếp, sét đánh trúng và bão gió đã chôn vùi nó dưới cát đá cùng với tất cả những người trong nhà thờ thời điểm bấy giờ. Sau tai nạn ấy, người dân địa phương kể lại rằng họ nhìn thấy cả một đoàn linh hồn của các linh mục diễu hành dưới ngọn đồi lúc mặt trời mọc”.

Một truyền thuyết khác nói rằng, vào đầu những năm 1.300, ngọn đồi là nền tảng của tòa lâu đài bằng gỗ do một bá tước tà giáo ở vùng Samogitia vốn từng là một bang trong Đại Công quốc Lithuania, xây dựng nên. Năm 1348, lâu đài bị phá hủy bởi các tu sĩ, binh lính thuộc Hội Huynh đệ. Họ được giao nhiệm vụ cải đạo Livonia sang đạo Thiên chúa giáo. Nhiều người tin rằng, sau các trận giao tranh ở Samogitia những người sống sót đã thu gom thi thể của đồng đội ngã xuống và chôn cất họ trong một nấm mồ chung, từ đó tạo thành một gò đất cao. Cũng giống như hồn ma của các linh mục, oan hồn của những chiến binh Samogitia đã ngã xuống được cho rằng vẫn còn ám ngọn đồi này mỗi lúc đêm xuống.

Tuy nhiên, truyền thuyết nối tiếng nhất về nguồn gốc ra đời của ngọn đồi này là câu chuyện về một người cha tuyệt vọng có con gái đột nhiên bị lâm bệnh nặng. Khi cô con gái nằm trên giường bệnh trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, người cha trong lúc trông con gái đã mơ thấy hình ảnh một người phụ nữ nói với ông rằng hãy làm một cây thánh giá bằng gỗ và đặt lên ngọn đồi gần đó. Nếu ông thực hiện đúng theo lời nói này, con gái ông sẽ bình phục trở lại. 

Ngay buổi sáng hôm sau, người cha trong lòng tràn trề hy vọng đã nhanh chóng đục đẽo một cây thánh giá chữ thập bằng gỗ và chạy lên ngọn đồi. Khi quay trở về nhà, con gái của ông đã đứng trước cửa và hoàn toàn khỏe mạnh. Kể từ đó, mọi người xung quanh mỗi khi mong muốn hoặc cầu nguyện về một điều gì đó đều mang một cây thánh giá đặt lên ngọn đồi với hy vọng được đáp ứng lại. 

Những hình ảnh về “Ngọn đồi Thánh giá
Những hình ảnh về “Ngọn đồi Thánh giá

Nguồn gốc thật sự

Được biết, những cây thánh giá đầu tiên xuất hiện cách đây 185 năm do thân nhân của những người thiệt mạng trong cuộc nổi dậy vào năm 1831. Khoảng 10.000 đến 20.000 người đã chết trong cuộc chiến và người thân của họ quyết định đặt một cây thánh giá lên đồi nếu không tìm thấy thi thể, như lời cầu nguyện cho những linh hồn được yên nghỉ.

Tiếp đó, Ngọn đồi Thánh giá và người Lithuania đã trải một chuỗi những bi kịch, từ những cuộc bao vây thời Trung cổ của quân Thập tự chinh Đức, những cuộc nổi dậy vào thế kỷ 19 của người dân Lithuanian chống lại Sa hoàng Alexander Đệ nhị, đến việc đối mặt với chính quyền Liên bang Xô-viết trong Thế chiến II. 

Cụ thể trong Thế chiến II, 33% dân số Lithuania đã phải bỏ mạng, một triệu người Lithuania bị trục xuất, hành quyết, giam giữ hoặc bị chết trong các vụ giết người của phe đối lập. Vì muốn loại bỏ Thiên chúa giáo ra khỏi Đông Âu, chính phủ Liên Xô đã 3 lần cố gắng tìm cách xóa sổ ngọn đồi vào những năm 1960 và 1970. Với Xô Viết thời kỳ này, trồng một cây Thánh giá được xem là một tội lớn và có thể bị trừng phạt. Họ dùng xe ủi phá hủy, đốt các cây thập tự trinh bằng gỗ và đem những thánh giá bằng kim loại và đá vứt đi hoặc sử dụng trong những công trình xây dựng. Nếu phát hiện ai mang những cây thánh giá này ra khỏi ngọn đồi sẽ bị phạt tiền hoặc bắt giam. Không những thế, họ còn đào hẳn một con mương xung quanh đồi để ngăn chặn người dân xâm nhập vào. 

Những hình ảnh về “Ngọn đồi Thánh giá
Những hình ảnh về “Ngọn đồi Thánh giá

Đứng vững sau nhiều gian truân

Tuy nhiên, một điều kỳ lạ rằng mặc dù bị chính quyền Xô-viết cố tình xóa sổ nhưng ngọn đồi không những không mất đi mà ngày càng có nhiều thánh giá hơn nữa. Chúng được đưa đến vào ban đêm như là một hành động kháng cự lại sự đàn áp tôn giáo. Giờ đây, đã hơn một phần tư thế kỷ kể từ khi Liên Xô sụp đổ, những cây thánh giá vẫn còn đứng đó.

Năm 1991, ngọn đồi Thánh giá đã trở thành biểu tượng của sự đấu tranh dành độc lập. Vào thời điểm đó, đã có khoảng 35,000 chiếc Thánh giá được trồng lên ngọn đồi, khoảng cách giữa các cây Thánh giá khoảng từ vài cm đến 4 mét. Giáo Hoàng John Paul II đã từng ghé thăm nơi này vào năm 1993 và đã ban tặng một bức tượng Chúa Jesus.

Trong những năm sau đó, ngọn đồi trở thành địa điểm thu hút những tín đồ thiên chúa từ mọi tôn giáo thập phương - các thánh giá Thiên chúa giáo đứng cạnh những bảng khắc chữ Do Thái và những lời dạy của Kinh Koran. “Đồi Thánh giá không thuộc của riêng ai mà thuộc về tất cả mọi người. Cả nhà thờ hay chính quyền đều không sở hữu nó và người dân đưa thánh giá đến đây không phải vì bắt buộc mà là vì họ muốn làm như vậy”, ông Puronas nói. 

Giờ đây, Ngọn đồi Thánh giá được chính quyền Siauliai và các tu sỹ dòng Francis ở địa phương chăm sóc gìn giữ ở mức tối thiểu, giờ đây có đến hơn 200.000 cây thánh giá và các biểu tượng tôn giáo khác - và con số này vẫn đang tăng lên từng ngày.

“Đối với một số người, Domantai là nơi để họ chiêm nghiệm và cầu nguyện. Đối với một số người khác, nó tượng trưng cho sự kiên cường và bất khuất trong thời kỳ đen tối. Còn với một số người khác nữa nó là một hiện tượng thú vị, đầy sức thu hút trong cuộc sống buồn tẻ hàng ngày. Theo tôi dù nghĩ như thế nào thì tất cả đều đúng”, ông Puronas chia sẻ thêm.../.

Đọc thêm