“Đòn ác” của thị trường tân dược

(PLO) - Chưa bao giờ sức khỏe và tính mạng của con người lại bị đe dọa một cách khủng khiếp đến thế. Tân dược, đúng với chức năng của nó là chữa bệnh cứu người, nhưng với nhiều thủ đoạn của những kẻ buôn bán, sản xuất thuốc giả, kém chất lượng, chúng đã trở thành thuốc độc. Thế nhưng, các cơ quan chức năng mới chỉ xỷ lý được phần nổi của tảng băng chìm.
Kinh doanh tân dược đang bị cơ quan chức năng thả nổi?
Kinh doanh tân dược đang bị cơ quan chức năng thả nổi?

Phần nổi của tảng băng chìm

Liên tục, lực lượng quản lý thị trường, công an hằng năm đều có kiểm tra, phát hiện tình trạng kinh doanh thuốc giả, kém chất lượng tại đây. Song, dù bị xử lý thì chỉ một thời gian, vì lợi nhuận, không ít doanh nghiệp lại tái phạm.

Điển hình như vào tháng 8-2015, lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý tám doanh nghiệp vi phạm. Hay mới đây phòng PC 46 (Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 14, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện hàng trăm hộp thuốc Acnotin giả tại gian hàng 242 tại Trung tâm phân phối dược phẩm Hapulico, đường Vũ Trọng Phụng (Hà Nội)…

Đầu năm 2016, lực lượng chức năng đã phối hợp, đồng loạt kiểm tra ba cửa hàng thuốc (số 11A An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ; số 20 Nguyễn Biểu, phường Quán Thánh và 129 Phúc Xá, đều thuộc quận Ba Đình- Hà Nội) của Trần Thị Ánh Tuyết, trú tại phường Hàng Mã (Hà Nội).

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14, ông Hoàng Đại Nghĩa cho biết đối tượng Tuyết có tới 30 cửa hàng bán thuốc trên địa bàn. Hành vi của Tuyết đặc biệt nguy hiểm cho người bệnh. Khi người bệnh nặng dùng phải sẽ gây tác dụng phụ, biến chứng, ảnh hưởng đến tính mạng.

Hay ở TP Hồ Chí Minh, một vụ án gây xôn xao dư luận, vào tháng 7-2015. Phòng PC46 (Công an TP. Hồ Chí Minh) đã phát hiện vụ sản xuất tân dược giả với quy mô lớn tại quận Tân Bình. Khi các trinh sát phát hiện Nguyễn Hồng Nhiều (48 tuổi, quê Đắk Lắk) đang vận chuyển 50 lọ thuốc giảm đau, hạ sốt không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ đi tiêu thụ. Đồng thời, trinh sát cũng bắt quả tang Kiệt Hoàng Vũ (không rõ lai lịch) đang vận chuyển 140 hộp thuốc giả đi giao cho các đại lý trên địa bàn thành phố.

Nhiều và Vũ khai nhận đi giao hàng thuê cho Nguyễn Thị Xuân Hậu (44 tuổi, ngụ phường 11, quận Phú Nhuận, em gái Nhiều). Từ lời khai trên, Công an ập vào căn nhà của Hậu thuê để làm kho hàng trên đường Nguyễn Thanh Tuyền (phường 2, quận Tân Bình) khám xét. Tại đây, lực lượng Công an phát hiện hơn 6.000 vỉ, hơn 1.000 lọ và gần 200 hộp thuốc giả cùng 9kg nhãn mác các loại thuốc giảm đau, ngừa thai, viêm mũi, dị ứng… Phần lớn số tân dược thu giữ được ghi là có xuất xứ từ Pháp, Đức, Thái Lan, Ấn Độ đang bán thông dụng trên thị trường nhưng không có hóa đơn chứng từ…

Song, không ít ý kiến cho rằng, việc phát hiện xử lý còn quá ít so với thực tế. Không ít chuyên gia cho rằng, vì lợi nhuận, các đối tượng phạm pháp đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi hòng qua mặt các cơ quan chức năng.

Kinh doanh tân dược giả là tội ác

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng bùng phát là do nhu cầu sử dụng thuốc giá rẻ. Trong khi đó, do kinh doanh tân dược giả, kém chất lượng mang lại siêu lợi nhuận (mức sinh lời từ 200 - 450 lần) nên các cửa hàng bán lẻ thuốc sẵn sàng kinh doanh phi pháp.

Các đối tượng phạm pháp đã tạo thành cả những đường dây hoạt động, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, và thật sự đã tạo thành những cơn sóng lớn. Ngoài nhập khẩu và sản xuất thuốc giả trong nước, các đối tượng phạm pháp còn dùng kỹ thuật thay đổi nhãn mác, biến nhiều đơn vị thuốc hết hạn sử dụng thành thuốc mới, bán cho người bệnh.

Những năm qua, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã ban hành cả trăm quyết định thu hồi thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường. Lý do thu hồi cũng đủ cả, từ thuốc giả, thuốc chứa hoạt chất không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc không đúng hàm lượng đã đăng ký đến thuốc quá hạn sử dụng bị “phù phép”…

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra con số, mỗi năm trên thế giới có tới 200 nghìn người tử vong do sử dụng tân dược giả, và con số này sẽ tiếp tục tăng lên, nếu những kẻ phạm tội không bị nghiêm trị, để người bệnh có quyền được sử dụng tân dược thật.

Theo bác sĩ, chuyên gia phẫu thuật hàng đầu Việt Nam Võ Xuân Sơn, bán thuốc tân dược giả, hay đã hết hạn sử dụng là tội ác! Thật đáng tiếc, không chỉ được kinh doanh buôn bán ngoài đời thật, các đối tượng đã lợi dụng sự tiện lợi của mạng xã hội, tung nhiều chiêu bài quảng cáo, móc túi và hại người dân.

Đối tượng phạm pháp hoạt động tinh vi, song dù cố gắng, thì lực lượng chức năng vẫn mỏng, chưa tạo được “bàn tay thép” trong quản lý. Còn người dân thiếu thông tin, kiến thức để phân biệt thuốc giả, thuốc thật thì các đối tượng hám lợi vẫn tiếp tục trục lợi trên nỗi đau của người dân.

Bởi thế, theo Thượng tá Phạm Đình Tuyến, Phó trưởng phòng PC 46 (Công an TP Hà Nội) cho rằng, những người bán thuốc chân chính nên kết hợp với lực lượng chức năng, tẩy chay hàng giả, hàng kém chất lượng, để bảo vệ quyền lợi của mình.

“Bộ Y tế cần triển khai các biện pháp trong quản lý nhập khẩu và xác định giá trị của tân dược”, Thượng tá Tuyến nhấn mạnh. Nhiều chuyên gia còn chỉ ra, có kẽ hở trong công tác thu hồi thuốc giả, thuốc hết hạn sử dụng, nên phần lớn đã bị tẩu tán trước khi thu hồ, nên số lượng thu được quá ít ỏi.

Theo ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Luật Dược (sửa đổi) được thông qua, đã bổ sung nhiều vấn đề như kiểm soát giá thuốc, kiểm soát thuốc giả, thu hồi thuốc kém chất lượng, khuyến khích thuốc nội phát triển… Đây là điều kiện tốt để quản lý tốt hơn thị trường tân dược, giảm thiểu nguy cơ từ thị trường không lành mạnh, không an toàn.

Đọc thêm