Đón du khách thưởng thức vải thiều

(PLO) - Nhằm khai thác được nhiều hơn thế mạnh từ cây vải thiều, cùng những tài nguyên văn hóa địa phương, một số tỉnh đang gấp rút xây dựng các tour du lịch miệt vườn, du lịch trải nghiệm vào mùa quả chín để đón du khách trong và ngoài nước.
Du khách thích thú khi được thưởng thức vải ngay tại vườn.
Du khách thích thú khi được thưởng thức vải ngay tại vườn.

Rủ nhau “check in vườn vải”!

Mùa vải thiều chỉ kéo dài trong khoảng thời gian 2 tháng nhưng đây cũng là dịp để du khách có thể về trải nghiệm những vườn vải và thưởng thức những quả vải thơm ngọt cùng những đặc sản khác gắn liền với cây vải. Du khách tham quan những đồi vải thiều sai trĩu quả, được thỏa niềm đam mê chụp ảnh, trải nghiệm công việc thu hái vải thiều, tận tay lựa chọn những chùm quả thơm ngon, ngọt lịm chính danh vải thiều về thưởng thức và làm quà cho người thân. Hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương đã tạo thành một thứ quả ngon ngọt, “đốn tim”người thưởng thức. Quả vải thiều có đặc điểm, khi chín màu đỏ, hạt nhỏ cùi dày, khi ăn có vị ngọt đậm đà, thơm mát, khiến người ăn cứ muốn thưởng thức thêm và muốn mua thật nhiều để làm quà cho người thân. 

Bắc Giang được biết tới là “thủ phủ” vải thiều được trồng tại nhiều địa phương nhưng diện tích, sản lượng lớn và nổi tiếng hơn cả là Lục Ngạn. Huyện Lục ngạn có hơn 27 nghìn héc-ta cây ăn quả, trong đó có hơn 15 nghìn héc-ta cây vải thiều, là vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc. Cây vải thiều đã và đang khẳng định được thương hiệu và là cây thế mạnh xuất khẩu của huyện Lục Ngạn cũng như của tỉnh Bắc Giang. Năm 2018, dự kiến Lục Ngạn sẽ thu hoạch khoảng 100.000 tấn vải thiều.

Mùa vải thiều chín, Lục Ngạn trở nên đông đúc, nhộn nhịp. Người dân hối hả hái những chùm vải đỏ mọng, bóng mượt. Mùa vải chín, Lục Ngạn thực sự trở thành ngày hội, ngoài cảnh tấp nập mua bán, các đoàn khách du lịch, bạn bè người thân của người vùng vải dịp này cũng thường lên tham quan, thăm hỏi nhau. Hàng ngàn lao động thời vụ ở các địa phương khác cũng đổ về Lục Ngạn, tạo nên một Lục Ngạn sầm uất và đầy màu sắc. 

Để đạt được mục tiêu lấy cây vải thiều là cơ sở kết nối các giá trị về kinh tế, văn hóa, du lịch, Lục Ngạn đã quy hoạch một số điểm phát triển du lịch miệt vườn, đào tạo nghiệp vụ du lịch cho người dân địa phương, bố trí các điểm đến đẹp, thuận lợi cho hành trình của khách du lịch tại các xã Quý Sơn, Hồng Giang, Thanh Hải…

Sở VH-TT&DL Bắc Giang vừa tổ chức đoàn khảo sát thực tế tại một số điểm du lịch gắn với mùa vải thiều tại Lục Ngạn. Đoàn khảo sát gồm đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Vụ Lữ hành, Vụ Thị trường, Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch, Trung tâm Thông tin du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đại diện các DN lữ hành trong và ngoài tỉnh. 

 Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ sớm triển khai quy hoạch phát triển hai tuyến đường đến Lục Ngạn, tạo thuận lợi cho du lịch và xuất khẩu vải thiều. Mùa vải thiều chín kéo dài từ tháng năm, đến hết tháng bẩy. Lục Ngạn mong sẽ còn tiếp đón nhiều đoàn du khách, du ngoạn.

Khám phá nguồn gốc vải tổ

Được mệnh danh “vương quốc vải thiều”, Thanh Hà (Hải Dương) có khoảng 4.000ha trồng vải được người dân áp dụng trồng theo tiêu chuẩn VietGap, trong đó có 1.000ha vải sớm. Vải thiều được trồng theo tiêu chuẩn VietGap có mẫu mã đẹp, kích thước quả vải cũng như chất lượng khá đồng đều nên được các doanh nghiệp tiêu thụ đánh giá cao. Để quảng bá và gia tăng giá trị sản phẩm vải thiều Thanh Hà, lần đầu tiên Hải Dương tổ chức Lễ hội vải thiều Thanh Hà được diễn ra vào giữa tháng 6/2018 và giới thiệu các tour du lịch trong mùa vải này.

Ông Nguyễn Đức Tuấn - Bí thư huyện ủy Thanh Hà cho hay, mùa vải thiều chỉ kéo dài trong khoảng thời gian 2 tháng, nhưng đây cũng là dịp để du khách có thể về trải nghiệm những vườn vải dọc theo sông Hương và thưởng thức những quả vải thơm ngọt cùng những đặc sản khác gắn liền với cây vải, với sông Hương như: rươi, cáy, mật ong hoa vải, sữa ong chúa, gà Thanh Hà….

Không chỉ thu hút du khách trong mùa vải thiều, tiềm năng phát triển du lịch văn hóa tâm linh của Thanh Hà rất lớn khi huyện có 30 di tích được xếp hạng trong đó có 13 di tích được xếp hạng quốc gia, 2 di sản văn hóa và 01 bảo vật quốc gia như: chùa Minh Khánh, cây vải tổ thôn Thúy Lâm, chùa Động Ngọ, chùa Bạch Hào, rối nước Thanh Hải, các vườn vải… Cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn có tuổi đời 200 năm là cây vải đầu tiên được đem về trồng tại Thanh Hà, nơi bắt nguồn của những vùng vải không chỉ ở đây mà còn ở khắp miền Bắc. Gắn với cây vải là những sự tích khá ly kỳ và hấp dẫn.

“Vải thiều Thanh Hà đã nổi tiếng hàng trăm năm nay, là một đặc sản gắn liền với Hải Dương, nhưng giá trị mới chủ yếu được khai thác ở khía cạnh thương mại hữu hình là mua bán quả vải, chứ chưa thu được nhiều lợi ích từ du lịch. “Mỗi năm chỉ có một mùa vải, giá vải lại thường bấp bênh, nên thu nhập từ quả vải không ổn định. Nếu khai thác được du lịch gắn với mùa vải sẽ giúp tăng giá trị cho cây vải cũng như các điểm du lịch khác ở Thanh Hà. Đó là mục đích chính để Trung tâm Thông tin- Xúc tiến du lịch xây dựng một mô hình du lịch mới ở đây”- ông Khổng Quốc Tuân, Giám đốc trung tâm cho biết. 

Thời gian tới, Hải Dương đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm nhằm tạo giá trị gia tăng hơn nữa cho quả vải thiều, để khi du khách đến với Thanh Hà bất cứ thời gian nào trong năm cũng có thể mua những sản phẩm vải thiều đã được chế biến đóng gói mang về làm quà.