Đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ yêu cầu bồi thường

(PLO) - Ngày 20 tháng 6 năm 2017, Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018 (Luật TNBTCNN năm 2017), thay thế cho Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 với nhiều nội dung mới, tiến bộ được sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi cho người dân trong việc yêu cầu cơ quan nhà nước bồi thường thiệt hại cho mình.

Rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu bồi thường

Về thời gian yêu cầu giải quyết bồi thường: Với quan điểm chỉ đạo khi xây dựng dự án Luật TNBTCNN năm 2017 là sửa đổi quy định về quy trình, thủ tục giải quyết bồi thường theo hướng rút ngắn các bước và thời gian giải quyết yêu cầu bồi thường (giảm từ 125 ngày xuống còn trên 50 ngày), nên thời gian giải quyết yêu cầu bồi thường theo Luật TNBTCNN năm 2009 trước đây thông thường trên dưới 100 ngày, nay rút ngắn xuống ở các bước giải quyết yêu cầu bồi thường xuống chỉ còn một nửa, khoảng trên dưới 50 ngày. Đây là một nỗ lực vượt bậc của Ban soạn thảo và Quốc hội nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân bị thiệt hại sớm nhận được tiền bồi thường của Nhà nước để kịp thời bù đắp những tổn thất, thiệt hại về tinh thần và vật chất.

 Về hồ sơ yêu cầu bồi thường: Luật TNBTCNN năm 2017 đã đơn giản hóa và quy định cụ thể, rõ ràng các tài liệu trong hồ sơ yêu cầu bồi thường tại Điều 41 của Luật nhằm hạn chế tối đa việc người yêu cầu bồi thường phải đi lại, bổ sung hồ sơ, giấy tờ nhiều lần. Do đó, trường hợp người bị thiệt hại trực tiếp yêu cầu bồi thường thì hồ sơ yêu cầu bồi thường, bao gồm: Văn bản yêu cầu bồi thường; Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp người bị thiệt hại không được gửi hoặc không thể có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường; Giấy tờ chứng minh nhân thân của người bị thiệt hại; Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường (nếu có).

Trường hợp người yêu cầu bồi thường là người thừa kế (nếu có nhiều người thừa kế thì những người thừa kế đó phải cử ra một người đại diện) hoặc là người đại diện của người bị thiệt hại thì ngoài các tài liệu gồm văn bản yêu cầu bồi thường, văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp người bị thiệt hại không được gửi hoặc không thể có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường và các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường (nếu có), hồ sơ còn phải có các tài liệu sau đây: Giấy tờ chứng minh nhân thân của người thừa kế, người đại diện của người bị thiệt hại; Văn bản ủy quyền hợp pháp trong trường hợp đại diện theo ủy quyền; Trường hợp người bị thiệt hại chết mà có di chúc thì người yêu cầu bồi thường phải cung cấp di chúc, trường hợp không có di chúc thì phải có văn bản hợp pháp về quyền thừa kế.

Có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính

Văn bản yêu cầu bồi thường phải có nội dung chính sau đây: Họ, tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc (nếu có) của người yêu cầu bồi thường; Ngày, tháng, năm làm văn bản yêu cầu bồi thường; Hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ; Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ; Thiệt hại, cách tính và mức yêu cầu bồi thường; Đề nghị tạm ứng kinh phí bồi thường (nếu có); Đề nghị cơ quan giải quyết bồi thường thu thập văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường nhưng phải nêu rõ tên văn bản và địa chỉ thu thập văn bản đó trong trường hợp người yêu cầu bồi thường không có khả năng thu thập văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường; Yêu cầu phục hồi danh dự (nếu có); Yêu cầu khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác (nếu có).

Trường hợp người bị thiệt hại chỉ yêu cầu phục hồi danh dự thì văn bản yêu cầu bồi thường phải có nội dung, bao gồm: Họ, tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc (nếu có) của người yêu cầu bồi thường; Ngày, tháng, năm làm văn bản yêu cầu bồi thường; Hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ; Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ; Đề nghị cơ quan giải quyết bồi thường thu thập văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường nhưng phải nêu rõ tên văn bản và địa chỉ thu thập văn bản đó trong trường hợp người yêu cầu bồi thường không có khả năng thu thập văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường; Yêu cầu phục hồi danh dự (nếu có).

Cách thức nộp hồ sơ: Người yêu cầu bồi thường nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan giải quyết bồi thường. Trường hợp chưa xác định ngay được cơ quan giải quyết bồi thường, người yêu cầu bồi thường nộp hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi người bị thiệt hại cư trú hoặc có trụ sở. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác định cơ quan giải quyết bồi thường, chuyển hồ sơ đến cơ quan giải quyết bồi thường và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu bồi thường.

Yêu cầu về chứng thực hồ sơ yêu cầu bồi thường: Trường hợp người yêu cầu bồi thường trực tiếp nộp hồ sơ thì các giấy tờ, tài liệu và chứng cứ gồm văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp người bị thiệt hại không được gửi hoặc không thể có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường; giấy tờ chứng minh nhân thân của người bị thiệt hại; tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường (nếu có); văn bản ủy quyền hợp pháp trong trường hợp đại diện theo ủy quyền; trường hợp người bị thiệt hại chết mà có di chúc thì người yêu cầu bồi thường phải cung cấp di chúc, trường hợp không có di chúc thì phải có văn bản hợp pháp về quyền thừa kế. Tất cả các tài liệu, giấy tờ và chứng cứ phải nộp này là bản sao nhưng phải có bản chính để đối chiếu. Trường hợp người yêu cầu bồi thường gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính thì các giấy tờ, tài liệu và chứng cứ nêu trên là bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật về chứng thực.

Đọc thêm