- Luật gia Bùi Đức Độ trả lời: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”. Khi có hành vi xâm phạm quyền tác giả, tác giả có quyền: (1) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền tác giả phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; (2) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Luật quy định có các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như sau: Biện pháp dân sự, biện pháp hành chính và biện pháp hình sự. Trường hợp anh nêu, có sự tranh chấp về quyền tác giả nên anh phải khởi kiện ra Tòa để buộc người xâm phạm quyền tác giả chấm dứt hành vi xâm phạm; xin lỗi, cải chính công khai; thực hiện nghĩa vụ dân sự; bồi thường thiệt hại.
Để được Tòa án chấp nhận yêu cầu của mình, anh có quyền và nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả như: Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, trích lục Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan; Chứng cứ cần thiết để chứng minh căn cứ phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan trong trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan; Chứng cứ về hành vi xâm phạm quyền tác giả và các chứng cứ khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Trong trường hợp có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì anh phải chứng minh thiệt hại thực tế đã xảy ra và nêu căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ (Điều 202, 203 Luật Sở hữu trí tuệ).