Là luật sư chủ hợp danh quốc tế của hãng luật danh tiếng Baker& McKenzie, Trần Mạnh Hùng có cơ hội được tiếp cận với các thương vụ M&A rất “đình đám”. Trước thềm năm mới, Trần Mạnh Hùng nhận định nhà đầu tư nước ngoài sẽ rời Việt Nam ngày một nhiều hơn và đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước “mua rẻ” các dự án.
LS Trần Mạnh Hùng |
Thưa ông, có vẻ như nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam đang giảm, bằng chứng là những hãng luật lớn chuyên tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như công ty của ông năm qua có vẻ cũng…ít việc đi?
Đúng là nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang giảm và một số doanh nghiệp lớn đang bán cổ phần vì họ không đủ vốn để tiếp tục hoạt động. Thực sự thì vốn đầu tư nước ngoài đã giảm cách đây 1 năm và một số dự án vốn đăng ký cả tỷ đô la Mỹ cũng đang có xu hướng rút khỏi Việt Nam.
Năm ngoái và năm nay là thời điểm chững lại của các luật sư và công ty luật chuyên tư vấn đầu tư và chúng tôi thấy rằng năm sau sẽ còn khó khăn hơn. Tuy nhiên với lượng khách hàng trung thành và truyền thống của mình, chúng tôi vẫn đang hoạt động ổn định và bền vững, cho dù khách hàng không ồ ạt vào Việt Nam như nhiều năm trước, và ít ra luật sư tư vấn không phải làm việc qua đêm như trước kia (cười).
Theo ông thì có bao nhiêu nguyên nhân khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ thị trường Việt Nam?
Thứ nhất do nền kinh tế ở nước sở tại của nhà đầu tư đang gặp khó khăn nên họ rút vốn lại. Ngoài ra, khi nhà đầu tư tiến hành điều nghiên ban đầu cho đến khi chính thức bắt tay vào đầu tư, nhà đầu tư “ngộ ra” những chênh vênh trên thực tế nên họ rút lại một số quyết định đầu tư.
Trong bối cảnh ASEAN nói riêng và Châu Á nói chung thì Việt Nam chúng ta đang phải cạnh tranh khốc liệt với các nước láng giềng về thu hút đầu tư, cụ thể và trực tiếp là Thái Lan và Inđônêxia. Sau cơn đại hồng thủy gần đây, Thái Lan gặp rất nhiều khó khăn; các nhà máy sản xuất linh kiện đặt ở Thái Lan không sản xuất đủ nguyên liệu để cung ứng cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản, nên các nhà đầu tư này đã dự định chuyển sang Inđônêxia và/hoặc Việt Nam.
Tuy nhiên người Thái rất biết cách giữ chân nhà đầu tư, Thủ tướng Thái đã có những động thái tuyệt vời để níu chân nhà đầu tư nên có khả năng các nhà đầu tư sẽ không ra đi. Do đó, việc đón đầu làn song đầu tư của Nhật từ Thái Lan chuyển vùng sang Việt Nam có thể sẽ không như trông đợi.
Thứ hai chúng ta nói rất nhiều về đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, tuy nhiên, thực tiễn thực hiện còn quá nhiều hạn chế. Đơn cử như có những vụ việc công ty nước ngoài có trụ sở chính ở Hà Nội đã sửa Giấy chứng nhận đầu tư, khi tiến hành xin phê chuẩn sửa đổi giấy phép chi nhánh của họ ở TP HCM, nhà đầu tư lại phải làm lại toàn bộ giấy tờ từ đầu vì cơ quan chức năng cho rằng việc sửa giấy phép chi nhánh cho tương hợp với Giấy chứng nhận đầu tư của công ty chính ở Hà Nội vẫn là “một dự án mới”. Theo đó, Sở KHĐT thành phố HCM lại tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của bộ liên quan, và nhà đầu tư thì chỉ còn biết chạy theo một chu trình phê chuẩn từ đầu như họ đã từng làm ở Hà Nội.
Bên cạnh những khó khăn về mặt vận hành hệ thống thì các nhà đầu tư cũng rất e ngại lạm phát phi mã tại Việt Nam. Họ cũng quan tâm tới vấn đề hoạch định chính sách, họ cần sự an tâm và biết trước năm tới có những luật nào được ban hành, luật nào sẽ sửa, có ảnh hưởng như thế nào đến các ưu đãi đầu tư hay không…mà những thông tin này thì không phải lúc nào cũng có thể tiếp cận một cách nhanh chóng.
Cũng có một số nhà đầu tư rời Việt Nam vì họ cảm thấy Việt Nam không còn là thị trường tiềm năng của họ nữa hoặc họ gặp khó khăn về tài chính hoặc bản thân công ty mẹ của họ đang và sẽ tái cơ cấu lại trong nội bộ.
Dù chúng ta muốn níu chân họ lại, tuy nhiên, sự ra đi trong trường hợp này đôi khi cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam chúng ta có thể mua lại những dự án của họ nếu thấy rẻ và thuận lợi để phát triển vì chúng ta có “lợi thế sân nhà”.
Ông có thể nói cụ thể hơn về các dự án mà doanh nghiệp Việt Nam đã và sẽ có thể mua lại?
Khá nhiều. Hiện có nhiều doanh nghiệp trong nước đã và đang mua lại cổ phần các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, cụ thể như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, chung cư cao cấp, nhà máy chế biến đường, và các nhà máy sản xuất khác.
Đã có doanh nghiệp nào mua lại được các dự án như ông vừa nói hay chưa và có “mua được rẻ” không thưa ông?
Thực sự là có những dự án cũng rẻ (theo ý kiến của bên mua), do đó mua được là có lợi. Tuy nhiên, thực tế là có những nhà đầu tư chân chính muốn mua lại cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài để tiếp tục hoạt động và mang lại công ăn việc làm cho người lao động địa phương, nhưng khi họ làm thủ tục mua lại cổ phần thì cả năm nay vẫn chưa được phê chuẩn. Một điều đáng lưu ý là: các dự án đó không phải là dự án xấu mà đơn giản vì nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng Việt Nam không còn là thị trường trọng điểm của công ty mẹ và do vì nhà đầu tư nước ngoài đã và đang tiến hành tái cơ cấu, thu hẹp thị trường.
Doanh nghiệp Việt có thể mua rẻ nhiều dự án trong lĩnh vực bất động sản... |
Thủ tục mua bán này có phải quá phức tạp không và để tháo gỡ những bất cập như ông vừa nói cần phải làm những gì?
Hiện nay có nhiều dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu gián tiếp thông qua các phương tiện đầu tư (investment vehicles) là những công ty thành lập tại hải ngoại (ví dụ tại BVI, Hồng Kông hay Singapore).
Khi nhà đầu tư nước ngoài muốn rút vốn ra khỏi dự án, họ thường bán cổ phần của họ trong công ty hải ngoại thay vì bán dự án hay công ty con tại Việt Nam. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khác mua lại dự án, nhưng lại bất lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam có nhu cầu. Khó khăn của các nhà đầu tư Việt Nam xuất phát chủ yếu về các quy định của pháp luật trong nước liên quan tới hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là về ngoại hối và thủ tục cấp phép.
Về ngoại hối, để nhà đầu tư có thể mua cổ phần trong công ty hải ngoại, họ sẽ cần huy động vốn bằng ngoại tệ (nếu họ không muốn chịu rủi ro về tỷ giá do huy động vốn bằng đồng Việt Nam và sau đó quy đổi sang ngoại tệ).
Tuy nhiên, nếu nguồn vốn ngoại tệ này có nguồn gốc từ khoản vay do các ngân hàng Việt Nam cấp, họ sẽ phải xin phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước bởi đầu tư ra nước ngoài không thuộc vào phạm vi các lĩnh vực mà các ngân hàng Việt Nam được phép quyết định cho vay bằng ngoại tệ. Ngoài ra, với chính sách tiền tệ thắt chặt như hiện nay, việc huy động được một khoản ngoại tệ lớn và chuyển khoản tiền này ra khỏi Việt Nam cũng là một khó khăn đáng kể.
Về thủ tục cấp phép, việc nhà đầu tư Việt Nam mua cổ phần trong công ty hải ngoại sẽ bị coi là hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Tùy từng trường hợp cụ thể, hoạt động này có thể là đầu tư trực tiếp hay đầu tư gián tiếp (và ranh giới giữa hai vấn đề này thường là không rõ ràng).
Đối với đầu tư gián tiếp, về chính sách hiện nay Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho hoạt động này. Trong trường hợp đầu tư trực tiếp, quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài sẽ được áp dụng và về nguyên tắc nhà đầu tư Việt Nam sẽ cần xin giấy chứng nhận đầu tư từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tuy nhiên, thủ tục xin phép đầu tư ra nước ngoài hiện nay được thiết kế với dự kiến là nhà đầu tư trong nước sẽ có một dự án đầu tư cụ thể tại nước ngoài và nội dung các hồ sơ xin cấp phép xoay quanh các thông tin về dự án đó.
Điều này không phù hợp với việc nhà đầu tư trong nước chỉ đơn thuần mua cổ phần của một công ty nước ngoài và không có một dự án cụ thể tại nước ngoài (mà thực tế dự án của công ty nước ngoài đó lại ở Việt Nam). Do vậy, quá trình thẩm định hồ sơ của các cơ quan hữu quan bị kéo dài và nhà đầu tư trong nước phải mất nhiều thời gian cho việc giải trình bổ sung các vấn đề khác nhau trước khi được cấp phép.
Các khó khăn nêu trên làm cho thời gian thực hiện giao dịch của nhà đầu tư Việt Nam bị trì hoãn đáng kể và làm tăng rủi ro giao dịch bị đổ bể. Thông thường, khi nhà đầu tư nước ngoài muốn rút khỏi dự án, họ sẽ muốn thu hồi lại vốn càng sớm càng tốt và yếu tố quan trọng để họ chọn người mua là khả năng thanh toán nhanh.
Các nhà đầu tư nước ngoài có lợi thế rõ ràng so với các nhà đầu tư Việt Nam về việc đáp ứng yêu cầu này bởi họ không gặp phải các trở ngại như các nhà đầu tư Việt Nam. Chính vì vậy, các nhà đầu tư Việt Nam đang chịu thiệt thòi so với các nhà đầu tư nước ngoài khi họ mong muốn đầu tư vào các dự án trên chính đất nước mình.
Từ thực tế này tôi cho rằng các cơ quan chức năng của ta cũng nên uyển chuyển, không cấp phép ồ ạt nhưng với những trường hợp mua thật, lợi ích cho đất nước thì nên cấp phép nhanh chóng và giản tiện các thủ tục rườm rà. Nếu việc chuẩn thuận không được cấp nhanh chóng, doanh nghiệp ta sẽ bị phạt (thậm chí bị phạt nặng) vì hợp đồng mua bán đã ký.
Trong một số trường hợp, doanh nghiệp ta phải trả tiền lãi cho bên bán trong một thời gian dài khi chờ được chuẩn thuận đầu tư ra nước ngoài. Thậm chí, thương vụ mua bán có thể bị hủy bỏ trong trường hợp chuẩn thuận không được cấp hoặc được cấp quá trễ -- trong trường hợp này, doanh nghiệp ta là người chịu thiệt đơn thiệt kép.
Tôi cho rằng nếu cơ chế uyển chuyển thì thị trường M&A sẽ rất sôi động vào năm tới và điều này có lợi hơn cho các công ty Việt Nam.
Còn để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài thì sao thưa ông?
Thời gian qua báo chí có nói về hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài có những biểu hiện tiêu cực như trốn thuế, chuyển giá… song đó chỉ là hiện tượng cá biệt còn nhìn chung các nhà đầu tư nước ngoài đang có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Họ nộp thuế, chuyển giao công nghệ (bao gồm cả công nghệ “mềm” về kỹ năng tinh xảo) và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
Nhân nói về chuyện thông tin “xấu” về nhà đầu tư nước ngoài trên báo chí, tôi cũng muốn nói một điều: nếu báo chí nhìn họ méo mó và làm cho hình ảnh họ xấu đi thì họ sẽ có cảm giác bị tổn thương và với hình ảnh không được nhìn nhận một cách thiện cảm nữa, nhà đầu tư dễ bị nản và không muốn ở lại dài lâu với chúng ta. Chúng ta biết rằng nước láng giềng như Thái Lan luôn năn nỉ nhà đầu tư hãy ở lại với họ, và trong quan hệ đầu tư, yếu tố văn hóa rất quan trọng. Nhà đầu tư trọng tình như Nhật Bản đôi khi không dễ gì dứt áo ra đi khi chủ nhà tốt đến thế!
Để giữ các nhà đầu tư tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần biến chính sách thành hành động và đừng đổ lỗi cho hệ thống. Hệ thống không có lỗi (thậm chí hệ thống của chúng ta cũng tốt đấy chứ!). Hệ thống là do con người tương tác vào, và vì vậy hơn bao giờ hết, các cơ quan chức năng phải giản tiện, nhanh gọn, hiệu quả và thực tiễn hơn thay vì nói những điều đao to búa lớn. Những nhà hoạch định chính sách và những cán bộ tương tác vào chính hệ thống hàng ngày của các Sở KHĐT cần bớt máy móc và thay đổi tư duy, cần làm nhanh, hiệu quả và thực tiễn hơn thì mới giữ chân được nhà đầu tư và thông qua đó thu hút thêm đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
Năm 2006, Luật sư Trần Mạnh Hùng được bổ nhiệm là luật sư chủ hợp danh địa phương (Local Partner) của hãng luật đa quốc gia Baker& McKenzie (B&M). Sau 5 năm làm việc với những thành công liên tiếp, Luật sư Trần Mạnh Hùng được B&M chính thức bổ nhiệm vào vị trí Luật sư chủ hợp danh Quốc tế (Principal) kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2011, và trở thành người Việt Nam đầu tiên và trẻ nhất trong lịch sử hãng luật lớn nhất thế giới B&M được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng này. |
Thanh Lương ( thực hiện)