Đơn phương chấm dứt hợp đồng, bệnh viện Thanh Nhàn có nguy cơ “hầu tòa”?

Luật sư Lê Thành Vinh phân tích: Đây có thể coi là việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của bệnh viện Thanh Nhàn (BVTN), gây thiệt hại cho Công Ty Đ-Y33. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt, bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại cho bên còn lại. Trong trường hợp này BVTN là bên có lỗi và phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho Công Ty Đ-Y33.

[links()]Sự việc bệnh viện Thanh Nhàn (BVTN) đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn với công ty Đ-Y 33 khiến cán bộ, công nhân viên công ty này bức xúc tổ chức căng băng rôn trước khu khám bệnh của BVTN để yêu cầu một cuộc đối thoại minh bạch đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Trao đổi với PLVN, tiến sĩ, luật sư Lê Thành Vinh, Phó TGĐ công ty Luật SMiC cho rằng công ty Đ-Y 33 hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để khởi kiện BVTN.

Luật sư Lê Thành Vinh phân tích: Đây có thể coi là việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của BVTN, gây thiệt hại cho Công Ty Đ-Y33. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt, bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại cho bên còn lại. Trong trường hợp này BVTN là bên có lỗi và phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho Công Ty Đ-Y33.

Luật sư Lê Thành Vinh
Luật sư Lê Thành Vinh

Để làm rõ những nhận định luật sư vừa đưa ra, trước hết xin luật sư phân tích tính pháp lý của 3 hợp đồng mà Công ty Đ-Y 33 đã ký kết với BVTN và hiệu lực pháp lý của các hợp đồng này cho đến thời điểm hiện tại (sau khi giám đốc Công ty Đ-Y 33 cũ đã đi tù)?

Qua tiếp cận hồ sơ vụ việc, chúng tôi được biết trên cơ sở chủ trương xã hội hóa trong hoạt động y tế, Công ty TNHH kinh doanh và dịch vụ thiết bị Y tế Đ-Y 33 và Bệnh viện Thanh Nhàn đã ký kết 03 hợp đồng. Theo các Hợp Đồng này, Công Ty Đ-Y 33 sẽ đầu tư mua sắm, lắp đặt các thiết bị y tế và cho BVTN thuê để cung cấp dịch vụ cho bệnh nhân của BVTN; BVTH có trách nhiệm bố trí bác sỹ, kỹ thuật viên vận hành các thiết bị thuê; BVTN trả tiền thuê cho Công Ty Đ-Y 33  dưới hình thức phần trăm tổng thu từ việc cung cấp dịch vụ; thời hạn các hợp đồng thuê thiết bị này là 10 năm.

Tôi cho rằng các Hợp Đồng đã ký hoàn toàn có hiệu lực pháp lý vì thỏa mãn các điều kiện để một giao dịch dân sự có hiệu lực. Cụ thể như sau:

(1) Các Bên tham gia ký kết hợp đồng có đầy đủ chức năng, thẩm quyền để ký kết và thực hiện Hợp Đồng; (2) Các Hợp Đồng được ký kết bởi người đại diện có thẩm quyền của các bên tại thời điểm ký kết. Cụ thể, về phía BVTN là ông Đặng Văn Chính, Giám đốc bệnh viện tại thời điểm ký kết, về phía Công Ty Đ-Y33 là ông Nguyễn Quang Đạt, Giám đốc công ty tại thời điểm ký kết; (3) các Bên ký kết hợp đồng hoàn toàn tự nguyện; và (4) Các Hợp Đồng không vi phạm bất cứ điều cấm nào của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Về việc Ông Nguyễn Quang Đạt, Giám đốc cũ của Công Ty Đ-Y33 đã có hành vi vi phạm pháp luật và hiện đang phải chấp hành hình phạt tù, chúng tôi cho rằng điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý của các Hợp Đồng đã ký kết do Công Ty Đ-Y33 là một pháp nhân độc lập, có quyền và nghĩa vụ độc lập với Ông Đạt và bất kỳ bên thứ ba nào khác. Ông Đạt đã chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật do hành vi vi phạm của mình. Nói một cách dễ hiểu hơn, trên phương diện pháp lý, việc Ông Đạt đang chấp hành hình phạt tù và hiệu lực pháp lý của các Hợp Đồng đã ký kết giữa BVTN và Công Ty Đ-Y33 là hai câu chuyện hoàn toàn riêng biệt, không có bất kỳ mối quan hệ nào.  

Hiện nay, để không làm gián đoạn hoạt động, Ông Nguyên An Huy đã được chỉ định thay ông Đạt làm Giám đốc Công Ty Đ-Y33. Việc thay đổi giám đốc đã được Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Thành phố Hà Nội ghi nhận trong giấy chứng nhận doanh nghiệp sửa đổi cấp cho Công Ty Đ-Y33. Việc thay thế người đại diện theo pháp luật của Công Ty Đ-Y33 tất nhiên cũng không làm ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của các hợp đồng đã ký kết giữa Công Ty Đ-Y33 và BVTN.

anh1.jpg
Bức xúc vì không đối thoại được với BVTN, công ty Đ-Y 33 cho nhân viên căng băng rôn tại khu khám bệnh ngày 1/8 vừa qua.

Trong trường hợp công ty Đ-Y 33 không được bố trí vị trí mới, các thiết bị y tế đã đầu tư không được tiếp tục khai thác thì ai phải chịu trách nhiệm, Công Ty Đ-Y 33 có thể kiện đòi bồi thường hợp đồng được hay không, thưa luật sư?

Trong các Hợp Đồng đều quy định rõ: Nếu Bên A (Bệnh viện Thanh Nhàn) có quy hoạch lại mặt bằng bệnh viện thì phải có trách nhiệm bố trí một vị trí khác với diện tích tương đương và nhà cửa cho Bên B đủ điều kiện để làm việc. Như vậy, rõ ràng là nếu Công Ty Đ-Y33 không được bố trí vị trí mới, các Thiết Bị đã đầu tư không được tiếp tục khai thác thì đương nhiên là BVTN đã vi phạm hợp đồng đã ký kết. Việc vi phạm này chắc chắn dẫn đến những thiệt hại về tài sản và theo quy định của pháp luật thì BVNTN phải hoàn chịu trách nhiệm bồi thường. Công ty Đ-Y33 hoàn toàn có đầy đủ cơ sở pháp lý để kiện đòi bồi thường.  

Còn về việc từ ngày 1/8/2013 BVTN không còn bố trí, phân công bác sỹ để vận hành các thiết bị y tế thì sao, thưa Luật sư, phía bệnh viện có quyền làm như vậy hay không?

Theo chúng tôi được biết từ ngày 01/8/2013, BVTN đã không bố trí, phân công bác sỹ vận hành các thiết bị y tế. Điều này khiến cho toàn bộ may móc, thiết bị y tế tại Trung tâm chẩn đoán hình ảnh chất lượng cao không thể hoạt động được. Chúng tôi nhận thấy đây có thể coi là việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của BVTN, gây thiệt hại cho Công Ty Đ-Y33. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt, bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại cho bên còn lại. Trong trường hợp này BVTN là bên có lỗi và phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho Công Ty Đ-Y33.

Ngoài ra, theo thông tin mà Công Ty Đ-Y33 cung cấp, từ nhiều tháng nay BVTN đã không thanh toán đầy đủ cho Công Ty Đ-Y33 tiền dịch vụ mà họ thu của bệnh nhân soi, chiếu, chụp theo tỷ lệ thỏa thuận trong Hợp Đồng. Hành vi này rõ ràng là hành vi vi phạm các hợp đồng đã ký kết và cũng phát sinh trách nhiệm thực hiện đúng hợp đồng (thanh toán đủ) và bồi thường thiệt hại của BVTN.  

Do bất bình với chủ trương mới của BVTN mà Nguyên Giám đốc Công ty Đ-Y 33 đã vi phạm pháp luật và trả giá đắt với án tù 20 năm. Trước những diễn biến căng thẳng giữa công ty Đ-Y 33 và bệnh viện hiện nay, theo luật sư, hai bên cần có những hành xử pháp lý như thế nào để được bảo vệ trước pháp luật mà không vi phạm pháp luật khi hành xử bằng luật rừng, bằng xã hội đen?

Việc Nguyên Giám đốc Nguyễn Quang Đạt vi phạm pháp luật đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Việc vi phạm hợp đồng của BVTN là câu chuyện hoàn toàn riêng biệt. Cách duy nhất, theo tôi hiện nay để giải quyết vấn đề này là đối thoại. BVTN cần tôn trọng lợi ích của Công Ty Đ-Y33, tôn trọng lợi ích của các nhà đầu tư góp vốn vào Công Ty Đ-Y33. Theo chúng tôi được biết, rất nhiều nhà đầu tư này là các cán bộ công nhân viên của Bệnh Viện Thanh Nhàn và Bệnh Viện Bạch Mai. Các nhà đầu tư trên cơ sở tin tưởng vào chủ trương xã hội hóa của nhà nước và cũng với tấm lòng với bệnh nhân đã góp vốn vào Công Ty Đ-Y33. Với hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng của BVTN, các nhà đầu tư này đang đứng trước nguy cơ mất số tiền đã góp vào Công Ty Đ-Y33 do công ty này có thể phá sản.

Điều đáng trách là Ban giám đốc BVTN đã không có thiện chí đối thoại. Như đã nói ở trên phía Công Ty Đ-Y 33 đã rất thể hiện sự thiện chí khi có đến 4 Công văn đề nghị BVTN tổ chức các cuộc họp để đối thoại, tuy nhiên phía BVTN vẫn không có bất kỳ phản hồi nào.

Cuối cùng, cá nhân tôi nghĩ rằng cách làm của BVTN đang đi ngược với những chủ trương chính sách về xã hội hóa của ngành y tế.

Xin cảm ơn luật sư!

Mời công an vào thay vì đối thoại?

Đại diện Công Ty Đ-Y33 cho biết sau khi họ có hành vi căng băng rôn, khẩu hiểu tại Bệnh viện để yêu cầu Ban giám đốc BVTN đối thoại ngày 1/8 vừa qua, lãnh đạo BVTN không những vẫn cố tình không đối thoại mà còn mời công an vào để “dọa”. Cụ thể, công an phường Thanh Nhàn ngay ngày hôm sau đã có văn bản yêu cầu đại diện của Đ-Y 33 tới làm việc về hành vi căng băng rôn và cho rằng đó là hành vi “gây rối trật tự công cộng”. Nhóm phóng viên PLVN đã nhiều lần liên hệ với người có thẩm quyền phát ngôn của BVTN để yêu cầu được phỏng vấn, làm rõ sự việc song người đại diện của BVTN trả lời: chờ công an kết luận mới trả lời báo chí.

Bình luận về tình tiết này, luật sư Lê Thành Vinh cho rằng việc nhóm cán bộ, nhân viên của công ty Đ- Y 33 căng băng rôn, khẩu hiệu diễn ra một cách tuyệt đối yên lặng, ôn hòa, không hề có bất kỳ hành vi bạo lực hoặc gây mất trật tự nào. Ngay khi công an phường Thanh Nhàn xuất hiện, cùng với bảo vệ BVTN đề nghị những người căng băng rôn giải tán, những người này đã tự nguyện chấp hành một cách trật tự. Với diến biễn như trên, chúng tôi tin rằng những người căng băng rôn không vi phạm bất cứ quy định nào của pháp luật Việt Nam.

Cũng cần phải nhắc lại, Công Ty Đ-Y33 đã có bốn lần đề nghị gặp gỡ, trao đổi với BVTN đề giải quyết, thanh lý hợp đồng nhưng đã không nhận được bất kỳ phản hồi, dấu hiệu hợp tác nào từ phía BVTN. Chính điều này đã dẫn đến việc căng băng rôn yêu cầu BVTN nói trên.

PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin!

Nhóm PVĐT thực hiện

Đọc thêm